Tưởng nhớ cố vấn Lê Chu

Thái Hóa Lộc

Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên gặp chú Lê Chu và gia đình đến định cư thành phố Arlington. Tôi đã gọi ông bằng chú khi anh chị em trong Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị đón gia đình ông ở phi trường Dallas-Fort Worth và đưa về cư ngụ một chung cư đa số nhiều gia đình Cựu Tù Nhân Chính Trị tạm thời dừng chân lúc ban đầu. Nếu tôi nhớ không lầm chung cư này được gọi là “Xóm Than”…

Ông Lê Chu người bên phải trong ngày gặp gỡ Tổ Chức Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị lúc mới định cư

Ông Lê Chu trong ngày ra mắt Ban Chấp hành Khu Hội CTNCT Dallas

Thời gian sau này, tất cả những gia đình Tù Nhân Chính Trị (H.O) đã vươn lên, những gia đình có con cái lớn bắt đầu có việc làm hoặc gia đình có con nhỏ chưa đến tuổi đi làm lại cắp sách đến trường. Cuộc sống mỗi gia đình có khác nhau nhưng hoàn toàn thay đổi và đã tìm nơi khác thuê nhà hoặc mua nhà riêng ở những nơi tương đối an ninh, thoải mái hơn…

Sau khi cuộc sống gia đình ổn định, ông Lê Chu là một trong đa số Cựu Tù Nhân Chính Trị đã tích cực tham gia vào các sinh hoạt Cộng Đồng như các Hội Cựu Quân Nhân, Hội Ái Hữu Đồng Hương. Ông được sự tín nhiệm của các hội đoàn Cựu Quân Nhân Dallas-Fort Worth trong chức vụ Liên Hội Trưởng Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, Cố Vấn Hội Ái Hữu Đồng Hương Bình Định Dallas-Fort Worth cũng như trong các sinh hoạt của hai Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas và Hạt Tarrant.

Ông Lê Chu trong Ngày Đại Hội Tù Nhân Chính Trị

Thời gian đầu tiên quen biết ông, thực sự tôi không nghĩ ông là người quê Bình Định qua giọng nói có pha trộn người Thừa Thiên-Huế. Tôi lại không có thời gian dài sống ở Bình Định và cho đến năm 19 tuổi tôi xa rời Bình Định vào khoảng năm 1964-1965 bắt đầu vào Saigon đi học rồi đi lính, rồi cũng đi vào tù cộng sản cho đến ngày vượt biên qua Mỹ năm 1979. Sống ở Bình Định nhưng chỉ biết những địa danh quen thuộc nơi tôi sinh ra và lúc đi học: An Thái – Bình Định (quận An Nhơn) và Qui Nhơn, nơi đã học tại trường Trung học Cường Để Qui Nhơn…

Tôi nghe tên ông khi mới ra trường Quân Cụ về phục vụ Liên Đoàn 54 Đạn Dược Cần Thơ. Sau đó tôi được phân bổ về Kho 546 Đạn Dược tân lập dự trù xây cất tại Sóc Trăng. Căn cứ của đơn vị tạm thời trong khu quân sự Bình Thủy gồm có Thiết Giáp, Quân Cụ gồm quân xa và đạn dược. Lúc bấy giờ, ông là sĩ quan có cấp bậc Trung tá, quá lớn đối với tôi là sĩ quan chuẩn úy “tò te” mới ra trường. Từ đơn vị tôi có thể đi bộ đến đơn vị ông. Ông đang giữ chức vụ là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 67 Truyền Tin Diện Địa.Nếu lúc đó, biết ông là quê gốc Bình Định thế nào tôi cũng cố gắng tìm cách gặp một lần cho biết. Nhưng không bao lâu tôi lại thuyên chuyển lên kho đạn trong căn cứ Long Bình và không có dịp trở lại Cần Thơ cho đến ngày đất nước bị Cộng sản xâm chiếm. Tôi đi tù, vượt biên qua Hongkong đến Mỹ. Tôi không còn dịp trở lại Cần Thơ mặc dù nơi đây đã in sâu trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên mỗi khi bất chợt nghe lại bài hát “Con đường xưa em đi”

Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe...Hỏi còn ai cố tri
Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài
Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ con đường xưa em đi
thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh
quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.

