Linh mục Đa Minh Trương Bảo Tâm trong tiềm thức

Thái Hóa Lộc

Linh mục Đa Minh Trương Bảo Tâm (1934-2022)

Hai mươi năm, kỷ niệm một chặn đường dài trong cuộc hôn phối của vợ chồng tôi (07-12-2002). Một cuộc hôn nhân muộn màng với với người đàn ông bước vào tuổi lục tuần nhưng với tôi là một sự thay đổi lớn, một cuộc đổi đời trong tận cùng suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ. Tôi bắt đầu “học đạo” để trở thành “con chiên ngoan đạo” vì người đỡ đầu là một linh mục đang làm chánh xứ một họ đạo ở Việt Nam thuộc Giáo phận Kontum. Tôi chưa một lần làm quen dù trên đường dây điện thoại viễn liên vì tất cả đều được thu xếp của người vợ chưa cưới của tôi từ trong ra ngoài. Bởi cũng từ sự quen biết và tinh thần phục vụ của vợ tôi được sự thương mến của Đức Cha cùng các Cha trong Giáo phận. Cha Nguyễn Vân Đông là người gần gũi và thân tình nhất và đó là lý do tôi được ưu ái được Cha là người nhận đỡ đầu cho tôi…

Cho đến một ngày khi Cha Nguyễn Vân Đông là người đỡ đầu của tôi có dịp qua dự ngày Đại Hội Thánh Mẫu của Tỉnh Dòng Đồng Công Missouri Hoa Kỳ năm 2002, và chúng tôi đã đón Cha về lưu lại Dallas một thời gian trước khi trở về lại Kontum Việt Nam. Trong thời gian này, chúng tôi cũng chuẩn bị cho lễ cưới của chúng tôi sắp đến (7-12-2002). Tôi còn nhớ chúng tôi và nhất là vợ tôi khẩn khoản “năn nỉ” xin Cha ở lại thêm vài ngày tham dự ngày cưới của chúng tôi, vì hơn một tuần lễ nữa thôi nhưng một mực ông đòi về vì ông nói với chúng tôi giáo dân của ông cần ông hơn chúng tôi. Nhưng theo suy nghĩ đời thường sự vắng mặt của người Cha đỡ đầu nhất là người mới bước vào con đường của người Kitô hữu là một sự hoài nghi và mất mát. Bởi vì bước đầu của người Kitô hữu là Đức Tin như một người khách bước vào ngôi nhà mới quen lần đầu, người mời lại vắng nhà để một người lạ ra đón, cảm giác vừa bỡ ngỡ và mất đi ý niệm thân thiết thuở ban đầu. Không biết tôi có ích kỷ không hay tôi thiếu tình thương của một một người con không được gần cha mẹ từ lúc hiểu được tình thương cần thiết như thế nào như một mặc cảm ám ảnh…

Tôi không chia sẻ nổi buồn này với vợ tôi vì tôi biết chỉ làm cho tôi càng khó xử hơn. Ông đã đánh mất tình cảm thiêng liêng của tôi dành cho người Cha đỡ đầu của tôi kể từ ngày ấy… Nhưng một người đã xuất hiện mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới, một vị linh mục tuy không gần gũi như linh mục Nguyễn Vân Đông nhưng đối với gia đình bên vợ tôi rất nhiều ân tình: Linh mục Đa Minh Trương Bảo Tâm.

Cha Trương Bảo Tâm từ Kontum đến dự lễ cưới

Vì trong chỗ thâm tình, vợ tôi đã gửi một thiệp báo tin Lễ Thành Hôn của chúng tôi để Cha góp lời cầu nguyện và mừng cho chúng tôi, hoàn toàn không có ý định mời Cha tham dự đám cưới của chúng tôi. Tuy nhiên, trong một chuyến đi thăm bà con Hoa Kỳ, chúng tôi không dám hỏi là Cha có ý định phối chuyến thăm bà con với ngày lễ thành hôn của chúng tôi không? Nhưng sự xuất hiện của Cha trong Lễ Cưới tại lúc làm lễ gia tiên, Cha Tâm đã hiện diện như một người thân trong gia đình với một bài chia sẻ khá dài gần 15 phút! Rồi Cha đến đồng tế ở nhà thờ Saint Joseph và tiệc cưới tại nhà hàng Arc-En-Ciel ngày 7 tháng 12 năm 2002 đã dâng trào niềm cảm xúc qua dòng lệ dấu kín tự đáy lòng của tôi…Tại sao Cha phải lặn lội đến dự lễ chúc phúc cho vợ chồng tôi mà không phải là Cha Nguyễn Vân Đông, người Cha thiêng liêng của tôi!

