Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam
Xin thành tâm cầu nguyện linh hồn Thượng Nghị John McCain, linh hồn Đại tướng John Vessey, linh hồn Phụ tá Thứ trưởng Robert Funseth và linh hồn những ân nhân đã hy sinh hết lòng yểm trợ vận động chương trình vận động định cư Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam…
Cầu xin linh hồn quý ân nhân soi sáng cho tôi ghi lại một cách trung thực lịch sử Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam, một tập thể đáng thương qua nhiều thăng trầm của đất nước đang bước vào tuổi cuối đời.
Theo thời gian, một số người đã ra đi vì tuổi tác và ảnh hưởng bệnh tật trong tù nhưng con cái của họ, các thế hệ hậu duệ đã thành công. Cũng chính vì ân nghĩa không bao giờ trả hết được; cá nhân chúng tôi không được trực tiếp hưởng ân huệ này nhưng là một trong những người tham gia đầu tiên trực tiếp gắn liền giữa hai tổ chức Hội Gia Đình Chính Trị Việt Nam của bà Khúc Minh Thơ và Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam của ông Huỳnh Công Ánh. Những ngày đầu tiên, Tổng Hội và Gia Đình Tù Nhân Chính Trị không khác gì chị em trong một gia đình, một gia đình thật hạnh phúc. Trong 7 năm vận động và thương thuyết của Phụ tá Thứ trưởng Robert Funseth, mỗi năm Gia đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam của bà Khúc Minh Thơ đều tổ chức hai lần họp mặt là lần pinic trong Bộ Ngoại Giao và buổi tiệc Đồng Tâm ở bên ngoài tại nhà hàng. Bắt đầu từ năm 1987, và đặc biệt năm 1989 đa số anh em đại diện trong 4 Khu hội về tham dự buổi tiệc Đồng Tâm nhưng đa số không tham gia ngày picnic ờ Bộ Ngoại Giao vì không đủ điều kiện và còn phải lo cơm áo gạo tiền nuôi sống gia đình.
Chúng tôi muốn xác định tấm hình mà một số quý vị gọi là “tấm hình lịch sử”đã có từ không gian và thời gian nào qua sự hiện diện của tôi và những người thân của tôi và đặc biệt là ký giả Hồ Văn Đồng!
Hồ Văn Đồng là một nhà báo lớn của miền Nam. Sinh tại đất Quảng, học tại Huế, lập nghiệp tại Saigon, ông từng là tổng thư ký, chủ bút, chủ nhiệm nhiều nhật báo danh tiếng của miền Nam. Năm 1950, ông là người sáng lập văn phòng Việt Tấn Xã tại Hà Nội. Những năm sáu mươi, ông là người sáng lập, tổng thư ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt, chủ tịch Hội Chủ Báo. Ông cũng là nhà báo duy nhất của Việt Nam có hai năm tu nghiệp báo chí tại đại học Stanford, tham gia sinh hoạt báo chí quốc tế và là Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Báo Chí Thế Giới đặc trách khu vực châu Á. Sau tháng Tư 1975, ông hai lần bị Cộng Sản bắt giam, cộng chung 12 năm. Năm 1989, sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, ông vượt biển, định cư tại Virginia từ 1989, tiếp tục viết bình luận cho nhiều báo Việt ngữ tại hải ngoại.Ông là bạn tù với nhà thơ Trần Dạ Từ (Việt Báo)
Nhà báo Hồ Văn Đồng bệnh nặng từ giữa năm 2005 và từ trần sau đó, hưởng thọ 83 tuổi.Chi tiết này là tư liệu của Nhật báo Việt Báo.
Ông Huỳnh Công Ánh lúc bấy giờ có nhiều điều kiện hơn các anh em khác và thường đến tham dự với tư cách là đại diện cho Tổng Hội. Cũng từ đó tư gia bà Khúc Minh Thơ là nơi dừng chân hay tạm trú của các anh em trong Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam trong đó có cá nhân tôi.Trong cái nghiệp “dấn thân” vào Khu Hội Dallas, rồi Tổng Hội tù, tôi lại có “cái duyên” từ chương trình định cư Tù Nhân Chính Trị, tôi đã gặp hiền nội của tôi, một người vợ đảm đang tuyệt vời theo sự nhận xét của bà Khúc Minh Thơ vì nhạc phụ của tôi là cựu tù nhân chính trị đã bị 10 năm trong ngục tù Cộng Sản!
