Bên dòng Thạch Hãn
PHẠM PHONG DINH
Bến phà Neak Luong – Kampuchea.
Chiếc que nhỏ trong tay Thiếu Tá Trần Bá di động trên tấm bản đồ hành quân trải rộng trên tấm bửng đầu chiếc xe Jeep, hai người đại đội trưởng chăm chú nhìn theo, lắng nghe:
-Cuộc hành quân lần này tuy có vẻ nhẹ nhàng nhưng rất quan trọng vì liên quan đến sinh mạng của hàng ngàn đồng bào chúng ta.
Tấn, đại đội trưởng Đại Đội Ba hỏi:
-Tiểu Đoàn chúng ta giữ vai trò gì trong công tác này?
Thiếu Tá Trần Bá lướt chiếc que dọc theo hai bên bờ con sông Mekong trên bản đồ:
-Chúng ta nhận nhiệm vụ clear hai bên bờ Mekong, bảo đảm an toàn cho đoàn hải hạm và giang hạm của Hải Quân đưa đồng bào về đến biên giới.
Thiếu Tá Bá nhìn hai ông đại đội trường nghiêm giọng:
-Nhiệm vụ cũng không phải là nặng nề lắm, chỉ làmở đường clear bờ bãi chẳng khác nào các bạn Địa Phương Quân, nhưng có thể sẽ đụng với quân chính quy, chứ không phải du kích đâu!
Mãnh, đại đội trưởng Đại Đội Bốn xen vào:
-Cũng tốt thôi, chứ bọn du kích nhãi nhép bắn cắc bùm rồi chạy, nản lòng chiến sĩ quá.
-Hừm, đừng coi thường, Công Trường 9 đấy. Hải Quân sẽ cặp bến phà Neak Luong cho đồng bào lên tàu. Tấn dẫn đại đội làm đầu cầu an toàn bên phải bến phà, Mãnh đưa đại đội giữ bên trái. Bên tả ngạn Mekong lùm bụi um tùm coi chừng phục kích, Mãnh tính thế nào?
Đại Đội Trưởng Mãnh đưa tay hăng hái:
-Năm trước em từng làm cú phản phục kích ở Phong Điền Huế, rồi được điều về với Hương Hóa, Hương Hóa tin ở em là được rồi.
Thiếu Tá Trần Bá gật đầu, bùi ngùi:
-Mãnh nhắc lại Phong Điền làm anh nhớ Trung Tá Hằng Minh. Vậy Mãnh đi solo cẩn thận nhé, anh đi với Tấn. Mấy cậu thấy cái trường học này không, tin tình báo cho biết đây là một trại tập trung người Việt mình. Nhiệm vụ Tấn coi vậy sẽ khá nặng nề, vừa giữ sườn cho Hải Quân vừa có thể chạm với quân Kampuchea, luôn cả quân địch, nhưng chúng ta sẽ mềm dẽo tối đa để khỏi sứt mẻ cái tình…lân bang.
Tấn định hỏi thêm chi tiết, thì Hạ Sĩ Nhứt Hơn làm việc trong ban an ninh tiểu đoàn bước vào đưa tin:
-Trình Hương Hóa, mấy thằng gác ngoài bắt được một chú bé…
Thiếu Tá Bá quay lại nhíu mày:
-Nói rõ hơn coi, bé cỡ bao lớn và là bé Miên hay bé Việt, tại sao bắt nó?
-Dạ, thằng nhỏ chừng ba, bốn tuổi, chẳng biết từ đâu chạy vào trước tiểu đội của Trung Sĩ Hải khóc um sùm, Trung Sĩ Hải dổ mãi không chịu nín, sau cho vài cục kẹo nó gật đầu ngừng khóc…
Thiếu Tá Bá gật đầu mĩm cười:
-Hải có hỏi gì được ở nó không?
-Dạ, thằng nhỏ nói nó đi kiếm ba má nó, nó nói tiếng Việt khó khăn quá, thỉnh thoảng chêm vài tiếng Tàu, may có A Xường nghe hiểu. Thì ra nó ở Preyveng theo ba má chạy nạn cáp duồn, đến Neak Luong thì quân Miên chận đường bít ngỏ, dân mình thất lạc nhau cả…
Hương Hóa sờ chiếc càm lún phún râu đã mấy ngày chưa kịp cạo:
-Hừm, Hơn đưa nó vào đây anh hỏi xem.
Trước mặt Thiếu Tá Bá, một chú bé trong độ tuổi ba hay bốn, gương mặt trắng trẻo, kháu khỉnh, tuy quần áo xộc xệch nhưng sạch sẽ, nhìn cũng có thể đoán biết chú nhỏ không phải con nhà nghèo. Đặc biệt đôi mắt chỉ có một mí, nên ông Thiếu Tá dễ đi đến kết luận đây là một chú… chệt con, và có lẽ con nhà giàu. Hương Hóa tự cười trong lòng vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Thằng nhỏ có vẻ sợ hãi, mặt mũi tái mét, ngón tay cái nằm giữa hai hàm răng cắn chặc, những chiếc răng nhỏ đều như những hạt bắp. Đôi mắt nhỏ, hơi ti hí của nó đảo quanh lấm lét nhìn.Ôi, mấy chú lính mặt mũi đen nhẻm, quần áo thì eo ơi, sọc rằn sọc ngang trông… kinh khủng, lại thêm súng ống thấy ghê, nó liên tưởng đến bọn lính da nâu sậm quấn khăn trên đầu vừa bắn đuổi cha mẹ nó trên đường đến bến phà.