Chính ông Lê Chu đã cho tôi biết thêm về Bình Định, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên nhưng lại không “đủ lớn” để biết về nơi chốn nhau cắt rún của mình.Ông cho biết xuất xứ của ông. Ông là trưởng nam của Cụ Tú Lê Thám Mai, Tuy Phước, Tỉnh Bình Định. Ông cho tôi biết thân phụ của ông là Cụ Tú Lê Thám Mai là chỗ đồng liêu với ông nội của tôi là Cụ Tú Thái Lập Kính còn được gọi Cụ Tú Thái (có lẽ ông Nội tôi ở làng An Thái, xã Nhơn Phúc, quận An Nhơn tỉnh Bình Định). Ông giải thích cho tôi nhiều điều thú vị về gia thoại thời xưa. Đối với ông quê hương không là chùm khế ngọt như bài hát của cộng sản tuyên truyền nhưng đối với ông quê hương luôn trong trí nhớ…

Ông Lê Chu và Ca sĩ Việt Dzũng

Mới ngày nào trong buổi họp của Ban Chấp Hành Hội Bình Định, ông đã tặng cho hội một chai rượu quý để nhân dịp họp mặt gần nhất cùng nhau nâng ly để nhớ lại quê hương Bình Định. Ngày cuối cùng, chai rượu ông tặng vẫn còn nhưng ông lại vội vã từ giã ra đi. Tôi biết đối với ông cũng như những niên trưởng bóng đã ngã về chiều, muốn được một lần nhìn lại quê hương.Nhưng mong ước này khó thành khi cộng sản còn ngự trị trên quê hương, nơi có nhiều kỷ niệm của một thời thơ ấu.

Tôi muốn được đăng lại bài viết của chú Lê Chu vào dịp Tết Tân Tỵ năm 2001 của Đặc San Bắc California với lời tựa “QUÊ HƯƠNG TRONG TRÍ NHỚ” như để đưa linh hồn chú về thăm quê hương Bình Định lần sau cùng…

QUÊ HƯƠNG TRONG TRÍ NHỚ

Lê Chu

Arlington, Texas

Một nhà văn Pháp có viết: Dường như Thượng Đế đã cột chặt mỗi người vào một mảnh đất, gọi là quê hương”. Tôi là người Bình Định – Sinh tại Bình Định.  Đã qua tuổi thiếu thời ở ngay Bình Định. Năm lên 10 tôi rời quê ra Huế học- Dẫu xa quê từ thuở bé, nhưng hình ảnh và kỷ niệm về một vùng đất thân yêuvẫn in đậm trong tâm trí tôi.

Làng tôi – một ngôi làng nhỏ nằm trên trục lộ giao thông giữa hai chợ Cảnh Hàng và Tân Dân. Có những hôm biển động, ngồi tại nhà , tôi đã có thể nghe tiếng sóng từ xa vọng về. Có những buổi chiều im ả, đám trẻ chúng tôi tụ họp nô đùa trên đám đất trống, bên cạnh đó đàn trâu đang gặm cỏ. Chung quanh đám đất trống, sân banh của chúng tôi, là những gò mả nhấp nhô – Xa xa là thôn xóm, nhà cửa ẩn hiện sau lũy tre xanh – Cha tôi cho biết, các gò mả đó là nơi an nghỉ của ông bà ngày trước – Những vị ấy là những lưu dân từ miền Bắc vào vùng đất mới đã mấy thế kỷ nay. Các cụ định cư và lập nghiệp ở đây.Khi sống các Cụ đổ mồ hôi tưới cho đất và khi chết được táng ở đấy.Lâu đời, những ngôi mộ nào không còn được con cháu chăm sóc, dân làng tập trung lại một nơi để hàng năm hương khói nhằm tỏ lòng tôn kính và biết ơn những người đã mở đường khai phá một quê hương mới.

