Tạp ghi: Ngậm ngùi đưa tiễn em Magdalena Phạm Hân Chelsea

Sáng sớm Thứ Sáu ngày 30 tháng 08 năm 2024, vợ chồng tôi tham dự Thánh lễ an táng Cụ ông Phêrô Nguyễn Đức Nhị tại thánh đường Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Arlington. Tình cờ trong lúc chờ đợi giờ cử hành Thánh lễ, tôi nhìn về phía niêm yết chương trình tang lễ, ngoài tang lễ Cụ ông Phêrô còn có một người con gái trẻ tên Magdalena Phạm Hân Chelsea và Thánh lễ sẽ được tổ chức vào ngày kế tiếp là sang thứ bảy hôm sau. Bản tính tự nhiên, tôi vô tình hỏi thăm người bạn quen cũng là “con chiên cơ hữu” của giáo xứ Các Thanh Tử Đạo lâu đời: “Tại sao cô gái xinh đẹp còn rất trẻ mà lại chết”?

Anh không ngần nại trả lời ngay: “Tự tử”!!!

Tôi không hỏi thêm một lời nào bởi vì có thể những gì anh nói đã là nguyên nhân chính xác của em Phạm Hân Chelsea mà chính từ sự ăn năn hối hận của thân sinh đã cho ra đời đứa con bất hạnh của mình. Tôi ngậm ngùi và bàng hoàng về cái chết của em Hân. Tôi muốn viết những gì tôi suy nghĩ ngay số báo thứ sáu tuần tiếp theo, một tuần lễ sau Thánh lễ an táng của em Hân. Nhưng vợ tôi không đồng ý và cho rằng viết có thể làm tang quyến buồn thêm cũng như để cho em Hân được an nghỉ. Với tôi hoàn toàn nghĩ khác như nhà văn Margaret Atwood từng viết, đôi khi có những chuyện cần được nói ra, nói đi, nói lại cho đến khi không cần phải nói nữa. Chính vì thế mà tôi quyết định viết bài về cái chết của em Magdalena Phạm Hân Chelsea, chủ yếu là để nói đi nói lại một điều. Tôi hy vọng, như lời nhắn trong chiếc chai thả ra biển, thông điệp nhỏ của tôi sẽ đến được với ai đang cần khuây khỏa sau khi mất một người thân yêu vì tự tử…

Phạm Hân Chelsea

Nhưng một điều tôi rất ngạc nhiên Thánh lễ an táng của em Magdalena Phạm Hân Chelsea không âm thầm lặng lẽ mà ngược lại một Thánh lễ rất “huy hoàng và trang trọng”, lớn nhất các lễ tang từ trước đến bây giờ tại địa phương Dallas-Fort Worth cho dù người ra đi là song thân phụ mẫu của các linh mục hay chính các linh mục từ trần. Chính sự kiện này đã làm nhiều Kitô và người ngoại đạo cũng tò mò từ đâu đưa đến cái chết không bình thường của em Phạm Hân! Nhiều nguồn tin vô tình hay thiếu ý thức đã đoán gần đoán xa nguyên nhân cái chết của em Hân làm cho tôi ngậm ngùi chua xót.