Từ các năm 1984, 1985, một số anh em cựu tù nhân đã liều chết vượt biên, vượt biển tìm Tự Do sang định cư khắp nơi tại Hoa Kỳ đã ngôi lại với nhau – tùy theo địa dư tiểu bang hay thành phố - trong các tổ chức có danh xưng là “Hội Cựu Tù Nhân” hay “Khu Hội Cựu Tù Nhân”…v.v..
Ba Khu Hội Tù Nhân tiên khởi đã có sự hoạt động qui củ, đã giúp đỡ các cựu tù nhân mới sang định cư cũng như đã đóng góp tích cực vào những sinh hoạt chung của Cộng Đồng tại các địa phương là:
-Hội Cựu Tù Nhân Nam Cali do ông Nguyễn Hậu làm đại diện
-Hội Cựu Tù Nhân Houston do ông Huỳnh Công Ánh làm đại diện
-Hội Cựu Tù Nhân Bắc Cali do ông Đào Văn Bình làm đại diện
Theo lời ông Nguyễn Văn Sang Nguyễn Văn Quảng Ngãi), cố vấn đầu tiên của Tổng Hội ghi lại trong Tập Ký Ức “ Xanh Dòng Thời Gian” do Người Việt Dallas phát hành năm 2010 ghi lại như sau:
“là các anh Nguyễn Hậu, Huỳnh Công Ánh, Đào Văn Bình đã tích cực gọi điện thoại hoặc gửi thư đi khắp nơi kêu gọi tất cả anh em hãy ngồi lại với nhau để ngồi lại với nhau thành lập một lực lượng Cựu Tù toàn quốc. Các anh đã gửi và chia sẻ với tôi rất nhiều tài liệu sinh hoạt tại địa phương cũng như dự thảo của các anh về chủ trương này (Những bức thư tay dài, ngắn, nhưng những bản sao của quý anh gởi tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm).
Tuy đang cư ngụ tại một vùng bé nhỏ xa xôi nên tôi không đóng góp được nhiều với anh em nhưng tôi cũng đã chia sẻ, thảo luận về hướng đi và phương sách hoạt động…”
Một Đại Hội Thống Hợp tại Nam Cali ngày 19 tháng 02 năm 1989, Bản Điều Lệ được chấp thuận và Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam chính thức được thanh lập và sau đó hoàn chỉnh khiKhu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Dallas-Fort Worth gia nhập trở thành Khu hội thứ IV thốngthuộc hệ thống Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam.
Tôi đã có mặt giờ cuối cùng của ông Nguyễn Văn Sang (Nguyễn Văn Quảng Ngãi) tại bệnh viện San Jose, Bắc Cali và nhắn tin về cho ông Huỳnh Công Ánh và nhận lời tiễn biệt của ông Huỳnh Công Ánh sau đây:
Huỳnh Công Ánh khóc Nguyễn Văn Quảng Ngãi
Cố vấn đầu tiên Tổng Hội CTNCTVN
KHÓC TIỄN ĐƯA ANH
Tiễn đưa người cả đời bôn ba vì Tổ Quốc
Anh sinh ra từ Quảng Ngãi, vùng đất miền Trung gầy guộc
Mà chí cả vươn cao, thao thức vì giống nòi
Lịch sử oan khiên, đất nước tả tơi
Đành nuốt nhục làm người tị nạn
Tôi gặp anh lúc trời Cali chạng vạng
Tha thiết mời anh cố vấn Tổng Hội Tù