Hương Hóa bước đến gần xoa đầu thằng bé, ông phải khuỵu gối rùn xuống vì nhân dáng ông kềnh càng cao lớn:
-Con đừng sợ, con tên gì, bao nhiêu tuổi?
Thằng nhỏ phun ra một tràng tiếng Tàu:
-Con… con… ngộ…A Tòng…
A Xường đứng cạnh thông dịch ngay:
-Nó tên A Tòng, được bốn tuổi.
Anh lính gốc Chợ Lớn nói chuyện với A Tòng, anh quay lại:
-Nó chỉ nhớ nghe cha mẹ nó nói cái gì là đi tới trường học rồi xuống tàu…
Thiếu Tá Bá dịu dàng nói với cậu bé:
-Các chú đây sẽ đưa A Tòng về với ba má.
Thằng bé, ngón tay vẫn nằm giữa hai hàm răng, nhè nhẹ gật đầu nhìn ông chú đăm đăm, dường như nó hiểu những gì ông nói và muốn ông làm đúng. Thiếu Tá Bá xoa đầu cu cậu lần nữa, ông đứng dậy truyền lệnh:
-Tốt lắm, mình đang đi đến đó. A Xường nấu chút mì hay pha sữa cho A Tòng, rồi từ nay anh giao nó cho em.
-Nó còn nói ba má nó có cái nhà gì thiệt lớn ở Nam Vang, có cái nhà kho gì lớn lắm, mà nó không thể hiểu được ba nó buôn bán cái gì…
A Xường, một thanh niên người Chợ Lớn, có lẽ máu giang hồ hảo hán đã đưa anh tình nguyện vào binh chủng thứ dữ này. A Xường ngồi xuống quay lưng về thằng bé:
-Nị lên lưng ngộ cõng…
Thiếu Tá Bá đứng nhìn hàng đoàn người Việt lũ lượt kéo nhau bước trên tấm bửng mở vào lòng chiếc tàu lớn với cái vòm rộng, trông như một con cá voi khổng lồ há mồm nuốt chửng những con mồi. Ông thở dài cảm khái khi nhớ lại giây phút cùng những người lính khinh binh đi dưới tấm bảng nguệch ngoạc hàng chữ Miên tiến vào sân trường. Những người lính Miên đang canh giữ ngôi trường giương mắt chăm chăm nhìn, những ngón tay miết trên cò súng.
Từ cái nhìn đầu tiên, Thiếu Tá Bá đã trông thấy hàng trăm, hay hàng ngàn người đứng ngồi, chen chúc nhau trong mấy lớp vòng rào kẽm gai. Ông đã có thể nhận ra những gương mặt hốc hác, những hố mắt sâu thẳm, buồn thảm, những hình hài gầy guộc, những chiếc áo đẫm máu đã biến thành màu nâu sẫm. Sự sợ hãi và tuyệt vọng hằn sâu trong đáy mắt. Hẳn là trong những ngày qua đồng bào của ông đã trải qua những cơn ác mộng khùng khiếp, đánh đập và chết chóc, cùng những cái xác trôi sông trương phình. Hương Hóa quay người nhìn chằm chằm toán lính Miên nhíu mày như muốn hỏi. Thần uy trong đôi mắt sắc, chiếc càm bạnh của Hương Hóa khiến mấy người lính bạn chột dạ, họ lùi dần ra cổng trường.
Nhưng Thiếu Tá Bá không phải hành động gì, vì hàng rào kẽm gai đã được tháo dở, hàng trăm con người Việt khốn khổ đã từ bên trong ùa ra reo hò:
-Lính mình! Lính mình! Sống rồi!
Không còn sợ hãi, làn sóng người đã xô dạt những người lính bạn sang bên, ôm chầm lấy những người lính Việt òa khóc:
-Khổ quá mấy anh ơi…
Một ông cụ da mặt nhăn nheo nắm lấy cánh tay Thiếu Tá Bá, chòm râu bạc rung rung:
-Cám ơn, cám ơn Thiếu Tá, Thiếu Tá đến kịp lúc…
Hương Hóa cũng mủi lòng, ông lão chắc là dân nghèo, chiếc áo bạc thếch có mấy chỗ chấp vá, ông vận một chiếc quần rách toạc ở đầu gối, từ thân thể cụ già toát ra một mùi khăm khẳm của người đã lâu không tắm gội. Thiếu Tá Bá đặt hai bàn tay lên vai ông lão, giọng thân tình:
-Cụ ở đâu đến đây, trên đường đi chắc là gian khổ lắm phải không?
Ông già gật đầu, nghèn nghẹn:
-Dạ, mấy đời nhà chúng tôi lưu lạc sang Miên làm nghề đánh cá, phơi cá ở Biển Hồ, nhưng đã… bỏ hết chạy nạn, có chiếc ghe với tấm lưới, đã mất sạch.
