Lễ giỗ Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm lần thứ 61 tại Dallas-Fort Worth

Garland, TX.- Chương trình Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã một thời được tổ chức trang trọng với quy mô rộng lớn tại địa phương Dallas-Fort Worth do Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Điệm tổ chức từ hình thức đến nội dung. Nhưng kể từ năm vừa qua, Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã tan biến theo thời gian và không còn một tổ chức, đoàn thể nào còn nhớ đến ngày lịch sử bi thương này, nhớ đến vị anh hùng dân tộc đã khai sáng nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam: Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Biến cố lịch sử 1 tháng 11 năm 1963 khởi đầu nguyên nhân đã đưa đến sự sụp đổ toàn diện Miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 để ngày nay đất nước thân yêu của chúng ta bị lệ thuộc vào sự cai trị độc tài của Cộng Sản Miển Bắc. Sự vô tình hay cố ý quên đi ngày Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các Chiến Sĩ Trận Vong đã hy sinh trong giai đoạn đau buồn của lịch sử này là có tội với tiền nhân và thiếu trách nhiệm với thế hệ hậu duệ. Đặc biệt thời gian hiện tại đánh dấu 50 năm người Việt tỵ nạn đã từ bỏ quê hương tìm tự do nơi đất nước Hoa Kỳ.

Một số anh chị em đã đến định cư tại thành phố Dallas-Fort Worth không cùng thời gian, không đoàn thể và tổ chức thuộc nhiều thế hệ luôn ghi nhớ những anh hùng vị quốc vong thân tự nhận trách nhiệm của mình đứng ra tổ chức ngày giỗ  thứ 61 của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và buổi lễ Tưởng niệm Cố Tổng Thống đã được tổ chức tại Hội trường Hội VAMAS lúc 12 giờ sáng Chúa Nhật 03 tháng 11 năm 2024.

Mặc dù buổi tổ chức trong tinh thần tự nguyện từ người tổ chức đến người tham dự nhưng không thể quên và ghi nhớ tấm lòng các vị đại diện tôn giáo như linh mục Bùi Phong lái xe một mình từ 6 giờ sáng từ Houston, Thầy Thích Quảng Lợi thuộc Tu viện Quy Nguyên xuất thân khóa 7 Sinh viên Trừ Bị Thủ Đức đã 97 tuổi đã đến tham dự gây nên một sự xúc động cũng như thể hiện sự hòa đồng tôn giáo theo tinh thần cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Các niên trưởng cao niên không thể không nhắc đến như Niên trưởng Trần Thiện Kính cùng phu nhân tuổi gần 90 từ Arlington xa xôi, niên trưởng Phạm Phát Thành khóa 6 Sinh viên Trừ Bị Thủ Đức đã nhắc thời gian ra trường lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm chứng kiến trên khán đài, cựu Phó Tỉnh trưởng Vũ Văn Long tỉnh Quảng Tín và phu nhân…Về hội đoàn chúng tôi ghi nhận bà Nguyễn Hữu Đoan Trang Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant, Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Trần Thủy Tiên và ba vị cao niên dâng hương. Các hội đoàn quân nhân có Liên Hội Trưởng LHCCSVNCH/DFW Võ Tấn Y, Liên Hội Trưởng Liên Hội Cựu CSVNCH/DFW Trần Thái, Chi Hội Trưởng Hoàng Côn và các chiến hữu Chi Hội Gia Đình Mũ Đỏ DFW, Hội trưởng Nguyễn Đức Lâm và các chiến hữu Nha Kỹ Thuật, Quang Nguyễn Hội phó đại diện Biệt Động Quân, Nguyễn Văn Trung Trưởng Ủy Ban Kỳ Đài và Đức Thánh Trần Arlington, Cựu Tổng Hội trưởng Hải Quân Nguyễn Xuân Dục và phu nhân, Chiến hữu Đặng Văn Reng Quân Cảnh và Chiến hữu Nguyễn Văn Nở Hải Quân. Cựu SVSQ Khóa 13 Trừ Bị Thủ Đức Tô Quân rất khó khăn di chuyển nhưng cùng phu nhân đến tham dự và một quân nhân mặc quân phục binh chủng Không quân nhưng không biết tên. Tất cả đều tự nguyện đến với quân phục của binh chủng mình cùng tưởng niệm một vị Tổng tư lệnh Tối cao khai sáng nền Đệ nhất Cộng hòa. Chúng tôi cũng ghi nhận đại diện của VN United FC là Thái Nguyễn và Jimmy Trần là giới trẻ…