Nhà cha tôi quay mặt về hướng Nam – Ra khỏi cổng, nhìn về phía Nam, ngọn Kỳ Sơn tuy thấp nhưng vẫn in trên nền trời xanh. Đó là Tuy Phước và xa hơn nữa là Qui Nhơn. Bên phải của làng tôi, nhìn về phía Tây thì thấy núi đất, Núi Mò O, và xa hơn là dãy Trường Sơn phía Bắc. Núi như nhớ biển, ăn ra tận biển. Núi đào cao như Đèo Ngang, Hải Vân, Bình Đê, Cù mông, Đào Cả, như ngăn lối chận đường, ấy thế mà đám người lưu dân vẫn tiến về phía Nam. Điều đó cho thấy ý chí và nỗ lực của tiền nhân.Núi đèo cao, nhưng không ngăn được bước chân của đoàn Nguyễn Huệ vào Nam ra Bắc, phá quân Chiêm, diệt quân Thanh.

Trước mặt nhà cha tôi là một cánh đồng nhỏ trải dài đến tận ven sông.Thực ra, nó chỉ là con rạch dẫn nước.Nó nhỏ đến độ không tìm thấy trên bản đồ.Ấy thế đối với làng tôi có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt. Con rạch đó là nguồn cung cấp nước duy nhất cho cư dân trong làng. Nhà nông vẩn cần nước để tưới ruộng vườn. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống! Nước bao giờ cũng là hàng đầu của nhà nông.Và dân làng tôi, chủ yếu sống về nghề nông. Sau này, lớn lên tôi mới hiểu tính chất quan trọng của vấn đề thủy lợi tại quê nhà.. Bình định có bốn đồng bằng Tam Quan, Văn Phú, Phù Mỹ và đồng bằng An Nhơn. Tuy Phước thì rộng hơn cả (1500km2) nhưng thiếu nước để canh tác. Lại Giang, song Kim Sơn, song Mang không tưới nước được toàn vùng. Con rạch nhỏ ấy đối với tôi có nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời. Nơi đó chúng tôi bơi lội, nô đùa, câu cá.Vào mùa nắng, hai bên bờ, nông dân thay nhau đếm ngày tát nước vào ruộng đồng.Hai bên bờ lau sậy, dứa dại và cả xương rồng mọc đầy. Thình thoảng từ đám cây cỏ đó  nhô lên vài cây bang, cây đa. Dưới các cây cổ thụ trở thành linh thiêng cho nên mỗi khi trong làng có ai đau yếu, hoạn nạn, bất an, bất trắc điều gì thậm chí cả thí sinh thi cử, kiếm việc làm cả thảy người người dân đến miếu nơi các cây cổ thụ đèn nhang, lễ bái thình cầu.

Vào mùa mưa lũ, toàn bộ cánh đồng chìm trong bể nước. Bốn bề là nước, nước mênh mông, đi lại bằng ghe, gọi lạ là chiếc song.Dân làng lợi dụng thời điểm này để đi tải gạch, đá, ván, gỗ để dành xây nhà. Lý do, vào mùa mưa nước lớn, dân không có việc làm đến chuyên chở vật liệu nặng bằng đường thủy thì đỡ sức người và ít tốn kém. Thế nhưng, sang mùa nắng, cánh đồng khô hạn, dân làng tràn ra ruộng nhặt gốc rạ để làm chất đốt. Khi nắng hạn, nước song cạn, thiếu nước, có người nảy ra ý kiến kỳ cực . Ban đêm, rủ nhau  ra song đóng cọc giữa dòng, dùng phên và chiếu để ngăn dòng. Ruộng trên giữ nước, ruộng dưới khan. Thế là xảy ra tranh chấp, cãi nhau rất hăng và thế nào cũng đưa đến màn đấu võ. Khi hai bên thương tích đầy mình thì kéo nhau lên quan nhờ phân xử. “Bình Định hay lo Thừa Thiên ních hết”. Tuy suy nghĩ vì đâu nên nỗi! Câu nói này được truyền tụng từ khi tôi còn nhỏ. Nhưng đáng buồn hơn, không phải “Bình Định hay lo” như thời Pháp thuộc – mà ngày nay thì “cả nhà nước hay lo”, “Cộng sản ních hết”.

