Đại Tá Kenneth W. Cordier – Người Tù Hỏa Lò Cộng Sản -Người Bạn Thân Thiết Cộng Đồng Việt Nam Đã Ra Đi

Đại tá Kenneth W. Cordier

Plano,TX.- Đại tá Kenneth W. Cordier, một phi công chiến đấu cơ F-4 bị bắn rơi hộ tống một chiếc B-66 về phía bắc Hà Nội ngày 2 tháng 2 năm 1966. Chiếc F-4C Phantom của Đại tá Cordier bị trúng đạn trực tiếp từ hỏa tiễn đất đối không (SAM), buộc ông phải nhảy dù. Ông bị bắt ngay lập tức và bị giam trong bốn nhà tù trong đó có nhà tù Hỏa Lò, một nhà tù khét tiếng của Hà Nội. Sau sáu năm ba tháng và hai ngày trong các trại tù Cộng Sản; cuối cùng được hồi hương như một phần của Chiến dịch Homecoming vào ngày 4 tháng 3 năm 1973!.

Đại tá Cordier là người gần gũi, gắn bó, hy sinh nhiều nhất, tham gia sinh hoạt với Cộng Đồng Dallas nhiều nhất dưới thời các vị Chủ tịch Cộng Đồng tiền nhiệm là Bác Sĩ Trương Ngọc Tích, Giáo Sư Đàm Trung Pháp và sau này càng gắn bó  trong nhiệm kỳ Ông Nguyễn Văn Tường, bên cạnh phu nhân của ông là Bà Jennifer Nguyễn cùng Ban chấp hành lúc bấy giờ trong suốt quá trình gian khổ để tạo lập trung tâm sinh hoạt Cộng Đồng Dallas tại Garland.  Ông qua đời trong giấc ngủ bình an bên cạnh người phối ngẫu 44 năm ngày 18 tháng 6, thọ 87 tuổi tại tư gia, thành phố Plano, tiểu bang Texas.

Ông Nguyễn Văn Tường nhận được tin nhắn thật ngắn từ bà Barbie Cordier vào lúc 9 giờ 43 phút sáng thứ bẩy 29 tháng sáu sau khi Ông qua đời được 11 ngày. Một bất ngờ lẫn bàng hoàng xúc động đối với ông bà và hình ảnh ngày cũ của ông  Kenneth Cordier vụt hiện lên trong tâm trí với sự tiếc nuối của ông bà. Bởi vì trước đó nhiều lần ông bà Tường hẹn với ông bà Cordier sẽ gặp nhau sớm tùy thuộc vào sức khỏe, chương trình thời gian hóa trị của bà Jennifer Nguyễn. Nhưng rồi với bận rộn các công tác xã hội và lần lựa mãi cho một lần gặp cũng chưa thực hiện được và Ông đã ra đi…

Qua lời kể của bà quả phụ Cordier thì sức khỏe của cả hai Ông Bà không được như trước nên đã quyết định rời căn biệt thự ở Dallas nơi hội ngộ của các tù binh chiến tranh Việt Nam, thân hữu, và gần nhất là năm 2022, chúng tôi đã tham dự một ngày sinh nhật ấm cúng đông đảo thân hữu. Và cũng vì sức khỏe, hai Ông Bà quyết định di dời dọn về một chung cư cao cấp tại Plano, nơi đã đưa ông vào giấc ngủ thiên thu… Ông chưa bao giờ nhập viện hay, chưa bao giờ cần dùng đến gậy hay xe đẩy, Ông vẫn khỏe và rất muốn gặp, nấu món cá hồi hấp trong máy rửa chén và nhiều món ngon chúng tôi thích nhất…

Cựu Đại tá Cordier tham dự ngày Quân Lực

Không ngờ gặp nhau lần cuối là ngày tiễn đưa linh cửu của Ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trong nghi thức dành cho một anh hùng không lực Hoa Kỳ với toán dàn chào danh dự cùng với 21 phát súng tiễn đưa.

Những chiếc phản lực bay trên bầu trời từ nay lại thiếu vắng một cánh gió siêu thăng. Một cánh chim đã gãy cánh lìa đàn cô đơn tại DFW National Cemetery sáng thứ sáu, 12 tháng bẩy đến nay, mà lòng chúng tôi vẫn còn bàng hoàng, với nhiều xót xa, tiếc nuối…

Đại tá Kenneth W. Cordier sinh ngày 16 tháng 2, 1937 lớn lên ở Ohio và tình nguyện vào Lực lượng Không quân thông qua chương trình ROTC của Đại học Akron. Ông trở thành sĩ quan và người hướng dẫn phóng hỏa tiễn Minuteman. Năm 1963 được nhận vào huấn luyện phi công, nhận được đôi cánh vào năm 1964 và hoàn thành khóa huấn luyện F-4 Phantom II phục vụ trong Phi đội chiến đấu chiến thuật số 45 tại Căn cứ không quân MacDill, Fla. Sau đó chuyển đến Căn cứ Không quân Hoàng gia Thái Lan tại Ubon vào tháng 1 năm 1965. Ông đã thực hiện 59 nhiệm vụ chiến đấu từ Ubon.

