Nghĩa tử là nghĩa tận

Thái Hóa Lộc

Tin nhà báo Gioan Baoxita Nguyễn Văn Lập đột ngột ra đi làm cho tôi thật sự bàng hoàng bởi vì giọng nói và hình ảnh của anh quá gần gũi với tôi. Tôi mới gặp anh chỉ vài ngày hôm trước. Anh bị tai nạn bất ngờ và sau cuộc giải phẩu kéo dài không thể tiếp tục, hiền thê của anh quyết định buông thả để anh ra đi một cách nhẹ nhàng bớt đau đớn…

Tang gia anh Nguyễn Văn Lập

Mũ đỏ Bùi Quang Thống đã ghi lại vài dòng tiểu sử về Mũ đỏ Nguyễn Văn Lập: “Mũ đỏ Nguyễn Văn Lập sinh năm 1945 tại Sài Gòn, Cựu học sinh Chu Văn An. Vì trách nhiệm của người trai trong thời vận nước chiến chinh anh Nguyễn Văn Lập đã giã từ áo trắng học trò khoác áo chiến binh gia nhập khóa 27 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức năm 1967.  Khi mãn khóa năm 1968 anh đã về phục vụ đơn vị Pháo binh tỉnh Long Khánh.  Năm 1971 vì nhu cầu của binh chủng Nhảy dù cần các pháo thủ có kinh nghiệm, anh Lập đã tình nguyện chuyển sang Pháo binh Nhảy dù và phục vụ tại Tiểu đoàn 2 Pháo binh cho đến ngày 30/4/1975.  Trong những năm tác chiến anh đã tham gia vào các trận chiến tại Quảng trị, Thượng đức.  Anh là một trong 36 chiến sĩ hào hùng của Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đã trở về sau trận chiến đẫm máu tàn khốc trên Đồi Charlie năm 1972, nơi mà 435 tử sĩ Mũ Đỏ cùng đơn vị anh đã anh dũng hy sinh nằm xuống cùng vị Tiểu đoàn trưởng Đại tá Nguyễn Đình Bảo, những người đã ở lại Charlie, và vẫn sống mãi trong lòng những người biết thương đời lính.

Vì vận nước điêu linh sau cuộc chiến năm 1975 anh phải chấp nhận vào lao tù cộng sản hơn 6 năm. Năm 1993 anh và gia đình qua Mỹ định cư theo diện HO tại Nam California, anh theo học ngành cán sự kỹ thuật và làm tường trình tin tức, ký sự  cho các tờ báo địa phương. Năm 2003 anh và gia đình sang định cư tại Grand Prairie, Texas.

Với những trận đánh hải hùng vào sinh ra tử, với hơn 6 năm tù đày khổ sai của cộng sản anh vẫn cố gắng sống, những năm cực nhọc tại xứ người anh vẫn cố gắng làm lại cuộc đời để sống hạnh phúc với hiện tại.  Nhưng không ngờ định mệnh oan nghiệt ngày 4/12vừa qua một tai nạn đã cướp đời anh ở tuổi 79.

Anh Lập ơi, anh đã ra đi quá đột ngột ngỡ ngàng không một tiếng giã từ để lại bao thương tiếc cho gia đình, đồng đội và bạn hữu.  Anh đã để lại cho anh em trong Gia đình Mũ đỏ những thương tiếc vô biên ngút ngàn.  Mũ đỏ Lập đã nhảy saut cuối cùng không trọn vẹn như anh đã trăn trối:

“Cánh dù lộng gió muôn phương,

Vào lòng đất mẹ máu xương ngậm ngùi.”