Thực trạng ở đất nước Việt Nam chúng ta đầu thế kỷ 21là như vậy.Nói đâu xa, vừa đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chúng ta đã gặp nhau thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu?).Vào đầu thập kỷ 40, dân làng vẫn còn thích hội hè, đình đám.Hát bội và đấu võ là hai môn được dân làng ưa chuộng. Những người bạn của tôi, vốn đã giữ chức vụ khá cao thời Việt Nam Cộng Hòa ở Bình Định đều đồng ý rằng, ở Bình Định muốn có dân chúng tham gia một buổi sinh hoạt nào đều phải có hát bội hay đấu võ. Hát bội và đấu võ là những nét đặc trưng mang tính truyền thống dân tộc của đất Bình Định. Người dân Bình Định không những ưa thích ưa thích hai đặc trưng truyền thống đó mà còn xem đó là truyền thống văn hóa rất đáng tự hào. Tất nhiên truyền thống đó được lưu truyền thế hệ này sang thế hệ khác và luôn được gìn giữ, bổ sung. Người dân Bình Định không quên những người đã gieo hạt giống như Đào Duy Từ dưới đời Tây Sơn và Đào Tấn người Vĩnh Thạnh…

Vào cuối thập kỷ 30 bước qua thập kỷ 40, trong những dịp vui mừng, những nhà khá giả đều tổ chức hát bội. Gia chủ mời hẳn đoàn hát về trình diễn cho bà con xem, thời gian có khi kéo dài đến hai, ba ngày cho bà con xem. Rạp hát, sân khấu, chỗ ngồi đều làm những vật liệu có sẵn tại địa phương như tranh, tre, ván gỗ v.v… Dân chúng các vùng chung quanh rủ nhau đến xem rất đông. Sinh hoạt này không chỉ thuần túy trình diễn hát bội mà còn có tiết mục ăn uống. Khách đến tham dự, như một tục lệ, đem theo lễ vật hoặc tiền bạc để mừng đoàn hát. Bao giờ cũng vậy, đồng tiền có mặt tiêu cực và tích cực.

Đời sống ờ miền quê trầm lắng và khép kín.Trai gái ít có dịp gặp gỡ.Cơ hội duy nhất đối với họ là các phiên chợ. Do các mai mối sắp đặt trước, phiên chợ là dịp thuận tiện đề các cháng trai đi “coi mắt vợ”. Chằng thế, trong dân gian đã có câu “Trai khôn tìm vợ chợ đông”.Ngày ấy các cô gái, trong đó có các bà chị tôi, rất dè dặt kín đáo và hay mắc cỡ.Hàng hóa, thực phẩm mua xong được bỏ vào rổ, trên đậy kỹ bằng chiếc mẹt, tiếng địa phương gọi là cái trẹt.Vào những ngày rãnh rỗi, người ta tổ chức đổ bánh xèo, một buổi liên hoan nhẹ, mang tính chất gia đình và thân hữu.Bài chòi và hát vè là một loại văn nghệ tự biên tự diễn. Hát vè thường được tổ chức vào ban đêm, những đêm trời quang, trăng sáng, mọi người lắng nghe người nghệ sĩ dân gian hát vè. Ngày ấy, vè mà mọi người ưa thích là vè “Cô Thông Tằm”.Bà là vợ của một quan chức người Việt Nam làm việc tại hãng dệt Tơ Tằm Delignon. Từ quê lên thăm chồng bằng xe kéo. Người phu xe thấy bà mang nhiều nữ trang trên người nên động lòng tham và phạm tội ác cướp của giết người. Nội vụ bị phát giác, thủ phạm bị hình phạt nặng nề.Cứ mỗi lần người nghệ sĩ tài tử này hát lên những câu vè diễn tả thân phận bi đát của nạn nhân, những lời van xin được sống rất bi thương khi phải đối diện với cái chết trong lúc đêm khuya đường vắng đã thực sự xoáy vào lòng người.Cảm giác của người dân quê mộc mạc, chất phác hiền lành dễ bị xúc cảm trước đau thương của người khác.Họ cảm thấy cái khổ đau của người khác như sự đau khổ của chính mình. Đề tài đi sát vào cuộc sống của người dân quê. Nó không có nội dung cường điệu như những bài vè sau này.