Không đắn đo, anh dõng dạc nhận lời
Mình sát cánh bên nhau, bao năm xuôi ngược
Phối hợp với bà Khúc Minh Thơ và ông Robert Funseth
Vận động và đón tiếp các chiến hữu đến bến bờ tự do
Tôi nhớ rõ 32 năm xưa
Anh từ Arkansas xuống Houston, cùng tôi lên Dallas
Giới thiệu cho tôi gặp anh Thái Hóa Lộc
Từ ấy Khu Hội Tù Dallas là bốn Khu Hội đầu tiên
Tôi cũng còn nhớ năm 2005
Sau những nghiệt ngã thăng trầm, tôi lại về Dallas
Tôi nhờ anh viết lời giới thiệu sách
Tập thơ đầu tay, tên “Hạnh Ngộ Bên Trời”
Anh sống đầy nghĩa tình, thân ái với mọi người
Thể hiện phương châm “Không quên bạn tù, không quên đồng bào đau khổ”
42 năm , đồng bào bên nhà vẫn lầm than khốn khó
Dẫu xuôi tay mà hồn anh có lẽ vẫn ngậm ngùi
Thao thức một ngày mong nòi giống có ngày vui
Và khi mất, xác được đưa về vùi chôn nơi đất Mẹ
Anh ra đi nơi xứ người, trong mùa Đông quạnh quẽ
Tôi không được nhìn anh giây phút cuối cùng
Hôm nay tôi viết bài thơ sâu thẳm tựa tấm lòng
Nguyện hóa thành trầm hương, tiễn đưa hồn anh siêu thoát
Thân xác anh dẫu đã về với bụi cát
Mà tên anh vẫn hiện hữu trong tôi
Ngưỡng mộ anh và kính mến mãi không thôi
Người bạn tù, người anh, người đồng hành tranh đấu
Hồn anh linh thiêng, xin phù hộ chúng tôi, những người còn lại
Vẫn bền gan kiên quyết giữ ngọn cờ
Nguyện lúc nào cũng ấp ủ niềm mơ
Làm viên gạch lót đường cho Tuổi Trẻ đứng lên cứu nước
Kiếp nhân sinh, ai rồi cũng kẻ sau người trước
Vĩnh biệt anh. Ôi! Thương tiếc vô cùng!
Huỳnh Công Ánh
Viết Mùa Đông ngày 12/11/2017
Trong lần ra mắt đầu tiên của Tổng Hội chưa xảy ra sự “ly khai” của ông Nguyễn Hậu và không có sự tham gia của Khu Hội TNCT Dallas. Thành phần nhân sự của Tổng Hội như sau:
Hội Đồng Chỉ Đạo Trung Ương:
-Chủ tịch: Huỳnh Công Ánh (Texas)
-Phó Chủ tịch: Chu Tấn (Bắc Cali)
-Tổng Thư Ký: Phạm Quốc Dũng (Texas)
Hội Đồng Phối Hợp Trung Ương:
-Chủ tịch Nguyễn Hậu (Nam Cali)
-Phó Chủ tịch Nội vụ: Tôn Thất Diên (Nam Cali)
-Phó Chủ tịch Ngoại vụ: Nguyễn Thế Linh (Texas)
-Tổng Thư Ký: Nguyễn Mậu Quý (Nam Cali)
-Phó Chủ tịch Đặc trách Đấu Tranh Nhân Quyền: Phan Huy Thanh (Texas)
-Phó Chủ tịch Đặc trách Xây Dựng Cộng Đồng: Nguyễn Như Được (Bắc Cali)
-Tổng Kiểm Soát: Phạm Hải Hồ (Bắc Cali)
-Thủ Quỹ: Nguyễn Văn Vân
-Ủy Ban Giám Nghị: Đào Văn Bình (Bắc Cali)
Với thành phần nhân sự đông đảo và cơ cấu tổ chức qui mô nhưng sự điều hành và hoạt động không kéo dài bao lâu thì nội bộ Khu Hội Nam Cali có sự chia rẻ giữa ông Nguyễn Hậu và Nguyễn Mậu Quý.