Hôm nay, tôi muốn ghi lại khi xem qua lễ tang của Cha Tâm được diễn ra một cách trang trọng và cảm động. Cùng với lời giảng lễ của chính Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum để biết và hiểu về một linh mục đáng kính, một mục tử đúng nghĩa của Đức Chúa Giêsu Kitô. Đạo Chúa là Đạo của Tình Yêu Thương!

Linh mục Đa Minh Trương Bảo Tâm sinh ngày 25 tháng 11 năm 1934 tại Kiến Xương tỉnh Thái Bình, miền Bắc Việt Nam và được rửa tội 6 ngày sau đó. Cha được Chúa kêu gọi rất sớm vào năm 1951. Cha theo học tại tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Phát Diệm. Đến năm 1954 qua Hiệp Định Genève đất nước chia đôi, Cha di cư vào Miền Nam và học tại trường Phaolô Phú Nhuận.

Từ Năm 1958 đến năm 1968 Cha theo học tại Đại Chủng Viện Phát Diệm Phú Nhuận Saigon và Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế. Ngày 26 tháng 12 năm 1967 Cha được Đức Tổng Giám Mục Philipê Nguyễn Kim Điền trao ban chức Phó tế tại nhà thờ Chánh Tòa Phú Cam – Huế. Ngày 13 tháng 6 năm 1968 Cha chịu chức Linh mục qua sự mở tay của Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi Đà Nẵng. Với 54 năm trong thiên chức linh mục, Cha Tâm đã phục vụ

-1968-1971: phó xứ Phương Nghĩa

-1971-1973: phó xứ Thăng Thiên

-1973-1999: Chính xứ Phương Quý

-1999-2009: Chính xứ Phương Nghĩa

-2009-2015: Chính xứ Thánh Tâm

-2015-2018: Chính xứ Thăng Thiên, Hiếu Đạo và Hiếu Nghĩa

-18.11.2018: Nghỉ hưu tại Nhà hưu các linh mục của Giáo phận KonTum

Sự ra đi của Linh mục Đa Minh Trương Bảo Tâm đã để lại rất nhiều sự thương tiếc cho mọi người nhất là sự mất mát cho gia đình. Biết rằng cái chết của Ngài không bất ngờ và chính Ngài cũng biết trước cho Ngài. Ngài đã chuẩn bị về cùng Chúa nhưng dù sao không có sự chuẩn bị nào đầy đủ cho nên chúng ta cùng dâng Thánh Lễ cầu nguyện lên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đón Cha đa Minh về vương quốc của Người…

Cách đây 38 năm, năm 1984 Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm, Cha xứ của Phương Quý đã khai tử cho Ngài, đã dâng lễ cầu hồn cho Ngài. Đó là cái chết theo Tam Đoạn Luận. Tại sao lại có chuyện như vậy? Số là Ngài có việc phải đi nên mua vé xe đò. Cha đã mua vé ngồi ở cabin cho đỡ xốc và đỡ chen lấn. Tin về đến giáo xứ Phương Quý và cả thành phố Kontum là chuyến xe của Cha Tâm bị tai nạn và người ngồi bên cạnh cabin của chiếc xe đó đã tử nạn. Như vậy, theo như lịch bán vé thì người ngồi ở gần cabin là Cha Tâm đã chết! Mọi người giáo xứ Phương Quý chuẩn bị hậu sự, đào huyệt một để đưa Cha Tâm đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nghe tin Cha Tâm chết mà không chết vì Cha Tâm đã đổi chỗ ngồi khi lên xe. Lý do trên chỗ cabin nhiều gió mà Ngài là người không chịu gió nên đã đổi chỗ cho người khác chết thế cho Ngài.

Hôm nay sau 38 năm, Cha Đa Minh đã chết thật. Cha ra đi vì tuổi già sức yếu như ngọn đèn hết dầu đã tắt.Tạ Ơn Chúa Ngài đã sống hơn tuổi thượng thọ, 88 tuổi thọ ở trần gian.

Dù chết trước hay chết sau, chúng ta ai cũng phải chết. Đó là thân phận của con người, như một bông hoa nở tốt tươi, nhưng một làn gió nhẹ lung lay cũng làm cho hoa biến tan sắc màu như lời Thánh Vịnh được nhạc sĩ Kim Long ghi lại qua ca khúc.

Như vậy mọi người đều phải chết , nhưng quan trọng là khi còn sống thì phải sống làm sao cho ra người công chính. Chúng ta được biết linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa. Do đó, nỗi thống khổ của sự chết không đụng đến người công chính. Sự ra đi không còn là điều bất hạnh mà tràn đầy hy vọng của sự bất tử và hưởng được sự bình an.