Hình ảnh và lời nói những lần gặp gỡ nhà báo Nguyễn Văn Lập từ ngày bắt đầu làm quen khi tôi biết anh đã từng sinh hoạt làng báo chí tại thủ đô tỵ nạn Nam California. Anh đề cập một vài người mà tôi quen cũng như các lãnh vực chuyên môn anh đóng góp với các tờ báo tại đây. Anh về địa phương Dallas-Fort Worth với sinh hoạt báo chí không sôi nổi, bon chen như ở Cali nhưng anh không hội nhập một cách dễ dàng nên cũng không được đón nhận nhiệt tình như một “người nổi tiếng”. Vào lúc bấy giờ Dallas-Fort Worth có tất cả bốn tờ báo khổ lớn là Bút Việt News, Dân Việt, Vietnam Weekly News và Á Châu Thời Báo; đồng thời nhiều báo dưới dạng magazine như Cao Dao, Báo Trẻ, Cẩm Nang, Thế Hệ, Đất Việt, Kiên Thức, Thế Giới Mới, Saigon Nhỏ…Anh về đầu quân cho Báo Bút Việt của Chủ nhiệm Mai Văn Đức. Sau đó anh cũng là cộng tác viên một thời gian ngắn cho Người Việt Dallas, Á Châu Thời Báo, Kiến Thức, Báo Trẻ Magazine. Có thể nói thời gian này là cao trào phát huy của báo chí địa phương, chủ báo cũng như phóng viên, cộng tác viên đã ăn nên làm ra và cuộc sống tương đối thoải mái. Cùng lúc bầu trời Dallas bổng trở nên sóng gió, trở nên không bình yên, nhiều vụ kiện tụng xảy ra và sự ra đời của Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí. Hầu hết các tờ báo khổ lớn và magazine cùng ngồi lại với nhau trước “mặt trận Cộng Đồng tẩy chay báo chí”. Giai đoạn này là giai đoạn chia rẻ nhất giữa truyền thông báo chí và tổ chức cộng đồng!

Cuộc sống nhà báo Gioan Baotixia Nguyễn Văn Lập cũng như chiêc thuyền trên dòng nước trôi nổi theo hưng thịnh và suy vong của báo chí. Sinh hoạt báo chị càng co cụm lại thì đời sống của nhà báo Nguyễn Văn Lập càng khó khăn hơn cho đến khi chủ nhiệm Mai Văn Đức đình bản tuần báo Bút Việt News…Nhưng báo chí là nghiệp dĩ cuộc đời anh, không còn viết lách đời sẽ không còn ý nghĩa và Trẻ Đẹp Online là đứa con tinh thần và niềm an ủi cuối đời của anh!

Chia buồn với gia đình

Anh ra đi quá đột ngột làm nhiều người bàng hoàng, nhiều người nói rằng tôi mới gặp anh mấy ngày trước, kẻ nói mới gặp anh cuối tuần qua nhưng thật sự anh đã vĩnh viễn ra đi vào chiều thứ bảy, ngày 13 tháng 12 năm 2024 ở tuổi 79! Sự mất mát và đau buồn lan tỏa đến đồng nghiệp, chiến hữu nhưng cũng có vài người vô tình khơi dậy nỗi bất đồng của quá khứ nhắc lại tên gọi hàm ý một sự mỉa mai, thay vì Nguyễn Văn Lập thay thế biệt danh “Ký giả ăn giỗ”. Tôi vô cùng ngạc nhiên cứ tưởng mình nghe lầm. Tại sao giờ phút cuối đời của một người  lại có người đối xử với với nhau một cách hờ hững như thế! Tôi nghĩ ngay đến câu người xưa vẫn thường nói đến: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Thành ngữ này nói về việc con người khi sống đối xử với nhau cho dù thế nào đi chăng nữa thì đến lúc chết cũng là hết. Chính vì vậy, thành ngữ có hàm ý khuyên chúng ta cần bỏ đi sự thù hằn, ganh ghét, làm tròn nghĩa vụ với người đã chết bằng cách bày tỏ sự thương tiếc chân thành của mình…Coi thường cái chết của người khác có nghĩ đến ngày ra đi của mình không?

Các chiến hữu Mũ Đỏ đưa tiễn Mũ Đỏ Goan Baotixita Nguyễn Văn Lập

Ông bà Bác sĩ Đàng Thiện Hưng chào tiễn biệt

Ông bà Trần Thiện Kính chào tiễn biệt

Càng sống lâu, người ta càng có “cơ hội” thấy những người khác “ra đi không hẹn trở lại” và tham dự nhiều đám tang. Dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù giỏi hay dốt,… ai cũng buông xuôi đôi bàn tay trắng! Rồi tất cả sẽ qua, cuộc đời này chẳng là chi cả, càng thu vén, càng nuối tiếc, càng tự dày vò mình: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.