Theo đề nghị của ông Huỳnh Công Ánh Khu Hội Dallas đểgiúp sựổn định cho Khu Hội Nam Cali trong tinh thần dân chủ theo quyết định của các thành viên của 4 Khu Hội tham dự: Houston – Nam Cali – Bắc Cali và Dallas thuộc Tổng Hội. Phái đoàn Dallas gồm có Thái Hóa Lộc (Chủ nhiệm Báo Người Việt Dallas), Nguyễn Hữu Biêng (từ trần) – Nguyễn Hữu Đoan Trang (Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant, TX,) Ngô Minh Chánh. Cuối cùng ông Nguyễn Hậu rời khỏi Khu Hội Nam Cali và Tổng Hội để đứng ra thành lập tổ chức khác lấy tên Hội HO; từ đó đưa đến sự hiện diện Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh/Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa tại Nam Cali.
Đại hội ra mắt ngày 19 tháng 02 năm 1989 đã đồng ý ấn hành Nguyệt San Chứng Nhân là tiếng nói chính thức của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam.
Thời gian đầu Nguyệt San Chứng Nhân do ông Đào Văn Bình và Khu Hội Bắc Cali đảm trách; mỗi tháng Tổng Hội hay đúng hơn là ông Huỳnh Công Ánh lúc bấy giờ là chủ nhân nhà hàng Phú Kim Houston yểm trợ. Tuy nhiên, sau gặp nhiều khó khăn về tài chánh, ông Đào Văn Bình trả lại Tổng Hội, ông Huỳnh Công Ánh giao cho ông Phan Huy Thanh phụ trách Nguyệt san Chứng Nhân và cuối cùng đưa về Khu Hội Dallas một thời gian và Chứng Nhân đã đình bản vì ông Huỳnh Công Ánh bị bệnh gan trầm trọng.Chính trong thời gian lâm trọng bệnh ông Huỳnh Công Ánh đã ủy nhiệm tôi đại diện ông tiếp đón ông Robert L. Funseth tại San Jose – Bắc Californiangày 5 tháng 3 năm 1990.
Đại Hội kỳ II của Tổng Hội được tổ chức các ngày 5 & 6 tháng 7 năm 1991 tại thành phố Houston do ông Phan Huy Thanh làm trưởng ban tổ chức. Đại hội được chuẩn bị khá chu đáo, có cẩm nang Đại Hội, có tiểu bang tiếp đón tại phi trường hoặc hướng dẫn đường về địa điểm tổ chức Đại Hội, lo sắp xếp chỗ tạm trú cho anh về tham dự, có các tiểu ban phụ trách các đề mục như: Tu chính điều lệ, nội qui, Nghiên cứu Kế Hoạch, Soạn thảo Cương lĩnh v.v…
Những Khu Hội đã về tham dự (phái đoàn hoặc cá nhân) gồm có: Nam Cali – Bắc Cali – Goergia – Canada –Illinois – Kansas – Oklahoma – Wasington D.C. và các vùng phụ cận – Dallas/Ft.Worth và Houston.
Thành phần chủ tọa đoàn gồm có: Huỳnh Văn Cao – Huỳnh Công Ánh và Nguyễn Văn Sang (Nguyễn Văn Quảng Ngãi).
Thư Ký Đại Hội: Phạm Quốc Dũng.
Sau hai ngày làm việc rất tích cực, bàn cãi, tranh luận hăng say, thẳng thắn nhưng chân tình cởi mở. Đại hội đã thông qua hầu hết các tiết mục của chương trình và bầu được Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 1991-1993 như sau:
-Chủ tịch: Huỳnh Công Ánh
-Phó Chủ tịch Nội vụ Đào Văn Bình
-Phó Chủ tịch Ngoại vụ: Nguyễn Tiến Ích
-Tổng Thư Ký: Phạm Quốc Dũng
-Tổng Thủ Quỹ: Đào Ngọc Hồng
Các Khối Chuyên Môn:
-Trưởng Khối Nghiên Cứu & kế Hoạch: Chu Tấn
-Trưởng Khối Tuyên Vận: Nguyễn Vạn Hùng
-Trưởng Khối Xã Hội: Nguyễn Mậu Quý
-Trưởng Khối Liên Lạc: Nguyễn Văn Ngà
-Cố Vấn: Huỳnh Văn Cao
-Giám sát: Nguyễn văn Sang.
Lễ ra mắt Ban tân Chấp Hành được tổ chức tại nhà hàng Fu Kim đêm 6 tháng 7 năm 1991 với sự tham dự của rất nhiều đại diện các tôn giáo, đoàn thể, đảng phái chính trị tại địa phương.
