Henry Kissinger lại đi Bắc Kinh với sứ mạng gì?
Tác giả Tessa Wong
Chủ tịch Tập Cận Bình nồng nhiệt chào đón nhà cựu ngoại giao Henry Kissinger trong bối cảnh Hoa Kỳ tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Cộng.
Chuyến thăm bất ngờ của ông Kissinger tới thủ đô Trung Cộng diễn ra giữa lúc có nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ tới thăm nước này.
Cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ, nay 100 tuổi, đóng vai trò then chốt trong việc giúp Trung Cộng thoát khỏi sự cô lập ngoại giao trong những năm 1970.
Phía Mỹ nhấn mạnh ông Kissinger đi Trung Cộng với tư cách cá nhân.
Nhưng với tiếng tăm của ông ở Trung Cộng, ông có thể đóng vai trò một kênh liên lạc không chính thức cho các cuộc đàm phán Mỹ-Trung.
Truyền hình nhà nước phát hình ảnh ông Tập cười tươi khi ông nói với ông Kissinger: “Tôi rất mừng được gặp ngài.”
Họ có cuộc gặp tại Nhà khách Quốc gia Điếu ngư đài, một không gian thân mật hơn Đại lễ đường Nhân dân, nơi Trung Cộng thường tổ chức các cuộc gặp chính thức với các quan chức ngoại giao nước ngoài.
Điếu ngư đài cũng là nơi mà hơn nửa thế kỷ trước ông Kissinger gặp quan chức TC trong một chuyến thăm bí mật để giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung, ông Tập nhận xét.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ quên bạn cũ, và sẽ không quên đóng góp lịch sử của ông trong việc phát triển quan hệ Mỹ - Trung và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước,” ông Tập nói thêm.
Giọng điệu thân ái của ông Tập cũng tương tự như thông điệp mang tính hòa giải từ các quan chức cao cấp TC khác, những người đã gặp ông Kissinger từ khi ông đáp xuống Bắc Kinh hôm thứ Hai.
Các thông cáo phía Trung Cộng đưa ra về cuộc gặp với Ngoại trưởng Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nhấn mạnh cần có sự tôn trọng, hợp tác và “cùng tồn tại hòa bình” giữa hai siêu cường.
Thông cáo cũng dẫn lời ông Kissinger nói rằng ông là một “người bạn của Trung Quốc”, rằng “Hoa Kỳ và Trung Cộng không thể coi nhau là thù” và quan hệ hai nước sẽ là “trọng tâm cho hòa bình thế giới và cho sự phát triển của xã hội chúng ta.”
Truyền thông Trung Cộng đưa tin tích cực về chuyến thăm của Kissinger, còn mạng xã hội thán phục sức khỏe của ông, bình luận trên Weibo với hashtag “Kissinger vẫn bay sang Bắc Kinh làm việc dù đã 100 tuổi”.
Một số người kêu ca Mỹ giờ đây cử cả người già 100 tuổi sang Trung Cộng để cải thiện quan hệ.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tuần nói họ biết về chuyến đi của ông Kissinger và “sẽ không ngạc nhiên” nếu ông ta báo cáo lại cho bộ ngoại giao khi trở về Mỹ.
Nhưng họ cũng nói rằng ông đi Trung Cộng theo quyết định cá nhân và không hành động thay mặt cho chính phủ Mỹ.
Với tư cách một công dân bình thường, ông Kissinger có thể có thảo luận thẳng thắn hơn với ông Tập và các quan chức khác, cho phép ông trình bày thẳng các mối lo ngại và yêu cầu của Mỹ.
Cũng ít gây tranh cãi hơn cho ông Kissinger khi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ kể từ 2018 vì mua bán vũ khí từ Nga. Tháng trước, Bắc Kinh từ chối cho ông Lý gặp người đồng cấp Lloyd Austin tại một diễn đàn ở Singapore vì Mỹ đưa ông vào danh sách cấm vận.
Có lẽ chẳng mấy ngạc nhiên là ông Kissinger tự đứng ra dàn xếp mọi việc với chuyến đi này.
Trong một phỏng vấn hồi tháng 12 năm ngoái, ông Kissinger chỉ trích cách làm của chính quyền Trump và Biden với Trung Cộng. Ông nói chính phủ Mỹ hiện tại đang tìm cách đối thoại mà “thường bắt đầu với một tuyên bố về những sai trái của Trung Cộng” và các cuộc đàm phán thường “lúng túng”.
Sau nhiều tháng quan hệ thù địch, làm trầm trọng thêm bởi vụ khinh khí cầu do thám hồi đầu năm, các cuộc đàm phán ngoại giao dường như đã trở lại với một chuỗi các chuyến thăm của quan chức cao cấp Mỹ trong vài tuần.
Sau Ngoại trưởng Antony Blinken, người thăm Bắc Kinh tháng trước, ông Kissinger là nhân vật Mỹ duy nhất mà ông Tập đã gặp trong vài tuần qua – cho thấy sự tôn trọng mà Trung Cộng vẫn dành cho vị cựu ngoại giao.
Với sự tiếp đón nồng nhiệt đối với ông Kissinger, rõ rằng Bắc Kinh đã cho thấy họ muốn phía Mỹ liên hệ nhiều hơn, khi ông Tần Cương nói “Chính sách về Trung Cộng của Mỹ cần có sự khôn khéo ngoại giao của Kissinger và sự can đảm về chính trị của Nixon”.
Nhưng điều này sẽ không thay đổi thực tế là cuối cùng thì Trung Cộng vẫn theo đuổi các ưu tiên của mình, Wen-ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Úc bình luận. “Bắc Kinh có thể sẽ xem xét có cử chỉ thiện chí tượng trưng sau chuyến đi của Kissinger vừa để cảm ơn người bạn và tăng uy tín của Kissinger,” ông nói với BBC.
“Nhưng đừng trông đợi Trung Cộng sẽ thay đổi những nguyên tắc cơ bản đằng sau quan hệ Mỹ - Trung, điều sẽ được quyết định không phải do quan điểm cá nhân, mà bởi những gì mà Bắc Kinh coi là lợi ích quốc gia.”
Mặc dù Kissinger là nhân vật gây tranh cãi ở nhiều nước châu Á khác vì vai trò của ông ta trong Chiến tranh Việt Nam, ông vẫn được coi trọng ở Trung Cộng vì đã giúp nước này có mở rộng quan hệ với thế giới.
Năm 1971, mặc dù Mỹ và Trung Cộng không có quan hệ chính thức, Kissinger có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh để thu xếp một chuyến thăm của Richard Nixon.
Năm sau đó, ông Nixon đặt chân lên đất Trung Cộng và gặp các lãnh đạo cao cấp trong đó có Mao Trạch Đông. Chuyến đi này mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ và mở cửa nền kinh tế Trung Cộng.