Từ lâu đã nghe biết cuộc sống đói nghèo của người Việt bên bờ Biển Hồ chỉ sống bằng nghề đánh cá, làm khô, cảm xúc trào dâng trong lòng, Thiếu Tá Bá tìm lời an ủi:
-Bây giờ thì an toàn rồi, về quê hương mình gầy lại từ đầu, cụ còn con cháu gì không?
Ông lão đưa tay lên đôi má sạm đen ràn rụa những vệt nước mắt:
-Chết hết rồi Thiếu Tá…
Thằng bé được A Xường cõng trên lưng đột nhiên dãy dụa đòi xuống:
-Kìa, kìa, ba má… A Tòng!
A Xường chưa kịp phản ứng, thì thằng bé đã co chân chạy theo đoàn người lên tàu, anh chỉ kịp trông thấy nó ngã vào lòng của một người đàn bà mặc áo xẩm. Bà ta khóc ồ ồ, thảm thiết, ôm chặc lấy chú nhỏ như sợ nó biến mất lần nữa. Người đàn ông đứng bên cạnh cúi xuống ấp ủ lấy người đàn bà và đứa con khóc nức nở theo vợ. Người đàn ông trong bộ áo vết quay người nhìn theo tay của thằng bé về hướng những người lính Việt. Ông hối hả chạy trở lên, hùng hổ chenngược hướng giữa những người dân đang kéo nhau đi vào, va phải A Xường. Ông ta níu lấy người lính. Được một lúc, người mặc áo vết chạy đến trước Thiếu Tá Bá quỳ xuống lạy lấy lạy để, ông ta gần như muốn đập đầu trên sỏi đá, động tác không khác mấy hình ảnh trong những cuốn phim võ hiệp cung đình:
-Đội ơn ông Thiếu Tá. Cám ơn, cám ơn…
Ông ta còn muốn lạy nữa, nhưng Thiếu Tá Bá đã kịp đỡ ông đứng lên:
-Ông làm gì vậy, ông là cha của A Tòng?
Người đàn ông tác mập mạp, làn da trơn láng và đôi mắt nhỏ, hẹp rất đặc trưng, Hương Hóa có thể chắc rằng ông ta là người Tàu. Cuộc nói chuyện tiếp theo khẳng định suy luận của Hương Hóa là đúng. Ông người Tàu nói tiếng Việt khá sỏi, giọng run run đầy cảm xúc:
-Dạ, ngộ là cha của A Tòng.
-Bây giờ gia đình đoàn tụ ông vui rồi.
Người đàn bà mặc áo xẩm cũng đã dắt tay thằng nhỏ đến, đôi mắt ngấn đầy nước, rồi xem chừng bà cũng muốn quỳ xuống lạy tạ Hương Hóa, nhưng Thiếu Tá Bá đã đưa tay ngăn lại:
-Khỏi, khỏi, tôi có công cán gì đâu, nhờ lính của tôi cả, tìm lại được cháu là hạnh phúc lắm rồi.
Từ phía con tàu hải vận, một hồi còi vang rền báo hiệu giờ khởi hành, âm thanh vang vọng trên những con sóng bạc đầu vỗ róc rách bên lườn tàu, đầy phấn khích. Trên bến phà đã không còn một người Việt nào. Sân trường vắng tênh, chỉ có tiếng gió từ mặt sông thổi đùa qua những hàng cây sao bên đường, những hột sao hình cánh bay tít như chong chóng rơi là đà trên mặt đất. Những người lính bạn đã kéo nhau đi mất. Ông người Tàu bịn rịn nắm tay Hương Hóa:
-Gia đình ngộ không bao giờ quên ơn này…
Ông rút trong túi ra một tấm cạc nhỏ đưa vào tay người Thiếu Tá:
-Ông Thiếu Tá giữ cái cạc này, mai sau biết đâu còn gặp lại.
Ông đẩy thằng bé đến:
-A Tòng, chào ông Thiếu Tá đi.
Hương Hóa nhìn thấy trong đáy mắt người cha ánh lên một vẻ thiết tha, đôi mi hấp háy như cố thu vào lần cuối hình ảnh của người ơn. Thiếu Tá Trần Bá cảm khái nhìn theo tấm lưng đầy của người cha, cái nhân dáng thanh mảnh của người đàn bà và hai bàn tay bụ bẫm của A Tòng nằm trong tay cha mẹ. Cái gia đình nhỏ bé ấy là những người cuối cùng lên tàu. Tấm bửng đã cất lên, chầm chậm, nhưng Hương Hóa vẫn còn trông thấy bàn tay vẫy đầy lưu luyến của người cha. Con tàu tách bến xoay đầu về hướng Đông, là hướng quy hồi cố hương. Lại một hòi còi vang rền, kéo dài,hân hoan ngân nga trên mặt sông. Mũi tàu bập bềnh lướt trên những con sóng, hùng dũng tiến về hướng mặt trời mọc. Từ bên trong con tàu bỗng dậy lên những tiếng reo hò vang dội:
-Sống rồi, sống rồi. Cám ơn lính Cộng Hòa! Hoan Hô Hải Quân!
Những người lính Việt nhỉn theo,lòng đầy cảm xúc. Đánh giặc trăm trận thắng lẫy lừng, nhưng trong giây phút này, ở cách xa tổ quốc hàng trăm dặm, các anh nhận ra rằng, không có chiến thắng nào vĩ đại và đầy ý nghĩa như cuộc cứu sống hàng nghìn sinh mệnh đồng bào thân yêu, rồi nhận được những biển nước mắt và lòng biết ơn chân thành. Không có chiếc huy chương nào có thể so sánh bằng chiến công nầy.