Sau Đại hội, Tổng Hội thi hành quyết định của Đại Hội là phát động phong trào tranh đấu cho “Tự Do – Dân Chủ - Nhân Quyền “ cho Việt Nam. Các Khu Hội Nam Cali, Dallas, Bắc Cali tổ chức Hội Thảo về Nhân Quyền Việt Nam với các diễn giả Shep Lowman, Al Santolio, đồng hương các nơi hưởng ứng tham dự đông đảo.
Đại Hội III tổ chức tại Bắc Cali năm 1995, ông Huỳnh Công Ánh không ứng cử và không chấp nhận đề cử, ông Đào Văn Bình được Đại Hội tín nhiệm bắt đầu lãnh đạo Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam. Và cũng từ đó tôi không liên lạc nhiều với Tổng Hội nhưng lại gần gũi với Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ nhiều hơn nhưủng hộ và yểm trợ ông Nguyễn Hân Hội trưởng Hội HO Dallas kỷ niệm 15 HO nhìn lại. Bà Khúc Minh Thơ từ Hoa Thịnh Đốn từ Hoa Thịnh Đốn về tham dự. Cũng kể từ đó, không phải Nam Cali, Bắc Cali hay Houston, ba địa phương mới có đông đảo ủng hộ bà Khúc Minh Thơ nói riêng và Gia Đình Tù Nhân Chính Trị nói chung mà chính là Dallas-Fort Worth. Chính vì sự gắn bó tinh thần và tin tưởng, Bà Khúc Minh Thơ đã yêu cầu ông Huỳnh Công Ánh, Nguyễn Văn Sang (Nguyễn Văn Quảng Ngãi) và Thái Hóa Lộc tổ chức Ngày Tù Nhân Chính Trị trong thời gian 3 ngày 3,4 và 5 tháng 10 năm 2008. Một chương trình rất to tát và khó khăn đối với một ban tổ chức nhỏ bé như chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có Thượng Đế, tình thương yêu của các Tù Nhân Chính Trị cũng như gia đình mới có thể thành công được. Cảm ơn Hội Quảng Đà của bác sĩ Nguyễn Hào đã giúp cho ban tổ chức Ngày Tiền Đại Hội. Hơn 3,500 tù nhân chính trị và gia đình từ các nơi về tham dự. Chúng tôi rất hãnh diện và tin tưởng sự thương yêu của những người tù nhân chính trị đối với sự hy sinh của bà Khúc Minh Thơ. Sự chống đối từnhiều nơi, gần có xa có vẫn còn là niềm đau đối cá nhân tôi, những người tỵ nạn mang tên Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam. Bà Khúc Minh Thơ đâu có tội tình gì ngoài sự mong ước muốn gặp lại anh em cựu tù nhân và gia đình sau 33 năm trước khi từ biệt… Cuộc gặp gỡ cuối cùng mang chủ đề: “Ba Hình Ảnh, Một Cuộc Đời”- Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam còn có mục đích đóng góp một phần vào việc cung cấp những sử liệu cho thế hệ mai sau. Với một chương trình sinh hoạt phong phú và với sự tiếp tay của nhiều hội đoàn và cá nhân địa phương và từ nhiều tiểu bang trên toàn nước Mỹ, Đại hội mong mỏi có thể làm sống lại 3 hình ảnh gắn liền với một cuộc đời bi thương nhưng hào hùng của người tù nhân chính trị Việt Nam. Đó là, hình ảnh của người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.Hình ảnh thứ hai là hình ảnh đau thương nhưng bất khuất của người tù nhân. Cuối cùng là hình ảnh của thế hệ con cháu các tù nhân tại hải ngoại với một tương lai tươi sáng và những thành công tốt đẹp không uổng công hy sinh của thế hệ cha anh.
