Cuộc hạnh ngộ “kỳ diệu” của ba tù nhân Hỏa Lò

Dallas TX.- Tin tác giả cuốn Hồi ký Thép Đen Đặng Chí Bình về với Chúa ngày thứ hai của năm mới 2023. Tôi không nhớ ra thời gian nào ông đến Dallas và tôi muốn viết lại vài dòng về con con người anh hùng đáng kính này. Hơn nữa ông Đặng Chí Bình lại là thúc phụ của Tiến sĩ Trần Thành (nhà văn Trần Thu Miên), một người bạn trẻ tài năng hiếu khách mà tôi quý mến. Tôi cầu cứu đến ông bà Nguyễn Văn Tường, bởi vì tại ngôi nhà của ông bà Tường là nơi đã có một cuộc hạnh ngộ đặc biệt của ba người gồm hai Việt  và một Mỹ cùng có một nhà tù chung khét tiếng độc ác nhất của Cộng sản Hà Nội: Nhà Tù Hỏa Lò  Hà Nội…

Suốt gần cả một ngày, tôi định bỏ cuộc nhưng bổng nhiên tôi nhớ đến cầu nguyện, biết đâu ông giúp tôi tìm lại được tài liệu mà tôi đã ghi lại cuộc gặp gỡ của ông với hai người cùng chung nhà tù Hỏa Lò. Và lời cầu nguyện của tôi đã ứng nghiệm, tôi đã tìm ra hình ảnh và bài viết của tôi hơn 8 năm về trước.

“Chiều Thứ Tư, ngày 24 tháng 09 năm 2014 tại tư gia ông bà Nguyễn Văn Tường cựu Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas có một cuộc hạnh ngộ “kỳ diệu” của ba nhân vật đặc biệt từng sống trong nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt của Cộng Sản Việt Nam là tác giả Thép Đen Đặng Chí Bình đến từ Boston, ông Nguyễn Văn Lộc (LộcVàng) và cựu Đại tá Hoa Kỳ Ken Cordier: nhà tù Hỏa Lò còn được các tù binh Mỹ gọi là Hà Nội Hilton!

Được gọi là cuộc hạnh ngộ kỳ diệu, bởi không được thu xếp và chuẩn bị từ trước. Sự có mặt của tác giả Đặng Chí Bình tên thật Trần Quốc  Hùng tại Dallas để gặp lại Lộc Vàng ngoài liên hệ đồng tù còn một thâm tình đã kể lại lần trên đài VIETV Dallas. Mười đồng bạc ($10.00) của Lôc Vàng trong lúc cơ hàn tặng cho ông Đặng Chí Bình của những ngày tơi tả lúc mới ra tù.Tuy tác giả Thép Đen Đặng Chí Bình không nhận mười đồng ân nghĩa ấy nhưng đã ghi khắc trong lòng món nợ ân tình không bao giờ trả được nên đã từ Boston đến Dallas và gác bỏ mọi việc để ra đi gặp người xưa: LộcVàng!

“Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Thiên hạ tặng ông biệt danh “LộcVàng” từ mấy chục năm trước, vì sự đam mê của ông dành cho nhạc vàng và vì giọng ca đặc biệt của ông. Nhạc vàng trong quan niệm của ông Lộc (cũng như lớp người thuộc thế hệ ông) chính là dòng nhạc tiền chiến với nhiều tình khúc vượt thời gian, không bao gồm “nhạc sến” ướt át bình dân như cách hiểu hiện nay.Thói thường người ta vẫn “phùt hịnh”, kẻ “phù suy” bao giờ cũng hiếm hoi và chịu thiệt thòi.Có một thời nhạc tiền chiến bị hắt hủi, vùi dập nhưng vẻ đẹp, sức quyến rũ của nó vẫn khiến không ít người lụy tình.

