Khai giảng niên khóa Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang niên khóa 2024-2025

Richardson TX.- Trưa Chúa nhật ngày 8 tháng 9 năm 2024 trong khu Wichita Hall của Trường Đại học Cộng đồng Richland thuộc thành phố Richardson bổng trở nên nhộn nhịp khác thường. Nhiều học sinh và phụ huynh tấp nập cùng về tham dự ngày khai giảng niên học mới của Trường Việt ngữ Văn Lang, niên khóa 2024-2025…

Từ ngoài bước vào building Wichita Hall trước mặt chúng tôi thấy Ban Điều hành trường Việt ngữ Văn Lang đang ghi danh, sắp xếp  lần lượt các học sinh ghi danh theo từng lớp của mình theo học. Phía bên trái từ ngoài nhìn vào là bàn T. Shirts có ngữ Việt Ngữ Văn Lang, áo không đề giá bán mà chỉ nhận sự ủng hộ tùy hỷ. Chúng tôi cũng gặp Đài truyền hình SBTN Texas đang thực hiện các cuộc phỏng vấn phụ huynh và học sinh cả Việt lẫn Mỹ. Ngày tựu trường năm nay khí hậu mát dịu hẳn hoàn toàn khác với thời gian khai giảng năm qua, niên khóa 2023-2024 nóng bức còn phủ lên thành phố Dallas. Niên khóa năm 2024-2025 là năm học thứ 25 của Trung tâm Việt Ngữ Văn Lang Dallas.

Theo đúng như chương trình dự định, nghi thức khai giảng niên học mới lúc 1 giờ chiều nên mọi người được mời vào hội trường còn số ít người còn lại bên ngoài tiếp tục ghi danh, hoàn tất thủ tục nhập học...

Nghi thức chào cờ và phút mặc niệm

Thầy Nguyễn Thành Đức và Thầy Long điều hợp chương trình nghi thức chào quốc kỳ Mỹ - Việt và một phút mặc niệm. Các em nhận trách nhiệm hát quốc ca Mỹ - Việt một cách trang trọng trong sự kính phục của các phụ huynh và học sinh hiện diện. Tiếp theo lời giới thiệu thầy Nguyễn Thành Đức, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Dziễm nhắc lại mục đích và ý nghĩa sự ra đời Trung tâm Việt Ngữ Văn Lang cũng như cảm ơn Thầy Cô giáo đã nhiệt tâm đóng góp công sức xây dựng thế hệ Việt nam con cháu sau này: “Suốt những năm qua các Thầy Cô tận tụy cùng góp một bàn tay và trái tim của mình giúp các em học tiếng Việt dù có một em hay bố năm em giờ nào các Thầy, các Cô cũng cố gắng dạy tiếng Việt. Dạy các em đọc và viết, dạy nói tiếng Việt để giữ văn hóa của mình, giữ tinh thần gia đình. Đó là tinh thần hiếu học của người Việt Nam và đem lại cho các em một niềm hãnh diện nguồn gốc của mình là người Việt Nam. Những người Việt Nam xuất sắc ở xứ Mỹ này. Các em lớn lên luôn nhớ đến nguồn gốc và văn hóa của mình – Yêu gia đình – Yêu Tự Do. Các em nhớ rằng học sinh Trường Văn Lang rất kỷ luật, hiếu học và ngoan ngoản. Cảm ơn quý vị phụ huynh đã mang con em của mình tới đây cho chúng tôi cơ hội giúp các em học hành. Văn hóa Việt không chỉ qua thức ăn mà nhớ rằng người Việt Nam là những người xuất sắc ở xã hội Hoa Kỳ này. Văn hóa Mỹ cũng rất đặc biệt với tinh thần lạc quan, chiến đấu và tin rằng những điều gì mà mình quyết tâm sẽ làm được và thành công. Nhưng với người Mỹ thường nghĩ về cá nhân hơn là gia đình, con cái, cha mẹ nhiều. Truyền thống người Việt Nam đặc biệt hơn nhiều truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu một người Việt Nam có được hai đặc tính cả Việt lẫn Mỹ sẽ rất hạnh phúc…”

Tiếp đến Thầy Đào Đạt là giáo sư cơ hữu của Đại học Richland và cũng từ sự liên hệ này Trung tâm Việt ngữ Văn lang có được cơ sở để hoạt động từ 24 năm qua. Thầy Đạt trình bày một số tiện nghi trong trường từ an ninh, đến các phương tiện cần thiết trong thời gian khi thầy cô giáo và các em học sinh sử dụng phòng ốc cơ hữu của Đại học Richland. Anh Lộc, một đại diện phụ huynh học sinh cho biết vi trò của tổ chức này là phụ giúp nhà trường tạo điều kiện các em học tốt, tổ chức các cuộc vui chơi giải trí trong các dịp lễ tết như Trung thu, du ngoạn ngoài trời v.v…