-Ngày thứ nhất với chủ đề “Trở về” sẽ được mở đầu bằng một cuộc picnic tại hồ White Rock Lake Park vào ngày thứ sáu 3 tháng 10. Cũng như hầu hết những hồ tại vùng Dallas, hồ White Rock là hồ nhân tạo nhưng có cảnh trí thật đẹp và không khí thật an bình thuộc phía bắc của thành phố. Hội Ái Hữu Quảng Đà tại Dallas đã phụ trách việc tổ chức với một chương trình văn nghệ tại hội trường trong công viên của hồ. Ngày “Trở về” sẽ được kết thúc bằng một “Đêm Tân Giao” tại Trung tâm sinh hoạt của Nhà Thờ Thánh Phê Rô trên đường Garland, cũng thuộc thành phố Dallas. Đêm Tâm Giao sẽ là cơ hôi để các cựu tù nhân chính trị truyện trò và chia sẻ với nhau những ngày tháng bị cầm tù với đau buồn và tủi nhục, và những kinh nghiệm khó khăn, nhọc nhằn của những ngày đầu định cư, cũng như những khó khăn còn tồn tại và những đoạn đường dài đã vượt qua. Đêm Tâm Giao còn có một bữa ăn tối do một số các anh em lai thuộc Gia đình Mỹ Việt thết đãi và một chương trình văn nghệ do chính các cựu tù nhân đảm trách.
Ngày Thứ bảy cũng là ngày thứ ba bận rộn nhất của Đại Hội với chủ đề “Cám Ơn Người, Cám Ơn Đời”!Đại Hội kết thúc trong im lặng hình như những gì xôn xao phê phán, hằn học, chỉ trích đã vỗ cánh bay đi…
Cũng như sự việc đáng tiếc xảy ra hiện nay giữa Khu Hội Nam Cali và Tổng Hội không quá lớn với lời lẽ đắng cay mà đúng ra là “cùng là tù nhân chính trị” phải đùm bọc thương yêu nhau ở tuổi cuối đời. Người gì chúng ta có thể bỏ qua nên bỏ qua và cùng cầu nguyện hướng về linh hồn những ân nhân của chúng ta như Tổng Thống Ronald Reagan, Đại tướng John Sessey, Thượng Nghị Sĩ John McCain, và đặc biệt Phụ tá Ngoại Giao Robert Funseth…để quên đi dị biệt, bất đồng.
Tôi đã tham dự ngày lễ tang của hai ân nhân là Thượng Nghị Sĩ John McCain và cựu Phụ tá Bộ Ngoại Giao Robert Funseth. Ông Huỳnh Công Ánh có hẹn cùng đi nhưng cả hai lần vì sức khỏe đột biến không tham dự được.Tôi không nhắc đến lễ tiễn đưa đông đảo Thượng Nghị sĩ John McCain tại tòa nhà Quốc hội. Tôi muốn kể lại vài điều trước khi nhắm mắt và lễ tang buồn của cựu Phụ tá Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Robert Funseth…
Nói về ông Funseth, bà Khúc Minh Thơ cho rằng, “Tất cả tù nhân chính trị và cả bản thân tôi đều coi ông Funseth như một người ơn mà không cách gì trả ơn nổi.Đó là người đã cứu rỗi linh hồn những người tù nhân chính trị, những người HO.”
Bà Thơ kể, “Tôi vẫn nhớ khi tôi vào nhà thương thăm ông, ông tỉnh lại nói chuyện với tôi suốt hai tiếng đồng hồ.Ông cứ sợ không gặp lại tôi.Tôi có nói ông không hề cô độc, dù vợ con ông đã mất, nhưng ông vẫn còn tụi tôi, tụi tôi hứa sẽ chăm sóc cho ông.”
“Ông nhắc, ông nhớ, ông nói thao thao về những kỷ niệm, về những người tù nhân chính trị.Ông thương họ lắm. Cho đến lúc gần chết mà ông còn nói với tôi câu như thế này: Nếu bà không để tâm, thì cho phép tôi để hình tôi trên bàn thờ của bà.”
“Vì sao biết không?Vì ông muốn khi nào những người tù chính trị ngày xưa có đến thăm tôi thì cũng sẽ gặp ông luôn.Vì ông đâu có gia đình.Ông chỉ có người em và hai người cháu lại không ở gần đây,” bà Khúc Minh Thơ giải thích tâm nguyện của ông.Cũng theo bà Thơ, “Trong nhà ông Funseth, dưới tầng hầm, có một thư viện, nơi đó ông cất giữ rất nhiều món quà của những người tù nhân chính trị, của những hội đoàn tặng cho ông.”