Thầy Thích Quảng Lợi Tu viện Quy Nguyên

Về truyền thông có sự hiện diện có Giám Đốc Đỗ Thu Nga Đài Truyền hình SBTN Texas và Đài Saigon Dallas 1160AM cùng phu quân ông Đỗ Văn Hạnh, Giám Đốc Đài Phát Thanh VVA1600AM Liên Bích và phu quân Đào Chí nhân, báo Trẻ Đẹp Online Chiến Hữu Nguyễn Văn Lập, báo Người Việt Dallas… nhưng nếu không có sự đóng góp của Nhóm Thiện Nguyện Hoàng Lan, các em Trường Việt Ngữ Văn Lang với Thầy Diễm, Thầy Long, Thầy Đức, Cô Dung đã góp phần cho sự thành công và ý nghĩa của buổi tổ chức… Và một điều ngoài người viết bản tin này ngay trong các anh chị em trong ban tổ chức đều không hề hay biết là ngay hôm đến hội trường VAMAS chuẩn bị cho buổi tổ chức ngày hôm sau thì thấy ngay trước cửa của Ty Cứu Hỏa thành phố “KHÔNG ĐƯỢC VÀO”. Vào ngày Thứ Bảy, thành phố không làm việc và chúng tôi đã cầu cứu đến bà Jennifer Nguyễn. Phép lạ đã đến, bà Jennifer Nguyễn đã liên lạc trực tiếp với Trưởng ty Cứu Hỏa thành phố Mark Lee “bảo đảm” cho việc tổ chức Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được tiến hành trước khi “khắc phục” sai sót vi phạm để Ty Cứu Hỏa trở lại kiểm tra vào ngày thứ Hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024. Xin cảm ơn ông bà Nguyễn Văn Tường và Jennifer Nguyễn vì đã có chuyến đi xa đã không đến tham dự được nhưng khi chúng tôi cần đều có ông bà bên cạnh giúp đỡ…

KHAI MẠC

Cơn mưa lớn đổ xuống gần vào giờ khai mạc hơn nữa địa điểm tổ chức tương đối mới lạ với một số quan khách và đồng hương. Toán Quốc Quân Kỳ của Gia Đình Mũ Đỏ thiếu một một người đầu tàu nên đã phối hợp với các chiến hữu Biệt Động Quân sau khi chương trình đã trễ hơn 10 phút. Nghi thức chào quốc quân kỳ, phút mặc niệm với sự phối hợp của Toán Quốc Quân Kỳ, Nhóm Thiện Nguyện Hoàng Lan, các em Trường Việt Ngữ Văn Lang hòa quyện qua các thế hệ thật ý nghĩa. Tiếp theo là nghi thức rước di ảnh được chính hai Liên Hội Trưởng Trần Thái và Võ Tấn Y đã tạo một hình ảnh tốt đẹp tình đoàn kết, tình huynh đệ chi binh đang là mối ưu tư chung của các cựu quân nhân tại địa phương. Hình ảnh này có thể báo hiệu cho một tương lai sự đoàn kết hợp nhất hai Liên hội. Sau khi di ảnh an vị, Tiến sĩ Phan Quang Trọng nhắc lại tiểu sử cố tổng thống Ngô Đình Diệm, tiếp theo là bài hát “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” được cất lên. Từng người nối tiếp nhau bắt đầu tiến lên bàn thờ thắp nén hương cầu nguyện cho vị Tổng thống đã vị quốc vong thân.

Quang cảnh lúc nghi thức chào cờ

Hai Liên Hội Trưởng Võ Tấn Y và Trần Thái rước Di Ảnh Tổng thống Ngô Đình Diệm

Lúc Dâng Hương

Ông Thái Hóa Lộc thay mặt ban tổ chức có lời chào mừng hai vị đại diện tôn giáo là Cha Bùi Phong và Thầy Thích Quảng Lợi cùng quý quan khách và đồng hương đã vì yêu thương cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đến tham dự:

“Kính Thưa Linh Mục Bùi Phong Phong Trào Giáo Dân hải Ngoại

Kính thưa Thầy Thích Quảng Lợi Tu viện Quy Nguyên

Kính thưa Quý Quan khách

Kính Thưa Quý Đồng hương

Chúng tôi xin thay mặt Ban Tổ Chức, thực sự chỉ một số anh chị em cảm thấy mình phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này. Trách nhiệm của một con dân Việt Nam có cội nguồn và biết đến công ơn của những anh hùng dân tộc dựng nước và giữ nước. Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một trong những anh hùng dân tộc của đất nước đã sáng lập nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 61 chúng ta, những người Việt Quốc Gia tỵ nạn hải ngoại tại địa phương Dallas-Fort Worth và vùng phụ cận cùng về đây thắp nén hương tưởng niệm Tổng thống Ngô Đình Diệm, bào đệ của ông là cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với các chiến sĩ trận vong đã vị quốc vong thân trong biến cố 1 tháng 11 năm 1963. Từ nhiều năm trước tại địa phương chúng ta bắt đầu Nhóm Thân Hữu Ngô Đình Diệm rồi đến Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm đứng ra tổ chức một cách trang trọng và qui mô. Người tham dự lên đến 1000 người mà tôi nhớ không lầm là tại hội trường giáo xứ Thánh Phêrô. Và hai năm trước được tổ chức tại Chùa Đạo Quang lúc Hoà Thượng Thích Tịnh Đức còn tại thế đã mở lòng cho phép tổ chức Tưởng niệm Tổng thống Ngô Đình Diệm lần thứ 59…Đã không phân biệt tôn giáo –Đó chính là tình thần Ngô Đình Diệm. Trong quá khứ chính TT Ngô Đình Diệm đã bán đất xây Chùa Vĩnh Nghiêm Saigon với giá tượng trưng 1 đồng, giúp trùng tu một số ngôi Chùa khác như Từ Đàm Diệu Đế và Long Khánh mà tôi được nghe chính ông Nguyễn Cúc là một người quen biết tại địa phương Dallas lúc ông giữ chức Tỉnh trưởng năm 1962.

Kính thưa quý vị, mỗi năm chúng ta tổ chức và cử hành lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là chúng ta bào vệ chính nghĩa người Việt Quốc Gia không chấp nhận Cộng sản vô thần cũng như các anh hùng dân tốc khác. Khi nhắc lại lịch sử nền Cộng Hòa đệ Nhất –– mà Tổng thống Ngô Đình Diệm  có công gầy dựng nên, đã là một khúc quanh lịch sử nhiều thử thách, vốn mang nhiều ưu điểm trộn lẫn với những khiếm khuyết của một dân tộc đang cố gắng chuyển mình thức dậy.

Hôm nay hơn sáu thập niên đi qua, khi nhìn lại nền Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chúng ta nên nhìn một cách khách quan và công bằng –để đánh giá từ góc độ tình tự dân tộc – hơn là đắm chìm vào những tranh cãi bất tận đầy xúc động về những tiểu tiết về lịch sử.

Việc tổ chức ngày lễ Giỗ Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm hằng năm là trách nhiệm chung. Năm nay anh em chúng tôi đứng ra tổ chức thì năm tới sẽ có anh em khác thay thế. Có như thế Tinh Thần Ngô Đình Diệm mới mãi trường tồn đối với dân tộc.

Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào quý vị.

Bài phát biếu chính trong buổi lễ tưởng niệm lần thứ 61 cố Tổng thống Ngô Đình Diệm chính là những lời chia sẻ của Linh mục Bùi Phong thuộc Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại đến từ thành phố Houston. Ngài cũng là tác giả của Tuyển tập “Thánh Vương Ngô Đình Diệm” và trong dịp này đã mang tập sách này gửi tặng đồng hương tham dự. Linh Mục Bùi Phong đã nhấn mạnh tại sao gọi là “Thánh Vương Ngô Đình Diệm?” Nhìn vào lịch sử Việt Nam và thế giới có những người chưa được phong thánh đã thành thánh. Tại Việt Nam có Thánh Gióng và Đức Trần Hưng Đạo. Ở Pháp có Thánh Louis IX, Tướng Thánh Joan of Arc. Ở Trung Hoa thời Tam Quốc có Quan Thánh Quan Văn Trường cũng gọi là Quan Công. Bởi vì các vị Thánh này đều có chung một số những đức tính: các ngài đều là những người công chính thanh liêm, yêu nước, thương dân, sống vì tha nhân, không thỏa hiệp đồng tình với tội lỗi, hy sinh cả mạng sống của mình vì đất nước dân tộc. Những đức tính này đều hiển thị nới thánh vương Ngô Đình Diệm…

Linh mục Bùi Phong phía sau là hai chiến hữu hầu bên bàn thờ

Bước qua phần kế tiếp là chia sẻ của Tiến sĩ Phan Quang Trọng về Tương lai của Cộng đồng qua lăng kính của người trẻ từ Tinh Thần Ngô Đình Diệm. Anh nhắc lại một số đức tính cao quý và sự dấn thân của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm so sánh với tuổi tác của anh bây giờ.

Cuối cùng, một đại diện quân nhân là chiến hữu Trần Thái đã bày tỏ suy nghĩ riêng của mình vế ý nghĩa Ngày Giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm: “Nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều người thường có những cảm tưởng khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của ông, phụ thuộc vào quan điểm lịch sử và chính trị của từng cá nhân.