Mấy ngón tay của một anh lính vẫn ngẩn ngơ xoa xoa chiếc má sạm nắng, nơi vài khoảnh khắc trước đây, một cô gái đã nhón chân lên, kéo đầu anh xuống và hôn lên đấy một chiếc hôn thật dài thay cho lời cảm ơn.
Hương Hóa đưa tấm cạc lên, nhưng ông không đọc được hàng chữ Tàu. Chỉ có thể đọc được mỗi chữ SHING KOONG COMPANY. Xường lại phải thông dịch:
-Trình Hương Hóa, Shing Koong chữ Tàu là Công Ty Thành Công, xuất nhập cảng. Những hàng chữ khác là địa chỉ ở Nam Vang và Chợ Lớn…
Thời gian lảng đảng trôi, nhẹ nhàng, thong dong như những đám mây trắng nhuộm nắng vàng lang thang giữa bầu trời trong xanh. Một năm nổi trôi trên khắp nẽo chiến trường, Thiếu Tá Trần Bá và những người lính của ông gần như đã quên bẵng cuộc chinh chiến trên đất Chùa Tháp và câu chuyện thằng bé A Tòng. Nếu có nhớ thì là cuộc hy sinh bi thương của Mãnh, hình hài đẫm máutrong chiếc poncho cuộn tròn.Và những tử sĩ trong Đại Đội Bốn. Thiếu Tá Bá, Tấn và những người lính còn sống hằn đậm trong lòng những vết thương sâu hoắm, như mũi dao nhọn khoét vào tim, ruột gan đau đớn như bị bứt đứt từng đoạn vì sự mất mát. Hương Hóa mất đi một cánh tay, Tấn mất đi một thanh gươm. Cặp song kiếm đã gẫy một.
Biết làm sao được hỡ trời. Có cuộc chiến nào mà không có mất mát và chia ly. Quân đội mất mát những người lính kiệt liệt, những người lính còn sống mất chiến hữu, gia đình mất những người con, người chồng, người cha thân yêu. Cuộc sinh ly tử biệt thật quá tàn nhẫn, đã không chừa một ai. Dù là một người vợ đang mang mển giọt máu của chồng, hay còn đang rên la trên bàn sinh nở. Dù là người hôn thê đang mỏi mòn chờ người hôn phu trở về, bỗng chốc đã trở thành người quả phụ. Dù là những bé thơ vừa mở mắt chào đời đã cất tiếng khóc mất cha. Dù là những bà mẹ già mắt mờ lệ, đôi thủy tinh đầy chất nước mặn đắng từ đấy sẽ không còn trông thấy gì, ngoài những dải mây xám trắng đục.
Về đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, những chiếc quan tài phủ Lá Quốc Kỳ Vàng ôm ấp thân xác những người lính nằm lặng câm giữa lòng Đền Tử Sĩ. Trên chiếc bàn thấp, nhỏ ở đầu hòm, chiếc lư hương nồng mùi nhang trầm giữa những sợi khói mỏng mảnh, ẻo lả chập chờn quyện lấy chiếc áo quan. Hai cây đèn cầy trắnglung linh dải ánh sáng vàng nhạt. Hai người sinh viên sĩ quan quân trường trong bộ lễ phục vàng, đầu đội cát kết, đứng chống súng bất động trong một tư thế chào kính. Gương mặt các anh nghiêm nghị, mờ nhạt dưới ánh sáng của ngọn đèn bóng đung đưa. Hẳn là các anh đang bùi ngùi nhớ lại tiếng hát của Thanh Lan ở câu lạc bộ quân trường. Mùi hương cứ ngỡ hơi chồng.Anh lên lon giữa hai hàng nến chao (Thơ Lý Thị Ý).
Mãnh và những người lính đại đội đã làm, theo cách nói của chàng, một cú phản phục kích ác liệt như lần ở Phong Điền, Huế, nhưng lần này thật quá đẫm máu và đã anh dũng hy sinh. Chiếc huân chương Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc cài trên Lá Quốc Kỳ sáng lóng lánh như tấm lòng trung liệt của chàng. Nhưng chiếc huy chương cao quý nhứt dành cho Mãnh và những tử sĩ chính là sự bình yên của hàng ngàn đồng bào, đã về đến cố hương.
Thiếu Tá Bá cùng tiểu đoàn của ông trong những ngày hènăm sau đã dẫm bước giày saut trên vùng đất xa lạ, quá xa, mệnh danh là Hạ Lào. Những cơn lửa pháo dội xuống ngày đêm, liên miên, bất tận trên những chiếc nón sắt úp sâu trong chiến hào, trong hầm hố, dưới những lớp bao cát. Đất đá tung tóe làm thành những đám bụi mù khét lẹt mùi của sự chết. Tiếng pháodội ùng oàng như trong ngày tận thế, những mảnh thép nóng đỏ vỡ tung bay vút,rít lên soèn soẹt trong không khí, rồi cắm ngập vào những thân cây đã xác xơ vàng, hay chém cành lá rơi rụng sàn sạt, tả tơi.