Bà kể thêm, “Trong nhà thương, ông nhắc đủ thứ, nhớ kỹ đủ thứ.Nhớ lại những lúc tôi làm việc với ông. Nhắc lại lúc ông đi ký thỏa hiệp, ông về kể với tôi khi sang Việt Nam ký thì bên Việt Nam đâu có đồng ý tất cả các điều khoản đưa ra, vẫn còn một số điểm họ không chịu ký. Trong khi những người trong phái đoàn cảm thấy như vậy là cũng được, thì ông lại luôn nhớ câu tôi dặn trước khi ông rời khỏi Bộ Ngoại Giao để lên máy bay đi, là 'ông làm bằng cách nào tôi không biết, nhưng ông phải yêu cầu họ ký hết các thỏa hiệp đó mới được.' Tôi nói là nói vậy thôi chứ làm sao buộc ông như vậy được.Mọi chuyện khó khăn lắm chứ. Vậy mà đêm đó, ông kể, 1 giờ khuya ông ngồi dậy đọc kinh cầu nguyện cho Việt Cộng ký hết những điều khoản còn lại để cho gia đình tù nhân chính trị được yên lòng.”
“Sáng hôm sau, khi phái đoàn của ông đi ăn sáng trước khi chuẩn bị trở về Mỹ, thì ông Vũ Khoan là người đại diện phía Việt Nam ký thỏa hiệp đó tiến đến nơi ông Funseth, và nói phía Việt Nam đồng ý ký hết những điều khoản còn lại. Ông nói ông mừng hết lớn. Khi ông đến phi trường Bangkok gọi về cho bà Funseth, kêu bà báo tin cho tôi biết,” bà Thơ tiếp tục kể về người ơn của chương trình H.O.
Bà Khúc Minh Thơ còn cho biết, ông Funseth, trong những ngày nằm bệnh viện, đã nói nguyện vọng muốn được bà Thơ “làm cho ông một buổi Funseth's Day.”
“Tôi nói ông cố gắng khỏe lại thì sẽ tổ chức, dự định cũng đúng vào dịp 30 Tháng Bảy.Giờ ông đi rồi, nhưng tôi nghĩ tôi cũng sẽ làm ngày đó cho ông, trong một hình thức nào đó,” bà nói.Chia sẻ về cảm xúc của một người thân thiết với ông từ 30 năm qua, bà Khúc Minh Thơ cho biết, “Ông ra đi tôi buồn nhưng cũng vui cho ông, vì ông vẫn thường nói ông nhớ vợ ông, con ông, ông cứ mơ thấy họ. Thì thôi coi như ông đã được đoàn tụ với vợ con mình. Nhớ về ông, điều cảm động nhất với tôi là việc ông cầu nguyện trong đêm để cho tất cả các điều khoản trong bản thỏa hiệp được ký hết.”.
Đối với ông Huỳnh Công Ánh, ông Funseth cũng rất quý mến.Trước yêu cầu bệnh viện tháo dây để ông ra đi tự nhiên; ông nhắc lại lời trước đây với bà Khúc Minh Thơ là yêu cầu ca nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh hát bài “Bài Ca Cảm Ơn” tại huyệt mộ. Còn còn nhớ buổi sáng tiễn đưa ông thật âm thầm lặng lẽ. Mặc dù trong di chúc để lại, tang lễ chỉ được tổ chức trong gia đình nhưng ông cho phép 6 cựu tù nhân chính trị được quyền tham dự. Tuy nhiên, chỉ có cá nhân chúng tôi và anh Ngô Việt Quyền là cựu tù nhân; ngoài ra còn có bà Khúc Minh Thơ, bác sĩ Châu ái nữ bà Thơ, cô Phương ái nữ của Tướng Lê Minh Đảo. Về phía gia đình có vợ chồng người cháu của ông Robert Funseth…
Nhưng chương tang lễ của ông đã thiếu tiếng hát của ca nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh, “Bài hát Tạ Ơn”như yêu của ông với bà Khúc Minh Thơ trước khi ông lâm chung. Không biết đến khi nào ông Ánh mới trả xong món nợ ân tình cuối cùng này!Tôi nghe tiếng động nhẹ từ huyệt mộ lúc quan tài của ông đụng vào quan tài của người vợquá cố trước đây trong cùng một mộ phần.Âm thanh nghe buồn não nuột làm sao. Nhìn lên trên cao, ánh nắng ban mai lung linh chiếu sáng qua khe lá của những hàng cây, tôi nghe tiếng chim hót lẻ loi một mình!