Sự xuất hiện của Đức Giám mục Micae Phạm Minh Cường, Giám mục phụ tá San Diego sẽ về nghỉ phép và thăm gia đình ở Louisiana khi nghe tin dù không được mời đã có mặt tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Arlington làm chủ tế nghi thức Thánh lễ an táng đã có lời mở đầu trước khi cử hành Thánh lễ an táng: “Xin cảm ơn Đức Cha Michael Olson Giám mục Địa phận Fort Worth, Cha Chánh xứ Giáo xứ Trần Đình Diễm đã cho phép con về dâng Thánh lễ sáng hôm nay. Có thể một số quý ông bà và anh chị em thắc mắc tại sao tôi lại về đây. Trước lễ thì có một người hỏi Đức Cha có quen gia đình hay không? Tôi nói không!  Sao người ta mời Đức Cha? Người ta (tang quyến) không mời mà tôi tự mời ! Lý do là bởi vì tuần trước em Hân qua đời thì chị Vân có gọi (chị Vân trong ca đoàn) và chị Vân có xin lời cầu nguyện cho em Hân. Và Thứ hai vừa rồi chị Vân có ghé qua thăm gia đình anh chị Hoàng Bích. Chị Vân nói nếu được xin cho chị Bích thưa chuyện với Đức Cha một chút xíu! Tối hôm Thứ hai vừa rồi có dịp đó và chị cũng chia sẻ và mẹ của em Hân cũng chia sẻ nỗi buồn trong sự ra đi của con mình. Sau buổi nói chuyện đó tôi có hỏi chị lễ an táng của em Hân vào lúc mấy giờ và ngày nào? Chị cho biết là sáng hôm nay. Từ lâu, tôi không được về thăm gia đình ở New Orleans. Đúng vào cuối tuần này tôi về thăm gia đình nhân dịp  lễ Labor’ Day - “long weekend” và trên Địa phận họ cũng tha cho để về thăm gia đình. Nhưng có lễ an táng ngày hôm nay xin đến đây để dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Magdalena cũng như cho gia đình và giáo xứ. Như quý ông bà và anh chị em có mặt trong Thánh lễ hôm nay cùng quý Cha, quý Sơ…

Chúng ta đến đây là muốn cầu nguyện cho linh hồn Magdalena Phạm Hân Chelsea và gia đình anh chị Hoàng Bích, em Đạt…Tôi xin gửi chia buồn cùng anh chị Hoàng Bích!”

Cháu Madalenia.

Các thiếu nhi từ biệt trước ngôi mộ mới của cháu Hân

Bà con và giáo dân tham dự thành lễ an táng.

Thánh Lễ an táng của em Magdalena Phạm Hân Chelsea long trọng không khác gì như một người “tử vì đạo” được vinh danh làm cho tôi nhớ lại cái chết âm thầm theo nghi thức đạo Công giáo của một nhân vật nổi tiếng cũng là một Kitô hữu. Đó là tài tử Lê Công Tuấn Anh có người cô ruột là một bà Sơ bảo lãnh anh từ trong trại các em mồ côi. Tang lễ của anh được cử hành tại Chùa Xá Lợi thay vì một ngôi Thánh Đường ở Saigon. Tài tử điện ảnh Lê Công Tuấn Anh  hay còn được gọi bằng biệt danh Lê Công sinh ngày 2/2/1967, là một trong những nam diễn viên nổi tiếng bậc nhất làng giải trí Việt một thời. Cho tới tận bây giờ, khi người nghệ sĩ tài hoa đã không còn nữa nhưng vẫn là một huyền thoại trong lòng nhiều người hâm mộ Việt. Từ cậu bé hè phố vụt sáng thành ngôi sao bậc nhất màn ảnh Việt.

Thật khó tưởng tượng được một nam diễn viên sáng giá của làng giải trí những năm thập niên 90 đã từng có một tuổi thơ đầy cơ cực và bất hạnh. Bố mẹ ly hôn từ sớm khiến Lê Công Tuấn Anh phải tự mình lao động đủ nghề từ bán báo đến đánh giày để kiếm sống. Năm 12 tuổi, anh được đưa vào trường Giáo dục Thiếu niên. Tại đây, nam diễn viên được thầy cô, bạn bè yêu mến, được tạo điều kiện để học văn hóa, học nghề. Sau đó một thời gian, cậu bé 12 tuổi may mắn được người cô ruột bảo lãnh đưa về nhà tại quận 3, Saigon và được cho đi học cấp 2. Đây cũng chính là giai đoạn giúp anh bén duyên với nghệ thuật, trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời người nghệ sĩ. Lê Công Tuấn Anh là cái tên nổi đình nổi đám của màn ảnh Việt những năm 1990.