Mỗi ngày, khi cuộc pháo dội tạm ngừng, Thiếu Tá Bá đã có thể bước ra khỏi chiếc hầm, mà những chiếc bao cát bên trên rách nát trần trụi, vỡ toang, nghiêng ngã trong mọi hình thái.Ông ngước nhìn ba cái vệt trắng vắt ngang khoảng trời trong xanhtheo sau ba cái chấm đen đang bay về hướng Tây. Rất sớm, những cơn địa chấn nổ ra rung chuyển cả núi rừng.
Ngày tiếp ngày, nhiều vệt trắng ấy mài miệt dội lửa đỏ, chết chóc xuống trần gian. Thiếu Tá Bá và những người lính chinh phạt trở về Việt Nam lần thứ hai được bình yên. Nhưng ông lại mất thêm Trung Úy Tấn, thật đau đớn vô cùng. Đau đớn như là ông lại bị chặt đứt thêm một cánh tay nữa. Một quả pháo rơi xuống nơi trú ẩn của Tấn. Những gì còn có thể gọi là hình hài của chàng chỉ là một gói xương thịt trộn lẫn với đất đá trong chiếc poncho. Tấn được đưa về quê hương nằm giữa hai hàng nến chao, rồi thân xác chàng hẳn là nằm đâu đó gần cận với Mãnh.
Sau mùa hè lửa loạn trên đồng đất xứ người đó, Hương Hóa, trong cương vị tiểu đoàn phó, cùng một nửa tiểu đoàn lại đối mặt với một mùa hè khác mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa, mà cuộc chinh chiến lần này Là Chinh Chiến Mấy Ai Về,vì mức độ quá khốc liệt của nó, quá chết chóc của nó. Hàng đoàn ba vệt trắng từ hướng Tây bay đến, từ hướng Đông bay vào. Cuộc mài miệt dội lửa ấy, những cơn bão lửa của địa ngục đó đã đưa Thiếu Tá Bá và những người lính của ông đến bên bờ Thạch Hãn.
Cuộc hiện diện bên dòng sông mang tên Đá Đổ Mồ Hôi này có một ý nghĩa rất thân thiết trong một niềm cảm xúc chất ngất với Thiếu Tá Bá. Vì Hương Hóa đã trở về nơi chốn ông cất tiếng khóc chào đời. Cậu bé Trần Bá đã trải qua một quãng đời nhiều kỷ niệm êm đềm, dù là dưới những cơn mưa thu lạnh cắt da, dù cùng chúng bạn nô đùa trên những ngọn đồi cát trắng, tóc tơi bời lộng cơn gió Lào rát cháy mặt, nóng như nung gạch, đến đá cũng phải đổ mồ hôi. Bên kia dòng Thạch Hãn, là Hương Hóa, là nơi sinh ra người hào kiệt Trần Bá. Là nơi ông cắp sách đến trường. Nơi ấy đã bùi ngùi tiễn chàng thanh niên mười chín tuổi lên đường vào quân trường. Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, mà đã lập nhiều chiến công.
Giờ đây Hương Hóa đã trở vể với Hương Hóa. Nhưng Hương Hóa sẽ không thể vượt sông Thạch Hãn sang bờ Bắc, mà ông sẽ xuôi theo bờ Nam của dòng sông tiến về hướng Đông đến tận cùng hạ nguồn. Nơi chờ đợi ông đến: Cổ Thành Quảng Trị mang tên người anh hùng Đinh Công Tráng. Đứng bên này dòng Thạch Hãn Hương Hóa tự hỏi, bao giờ đại quân Việt Nam sẽ vượt sông tiến lên Đông Hà, Cam Lộ, rồi Gio Linh, cuối cùng là Trung Lương, một thị trấn cực Bắc nằm bên bờ Bến Hải.
Quân lệnh nặng như núi. Tiểu Đoàn sẽ đánh địch từ hướng Tây của Cổ Thành, yểm trợ cho các đơn vị bạn tiến vào Cổ Thành từ hướng Bắc và hướng Nam. Đây một kiến trúc khởi xây từ thời vua Gia Long, cho đến thời vua Minh Mạng mới hoàn tất, có hình dáng vuông vức mỗi bề dài năm trăm thước, có con hào rộng mười tám thước, sâu ngập đầu ngườihơn ba thước, bao bọc, ấp ủ Cổ Thành, tạo nên thành một chiến tuyến phòng thủ vững chải nhứt. Nhưng bây giờ, con hào ấy lại đứng về phía kẻ địchđang chiếm lĩnh bên trong, nghênh chiến với toàn bộ ba Lữ Đoàn thiện chiến của Nam quân.
Miền đất khổ Quảng Trị chìm trong những ngày không gian u ám của cơn bão Flossie, hơi lạnh bao trùm lên khắp chiến hào, trần mây xám xịt xuống thật thấp như muốn đè nặng lên những chiếc nón sắt, những lưng áo bạc màu cong oằn dưới những chiếc ba lô và súng đạnnặng bốn mươi ký. Chỉ còn cách Cổ Thành một vài trăm thước, mà sao khó khăn chập chùng. Vị tướng quân tư lệnh toàn mặt trận định rằng chừa một con đường sống ở hướng Tây cho quân địch rút lui. Nhưng ngược với dự tính, nó lại là một con đường an toàn ùn ùn tăng viện người và vũ khí vào thành. Hương Hóa nhận lệnh đem quân chận đứng, cắt đứt nó, như một lưỡi gươm sắc chém phăng mạch máu của một hung thần. Không còn được tiếp máu, gã hung thần trong Cổ Thành sẽ chết.
Dường như cùng một lúc, hai vị tiểu đoàn trưởng ở hai hướng Bắc và Nam phái những người tiểu đội trưởng dẫn khinh binh tìm chỗ xông vào.Mấy ngày sau, gần đến ngày mà Tổng Thống lệnh, bằng mọi giá phải dựng cờ trên Cổ Thành. Trung Sĩ Trình được gọi trình diện và nghe lệnh ông Đại Đội Trưởngcùng năm Kinh Kha Tài, Sơn, Châu, Tâm và Chương sẽ viết trang sử lẫm liệt nhất, khi nhận danh dự tiến vào Cổ Thành. Trung Sĩ Trình được lệnh bò tới, không được bò lui, đại đội sẽ tiếp theo ngay, vào được thành rồi phải nằm ở đó.Trung Sĩ Trình hơi phật lòng. Ông Đại Đội Trưởng đừng coi thường anh chứ, anh chưa bao giờ xoay lưng về hướng quân địch. Anh quyết tâm đưa đại đội và tiểu đoàn vào Cổ Thành bằng mọi giá, at all costs. Ở quân trường, Trình được dạy rằng Tiểu Đội Trưởng quyết định chiến trường. Giờ đây anh sẽ chứng minh sự đúng đắn của chân lý đó cùng bán đội khinh binh của anh. Đêm tối thường là kẻ thù của những người lính Nam, nhưng lần này là người bạn tốt của Trình.
Toán cảm tử đã đến bên con hào rộng. Trình và các bạn anh phát giác được hai chỗ quân ta có thể vào. Một trên tường nhưng nguy hiểm, một kia là một cái lổ… chó ít nguy hiểm hơn. Trung Sĩ Trình chọn cách chui lổ chó. Đứng khơi khơi trên tường thành, dù đã vỡ nát thấp xuống nhiều, làm bia cho tụi nó bắn là bể gáo cả lũ. Con hào rộng ngập nước giờ đây lại là người bạn thân thiết của những người sang sông Dịch, vì đất đá, gạch tường sau bao cơn bom đạn địa chấn đã lấp đầy, làm thành một đoạn cầu có thể lội qua được. Trung Sĩ Trình đã vào được thành, nhưng định mệnh đau thương đã giáng lên đầu các anh. Trình, Tài hy sinh, Châu và Chương bị thương. Tâm và Sơn nhận lệnh cứ nằm tại chỗ, đại đội sẽ tiến vào. Quân ta tiến vào như thác lũ từ hai hướng Bắc và Nam…
Súng nổ rền, cạch cạch, đùng đùng suốt đêm, ầm ầm như sấm động.Thiếu Tá Bá cùng hai ông Đại Đội Trưởng và hàng trăm người lính của ông đang dàn đội hình tấn công, ông nghiêm nghị ra lệnh:
-Quân bạn làm ăn khá quá, tiểu đoàn mình cũng đừng quá chậm chân, rồi uống nước đục!
Tốt, người Hạ Sĩ mang máy truyền tin trao chiếc ống liên hợp cho người Thiếu Tá:
-Trình Hương Hóa, có Định Quán gọi.
Định Quán là ám danh truyền tin của ông Tiểu Đoàn Trưởng:
-Hương Hóa đấy hả, giờ này mà ông còn ngồi đó ngắm trăng à? Vào đi, vào đi, tôi theo ngay sau.
-Nhận rõ Định Quán, tôi vào đây.
Hương Hóa đứng dậy, tay đưa cao cây súng ngắn chỉ huy phát lệnh tấn công:
-Lên! Xung phong!
-Xung phong! Xung phong!
Hàng trăm người lính Nam cùng đứng dậy hò hét ôm súng xông lên mặt thành…
Buổi sáng hôm sau, ánh mặt trời vẫn còn trú ẩn sau những trần mây mờ xám, từ hai đoạn tường thành Bắc – Nam, những người chiến sĩ đã dựng Cờ Vàng trên Cổ Thành, Lá Cờ bay phần phật trong những cơn gió giật, hòa cùng với tiếng reo hò chiến thắng của quân Nam vang dậy khắp cõi không gian. Hình ảnh oai hùng đầy cảm xúc này ngày sau đã được trang trọng đưa lên trang nhất của những tờ báo ở thủ đô, dù là báo quốc gia hay báo thân cộng. Những đài truyền thanh ngoại quốc, hầu hết rất có thiên kiến với quân Nam, vẫn phải miễn cưởng loan báo: Quân Đội Nam Việt Nam đã vào và hoàn toàn kiểm soát Cổ Thành.
Nhưng ít nhứt có một chiến sĩ không có cơ hội ràn rụa nước mắt nhìn hàng trăm Lá Cờ Vàng Tổ Quốc, được cột vào bằng những chiếc sào tre hay bất cứ gì có thể, tung bay phấp phới ngạo nghễ trên bốn bức tường thành đổ nát, nơi mà ông đã nhảy lên giữa đêm tối, dưới những ánh hỏa châu sáng rực, gió buốt lạnh giá căm căm do cơn bão Flossie từ trùng khơi đưa vào.
