Hội đồng hương Bình Định DFW tổ chức kỷ niệm lễ chiến thắng Đống Đa năm thứ 234.

Garland, Texas.- Trong 12 năm thành lập Hội Đồng Hương Bình Định Dallas-Fort Worth, năm đầu tiên chương trình ngày lễ Chiến thắng Đống Đa lần thứ 234 năm nay qua dư luận nhận định Hội Đồng hương Bình Định đã tổ chức thành công hơn các lần trước từ sự trang nghiêm nhưng đơn giản qua ý nghĩa của buổi lễ.

Rước Di Ảnh Đại Đế Quang Trung

Nghi thức đầu tiên sau khi cử hành lễ chào cờ Việt-Mỹ và phút mặc niệm là rước di ảnh Đại Đế Quang Trung tại vị trên bàn thờ được đặt trên sân khấu. Tiếp theo là lời phát biểu hai mạc của ông Hồ Văn Toại, Hội trưởng Đồng Hương Bình Định:

Hội Trưởng Hội Ái Hữu Đồng Hương Bình Định Hồ Văn Toại

“Kính thưa Quý Bậc Trưởng Thượng,

Cựu Thiếu Tướng Lương Xuân Việt, Thị trưởng thành phố Haltom City Trương Minh Ẩn, Nhị vị Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas – Hạt Tarrant, Nghị viên thành phố Arlington Phạm Long, quý vị Hội trưởng các Hội Đoàn và Đoàn thể Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa, quý cơ quan truyền thông báo chí, quý quan khách cùng đồng hương.

Trước hết, tôi xin đại diện quý vị cố vấn và Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Đồng hương Bình Định tại Dallas-Fort Worth gửi đến quý vị lời chào mừng nồng ấm nhất của chúng tôi.

Chúng tôi cảm ơn sự hiện diện của quý vị cùng với Đại Gia Đình Bình Định ngày hôm nay để chúng ta cùng nhau cử hành Ngày Kỷ trọng đại này. Kỷ niệm Đại Đế Quang Trung, Vị Anh hùng Dân tộc đã từng đánh Nam dẹp Bắc thống nhất sơn hà, sau hơn 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh chia đôi đất nước. Quý vị đến để cùng chúng tôi kỷ niệm vị anh hùng cái thế đã chớp nhoáng đánh tan 29 vạn quân Thanh làm cho quân địch kinh hoàng bạt vía. Xác quân Tàu  chất cao thành từng đống, thây quân Tàu làm nghẽn cả dòng sông. Chiến tịch ấy, đã làm cho cua Càn Long bên Tàu sững sờ, kinh ngạc. Chiến tích ấy đã đưa người tây Sơn Bình Định sánh ngang hàng với những danh tướng lừng danh trong lịch sử cận đại.

Hôm nay, chúng ta cùng tề tựu nơi đây để tưởng nhớ đến một thiên tài quân sự bách chiến bách thắng. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cùng nhau suy gẫm về tinh thần chống giặc ngoại xâm của Người. Tinh thần đó, là một ngọn đuốc soi đường cho chúng ta bây giờ và mãi mãi về sau này. Dân tộc Việt của chúng ta, tổ quốc thân yêu của chúng ta, đang đứng trên bờ vực thảm Hán hóa trong mai một. Và, hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ, thời bấy giờ.

Kính thưa qúy vị, chúng ta đang bước vào ngưỡng cửa một mùa Xuân mới, mùa Xuân của tin yêu và hy vọng. Ban Chấp Hành  Hội Ái Hữu chúng tôi xin kính chúc quý vị một mùa Xuân được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Năm mới Quý Mão, khỏe mạnh an khang và thịnh vượng. Mong rằng trong năm mới này, mọi ước vọng của quý vị sẽ thành tựu viên mãn và tốt đẹp.

Quý đồng hương thân mến, đặc biệt quý đồng hương Bình Định, cho tôi gửi lời thăm hỏi  đến mọi thành phần trong gia đình quý vị. Ban Chấp Hành chúng tôi luôn nghĩ đến quý vị và luôn đồng hành với quý vị.

Kính thưa Quý vị và các bạn,

Hôm nay, trước linh đài Đại Đế, trong khoảnh nhắc trang nghiêm và trầm ấm này, tôi xin long trọng tuyên bố: Ngày Tổ Chức Kỷ Niệm Đại Đế Quang Trung  Chiến Thắng Đống Đa và Mừng Xuân Quý Mão bắt đầu.