Thầy Đào Đạt đại diện Trường Đại học Richland

Nhiều Thầy Cô giáo và những người phụ giúp và hỗ trợ đã có mặt  lần lượt được giới thiệu chỉ có một vài vị không hiện diện vì lý do đặc biệt riêng. Trong dịp này Thầy Cung đại diện Thầy cô giáo đã ngỏ lời cùng với quý vị quan khách, phụ huynh và các em: “Chúng tôi cảm ơn quý vị dù bận rộn cuối tuần đã hiện diện với các em tham dự ngày khai giảng của Trường Việt ngữ Văn Lang niên khóa 2024-2025. Sự hiện diện đông đủ của quý vị chứng tỏ quý vị đã hết hết quan tâm đến Trung tâm Việt ngữ Văn Lang. Cách nay 50 năm chúng ta cùng bỏ nước ra đi tìm tự do. Tất cả quý vị mang cả tinh thần quê hương Việt nam đến hải ngoại này. Quý vị đã nghe “Tôi yêu tiếng nước Tôi từ khi mới ra đời”. Quý vị luôn nhớ lời mẹ ru, tiếng nước tôi đã khóc cười với vận nước nổi trôi suốt hơn bốn ngàn năm và một điều quan trọng nữa là cụ Phạm Quỳnh đã nói rằng :Tiếng Việt còn nước Việt còn! Chính vì vậy mà chúng ta ở đây phải có nhiệm vụ duy trì, xây dựng và phát triển tiếng Việt tại hải ngoại. Bên cạnh đó quý vị có những con rất là ngoan chuyên cần, chăm chỉ. Suốt nhiều năm các em vẫn tiếp tục đến Trường Việt ngữ Văn Lang để học tiếng Việt. Các em sẽ là những người hiếu trung cho cộng đồng cho đất nước. Chính vì thế là những động lực thúc đẩy chúng tôi, những Thầy Cô ở đây tình nguyện ra dạy dỗ các cháu tiếng Việt, nguyện đem hết khả năng hướng dẫn để cháu trở về nguồn gốc Việt tại hải ngoại. Trước khi dứt lời tôi muốn kéo lại quá khứ khi còn nhỏ lúc ở quê nhà qua bài viết của tác giả Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. (Every year at the end of autumn, yellow leaves scatter on roads, and white clouds float in the air. I am very excited by sweet recollections of my first school day.

I cannot forget those great feelings that flourish in my heart like fresh flowers smiling under a clear sky. Those memories have not yet been penned because I did not know how to write then, and now I cannot totally recall them all. But whenever I see small children timidly nestle under their mothers’ conical hats for their first time to school).

Lời nói của Thầy Cung cũng đã khơi dậy nhiều kỷ niệm trong tôi hơn 70 năm về trước. Tiếng Việt ngày nay đã nên thông dụng hơn như một phong trào. Qua lời Thầy Nguyễn Thành Đức phỏng vấn trên đài Saigon Dallas radio 1160AM cho biết những năm đầu tiên số học sinh theo học tại Trung tâm Việt ngữ Văn Lang từ 400 người trở lên. Nhưng sau này, chương trình Việt ngữ lan truyền đến các cơ sở tôn giáo từ các chùa, nhà thờ và hội thánh đều có mở lớp Việt ngữ nên số học sinh theo học tại Trung tâm Việt ngữ Văn Lang giảm xuống chỉ còn 150 em.

Thầy Cung đại diện Thầy Cô giáo phát biểu

Theo lời anh Nguyễn Dziễm, Hiệu trưởng Trung tâm Việt ngữ Văn Lang, một trong những thành viên nồng cốt đầu tiên với một vài anh chị em thiện chí khác trong Hội Người Việt Phục Vụ Công Chính tiền thân của Hội Người Việt Tương Trợ (VAMAS) bây giờ. Được biết Thầy Dziễm xuất thân từ một sinh viên du học đến Hoa Kỳ năm 1971 sau khi học một năm kiến trúc tại Việt Nam. Anh đã tốt nghiệp ngành kiến truc Hoa Kỳ và thành công trong lãnh vực này nhưng những công việc của anh đa số đều liên quan đến người Hoa Kỳ. Nhưng đặc biệt ở anh là luôn nghĩ đến tiếng Việt trong số những người vào hoàn cảnh của anh đa số đã quên lãng. Anh lại là một người rất yêu quý tôn trọng lịch sử của đất nước Việt Nam với quan niệm “Tiếng Việt còn nước Việt còn”. Anh rất hãnh diện chữ quốc ngữ của người Việt ngày nay được công nhận là 1 trong 23 ngôn ngữ chính trên thế giới. Đó là điều mà hàng trăm dân tộc khác có nằm mơ cũng chưa thấy.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Dziễm