Nhớ lại Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm, một người cao gầy, sức khỏe kém thường bị cảm cúm nên Ngài rất sợ gió. Ở trong phòng một mình thì kín mít như bưng, khi ra ngoài thì tìm chỗ nào kín gió. Nhiều người ngạc nhiên khi trời nắng mà Ngài vẫn mặc áo mưa, trùm khăn kín đầu chỉ chừa mũi để thở. Ngồi trên xe thì đội nón bảo hiểm che mặt chỉ vì ngại gió.

Điều này hoàn toàn khác lạ khi Cha Đa Minh đến tham dự lễ cưới của chúng tôi suốt cả ngày, lúc nào Cha cũng vui vẻ. Niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi đã làm Cha quên cái lạnh mùa đông bên Mỹ. Nụ cười luôn ở trên môi Cha, hoàn toàn khác khi Cha nghiêm nghị và trân trọng chia sẻ một bài dài về con người và Đức Tin khi bước vào cuộc hôn nhân…Cha không từ chối bất cứ một món ăn nào trong bữa ăn tại nhà, ở nhà hàng mà theo Đức Cha Giáo Phận Kontum Cha là người ăn uống “kiên khem” và khắc khổ. Có lẽ Đức Cha Vị nói không sai nhưng Cha đã làm những gì để chúng tôi không phải bận tâm về Cha về ăn uống mà Cha đã hòa đồng niềm hạnh phúc của vợ chồng chúng tôi và niềm vui chung của mọi người, đặc biệt là quan viên hai họ.

Theo lời Đức Cha Vị, sở dĩ Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm sống được đến ngày hôm nay là nhờ vào sự kiên cử, cũng như được bồi bổ được các cháu của Ngài tiếp tế và quan tâm.

Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm là người tỉ mỉ hay giúp đỡ người khó khăn nghèo khổ khác. Với gia đình vợ tôi là một chứng minh, khi vợ tôi từ giả khi có hộ chiếu định cư Hoa Kỳ. Chính Cha bảo vợ tôi chờ Cha vài phút để Cha viết lá thơ cho một người thân trong Saigon. Nội dung lá thơ hết sức chân tình và lòng yêu thương của Cha Tâm: “Hết lòng giúp đỡ vô điều kiện người mang lá thơ này!” Vợ tôi không dám từ chối nhưng đọc lá thơ với lòng biết ơn mà không cầm được nước mắt để từ giả Cha mà không biết bao giờ gặp lại…

Sự hiện diện của Cha trong ngày cưới cách nay 20 năm như một ân huệ Chúa ban cho vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi được sống trong hạnh phúc hai mươi năm qua cũng nhờ lời cầu nguyện và ơn lành của Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm ươm mầm từ đó. Đúng như lời Đức Cha Vị đã nói : “Đối với Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm không cần người khác lên tiếng trước trong khi Cha đã đem đến sự giúp đỡ rồi và không bao giờ chờ đợi sự trả ơn!”.

Theo lời Đức Cha Giáo Phận Kontum Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm là người nóng tính, nhưng ngay sau đó hối hận với đôi khi cả nước mắt nữa. Sự hiện đông đủ hàng linh mục, giáo dân các giáo xứ mà Cha Tâm đã phục vụ đều có mặt để tiễn Cha lần cuối. Lời cảm tạ linh mục Duy, đứa con tinh thần của Cha Đa Minh đã thể hiện tấm lòng thương yêu với người thân yêu của họ đã ra đi. Mặc dù theo tinh thần Đức tin là Cha Đa Minh sẽ được về với Chúa nhưng trong cuộc sống đời thường sự ra đi chủa Cha Đa Minh Trương Bảo Tâm là sự mất mát lớn trong lòng họ…

Với chúng tôi, Cha Đa Minh là một biểu tượng sống mãi trong ký ức của chúng tôi. Tôi đã nhận ra Linh mục Đa Minh Trương Bảo Tâm có một trái tim thánh thiện và lòng quảng đại như cái tên của Tâm của người. Khi nói chữ Tâm, trong tiềm thức của tôi là một khái niệm trừu tượng về Cha Tâm, nhưng lại luôn hiện hữu trong con người của tôi về những gì Cha đã để lại. Cha Tâm sống mãi với vợ chồng chúng tôi:

Trăm năm tóc cũng đổi màu

Cha Tâm sáng mãi giữa dòng thời gian

Previous
Previous

Tạp ghi: Đón Giáng Sinh Cali có khác Dallas nhiều!

Next
Next

Bách Niên Kỷ của Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