Nhạc hội Xuân 2023 mang ý nghĩa gì trong Tháng Tư Đen!

Grand Prairie, TX.- Một độc giả từ thành phố Arlington có dịp ghé qua Trung tâm Thương Mại Asia Grand Prairie chụp một tấm hình quảng cáo Nhạc Hội Xuân và poster nhỏ (đính kèm) gửi về tòa soạn Báo Người Việt Dallas. Nhạc Hội Xuân sẽ được chi nhánh công ty Teletron Dallas tổ chức trong hai ngày 8 & 9 tháng 4 năm 2023 trong Trung tâm Thương mại Asia Times Square…

Nhac hội Mùa Xuân

Nhìn hình ảnh trên tấm quảng cáo thay vì chữ “NHẠC HỘI XUÂN 2023” tôi lại liên tưởng đến “ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN” của Đại tướng Cộng Sản Văn Tiến Dũng huênh hoang ca ngợi chiến thắng anh hùng của quân Bắc Việt. Tôi nhớ lại ngày cuối cùng tháng 3 năm 1975. Lúc bấy giờ tôi với nhiệm vụ là Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị kiêm Sĩ Quan An Ninh của đơn vị  Kho 521 Đạn Dược đồn trú tại Cầu Đôi Quinhơn. Tôi thoát chết lên tàu trong khi nhiều người chết trên bãi biển Qui Nhơn. Đại tá Nguyễn hữu Thông đã tự sát không lên tàu. Về Saigon trình diện Cục Quân Cụ ngày 8 tháng 4 năm 1975 và cũng là ngày tên phản loạn Trung úy Không Quân Nguyễn Thành Trung dội bom vào Dinh Độc Lập trước khi bay ra phi trường Đà Nẵng đầu hàng giặc.

Tiếp theo ngày 9 & 10 tháng phòng tuyến Xuân Lộc bị Cộng quân chọc thủng… Những ngày sau đó Saigon chìm trong hỗn loạn và hấp hối.

Đối với cá nhân và gia đình chúng tôi khi nhắc đến Tháng Tư như một bóng đen trong cơn ác mộng. Sau ngày 30 Tháng Tư,  1975 – Ngày 26 tháng 5 trình diện đi tù – Gần 3 năm trong tù - 3 tháng ở trại tỵ nạn Hongkong và gần 45 năm ở Hoa Kỳ. Tháng Tư bất cứ  năm nào cho đến ngày nhắm mắt …vẫn là tháng Tư Đen.

Chúng tôi cũng đã liên lạc với bà Nguyễn Hữu Đoan Trang Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia về sự đáng tiếc này có thể xảy ra khi Công ty Teletron tổ chức Nhạc Hội Xuân 2023 vào hai ngày 08 & 09 Tháng Tư tại Trung tâm Thương Mại Asia Times Square.

Chúng tôi vẫn biết rằng trong một đất nước tự do như Hoa Kỳ không cá nhân hay tổ chức nào có quyền chống đối hay có ý kiến phản bác sinh hoạt cá nhân hay công ty. Tuy nhiên, tâm tình của người tỵ nạn Cộng Sản chúng ta cũng đừng vô tình khơi dậy niềm đau chung của những người cùng số phận lưu vong. Tôi còn nhớ và vẫn chưa quên ca khúc “Người Di Tản Buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc còn được gọi là Nhạc sĩ Tháng Tư theo bài viết của cựu Trung Úy Sơn Lai Khê, Sư Đoàn 5 Bộ Binh:

Sàigòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời,

Sàigòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.

Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi,

Những nụ cười nát trên môi,

Những giọt lệ ôi sầu đắng .....!