Đa số người Việt quốc gia nhớ đến NĐD như một nhà lãnh đạo có tâm huyết với việc bảo vệ chủ quyền và xây dựng quốc gia VNCH. Họ ghi nhận sự kiên định của ông trong việc giữ vững nền độc lập trước sự can thiệp của ngoại bang và việc phát triển nền tảng kinh tế, giáo dục, và hành chính của miền nam VN trong thời kỳ ông nắm quyền. Những người chỉ trích ông lại nhìn nhận rằng NĐD có những chính sách không phù hợp và độc tài, như việc đối xử khắc nghiệt về tôn giáo, chính trị và đối lập. Một số cho rằng các quyết định của ông đã tạo ra những bất ổn chính trị, xã hội trong thời kỳ đó. Dưới Góc nhìn lịch sử: Cái chết của Tổng thống NĐD vào năm 1963, một cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn, đã để lại một nỗi đau và sự tiếc nuối trong lòng người dân. Họ cho rằng nếu ông không bị lật đổ, lịch sử VN có thể đã đi theo một hướng khác. Cái chết bi thảm của ông được coi là một dấu mốc quan trọng dẫn đến sự sụp đổ dần dần của chính quyền VNCH và sự sụp đổ của miền Nam VN vào năm 1975.

Nhiều người nhìn vào di sản của NĐD và nghĩ về ông như một nhân vật lịch sử không thể tách rời khỏi bối cảnh chiến tranh VN và sự can thiệp của các siêu cường. Ông là một nhà lãnh đạo trong thời kỳ đầy biến động, khi đất nước bị phân chia và đối đầu giữa ý thức hệ. Chủ nghĩa Tư Bàn và Chù nghĩa xã hội. Tóm lại đối với đại đa số người Việt , ông được nhớ đến như một nhà lãnh đạo quốc gia kiên quyết,  có tầm nhìn sâu rộng đưa nước  VN  thoát khỏi ảnh hưởng của thực dân Pháp và kiên quyết ngăn chận chủ nghĩa xã hội từ phương Bắc tràn xuống .

Ngày giỗ của ông hôm nay là dịp để người dân, đặc biệt là những người Việt Quốc Gia với mục đích tôn vinh và gìn giữ ký ức về ông, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong lòng người dân Việt. Ông cũng được nhớ đến với tư cách là một nhà lãnh đạo có tâm huyết với đất nước, và cái chết của ông vẫn để lại nhiều suy ngẫm cho lịch sử Việt Nam.”

Phần thứ hai của chương trình là văn nghệ với sự đóng góp ba tiếng ca nổi bật: Phương Dung, Thúy Vi, Phan Quang Trọng cùng với Nhóm Thiện Nguyện Hoàng Lan từ đơn ca, tam ca đến múa chỉ vỏn vẹn gần 40 phút nhưng thật vô cùng xuất sắc.

Vũ khúc Tình Bắc Duyên Nam

Chấm dứt chương trình là cùng đồng ca bài Việt Nam… Việt nam cùng tấm hình lưu niệm trước khi chia tay.

Việt Nam - Việt Nam cùng đồng ca trước khi chia tay

Trong tinh thần và ý nguyện Ban tổ chức đã xin lễ tất cả 7 giáo xứ gồm có Giáo xứ Thánh Phêrô Dallas, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Garland, Giáo xứ Thánh Tâm Carrollton, Giáo xứ Kitô Vua Haltom City, Giáo xứ Fatima Fort Worth, Giáo xứ Thánh Giuse Grand Prairie và Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Arlington với lời nguyện như sau: “Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một tấm gương sáng ngời, là ngọn đuốc soi dẫn dân tộc trong tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cụ đã lấy mạng sống mình, dòng máu của mình để bảo vệ non sông. Cụ đã sống như Lời Chúa Giêsu phán dạy: ‘‘Không có tình yêu nào cao cả hơn cho bằng tình yêu của người hy sinh thí mạng sống mình cho bạn hữu.’’

Xin cầu nguyện linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, cố vấn Giacobe Ngô Đình Nhu cùng các chiến sĩ trận vong đã hy sinh vì chính nghĩa Quốc Gia Dân tộc và cầu cho đất nước Việt Nam sớm được Tự Do – Dân chủ.

Kim Dinh   

Previous
Previous

Hội VAMAS tổ chức tiệc mừng tri ân kỷ niệm 20 năm phục vụ

Next
Next

Kỷ Niệm 5 Năm Ngày Chôn Cất 81 Tử Sĩ Nhảy Dù VNCH 26 tháng 10, Năm 2024