Trong thời gian học tập tại ngôi trường mới, Lê Công đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ. Nghệ sĩ Lê Bình và nghệ sĩ Kim Cương chính là 2 ân nhân lớn đưa anh đến với con đường nghệ thuật. Nghệ sĩ Lê Bình lúc bấy giờ đang phụ trách văn hóa quận 3 đã phát hiện ra năng khiếu của Lê Công Tuấn Anh và giúp đỡ anh bắt đầu với kịch nói. Sau đó, nghệ sĩ Kim Cương là người nhận Lê Công vào đoàn kịch. Đây cũng chính là sân khấu đầu tiên giúp anh vụt sáng thành ngôi sao bậc nhất màn ảnh Việt sau này.

Ngày 17/10/1996, showbiz chấn động bởi cái chết đột ngột của nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh. Anh bỏ lại tất cả khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ,  nghệ sĩ Hồng Vân cho biết đám tang của nam nghệ sĩ có thể xem là lớn nhất lúc bấy giờ với hàng chục nghìn khán giả đến đưa tiễn. Các fan xếp hàng dài trước cổng chùa Xá Lợi chỉ để chờ được vào thắp nhang và bày tỏ niềm thương tiếc của mình với thần tượng. Sự ra đi của Lê Công  Tuấn Anh chính là niềm mất mát to lớn đối với nền điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Trong cuốn nhật ký của Lê Công Tuấn Anh đã ghi vào trang đề ngày 15/10/1996 những dòng gần như trăn trối như sau: "…Nếu không đi đến được hôn nhân anh sẽ chết… Bao nhiêu thư từ của khán giả để hết vào quan tài. Còn 3 triệu đồng và đầu máy video bán đi để lấy tiền làm đám tang. Một số khác như tivi, cassette, dây chuyền thì cho một số người thân. Còn chiếc Phonelink có số trùng với ngày sinh của Minh Anh thì tặng lại Minh Anh làm kỷ niệm…". Cuối trang nhật ký Lê Công Tuấn Anh còn viết thêm: "Rất hạnh phúc và thanh thản ra đi…". Có không ít suy đoán sau sự ra đi đầy bí ẩn ở tuổi 29 của nam chính Vị Đắng Tình Yêu nhưng lý do thực sự khiến anh chọn cách rời đi vẫn còn bỏ ngỏ. Cuối cùng, Lê Công đã mang theo cả những bí ẩn trong tính cách, những đẹp đẽ hay cả những giông tố ẩn sâu trong kẻ lãng tử đa tình và chôn chặt…

Hai cái chết của Lê Công Tuấn Anh và em Phạm Hân cùng là tự tử nhưng nguyên nhân hoàn toàn khác nhau. Nhưng nguyên nhân sự ra đi của tài tử Lê Công Tuấn Anh được nhiều báo chí truyền thông nói tới, nhắc đi nhắc lại đến ngày hôm nay. Nếu trong cáo phó ghi rằng: “Đã được Chúa gọi về hay Đã được yên nghĩ trong Chúa thì không phù hợp “Lời Chúa trong cuộc sống” Tự: chính mình; sát: giết. (tự tử hay tự sát): tự kết liễu sự sống của chính mình. Tự tử là một tội nặng ngược với luật tự nhiên và luật mặc khải. Ai tự lấy đi sự sống của mình là vi phạm đến quyền làm chủ sự sống của Thiên Chúa, Ðấng là Chủ tể tối thượng của sự sống (x. GLHTCG 2280). Tự tử là lỗi phạm đến giới răn “chớ giết người”, lỗi phạm đến đức ái đối với bản thân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tha nhân vì cắt đứt cách bất công dây liên đới với người thân cận, với gia đình, với quốc gia, với nhân loại. (x. GLHTCG 2281). Tuy nhiên, người tự tử, nếu có “những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ” hoặc sợ bị tra tấn, thì có thể được giảm bớt trách nhiệm luân lý (x. GLHTCG 2282). Giáo hội không tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự sát (x. GLHTCG 2283), nên vẫn cầu nguyện cho họ. Bộ Giáo luật năm 1983 đã gỡ gần hết những hình phạt nhắm đến người tự tử (không được hưởng thánh lễ an táng, không được chôn trong đất thánh...)