Ôi, có mấy ai sống ở miền Nam VN mà không nhỏ những giọt lệ sầu đắng cùng anh khi nghe được nhạc phẩm này. Một ca khúc mà tác giả viết cho chính thân phận mình cùng những kẻ tha hương cùng cảnh ngộ hay cho người ở lại đã phải chào vĩnh biệt cái tên yêu dấu của thành phố Saigon và tháng Tư, 1975. Nhưng đối với người vượt biển thì mỗi độ Tháng Tư về, họ lại nhớ đến Nam Lộc qua những lời diễn tả xót xa của thân phận thuyền nhân, cùng cái giá mà họ phải trả để đổi lấy hai chữ Tự Do trong bài “Xin Đời Một Nụ Cười”

Tự Do ơi Tự Do,

Tôi trả bằng nước mắt.

Tự Do hỡi Tự Do,

Anh trao bằng máu xương.

Tự Do ơi Tự Do

Em đổi bằng thân xác.

Vì hai chữ Tự Do,

Ta mang đời lưu vong....!

Quả thật, chúng ta hãy thử hỏi xem, trong số 3 triệu người tỵ nạn VN tại hải ngoại hiện nay, có bao nhiêu người đang sống lưu vong mà không phải vì hai chữ Tự DoRiêng đối với những người lính thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh cùng những người tù cải tạo, và nhất là các tử sĩ QLVNCH, mà Nam Lộc gọi là “chiến hữu” thì không ai 

Mà không nhớ đến anh qua đoản khúc cuối của nhạc phẩm “Người Di Tản Buồn”:

Cho tôi xin lại ngọn đồi,

Ở nơi tôi dừng quân cũ.

Cho tôi xin lại bờ rừng,

Nơi từng chiến đấu bên nhau.

Cho tôi xin một lần chào,

Chào bao nhiêu người đã khuất.

Xin cho tôi một mộ phần,

Bên ngàn chiến hữu cuả tôi ....!

Nam Lộc đã có lần tuyên bố, cũng chính vì những lời cam kết tâm huyết này mà anh đã bỏ hết công sức góp phần xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, đồng thời đứng ra tổ chức hoặc tham dự các buổi nhạc hội ở khắp mọi nơi để gây quỹ giúp cho Thương Phế Binh VNCH hiện đang sống vất vưởng ở quê nhà. Tháng Tư năm 2010, đánh dấu 35 năm viễn xứ, người ta vẫn nhắc đến Nam Lộc. Nhiều người cho rằng dù 70 hay 100 năm sau, dù tình hình đất nước có thay đổi đi chăng nữa, thì cứ mỗi dịp Tháng Tư về, dòng nhạc của Nam Lộc vẫn là viên thuốc an thần hiếm quý để xoa dịu vết thương không bao giờ lành trong khúc quanh đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam!

 Sơn Lai Khê

(Trung Úy Sư Đoàn 5 Bộ Binh)

Viết tặng “chiến hữu” Nam Lộc, tháng Tư buồn

Không biết nhạc sĩ Nam Lộc có dịp nào đọc lại bài viết này của chiến hữu của mình. Nhạc Hội Xuân sẽ do anh làm MC được chi nhánh Teletron tổ chức vào ngày 08 & 09 Tháng Tư có còn làm anh nhớ lại những ca khúc do anh sáng tác quá nhiều về Tháng Tư và anh được gọi là nhạc sĩ của Tháng Tư!

Tháng Tư có còn buồn đối với anh Nam Lộc nói riêng và ban tổ chức Nhạc Hội Xuân nói chung. Người Nhạc sĩ Tháng Tư Nam Lộc có còn như nhiều người nghĩ như lời chiến hữu của anh không? :” dù 70 hay 100 năm sau, dù tình hình đất nước có thay đổi đi chăng nữa, thì cứ mỗi dịp Tháng Tư về, dòng nhạc của Nam Lộc vẫn là viên thuốc an thần hiếm quý để xoa dịu vết thương không bao giờ lành trong khúc quanh đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam!

Đối với chúng tôi, những người lính, những Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam – Tháng Tư vẫn  Tháng Tư Buồn Muôn Thuở!!!

Hỡi những người xưa “chống Cộng” nay ở đâu!!!

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Thêm một hậu duệ VNCH bước vào dòng chính

Next
Next

Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam