Lai lịch người lính Mỹ vượt biên sang Triều Tiên

Binh nhì Travis T. King, một quân nhân Mỹ vượt biên trái phép vào Triều Tiên hôm 18/7, đẩy Washington vào một cuộc khủng hoảng mới trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.

Hoa Kỳ đang cố gắng xác định số phận của binh nhì Travis T. King, một quân nhân Mỹ vượt biên trái phép vào Triều Tiên hôm 18/7, đẩy Washington vào một cuộc khủng hoảng mới trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.

Binh nhì Travis T. King là ai?

Binh nhì Travis T. King, gia nhập Quân đội Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2021, là một Kỵ binh Thám báo của Lực lượng Luân phiên Hàn Quốc, một phần trong cam kết an ninh của Hoa Kỳ với Hàn Quốc.

Phát ngôn viên của quân đội Hoa Kỳ cho biết ban đầu ông ta được bổ nhiệm vào một bộ phận của Sư đoàn Thiết giáp số 1 của Hoa Kỳ và hiện trực thuộc một đơn vị trong Sư đoàn 4 Bộ binh về mặt hành chính.

Các huy chương ông đã nhận bao gồm Huân chương Phục vụ Quốc phòng, Huân chương Phục vụ Quốc phòng Hàn Quốc và giải thưởng phục vụ ở nước ngoài.

Ông ta đang đối mặt hình thức kỷ luật nào?

Hai quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết ông ta sẽ phải đối mặt với hành động kỷ luật của quân đội Hoa Kỳ, mà không nói lý do.

Một phán quyết của tòa án Hàn Quốc cho biết ông King đã nhận tội tấn công và phá hoại tài sản công bắt nguồn từ một vụ việc vào tháng 10 năm ngoái và vào ngày 8/2 năm nay, Tòa án Quận Tây Seoul đã phạt ông 5 triệu won (4.000 đô la.)

Phán quyết cho biết ông King đã đấm vào mặt một người đàn ông tại một câu lạc bộ vào ngày 25 tháng 9 nhưng vụ việc đã được giải quyết, sau đó vào ngày 8 tháng 10, cảnh sát tới ứng phó trước tin báo về một vụ ẩu đả khác liên quan đến ông King và cố gắng thẩm vấn ông này, nhưng ông cứ có thái độ hung hăng mà không trả lời câu hỏi.

Cảnh sát đưa ông ta vào băng ghế sau của chiếc xe tuần tra, ông la hét những lời tục tĩu và lăng mạ rồi đá vào cửa xe cảnh sát, gây thiệt hại khoảng 584.000 won, phán quyết cho biết.

Tòa nói bị cáo đã thừa nhận các tội danh, không có tiền án tiền sự và đã trả 1 triệu won để sửa xe.

Làm thế nào ông ta đến biên giới?

Hai quan chức Mỹ cho biết ông King đã mãn hạn bị giam phạt và được quân đội Mỹ chở ra sân bay để trở về đơn vị ở quê nhà.

Một quan chức cho biết ông ta đã một mình đi qua cổng an ninh để đến cổng sân bay và sau đó bỏ trốn. Korea Times dẫn lời một quan chức sân bay cho biết ông King nói với nhân viên hãng hàng không rằng hộ chiếu của ông bị thất lạc để khỏi phải lên máy bay.

Một quan chức cho biết các tour tham quan dân sự đến khu phi quân sự (DMZ) được quảng cáo tại sân bay và ông King dường như đã quyết tham gia.

Các chuyến tham quan như vậy thường đòi hỏi ít nhất 72 giờ để sắp xếp do các yêu cầu về an ninh. Không rõ ông King đã tham gia như thế nào.

Chuyện gì xảy ra ở biên giới?

Các quan chức Mỹ cho biết ông King đang đi tour tham quan làng đình chiến Bàn Môn Điếm thì băng qua Đường Phân giới Quân sự vốn chia cắt hai miền Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến.

Bà Sarah Leslie, một du khách đến từ New Zealand tham gia tour tham quan với ông King, cho biết bà nhìn thấy ông đột ngột chạy qua biên giới khi các binh sĩ Hoa Kỳ và Hàn Quốc cố gắng ngăn chặn nhưng bất thành.

Tại sao lại sang Triều Tiên và bây giờ ở đâu?

Động cơ của ông King vẫn chưa rõ ràng. Mẹ của ông, bà Claudine Gates, nói với ABC News rằng bà rất sốc trước thông tin con trai mình đã vượt biên sang Triều Tiên.

Ông Carl Gates, anh của bà Gates, nói với Daily Beast rằng cháu trai của ông đã “suy sụp” sau cái chết bi thảm của người em họ 7 tuổi hồi đầu năm nay.

Ông Gates cho biết con trai ông qua đời vào cuối tháng 2 năm nay do một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp.

“…Khi con trai tôi qua đời... Travis bắt đầu (trở nên) liều lĩnh (và) điên rồ…,” tờ báo dẫn lời ông Gates nói. “Tôi biết nó có liên quan đến những gì cháu ấy đã làm.”

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết ông King có khả năng đang bị Triều Tiên giam giữ. Truyền thông nhà nước Triều Tiên không đề cập đến vụ việc và phái bộ của họ tại Liên hiệp quốc ở New York không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.

Previous
Previous

Messi tìm lại nụ cười ở Hoa Kỳ

Next
Next

Henry Kissinger lại đi Bắc Kinh với sứ mạng gì?