Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu Chùa Đạo Quang
Garland, TX.- Chiều Chủ nhật ngày 18 tháng 08 năm 2024; đúng vào ngày Rằm Tháng Bảy năm Giáp Thìn vào lúc 10 giờ sáng tại Chùa Đạo Quang chính thức cử hành Đại Lễ Vu Lan, Mùa Báo Hiếu. Lễ cúng Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ bảy đời đã quá vãng, các chiến sĩ Quốc Gia đã bỏ mình vì chính nghĩa để dựng nước và bảo vệ nước, Quân Cán Chính đã bỏ mình trong các trại tù cộng Sản, cùng đồng bào vượt biển, vượt biên đã vùi thây nơi biển cả, rừng sâu trên đường tìm tự do…
Chương trình Đại lễ Vu Lan bắt đầu vào lúc 11 giờ với nghi thức Trai Tăng cũng như các Phật tử dùng cơm chay thân mật trước khi cúng vong tại Bảo Tháp. Từ ngày Chùa Đạo Quang xây dựng đến ngày nay không biết bao nhiêu đồng hương qua đời. Vị khai sáng ngôi chùa này là Đại lão Hoà Thượng Thích Tịnh Đức cũng đã ra đi theo thời gian. Bảo Tháp là nơi qui tụ rất nhiều hương linh và vong linh cũng là thân nhân Phật tử trong Chùa.
Không khí trầm buồn, khói hương nghi ngút ở Bảo Tháp hoàn toàn khác khi Phật tử tiến về Chánh Điện lúc 12 giờ 20 và tiếp theo là ba hồi chuông trống Bát Nhã cung thỉnh Chư Tăng Ni quang lâm bắt đầu nghi thức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Tiếng trống của đoàn múa Lân và tiếp đến đoàn dâng hoa tiến về ngôi chánh điện hoàn toàn khác ở Bảo Tháp khi đoàn dâng hoa tiếp tục gắn hoa theo nghi thức “Bông Hồng Cài Áo” cho Chư Tăng Ni và Phật tử.
Chương trình chính thức bắt đầu với Ban nhạc Pháp Vân Chùa Đạo Quang cử hành nhạc Phật Giáo Ca và phút mặc niệm.
Trước khi Chư Tăng Ni Phật Tử Tụng Kinh Đại Lễ Vu Lan, Đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn Viện Chủ Tự Viện Liên Hoa ban đạo từ đến Phật tử trong Chánh Điện. Mỗi năm nội dung và ý nghĩa đạo từ cũng không ngoài chữ Hiếu trong Đạo Phật, bổn phận của người con khi cha mẹ còn sống hay lúc đã qua đời…
Người Phật Tử luôn nhớ rằng Rằm Tháng Bảy Lễ Vu Lan Báo Hiếu đến chùa dâng hoa cúng Phật, tụng kinh cầu siêu cho cha mẹ vãng sinh, cầu bình an cho cha mẹ hiện tiền. Nhưng cái chính là nghe pháp và sống thật tốt với cha mẹ ở nhà. Dù cha mẹ già có sinh tật cũng biết tính ý mà uyển chuyển chiều chuộng, không làm cho cha mẹ tủi thân và buồn khổ. Cha mẹ đau yếu, bệnh tật phải năng thăm viếng và chăm sóc. Hiếu để phải thực hiện khi người còn sống. Đừng để cha mẹ qua đời mới khóc lóc tiếc thương.
Làm cha mẹ cũng đừng vì nghĩ mình có công sinh dưỡng mà tai ngược khó khăn làm khổ con cái. Cha mẹ và con có duyên với nhau từ kiếp trước. Con cái với mình đôi khi là nợ phải trả, đôi khi là ơn nghĩa được đền bù. Được và mất cũng là nghiệp và phước báo do mình tạo ra.
Làm cha mẹ hãy làm hết khả năng và trách nhiệm của mình với tất cả các con không thiên vị. Cùng được sinh ra, cùng lối giáo dục nhưng có đứa thật ngoan cũng có đứa hư hỏng. Đứa giỏi thành công, ta không nên quá coi trọng. Đứa thất bại không nên hất hủi, chê bai. Cũng không phải đổ cho nghiệp mạng rồi buông tay để mặc nó làm gì thì làm. Phải dùng hết khả năng, tình thương và sự giáo dục để giúp chúng sửa sai, mạnh dạn đứng lên xây dựng tương lai.
Khi con đã trưởng thành cha mẹ cũng phải tôn trọng sự riêng tư và quyết định của chúng. Đừng đem lên bàn cân hay thành kiến để hơn thua với con dâu hay con rể. Hãy thông cảm với con cái vì nó còn một gia đình phải lo lắng bảo bọc, cũng đừng xem con như lúc còn bé mà dang tay quá rộng chở che hay cung phụng để chúng ỷ lại.
Hãy chấp nhận rằng khi mình bệnh hoạn, già yếu phải cần có người chăm sóc, nhưng người đó không nhất thiết, bắt buộc phải là con mình. Bởi vì nuôi con ăn học, hy sinh cho con không phải là bắt nó bỏ tất cả công việc và gia đình để ở nhà chăm sóc cho mình. Sinh tử luân hồi, có sinh sẽ có diệt. Cha mẹ khuất núi rồi cũng sẽ tới phiên ta. Hãy sống vui và cảm thông trong mọi công việc, mọi con người. Được như vậy, sẽ thấy giảm bệnh tật, hoan hỉ trong cuộc sống.
Rồi cũng sẽ có một ngày, vào lễ Vu Lan, con cháu sẽ quỳ xuống như ta bây giờ mà cầu nguyện hồi hướng cho ta. Lúc ấy trong tâm tưởng con cháu chúng ta, tất cả những gì tốt hay xấu mà ta đã làm sẽ hiện ra rõ ràng trong ký ức chúng. Đâu có ai muốn con cháu tưởng nhớ là những hình ảnh không đẹp mà mình đã làm lúc tại thế. Cho nên ngay từ bây giờ hãy sống thật dễ thương…
Chiều đến vào lúc 7 giờ với nghi thức Thí Thực và Cầu Siêu Độ Chư Tăng Ni Phật Tử cùng tụng kinh trước tượng Mẹ Quan Âm. Ánh nắng gay gắt cũng bắt đầu dịu xuống, tiếng Tụng kinh vang vọng hướng về những vong linh không nơi nương tựa, cũng như thập loại chúng sanh…
Xin hãy chắp tay và cùng cầu nguyện.
Nguyện đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ra tay tế độ chúng sinh thoát qua kiếp nạn
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Kim Dinh