Tất cả mọi âm mưu phủ nhận chữ quốc ngữ dưới mọi chiêu bài chính là phản quốc, chống lại dân tộc. Hiện nay trên thế giới người ta thống kê có ít nhất 7.102 ngôn ngữ được biết đến, trong đó có 23 ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ của cộng đồng có hơn 50 triệu người dùng. Có 4,1 tỉ người dùng 23 ngôn ngữ này. Tiếng Việt Nam may mắn là một trong số đó. Trên bản đồ, mỗi ngôn ngữ được đặt trong các đường viền đen và được ghi chú số lượng người bản ngữ (tính bằng triệu) theo quốc gia. Màu sắc của các quốc gia này cho thấy ngôn ngữ đã bén rễ như thế nào ở nhiều khu vực khác nhau…

Trường Việt ngữ Văn Lang Dallas ra đời từ một số anh chị em thiện nguyện tha thiết muốn giữ gìn ngôn ngữ Việt cho giới trẻ. Trường Việt Ngữ Văn Lang Dallas  có 3 trình độ học sinh từ 6 tuổi trở lên:

– Sơ cấp: Ðọc và viết các câu đơn giản.

– Trung cấp: Ðọc đánh vần và viết các đoạn văn.

– Cao cấp: Ðọc, hiểu và viết được các bài văn.

Trường Việt Ngữ Văn Lang cũng dạy  những lớp dạy cho:– Sinh viên đại học, học sinh từ 14 tuổi trở lên.– Lớp cấp tốc cho những ai chưa biết tiếng Việt Nam.

Ða số là các em học sinh Việt Nam, cũng có một số khuôn mặt người nước khác như người da trắng, Mễ, Ấn Ðộ hay da màu… nhưng hình như các em đó đều ở trong gia đình có cha hay mẹ  Việt Nam. Còn người Mỹ, hay nước khác thì hầu như là người trưởng thành, là sinh viên hay đã đi làm có nhu cầu làm việc hay giao tiếp tiếng Việt hoặc sắp lập gia đình với đối tượng người Việt,  họ đến xin học lớp dành cho người lớn.

Dù sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, các thế hệ trẻ là người Mỹ nhưng không thể chối bỏ nguồn gốc Việt của mình. Ngoài những liên hệ gia đình, các em cần biết tiếng Việt. Cộng đồng người Việt ở Mỹ và Việt Nam vẫn là một đối tác không kém quan trọng trong thương trường quốc nội và quốc tế. Các em có thêm ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, bao giờ cũng có nhiều cơ hội thành công ở một vài môi trường nào đó. Trường cũng dạy nhiều trình độ đặc biệt, như có các vị Bác sĩ, Luật sư, Tiến sĩ là người Việt Nam sinh ở đây, có nhu cầu biết thêm tiếng Việt, họ cũng đến học.

Một điều cuối cùng mục đích Trung tâm Việt Ngữ Văn Lang Dallas nói riêng và các trung tâm Việt ngữ khác là sự thay đổi Tiếng Việt ở Việt Nam hiện nay. Tiếng Việt đang có sự biến đổi lớn; Tiếng Việt truyền thống vẫn được đánh giá cao ở hải ngoại. Sự khác nhau giữa Tiếng Việt ở Việt Nam và hải ngoại được thể hiện qua cách giảng dạy, cách nói, cách viết, và được phân tích theo ngôn ngữ học (ngữ âm, ngữ vựng, cấu trúc câu, và ngữ nghĩa). Những tính từ “to lớn, thịnh soạn, linh đình, tráng lệ, nguy nga, lộng lẫy, và sang trọng,...” được thay bằng một tính từ ghép “hoành tráng” cho sinh ngữ này ở Việt Nam/tất cả các ngữ cảnh là cách dùng từ ngữ không thông dụng/không phù hợp ở hải ngoại. Tiếng Việt truyền thống/từ ngữ Hán Việt đang mất dần trong Tiếng Việt ở Việt Nam như thế nào? Sự “chuyển nở”/chuyển biến của sinh ngữ này, được kèm theo ví dụ/bài tập, nên được giới thiệu đến thế hệ trẻ ở hải ngoại theo cách nào để họ hiểu rõ và yêu quý?

Trường Việt ngữ của Trung tâm Văn Lang Dallas đã trải qua một phần tư thế kỷ sẽ phát triển lớn mạnh như cái nôi tiếng Việt tại địa phương Dallas-Fort Worth. Cảm ơn những người tạo dựng và khai sáng Trung tâm Việt ngữ Văn Lang. Cảm ơn quý Thầy Cô Giáo đã hy sinh thời gian và bỏ tâm huyết đào tạo các em. Một thế hệ Việt tương lai nơi xứ người.

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Lễ hội trung thu tại địa phương Dallas-Fort Worth

Next
Next

Đại hội lần thứ 34 sinh viên cựu chiến tranh chính trị Đà Lạt Vùng Trung Nam Hoa Kỳ tại Dallas.