Thân ái kính chào quý vị.”

Tiếp theo là phần sơ lược lịch sử của Đại Đế Quang Trung được ban tổ chức giao trách nhiệm cho chúng tôi, người viết bản tin này. Nhiệm vụ tuy dễ nhưng theo suy nghĩ của tôi lại vô cùng khó khăn. Dễ hiểu theo nghĩa đơn giản là những gì ghi trong sách vở đem ra đọc lại như chúng ta thường thấy và đã nghe những lần trước. Tôi nghĩ đọc lịch sử không phải lập lại mà bắt đầu từ hiện tại và tôi đã dẫn chứng lời nói của chúng tôi với cựu Thiếu Tướng Lương Xuân Việt trước buổi lễ khi nhắc lại lịch sử của Đại Đế Quang Trung.

Hoạt cảnh Chiến thắng Đống Đa

Cựu Thiếu tướng Lương Xuân Việt hỏi tôi là ban tổ chức có mời đồng hương ngoài tỉnh Bình Định không? Tôi đã trả lời không chút đắn đo là Vua Quang Trung, người xuất thân tỉnh Bình Định là vị anh hùng của dân tộc Việt Nam không chỉ riêng tỉnh Bình Định. Nhưng người Bình Định phải có trách nhiệm đầu tiên hơn các địa phương khác và đây cũng là niềm hãnh diện để người Bình Định đứng ra tổ chức kỷ niệm vị anh hùng áo vải Tây Sơn Bình Định Nguyễn Huệ.

Vua Quang Trung sinh năm 1753 và băng hà năm 1792, hưởng dương 39 tuổi. Triều đại Tây Sơn là triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam, dù rằng triều đại Tây Sơn có đội ngũ tướng lãnh hùng mạnh như thất hổ tướng gồm có:

1.Võ Văn Dũng hay còn gọi là Vũ Văn Dũng. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Tư khấu, Đại Tư khấu, Đại Tư đồ. Tước phong của Vũ Văn Dũng: Hám Hổ Hầu, Chiêu Viễn Hầu, Vũ Quốc công.

2. Võ Đình Tú hay còn gọi là Vũ Đình Tú. Ông lần lượt giữ các chức: Đổng lý, Đại Đổng lý, Binh bộ Thượng thư (triều Thái Đức), Binh bộ Tham tri (triều Cảnh Thịnh), An phủ sứ Phú Yên

3. Trần Quang Diệu hay còn có bản ghi là Nguyễn Quang Diệu. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Đại Tổng quản, Trấn thủ Nghệ An, Thiếu phó. Tước phong của Trần Quang Diệu: Siêu Vũ hầu, ông còn được phong tước Quận công và Quốc công nhưng không rõ danh hiệu do chưa tìm được nguồn tư liệu.

4. Nguyễn Văn Tuyết hay còn gọi là Đinh Công Tuyết. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Tư lệ, Đại Tư lệ, Trấn thủ Hải Dương, An Quảng. Tước phong của Nguyễn Văn Tuyết: Tuyết Quang hầu, ông còn được phong tước Quận công và Quốc công nhưng không rõ danh hiệu do chưa tìm được nguồn tư liệu.

5. Lê Văn Hưng. Ông lần lượt giữ các chức: Đề đốc, Đô đốc, Đại Đô đốc, Thái úy, Trấn thủ Diên Khánh, Bình Thuận (triều Thái Đức), Binh bộ Thượng thư, Thái úy (triều Cảnh Thịnh).

6. Lý Văn Bưu: hay còn gọi là Lý Văn Mưu (Miêu). Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc.

7. Nguyễn Văn Lộc. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Trấn thủ Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Và Tây Sơn ngũ phụng thư là danh hiệu của năm phụ nữ nổi bật của nhà Tây Sơn, gồm có:[1]

1.Bùi Thị Xuân (1752 - 1802), là vợ Thiếu phó Trần Quang Diệu.

2.Bùi Thị Nhạn (? - 1802), là một trong số vợ của tướng Nguyễn Huệ (về sau là vua Quang Trung).

3.Trần Thị Lan (? - 1802), là vợ của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.

4.Huỳnh Thị Cúc (? - 1802), không có chồng. Bà là nữ tướng dưới quyền của Bùi Thị Xuân.

5.Nguyễn Thị Dung (? - 1802), là vợ của tướng Trương Đăng Đồ.

