Đọc nhanh: Đời tù một thiên nga

Của Nguyễn Thanh Thủy

Tôi nhận được Hồi ký “ Đời Tù Một Thiên Nga” của tác giả là chị Nguyễn Thanh Thủy, Hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa gửi tặng vào cuối tháng 10 năm 2023 trước ngày ra mắt sách tại Thư Viện Việt Nam của Thủ Đô Tỵ Nạn, 11 tháng 11 năm 2023 từ 2 -5 gờ chiều.

Tôi được biết tác giả Nguyễn Thanh Thủy qua bà Khúc Minh Thơ trong ngày Hội Gia đình Tù nhân Chính Trị Việt Nam tổ chức Ngày Tù Nhân Chính Trị tháng 10 năm 2008 tại Dallas, Texas. Sự thân quen càng ngày càng gần gũi hơn qua các lần tổ chức Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh ở Nam Cali, Bắc Cali và đặc biệt Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh tổ chức tại Hội trường Giáo xứ Thánh Phêrô năm 2019. Trong thâm tình giao hảo và thân thiện tôi được chia sẻ của chị về một số sự kiện liên quan đến cuộc đời của người Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga trong quá khứ và những nhận định liên quan về con người qua nhận xét riêng dưới con mắt tình báo của chị. Bản lãnh của một người làm tình báo đã thể hiện trong cuốn hồi ký này khi tôi đọc trang 15:

“Sáng ngày 1-5-1975, tôi nghe một giọng nữ đanh đá the thé loan báo lệnh của Ủy Ban Quân Quản yêu cầu tất cả ngụy quân ngụy quyền ra trình diện. Ngày hôm sau, tôi đến trình diện tại văn phòng Khối Cảnh sát Đặc Biệt trên đường Cộng hòa cũ, được Việt cộng dùng làm cơ sở Cảnh sát mới. Tôi no65o một khẩu súng ngắn nhỏ Browning, và 1 thẻ căn cước dân sự của VNCH rồi vê nhà chờ.

Ngày 5-5-1975, tôi đưa cháu Tiên, con gái út của tôi bị sốt, đến bác sĩ gia đìnhLê Tài Sinh để khám bệnh. Lúc trở về nhà, tôi được chống tôi cho biết có hai thanh niên khoản 22 đến 25 tuổi đến trao thư mời Thiếu tá Cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga. Nhà tôi hỏi:

-Em làm cái gì có tên là Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga vậy?

Tôi trả lời:

-Đâu có. Anh nghe lầm rồi.

-Nó đưa giấy mời cho anh đọc rõ ràng. Em đừng chối…”

Đọc một đoạn trên đây cho chúng ta nhận rõ bản lãnh của người Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy luôn luôn giữ bí mật dù người đó là người bạn đời, đầu ấp tay gối của mình!

Một khám phá đặc biệt khác trong tập hồi ký này là nhân vật Vũ Thành An, tuy không mới vì nhiều người và nhiều bài viết về con người làm anten trong tù của Vũ Thành An.

Người thật việc thật được tác giả Nguyễn Thanh Thủy đã kèm theo và phổ biến trong hồi ký Đời Tù Một Thiên Nga. Đó là hai sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thành An trong tù: “Việt Nam ta tươi đẹp phồn vinh” và “Con Đường Mới (Đính kèm).

Hình ảnh của một Vũ Thành An tài hoa với những ca khúc không tên, một Thầy Phó Tế, một người làm việc từ thiện biến dạng như một nhân vật đáng khinh qua lời kể lại của một nhân chứng sống đang sinh sống tại Dallas, cựu Đại úy Trần Văn Chính hiện là Chủ tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, nguyên khóa 4 Biên Tập Viên Cảnh Sát, ở tù chung trại với Vũ Thành An, đã nói rằng Vũ Thành An là antenna nguy hiểm nhất, đã từng hại rất nhiều chiến sĩ của ta. Có người lại bảo Vũ Thành An đâm sau lưng chiến sĩ, nhưng anh Trần Văn Chính lại bảo rằng "hắn đâm đàng trước nhiều hơn đâm sau lưng. Vậy từ đây trở về sau, tên được gọi là Vũ Thành An và tên gọi được là Vũ Thành An-ten-na !!
Xin mời đọc: “Đời Tù Một Thiên Nga của tác giả Nguyễn Thanh Thủy”  

Thái Hóa Lộc

Chúng tôi xin chuyển bài viết giới thiệu tác phẩm “Đời Tù Một Thiên Nga của tác giả Nguyễn Thanh Thủy” của ông Phạm Quang Trình Cựu Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại để quý độc giả tìm hiểu thêm:

“Đời Tù Một Thiên Nga là hồi ký của bà Nguyễn Thanh Thủy tác giả cuốn Biệt Đội Thiên Nga viết về ngành tình báo đặc biệt của Việt Nam Cộng Hòa mà nhân sự toàn là phụ nữ.