Chính giới luật của giáo hội và đặc biệt tại Việt Nam ngày trong thời gian tài tử Lê Cộng Tuấn Anh tự tử năm 1996 mặc dù có thời gian ngắn tỉnh lại sau khi quyết định tự tử đã hối lỗi nhưng khi chết đi vẫn không được cử hành thánh lễ an táng thay vì trong thánh đường nhà thờ, tang lễ cử hành trong Chùa Xá Lợi! Trong khi đó, ngược lại em Phạm Hân, tang lễ cử hành long trọng trong nhà thờ lại được Đức Giám Mục làm chủ tế, phổ biến trên mạng xã hội, một sự kiện khó hiểu…

Tự tử là một căn bệnh khó hiểu nhất. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng nếu người tự gây ra cái chết của mình, thì nó là chuyện tự nguyện với suy nghĩ rằng cái chết do bệnh tật hoặc tai nạn thì không phải thế. Nhưng trong hầu hết các vụ tự tử, chuyện không phải như thế. Một người chết vì tự tử, cũng như người bị bệnh nan y hoặc gặp tai nạn chết người, không chết do lựa chọn của họ. Khi người ta chết vì đau tim, đột quỵ, ung thư, AIDS và tai nạn, là họ chết trái với ý họ. Với tự tử cũng thế, trừ một chuyện, tự tử là cơn bộc phát cảm xúc hơn là thể lý, một cơn đột quỵ về cảm xúc, một khối ung thư về cảm xúc, một sự sụp đổ của hệ miễn dịch cảm xúc, một tai nạn chí tử của cảm xúc. Không ai chết vì tự tử mà thật sự muốn chết cả. Người đó chỉ muốn kết thúc nỗi đau không thể chịu đựng thêm nữa, cũng như một người nhảy ra khỏi tòa nhà đang cháy vì họ đã bị bắt lửa như cây đuốc sống. Chúng ta không nên lo lắng quá mức về sự cứu rỗi đời đời của người chết vì tự tử, không nên tin rằng tự tử là hành động tuyệt vọng tận cùng và là điều mà Thiên Chúa sẽ không tha thứ. Chắc chắn Thiên Chúa thông hiểu hơn chúng ta vô hạn, tấm lòng của Chúa an toàn và êm ái hơn chúng ta vô hạn. Chúng ta hình dung một bà mẹ vừa sinh con, lần đầu tiên ôm con vào lòng. Tôi tin rằng đó chính là hình ảnh chính xác nhất để hình dung một nạn nhân của tự tử (hầu hết là một linh hồn quá nhạy cảm) sẽ được đón nhận vào đời sau. Thiên Chúa thông hiểu, yêu thương và trìu mến vô cùng vô tận. Chúng ta không nên lo lắng về số phận của bất kỳ ai đã rời thế giới này một cách trung thực, quá đỗi nhạy cảm, ân cần, quá đỗi kiệt quệ và bị sụp đổ về mặt cảm xúc. Thiên Chúa yêu thương đặc biệt những con người tan nát.

Tự tử thật sự là một cách chết kinh khủng, nhưng chúng ta phải hiểu, ít ra trong hầu hết trường hợp, nó là một căn bệnh, một sự sụp đổ của hệ miễn dịch cảm xúc. Trong hầu hết, chúng ta phải tin tưởng Thiên Chúa, tin tưởng sự tốt lành, thông hiểu của Ngài, tin tưởng sức mạnh trỗi dậy từ địa ngục và sức mạnh của Ngài có thể biến đổi mọi sự nên đúng đắn, kể cả với tự tử…Những tác động nào đưa đến em Phạm Hân quyết định hủy hoại mạng sống của mình?

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật,  chúng ta ngày càng tiếp thu được nhiều thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng,  biết được hàng ngày hàng giờ có nhiều bạn trẻ tự tử mà nguyên do bị ức chế tình cảm,  phiền não gia đình,  thất vọng công danh,  tự ti bản thân,  buồn khổ cô đơn,  trầm cảm bi khổ,  bế tắc tiền tài,  lo sợ bị đe dọa... Tâm lý bị tác động ảnh hưởng đến quá trình nhận thức và tình cảm yếu đuối.  Nên sự việc tới các bạn trẻ đó không thể tìm thấy lối thoát nào cho bản thân mà chỉ còn cách quyên sinh tử tự. 