“Tôi thấy đẹp, thấy hay thì tôi yêu, tôi thích”, Lộc Vàng giải thích sự “phù suy” của mình. Ông sinh ra trong một gia đình không làm nghệ thuật nhưng yêu nghệ thuật. Cha ông, một chủ thầu xây dựng, say âm nhạc, từ tuồng, chèo, cải lương tới nhạc mới. Khi còn nhỏ, mỗi buổi tối Lộc Vàng lại được ngồi trong lòng bố, nghe bố ngâm nga hát. Mới 6, 7 tuổi ông đã thuộc nhiều bài nhạc vàng (nhạc tiền chiến), dù chưa hiểu nổi những ca từ bay bổng, man mác yêu đương. Tình yêu lớn lên qua tháng ngày, cho đến khi ông thấy mình không dứt ra được… Lộc Vàng bị tống vào tù 10 năm, cộn gvới 4 năm bị quản thúc, mất quyền công dân cũng chỉ vì tình yêu ấy. Khi bị hỏi cung, “biết nhạcvàng bịcấm, sao vẫn hát?”. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Lộc trả lời: “Chúng tôi thích thì hát. Không vì tiền, không kích động, chúng tôi chỉ đóng cửa hát cho nhau nghe”. Lộc Vàng nhớ lại: “Thời ấy say mê lắm. Chỉ cần một ít thuốc lá, một ấm trà, chúng tôi có thể ngồi hát với nhau thâu đêm suốt sáng”. Rồi ông tự nói với mình: “Mà sao lạ không say mê cho được? Ca từ đẹp, tình yêu xa xôi, bong bẩy nhẹ nhàng…”.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Lộc Vàng lang thang trên đường phố Saigon gặp lại Đặng Chí Bình. Tác giả Thép Đen đưa bạn mình về nhà, trước hoàn cảnh bi đát của Đặng Chí Bình, Lộc Vàng đã “dúi” vào tay người đồng tù mười đồng bạc. Ngày nay nhắc lại cả hai đều rơi lệ! Một sự xúc động không thể diễn tả được giữa cựu Đại tá Ken Cordier và Thép Đen Đặng Chí Bình. Theo thứ tự thời gian, tháng 6 năm 1962 Đặng Chí Bình đến Hỏa Lò tiếp theo Ken Cordier tháng 12 năm 1966 và Lộc Vàng năm 1968. Một chai rượu mang tên Prisoners được ông Ken Cordier mang đến để cùng chia sẻ niềm đau đã qua và nâng ly chúc mừng ngày hội ngộ kỳ diệu!

Cựu Đại tá Ken Cordier bên cạnh Lộc Vàng chỉ địa điểm Hỏa Lò.

Ông Đặng Chí Bình tặng CD Hồi ký Thep Đan có bản đồ Hỏa Lò cho cựu Đại tá Kenneth W. Cordier tại tư gia Ông Bà Nguyễn Văn Tường

Cựu Đại tá Ken Cordier và ông Đặng Chí Bình dùng sơ đồ nhà tù Hỏa Lò trên bìa Thép Đen định vị xà lim nào mình đã bị nhốt và tra tấn. Tiếp theo là những mẩu chuyện cười ra nước mắt trong nhà tù Cộng sản đặc biệt là tại Hỏa Lò. Mọi người cùng nâng ly, trong đó có các chiến hữu binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa như cựu Trung tá Thành, Thiếu tá Sơn Houston, nhà thơ Lê Quang Sinh Dallas, Duyên Hùng từ Pháp và anh Thành đến từ  Florida. Trong lúc nhắc lại nguyên nhân sự có mặt củaThép Đen Đặng Chí Bình vì mười đồng bạc (Cộng sản Việt Nam); Thiếu tá Sơn cũng nhắc đến mười mỹ kim của cựu Trung tá Nguyễn Văn Tường khi vừa đặt chân đến đảo tỵ nạn, lần đầu tiên tiết lộ! Cũng mười đồng bạc ân tình!

Trong dịp này, anh Lộc Vàng đã gửi tặng đến mọi người hai ca khúc, một kỷ niệm khó quên khi mỗi người mỗi nơi. Ông Ken Cordier muốn giữ cho mình giọng hát của anh mặc dù ông không hiểu ý nghĩa ội dung bài hát.Thứ Sáu tuần này, Hội Cao Niên Dallas sẽ được nghe tiếng hát của Lộc Vàng tại nhà hàng Quốc Hương, Thép Đen Đặng Chí Bình đổi vé máy bay ở lại thêm một ngày để nghe bạn tù mình hát, tiếng hát mà trước đây ông lén lút mới nghe được. Ông trở về Boston ngày hôm sau.Và Thứ Hai, Lộc Vàng cũng trở về Hà Nội – Việt Nam, tiếp tục làm con tằm nhả tơ: cả cuộc đời sống - chết trong sự đam mê nhạc vàng của mình.”.

Thép Đen Đặng Chí Bình cùng cụng ly với cựu Đại tá Kent Cordier chai rượu Prisoners

Khi gửi cho tôi bản cáo phó của Thép Đen – Đặng Chí Bình, bạn của tôi lên đường đi Boston tham dự tang lễ của chú mình. Trong số báo tuần này, qua sự ra đi của ông Giuse Trần Quốc Hùng tức Thép Đen Đặng Chí Vịnh; Người Việt Dallas với lòng ngưỡng mộ và nhắc lại đôi điều về người tù kiệt xuất Việt Nam Cộng Hòa như một sự kính phục và biết ơn ông đã hy sinh phục vụ Tổ Quốc. Kính chào tiễn biệt ông, xin cầu nguyện linh hồn ông Giuse Trần Quốc Hùng sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Họp mặt cùng tiễn năm cũ đón mừng năm mới

Next
Next

Tưởng nhớ cố vấn Lê Chu