Bà Nguyễn Thanh Thủy là Cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia, tốt nghiệp khóa I Biên Tập Viên CSQG năm 1966, được cử làm Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga vào năm 1969 sau 2 vị tiền nhiệm là Trần Thị Kim Hạnh và Nguyễn Thị Minh Chánh.

Bà Nguyễn Thanh Thủy là Sĩ Quan Cảnh Sát Đặc biệt thuộc Khối Đặc biệt từ thời Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan làm Tổng Giám Đốc CSQG (1966) cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Biệt Đội Thiên Nga trực thuộc Khối Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như các tỉnh lỵ địa phương trên toàn lãnh thổ Miền Nam.

Sau 30-04-1975, bà Nguyễn Thanh Thủy bị vô tù Cộng Sản đến 1988 mới được thả ra (đúng 13 năm tù).  Bà mang cấp bậc Thiếu Tá (thực ra bà đã được thăng cấp Trung Tá trên văn thư chính thức, chỉ chờ ngày 01-6-1975 sẽ gắn lon). Nhưng tình hình Miền Nam biến chuyển quá mau với biến cố 30-04-1975 nên bà vẫn còn mang lon Thiếu Tá. Một nhân vật chỉ huy một bộ phận đặc biệt như Biệt Đội Thiên Nga với cấp bậc Thiếu Tá thường được ưu tiên di tản ra nước ngoài  như các viên chức cao cấp khác. Nhưng rủi thay, giữa cảnh hỗn loạn, bà bị kẹt lại lãnh đủ 13 năm tù khổ sai. Nhưng cũng vì cái xui xẻo đó, với tinh thần trách nhiệm, và lòng yêu thương đồng đội và hàng ngàn Thiên Nga từ trung ương đến địa phương, mà bà đã bí mật vào văn phòng ở Bộ Tư Lệnh CSQG tiêu hủy hết khối hồ sơ mật của Biệt Đội Thiên Nga mà không ai biết. Ngay chồng bà lái xe đưa bà đến cổng sau Bộ Tư Lệnh cũng không biết. Bà một mình có thẻ đặc  biệt vào cổng làm nhiệm vụ khẩn cấp. Chính nhờ hành động gan dạ đó mà khối hồ sơ mật của Biệt Đội không lọt vào tay Cộng Sản nên hàng ngàn Thiên Nga đã thoát nạn tù tội.

Bà đã trải qua bốn trại tù: Một (01)  ở Sài Gòn, (02) trại Thủ Đức, (03) trại Long Thành) và (04) trại Hàm Tân tức Z30D). Trong tù, Cộng sản hành hạ và khai thác tối đa. Tuy là một hoa khôi của Viện Đại Học Đà Lạt, chỉ vì bị ở tù vài năm, thân xác bà đã tàn tạ, chỉ còn da bọc xương, răng rụng hết.  Nhưng bà vẫn kiên trì giữ vững lập trường quốc gia, bảo vệ đồng đội cách an toàn, không để mất một ai và đã cứu được nhân viên trong những trường hợp, những hoàn cảnh rất nguy hiểm, thập tử nhất sinh như trường hợp Võ Thị Cẩm Vân. Tuy thân xác yếu đuối nhưng tinh thần bà mạnh mẽ. Bà đã “qua mặt” và “hóa giải” được những cạm bẫy nguy hiểm do kẻ thù giăng ra trong suốt thời gian 13 năm ở tù. Đại Tá Cộng sản Bùi Tín đã đến trại tù gặp bà hai lần phỏng vấn và viết bài rêu rao. Bộ Trưởng Công An Mai Chí Thọ cũng đến ngó bà, một bệnh nhân nằm liệt giường đang chờ chết!

Hoàn cảnh gia đình bà rất bi thương. Hai vợ chồng đều đi tù. Ba đứa con thơ dại đang cần sự chăm sóc của mẹ thì mẹ phải ở tù. Ba đứa con bất đắc dĩ phải ở với ông bà ngoại, một gia đình giàu có làm ăn lương thiện, là Giám đốc một Trường Trung Học nổi tiếng ở Mỹ Tho và có nhà Ngân Hàng, nhưng tất cả tài sản bị tich thu sau 30-04-1975. Ông bà cụ phải nuôi bầy gà, nhặt từng cái trứng để nuôi các cháu.