Những người lính đầu tiên của tiểu đoàn trèo lên được mặt thành, Hương Hóa và hai người đại đội trưởng cùng lên theo. Hạ Sĩ Tốt mang máy truyền tin đi sát bên cạnh ông, chiếc ăng ten hình lá lúa rung lắc theo từng bước chân. Đột nhiên Tốt nhìn thấy ông thầy ngã bật người ra sau, như có một khối đá nặng giáng vào ngực. Hương Hóa nằm ngửa trên khối đất đá, bất động, bàn tay còn nắm chặt cây súng. Linh cảm điều xấu nhứt mà anh không dám nghĩ, Tốt hoảng kinh nhào xuống ôm lấy Thiếu Tá Bá, chỉ kịp trông thấy đôi mắt của Hương Hóa mở to, trợn trừng nhìn lên khoảng trời đêm đang rực ánh hỏa châu, bộ quân phục màu sóng rằn đẫm đầy máu. Tốt gào lên thảm thiết:
-Ông thầy, ông thầy…
Nhiều năm sau. Trên một vùng đất xa xôi ở tận một góc quả địa cầu, bên một khu rừng nhiệt đới đang oằn oại dưới một cơn nhiệt nóng như nung của những ngày đầu mùa hạ. Cơn lửa nóng của buổi trưa hè như muốn thiêu cháy tất cả những đám cây chồi đã trơ trụi lá, cành nhánh quắt queo vì cơn nắng hạn kéo dài. Hơi nước ngùn ngụt bốc lên từ những con suối đã cạn tới đáy, trơ trụi những hòn sỏi lổn nhổn bao quanh những tảng đá tròn nhẵn, đến rong rêu phủ trên cũng cháy vàng. Những dãi khói mờ hư ảo, lung linh và ẻo lả bao phủ lên những mái tranh nghèo nàn nằm xúm xít như che chở nhau và chuyền cho nhau những hơi thở hấp hối.
Mùa hè năm nay khắc nghiệt quá, càng làm cho cuộc sống của người dân ở cái xã tân lập này, được ngụy danh là khu tinh tế mới, càng thêm khốn khó. Những giàn bầu, mướp eo xèo rủ lá, những bông hoa không buồn chịu ơn mưa móc của bọn ong bướm tìm đến nhau để thụ phấn, nên trái èo uột lủng lẳng đong đưa trong gió, như cuộc đời đong đưa vô định của người ngụ cư. Đến cả những luống khoai mì, là loại cây ít chọn đất cũng xơ xác, có đào được củ thì cũng chỉ là những cái vật tròn nâu dài xù xì ốm tong teo. Cái đói đã lảng vảng trước mắt của những cư dân, nếu không có một phép mầu nhiệm nào của thượng đế thương xót ban cho. Người dân mòn mỏi mong chờ cơn mưa đầu mùa, thường là tầm tả, dội xuống trần gian, thì có thể còn có hy vọng sống.
Một cậu bé trong độ tuổi mười mấy, mười hai hay mười ba, đang uể oải cuốc vỡ mấy luống khoai mì, lắc đầu thất vọng nhìn những củ khoai dài ngoằng, ốm, hẳn phần thịt bên trong chẳng có bao nhiêu. Cũng đành, có cái gì cho vào miệng vẫn hơn. Thằng nhỏ liên tưởng đến bữa chiều bên một dĩa khoai bốc hơi nóng hổi, nó và mẹ ngồi nhìn chiếc dĩa ngán, ớn đến tận cổ. Thằng bé chợt phì cười một mình, nghêu ngao hát:
-Tổ quốc ơi ăn khoai mì ngán quá, từ giải phóng vô đây con ăn độn bằng khoai…
Có tiếng một chiếc xe lam nổ bành bạch ngoài đầu xóm, âm thanh tiến dần vào đến bìa rừng, là nơi mái tranh của mẹ và thằng bé cư ngụ. Thằng nhỏ chống cuốc nhìn ra. Chiếc xe lam từ từ đậu xịch vào bên luống khoai, hai người đàn ông bước xuống nhìn quanh, ánh mắt cuối cùng rơi lên cái thân thể còi cọc của thằng bé. Một người thanh niên trong độ tuổi trên dưới ba mươi bước đến gần hỏi bằng một thứ tiếng Việtlơ lớ làm thằng bé suýt nữa bật cười:
-Nị cho ngộ hỏi, đây có phải là nhà của bà Trung Tá Trần Bá.
À, thì ra là một anh Tàu Chợ Lớn. Người đàn ông thứ nhì trong độ tuổi không quá năm mươi, tay dắt một cậu nhỏ, có lẽ cũng trạc tuổi thằng bé, tiến đến đưa mắt chăm chú nhìn nó chờ câu trả lời. Thằng bé ngạc nhiên vô cùng. Nhiều năm đã trôi qua rồi, những gì của quá khứ đã chìm mất dưới lớp bụi của thời gian. Giờ đây, bỗng dưng có những con người xa lạ đột nhiên hiện ra hỏi về cha nó, mà trong ký ức mịt mờ của chú bé bốn tuổi ngày xưa, nó chỉ còn nhớ mỗi hình ảnh của mẹ ngã ra ở ngạch cửa ngất xỉu, khi có một chú lính nào đó đến báo tin cha nó đã không còn nữa. Ngày hôm sau, mẹ dắt bé lên một cái nghĩa trang to ơi là to để thăm ba lần cuối cùng. Nó còn nhớ rõ bức tượng một người lính đang ngồi trước cổng, cây súng gác trên đùi, đôi mắt hướng về cõi xa xăm vời vợi nào đó, buồn thăm thẳm.Thằng bé rụt rè nhìn khách:
-Dạ, mấy chú tìm mẹ có việc chi?