Kiếp người đầy gian truân, đời người tưởng dài mà ngắn: “Con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thắc mắc về thân phận con người: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”. Ông không là Kitô hữu, nhưng nhân sinh quan và ý thức hệ của ông rất gần với Công giáo.

Trong ca khúc “Một Mai Em Đi”, Nhạc sĩ Trường Sa viết: “Một mai xa nhau XIN NHỚ CHO NHAU NỤ CƯỜI, cho cuộc tình người hẹn hò nhau đến kiếp mai. ĐỪNG HẬN NHAU NỮA, lệ nào em khóc cho đầy, tình đã mù theo sương khói, theo cơn gió lùa tả tơi”.

Sự xa nhau là chuyện của hai người yêu nhau về tình cảm nam nữ. Ở đây chúng ta không bàn về chuyện đó, mà nói về “sự xa nhau” giữa con người với con người, tức là sự chết. Đại từ “em” ở đây không hẳn là ngôi thứ hai số ít, mà có thể là bất kỳ ai. Và người ta thường nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Có ý nói rằng, dù có giận ghét nhau tới đâu thì người ta cũng sẵn sàng tha thứ cho nhau khi đứng giữa làn ranh Sinh – Tử, đối diện với Tử thần.

“Một mai em đi ngày tháng bơ vơ giận hờn, NHỚ VỀ TÌNH NGƯỜI buồn như con nước đã vơi. Lời nào gian dối để người đã lỡ một giờ, một đêm nào em đã lỡ buông tay ngậm ngùi xót xa”. Gần nhau thì coi thường nhau, có yêu thương thì đôi khi cũng chỉ là môi miệng, lẻo mép. Khi “xa nhau” rồi mới thấy thương tiếc, yêu thương, muốn nói lời xin lỗi mà không còn kịp nữa rồi. Người “ra đi” có thể còn buồn hoặc không, nhưng chắc chắn người ở lại sẽ buồn nhiều, thậm chí còn bị lương tâm cắn rứt khôn nguôi!

Câu kết của ca khúc “Một Mai Em Đi” thật là thấm thía: “Đời vui không mấy, niềm đau đã chín kiếp người, lòng đâu phụ nhau thêm nữa, khi mai KHÔNG CÒN CÓ NHAU”. Vâng, nghĩa tử là nghĩa tận, đừng phụ lòng nhau nữa. Và như vậy, chắc hẳn không ai lại nỡ khép lòng lại với nhau, mà sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau mọi thứ – cả tinh thần lẫn vật chất.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Chúng ta cũng nên “tập chết” hàng ngày. Hãy yêu thương và tha thứ, kẻo không còn cơ hội. Đừng “Hận Tình” (ca khúc của Nhạc sĩ Anh Bằng và Mạc Phong Linh) mà thắc mắc với nhau: “Nếu mai anh (em) chết em (anh) có buồn không? Sao em (anh) không đến khi anh (em) còn sống? Lỡ mai anh (em) chết em (anh) khóc nhiều không. Anh (em) xin bia đá ghi tên người sống”. Sự hối hận luôn mang ý nghĩa muộn màng, và sự muộn màng luôn đồng nghĩa với sự nuối tiếc!

Thời gian cũng dần chia xa những người bạn ngày nào như chị Liên Pruett đã rời xa Dallas mấy khi trở lại và tối nay khi viết bài này chị Nguyễn Mai Anh cũng từ bỏ Dallas mà đi cũng khó có ngày gặp lại. Một lần đi xa là vùi chôn kỷ niệm buồn vui ngày cũ theo tuổi tác, một lần đi là không bao giờ trở lại nhưng có lẽ anh Nguyễn Văn Lập đã đi xa ở một nơi mà không ai biết anh sẽ đến…

Xin tiễn anh đi lần cuối và chúc anh bình an - nhà báo Gioan Baotixita Nguyễn Văn Lập, một đồng nghiệp của tôi!

22-12-2024

Previous
Previous

Trường Việt Ngữ Văn Lang Dallas thăm Viện Dưỡng Lão nhân dịp Giáng Sinh

Next
Next

Kỷ niệm 50 năm kết thúc Chiến Tranh Việt Nam vào ngày 30-4-2025 tại thành phố Arlington, tiểu bang Texas.