Người ân nhân của cựu tù nhân chính trị cộng sản Việt Nam, ông Robert Funseth đã về với Chúa, cõi thiêng liêng hằng sống…
Là người luôn đứng sau lưng những cây cổ thụ như Bà Khúc Minh Thơ, Huỳnh Công Ánh…, tôi chưa nhận bất cứ một chức vụ nào quan trọng nhưng lại là người “lãnh đạn” nhiều nhất. Chính những viên đạn của người thân cận, gần gũi đã nhắm bắn vào tôi, tưởng chừng tôi đã ngã quỵ Nhưng chính tinh thần của Người Tù Nhân Chính trị đã giúp tôi đứng dậy để chứng chứng minh sự thật là chính nghĩa.
Tôi và ngay vợ tôi cũng cương quyết bảo vệ và tin tưởng bà Khúc Minh Thơ. Tôi biết và hiểu rõ bà Khúc Minh Thơ đã làm gì với chương trình Tù Nhân Chính Trị.
Hình ảnh ghi rõ bà Khúc Minh Thơ đứng sau và bên cạnh Tổng Thống Reagan trong phòng Bầu Dục ký dự luật về chương trình HO cho thấy ảnh hưởng của bà Khúc Minh Thơ như thế nào về sự thành hình của chương trình HO! Hình ảnh này này chỉ có Cộng Sản Việt Nam mới bóp méo được để cố hủy bỏ công lao và sự hy sinh của cá nhân bà cũng như Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Bao nhiêu người biết rõ hơn vì chương trình Tù Nhân Chính Trị và thương các anhem Tù Nhân Chính Trị bà đã “Refinance” ngôi nhà hai lần để trả chi phí cho các dịch vụ từ ngày Hội Tù Nhân Gia Đình Chính Trị bắt đầu hoạt động. Hội của bà không nhận tiền tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ, hoàn toàn tự nguyện đóng góp với sự giúp đỡ của mạnh thường quân.Món nợ $195,000 cho bao nhiêu năm hoạt độngđã chi phí, bà phải trả đến tháng 9 năm 2023 mới chấm dứt! Nhưng bà cho biết nợ tiền thế nào cũng có ngày kết thúc nhưng nợ “ân tình” thì không bao giờ trả hết! Bà nói rằng vì thương các anh em tù nhân chính trị, bà không biết đến bao giờ mới trả hết mòn nợ này cho ông Robert Funseth. Bà đang thờ ông Robert Funseth trong nhà không ngoài món nợ ân tình ấy.
Tháng 10 năm vừa qua, vợ chồng tôi mua vé để chị về thăm Dallas lần cuối vì sức khỏe của chị cũng yếu dần.Những bước đi đã khó khăn. Chúng tôi đã đưa chị đi đến nơi nào chị muốn đến, đi thăm những người nào chị muốn thăm. Vợ chồng Ngô Minh Chánh cùng vợ chồng tôi tạo niềm vui cho chị những ngày ngắn ngủi tại Dallas. Nhiều lúc tôi tự hỏi và chia sẻ với vợ tôi: “Không biết chị Thơ nợ Dallas hay Dallas nợ chị Thơ em nhỉ!”. Vợ tôi không trả lời nhưng tôi hiểu vợ tôi muốn nói gì?
Không ai mà không có nợ với người khác - Chỉ có người vô ơn thì đâu cần biết mình có nợ với ai!
Thái Hóa Lộc
(** Bản nhuận sắc trên báo in của Người Việt Dallas)