Đại tá Cordier

Sau khi rời trại tù Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, Cordier phải nhập viện và nghỉ dưỡng sức nhưng vẫn ở lại Lực lượng Không quân và đủ điều kiện để lái máy bay chiến đấu.

Ông tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Tham mưu Lực lượng Vũ trang và lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Bang Troy, Alabama. Lần lượt là giám đốc hoạt động tại Căn cứ Không quân Holloman, N.M., và sau đó tại Căn cứ Không quân Sembach, Tây Đức.

Trong ngày tiễn đưa Ông lần cuối, Trung tá đã nghỉ hưu Jerry Singleton ở chung phòng giam với Kenneth và những người Mỹ khác tại trại tù Hỏa Lò Hà Nội, Việt Nam chia sẻ; ‘ Bạn đã nghe điều gì đó về việc nó diễn ra như thế nào. Nó tệ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Lý do duy nhất khiến chúng tôi được giữ sống là vì họ coi chúng tôi là những con bài thương lượng chính trị nếu họ phải thương lượng để kết thúc chiến tranh." Chính điều này đã làm tôi nhớ lại một cuộc hội ngộ kỳ diệu của ba người tù Hỏa Lò là Đại tá Cordier, tác giả Hồi ký Thép Đen Đặng Chí Bình và ông Nguyễn văn Lộc (Lộc Vàng) tại tư gia ông bà Nguyễn Văn Tường ngày 24 tháng 9 năm 2014. Một sự xúc động không thể diễn tả được giữa cựu Đại tá Kenneth Cordier và Thép Đen Đặng Chí Bình. Theo thứ tự thời gian, tháng 6 năm 1962 Đặng Chí Bình đến Hỏa Lò tiếp theo Ken Cordier tháng 12 năm 1966 và Lộc Vàng năm 1968. Một chai rượu mang tên Prisoners được ông Ken Cordier mang đến để cùng chia sẻ niềm đau đã qua và nâng ly chúc mừng ngày hội ngộ kỳ diệu!

Cựu Đại tá Ken Cordier và ông Đặng Chí Bình dùng sơ đồ nhà tù Hỏa Lò trên bìa Thép Đen định vị xà lim nào mình đã bị nhốt và tra tấn. Tiếp theo là những mẩu chuyện cười ra nước mắt trong nhà tù Cộng sản đặc biệt là tại Hỏa Lò. Mọi người cùng nâng ly, trong đó có các chiến hữu binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa như cựu Trung tá Thành, Thiếu tá Sơn Houston, nhà thơ Lê Quang Sinh Dallas, Duyên Hùng từ Pháp và anh Thành đến từ  Florida. Trong lúc nhắc lại nguyên nhân sự có mặt của Thép Đen Đặng Chí Bình vì mười đồng bạc (Cộng sản Việt Nam); Thiếu tá Sơn cũng nhắc đến mười mỹ kim của cựu Trung tá Nguyễn Văn Tường khi vừa đặt chân đến đảo tỵ nạn, lần đầu tiên tiết lộ! Cũng mười đồng bạc ân tình!

Đại tá Ken Cordier trong áo bay màu đỏ nhân dịp hội ngộ F5 năm 2012.

Đại tá Ken Cordier trong bộ áo bay màu đỏ cùng các chiến hữu cựu Trung tá Nguyễn Văn Tường

Trong dịp này, anh Lộc Vàng đã gửi tặng đến mọi người hai ca khúc, một kỷ niệm khó quên khi mỗi người mỗi nơi. Ông Kenneth Cordier muốn giữ cho mình giọng hát của anh mặc dù ông không hiểu ý nghĩa nội dung bài hát…”.

Ông Đặng Chí Bình và Ông Cordier đã từ giã chúng ta Tất cả còn lại chỉ là kỷ niệm buồn… Riêng cá nhân bà Jennifer Nguyễn với những điều chia sẻ  ân tình về người ra đi như một lời tạ lỗi muộn màng từ tận đáy lòng. Lỗi hẹn cho một lần gặp cuối cùng.  Không bài học nào giống nhau nhưng và sự tiếc nuối này sẽ đi theo bà đến ngày nhắm mắt xuôi tay…

Buổi lễ tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, trước khi hạ huyệt, đầy đủ nghi thức và ý nghĩa khiến tất cả mọi người nhói lòng khi trung tá Jerry Singleton đã dùng lối truyền tin độc nhất có thể làm trong suốt thời gian bị hành hạ, gông chân để chào buổi tối, buổi sáng, ông dùng fray mình gỏ tín hiệu truyền tin vào quan tài lần cuối cùng: ngủ ngon nhé bạn ơi, chúng ta sẽ gặp lại nhau ...

Xin cám ơn những gì Ông đã làm cho đất nước Việt Nam và sự đóng góp vào cộng đồng người Việt Nam tỵ nạn cộng sản nói chung và Cộng đồng Người Việt Dallas nói riêng. Xin tạm biệt Ông và chúng tôi luôn nhớ về Ông. 

Thomas/Jennifer/Thai

Previous
Previous

Giải Túc Cầu Giao Hữu Từ Thiện “Responders” Lần Thứ II

Next
Next

Cuộc Gặp Gỡ Thị Trưởng Thành Phố Sachse Với Hành Trình Phía Trước