Tôi phụ trách Tủ Sách Ngô Đình Diệm nhằm sưu tầm các tài liệu liên quan đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Cộng Hòa Việt Nam. Một ngành tôi quan tâm tìm kiếm là ngành Tình Báo. Tài liệu ngành này hiếm hoi, rất khó kiếm. Mà những người làm việc trong ngành này làm cái việc hết sức bí mật. Vợ làm chồng không biết. Chồng làm vợ cũng không biết. Nói tắt là “sống để bụng, chết mang theo”.                                           

Tôi quen biết bà muộn màng, mới 3 năm thôi. Nhưng đó là cơ duyên mà do Trời đưa đẩy. Trước đây mấy năm, tôi đã nghe tiếng bà và đã gọi điện thoại hỏi thăm. Chỉ một lần thôi. Tôi cũng ngại tiếp xúc với phụ nữ có chồng, e rằng dễ bị hiểu lầm. Nhưng đến khi được tin bà ra mắt sách Biệt Đội Thiên Nga thì tôi mua liền. Đọc xong, tôi gọi điện thoại trao đổi với bà mới biết chúng tôi có những điểm giống nhau: Bà ở trại Z30D Hàm Tân, nhà 7. Tôi cũng ở trại  Z30D Hàm Tân, nhà 7 năm (1980). Bà 13 năm xa nhà. Tôi cũng 13 năm xa nhà (vượt ngục, vượt biên và lưu vong).

Tôi nhận ra bà là người gan dạ, mưu trí, bản lãnh, lại làm việc trong ngành Tình Báo, một ngành đòi hỏi nhiều khả năng, phải được chọn lựa rất kỹ càng, kín đáo, âm thầm, với kỷ luật vô cùng chặt chẽ.

Tôi hỏi bà: “Chị bị kẹt lại có buồn lo không? Bà trả lời: lo chớ, nhất là mình lại làm việc trong ngành tình báo, cái ngành mà Cộng Sản căm thù nhất, ghét nhất. Nhưng tôi tin có số Trời.”

Tôi nói: “Chị nghĩ đúng, bị kẹt lại thật đáng lo sợ. Nhưng chị tiêu hủy được khối hồ sơ mật, cứu được hàng ngàn Thiên Nga là một kỳ công, rất đáng được hoan nghênh. Cũng nhờ bị ở tù 13 năm khổ sai mới có dữ liệu mà viết ra được sách Biệt Đội Thiên Nga để nói lên sự đóng góp và hy sinh lớn lao của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam anh hùng và nhất là lấp được khoảng trống lịch sử chiến tranh chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa là điều vô cùng quan trọng và quý giá. Kẻ thù chỉ có thể ghét chớ không thể coi thường phụ nữ Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc đấu tranh đầy Chính Nghĩa. Trong khi bọn Cộng Sản gian manh tung lên trên mạng những bài viết, những hình ảnh ngụy tạo để rêu rao phỉ báng ngành Tình Báo VNCH, cách riêng Biệt Đội Thiên Nga thì chị viết sách Biệt Đội Thiên Nga chính là đập vào mặt chúng, là kê tủ đứng vào miệng chúng khiến chúng phải ngậm tăm.”

Năm nay, bà Nguyễn Thanh Thủy lại cho ra mắt hồi ký Đời Tù Một Thiên Nga với những chi tiết ly kỳ, hấp dẫn, nói lên những sự thật thê thảm của đời tù ít người biết, trong đó có hai bài hát ca tụng “Bác Hồ Kính Yêu và Đảng  Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh” của nhạc sĩ Vũ Thành An thì đúng là một trái bom nổ tung trong làng báo và truyền thông. Sự thật phũ phàng: Vũ Thành An bắt cả trại viên học thuộc và hát 2 bài này, nhưng riêng bà Nguyễn Thanh Thủy không thuộc. Vũ Thành An liền cảnh cáo bà, bắt bà phải học thuộc lòng, sau hai ngày hát lại cho Vũ Thành An nghe. Đến lúc đó ông nhạc sĩ tác giả “Những bài không tên” mới tha cho nạn nhân.

Đời tù Một Thiên Nga là một tài liệu giá trị, quý hiếm trong muôn ngàn tài liệu về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Tôi chân thành cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu Đời Tù Một Thiên  Nga với đồng bào và quý độc giả Việt Nam trên toàn thế giới. Sách sẽ được ra mắt ngày 11-11-2023. Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để mua sách qua email: thanhthuy.bietdoithiennga@gmail.com hoặc gửi thư cho David Le P.O.Box 5201 Anaheim, CA 92814

 San Jose ngày 29 tháng 10 năm 2023

Phạm Quang Trình

Previous
Previous

Hãy chấp nhận thay đổi để mọi chuyện tốt đẹp hơn?

Next
Next

Ném đá giấu tay