Các nhà văn tiền chiến như Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nam Cao, Trần Tiêu khi viết về làng quê đều cho rằng phần dân miền quê đều hiền lành chất phác…

Suy cho cùng, nên hiểu cho bà con quê nhà thường bị điều kiện hóa trong guồng máy xã hội đương thời. Giai cấp thống trị cố duy trì hình thức xã hội để ru ngủ con người, làm lệch đi về suy tư cuộc sống. Trong một xã hội tham trọng ngôi thứ, “thích một miếng giữa làng bằng một sàng trong trong bếp” nên bằng mọi cách để vươn lên, chạy chọt chức tước, phẩm hàm.Nếu không sẽ mãi mãi làm sư dịch, phục vụ cho kẻ khác.Kèn cựa chỉ vì nghèo. Nguyễn Hiến Lê, trong hồi ký “Làng Phương Lâm” khi nói về hủ tục ở quê, ông cũng đã viết “dân tộc nào, thời nào, hễ nghèo đói thì cũng như vậy hết”.

Ngay bây giờ chủ nghĩa Cộng sản đã đi vào thoái trào, đã bị đào thải ngay tại quê hương Cách Mạnh Tháng 10 Nga Sô.Ở Việt Nam ai cũng biết rằng Chủ Nghĩa Cộng sản là không tưởng, là phi nhân. Đám cán bộ CSVN cũng tự biết, chủ nghĩa Cộng sản không còn lý tưởng. Thế nhưng, nghịch lý thay, cả khối người lao vào guồng máy đàn áp, bốc lột. Đề làm gì?Tất nhiên, phần đấu để được vào Đảng không phải để làm “đầy tớ nhân dân” như bọn CS rêu rao.Thực chất, ở VN ngày nay, đời sống người dân quá bi đát về vật chất cũng như tinh thần.Đề thoát cảnh cơ cực, phấn đấu vào Đảng mới có địa vị, có chức, có quyền, có chỗ ngon, chỗ tốt, mới kiếm ra lợi, hái ra tiền.Có vào Đàng mới không bị bốc lột, không bị hà hiếp.

Chuyện quê hương còn dài.Nhìn lại, chỉ thấy xót xa cho quê hương.Bao năm gian khổ, núi xương sống máu đổ ra, người dân vẫn lầm tham không khác gì ngày đất nước còn chìm trong màn đêm của chủ nghĩa thực dân Pháp.Có khi còn tệ hại hơn. Nghĩ đến quê hương, tôi chỉ cảm thấy bùi ngùi…

Lê Chu

Previous
Previous

Cuộc hạnh ngộ “kỳ diệu” của ba tù nhân Hỏa Lò

Next
Next

Linh mục Dominic Nguyễn Đức Hạnh Cha Bề Trên của Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm được Chúa đón về trong ngày Giáng Sinh