Một cách nhìn khác về Phật Giáo, hậu quả  tự tử để lại hậu quả bi thương cho người thân, nỗi buồn cho bạn bè...lại tạo thêm nghiệp cho mình, vì tự tử là bất hiếu, hiếu dưỡng chưa báo lại đoạn hiếu nghĩa,  ân dưỡng dục sinh thành nặng tựa núi Thái Sơn,  mà chỉ vì cá nhân ích kỷ lại mang tội danh bất hiếu.  Lại nữa,  đâu phải chết là hết,  mà có khi bị níu lại chỗ đã mất do nghiệp lực,  hay đầu thai chuyển kiếp... nhưng nỗi buồn,  nỗi cô đơn,  nỗi ưu phiền lại nằm trong tâm thức người mất không thể nào phai nhòa mà theo cùng người đó vào trong vòng luân hồi sinh tử. 

Tự tử là nghiệp nặng,  chết đi đọa địa ngục,  vì có ba lý do sau: thứ nhất thân thể cha mẹ cho lại đành tâm hủy hoại,  thứ hai chưa giúp ích báo hiếu dưỡng dục cha mẹ mà nỡ lòng đứt đoạn cuộc sống phân ly,  thứ ba là tâm phiền não sân si tìm về cõi chết.  

Chúng ta nếu có những tâm lý như u uất lo buồn,  bi thương sầu não,  tự ti mặc cảm...thì có nhiều cách để khắc chế,  để làm giảm nhẹ đi trạng thái tiêu cực như trò chuyện giao tiếp người thân bạn bè để tìm cách khắc phục thông qua sự cảm thông chia sẻ,  còn có cách là sử dụng thiền quán,  chánh niệm tư duy quán xét những ý nghĩa không tốt,  cảm xúc tiêu cực đó từ đâu ra,  nguồn gốc của chúng thật không có mà do tư tưởng khởi lên trong vọng niệm nhận thức sinh ra,  vọng niệm không theo thì tư tưởng tan biến.  Hay nhất tâm niệm Phật,  chú tâm vào danh hiệu của chư Phật,  chư đại bồ tát,  nhờ các Ngài gia trì gia hộ, tinh tấn chuyên cần niệm Phật,  làm tâm bất động giữa những tư tưởng xao động,  để từ đó thân tâm được an ổn ngõ hầu quay về cuộc sống thực tại hiện tiền không khổ lụy. Theo lý nhân quả,  tất cả đều do nghiệp lực lôi kéo,  nên tự tử cũng không ngoại lệ. Nên ta phải nhận thức được "tất cả các cảm thọ của tâm do vọng niệm mà sinh khởi,  mà vọng niệm có là do bám chấp vào hư vọng của trần lao,  hư vọng của chấp thủ mà mình coi đó là quan trọng,  coi đó là hạnh phúc,  coi đó là đích ngắm mà khi không được lại sinh ra buồn khổ thì thật là khổ trong khổ sinh ra khổ".  Đối với người Phật tử cuộc đời là vô thường,  sống trong chánh niệm,  an trú trong hiện tại, tâm không sở cầu,  an nhiên tĩnh lặng sẽ bớt đi phiền não nơi trần thế. 

Chúng ta phải thương yêu người tự tử,  họ chỉ vì thiếu nhận thức,  thiếu hiểu biết hay một phút nông nỗi mà làm ra sai lầm không đáng có,  để rồi ân hận thì đã quá muộn. Chúng ta nếu biết nếu thấy hãy niệm Phật cho họ,  cầu siêu cầu an cho họ.  Khi tâm yêu thương thành khẩn của ta hướng về họ thì ta sẽ chiêu cảm được tâm bi thương của họ để tâm người đã mất được yên tĩnh an lành sẽ làm giảm đi cái nghiệp chứng sâu dày của họ. 

Xin cầu nguyện cho linh hồn Magdalena Phạm Hân Chelsea sớm về hưởng nhan thánh Chúa.

Phêrô Thái 

Next
Next

Thành phố Garland thăm viếng chùa Đạo Quang