Lịch sử Vua Quang Trung cần phải tìm hiểu thêm như cái chết của ông. Sử gia Trần Trọng Kim viết “Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà. “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” thì ghi “Vua Quang Trung mất vào năm Nhâm Tý (1792). Sử gia Hoàng Xuân Hãn thì viết “Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ Dạ Tý tức là ngày 16 tháng 9 năm 1792. Phần lớn các tài liệu đều viết là Vua Quang Trung mất vào ngày HAI MƯƠI CHÍN THÁNG BẢY năm Nhâm Tý tức vào ngày 16 tháng 9 năm 1792. Trong các sách như “Tây Sơn Thực Lục”, “Lê Quý Dật Sử” hay trong bài thơ của Phan Huy Ích (trong tập “Dụ am ngâm lục”) thì lại ghi ngày Vua băng hà là ngày BA MƯƠI THÁNG BẢY năm Nhâm Tý. Ông Phan Huy Ích là cận thần của Vua Quang Trung thì chắc chắn ông không thể nào lầm lẫn về ngày mất của Vua…

Cái chết của Vua Quang Trung kéo theo sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn đã có mầm mống thiếu đoàn kết bắt đầu lúc Nguyễn Huệ đưa 6 vạn quân vây thành Qui Nhơn của anh mình là Nguyễn Nhạc. Bài học đoàn kết không phải bây giờ chúng ta mới nói đến. Sự chia rẽ không thể nào đưa đến thành công, bài học này tuy đã cũ nhưng nhưng không mấy ai trong chúng ta, cộng đồng, hội đoàn ngay cả các tổ chức cựu quân nhân hải ngoại chưa tìm ra chân lý của sự đoàn kết. Tại sao triều đại Tây Sơn binh hùng tướng mạnh nhưng lại là triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt nam…

Trong phần phát biểu dành cho quan khách, ban tổ chức đã mời cựu Thiếu tướng Lương Xuân Việt chia sẻ cảm nghĩ của mình trong ngày kỷ niệm lần thứ 234 chiến thắng Đống Đa của Đại Đế Quang Trung. Ông cảm ơn ban tổ chức đã mời ông đến tham dự buổi lễ quan trọng kỷ niệm Vua Quang Trung nhưng tư cách của ông đến như một hậu duệ của Vua Quang Trung không phải là khách mời. Ông tự nhận trong người mang dòng máu Quang Trung và rất hãnh diện để tham dự buổi lễ kỷ niệm tưởng nhớ Ngài. Một vài người hiểu lầm khi ông so sánh Vua Quang Trung với Nguyễn Trải không có nghĩa là ông thua tác giả Bình Ngô Đại Cao mà chính là muốn nêu bật cái tài cái thế dũng lược từ một nông dân áo vải trở thành một danh tướng bách chiến bách thắng và rất xứng đáng người lãnh đạo đất nước. Cái chết của ông kéo theo sự sụp đổ triều đại Tây Sơn.

Sự thành công của buổi tổ chức do sự đóng góp và ý thức của mọi người. Những cá nhân nổi bật dấn thân trong ban tổ chức từ ông Hội trưởng, ông bà Châu Văn Đẳng, ông bà Nguyễn Vạn Hùng, Cô Võ Thu Hương, anh chị Đặng Tổng – Bửu (Houston), Cô Vy và phu quân…Nhưng rất tiếc một vài gia đình lần đầu đến tham dự như gia đình anh Sáu từ McKenney cùng với hai con lại không vào được vì quá đông và bỡ ngỡ. Một trong hai cháu ra trường với hạng xuất sắc sẽ gia nhập ngành Hải Quân Hoa Kỳ, là một hậu duệ mà tương lai rất sáng lạn không có cơ hội biết vì sao cộng đồng nói chung và Hội Bình Định nói riêng lại tổ chức Ngày Kỷ Kỷ Niệm Chiến Thắng Đống Đa của vua Quang Trung. Do đó, dù có cố gắng đến mức nào đi nữa cũng không tránh những thiếu sót. Hy vọng lần tới sẽ hoàn hảo hơn…      

Ca sĩ Việt Khang cùng hát đồng ca với những người tham dự

Previous
Previous

Hội Người Việt Tương Trợ và Phục Vụ (VAMAS) tổ chức Mừng Xuân quý Mão

Next
Next

Chào cờ đầu năm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