Ông già bước đến gần hơn, dịu dàng hỏi:
-Nị… à, cháu tên gì, cháu họ Trần phải không, cha cháu có phải ông Trung Tá Trần Bá?
Thằng nhỏ ngẩn người ấp úng:
-Dạ… cháu… tên Tứ, Trần Tứ, cha cháu là Trần Bá…
Ông khách buông đứa trẻ trong tay nức lên một tiếng, nước mắt trào ra, nghẹn ngào:
-Cháu là Trần Tứ… Ôi… Ông Trung Tá…
Ông quỳ xuống, hai bàn tay đặt lên vai chú bé Tứ, đầu gục xuống:
-Đây là con của ân nhân đây mà, cháu đưa chú vào gặp mẹ đi.
Bà Mai mấy ngày qua bị những cơn cảm nắng, đầu váng mắt hoa, thân thể đau nhức, mỏi nhừ. Bà đang xới mấy luống rau cằn cỗi sau nhà thì bỗng nhiên choáng váng người, bà gượng đứng dậy ngã xiêu ngã tó đi vào nhà, rồi nằm bệt trên giường thiếp đi, mặc cho bé Tứ kêu la. Thật may mắn, có mấy cô chú hàng xóm biết chút ít thuốc Nam tìm hái lá xông cho bà Mai. Đượcăn mấy chén cháo nóng, nên bà đã có thể gượng dậy tiếp chuyện hai người khách. Bà lạ lùng nhìn chăm chăm khách, lòng tự hỏi chẳng biết gia đình có những người quen nào như thế, nhưng chắc là không. Ông khách đẩy đứa con của ông đến:
-A Tòng, con chào bà Trung Tá đi.
Thằng nhỏ ngoan ngoãn khoanh tay, lễ phép cúi đầu.
Trong sự ngạc nhiên cùng cực của bà Mai, vẻ cảm xúc lộ trên mặt, ông khách từ tốn nói:
-Ngộ không chắc bà Trung Tá có nghe ông Trung Tá kể chuyện bên đất Miên. Ngày xưa thằng nhỏ A Tòng này còn sống là nhờ ơn đức của ông Trung Tá.
Mệt mỏi, bà Mai cố khơi lại trong ký ức câu chuyện thằng bé A Tòng, không chắc là bà đã nghe ông kể lại trong dịp về phép. Nhưng bà cũng ậm ừ cho qua chuyện:
-Cháu dễ thương quá. Để tôi pha trà mấy ông uống.
Nhưng ông khách đã đưa tay ngăn lại, quay sang người thanh niên:
-A Xường, ra xe đem đồ vào.
A Xường, người lính còn sống sót sau cơn binh lửa, định mệnh xui khiến anh vào làm công nhân cho công ty Thành Công. Cũng không hẳn là định mệnh, bởi A Xường còn giữ tấm cạc làm ăn của ông Shing Koong, nên anh thử vận may, biết đâu ông ta nghĩ tình nghĩa ngày xưa mà giúp anh chăng. Rất sớm, A Xường đã trở thành nhân viên thân cận của ông chủ và đắc lực của công ty. Thằng bé A Tòng cứ nhắc mãi tấm lưng chắc nịch của A Xường mà nó từng ngự trên đó.A Xường lể mể đi đi vào vào mấy lần mới khiêng hết những cái gọi là đồ của ông chủ chất đầy một góc nhà. Bà Mai và thằng bé Tứ tròn mắt nhìn những bao gạo tròn trịa, thơm phức, những cái giỏ đồ khô, đồ hộp tùm lum không biết đặt tên là gì, mấy thùng mì gói hiệu Hai Con Tôm mà người ta rất ưa chuộng. Ông Thành Công choàng tay ôm hai đứa nhỏ vào lòng, như một con đại bàng ấp ủ đàn con, giọng tha thiết:
-Xin bà Trung Tá nhận cho chút lòng thành này…
Bà Mai lúng túng không biết phản ứng như thế nào, chồng bà đã thi ân gì mà ông ta trả ơn trang trọng đến vậy:
-Tôi… tôi… không thể nhận đâu… ông đem về đi…
Ông khách mĩm cười hiền hậu:
-Không, ngộ cứ để đây cho bà Trung Tá đủ dùng trong một tuần lễ. Bà Trung Tá và A Tứ…
Ông thận trọng nhìn quanh, hạ giọng:
-Một tuần nữa tôi trở lại, bà Trung Tá đừng nói cho ai biết hết!
Bà Mai bảo thằng bé Tứ đem gạo, mì chia đều cho bà con làng xóm, vì hai mẹ con bà làm sao ăn hết những thứ đó trong bảy ngày. Một tuần sau. Đúng hẹn, ông Shing Koong và A Xường xuất hiện. Bà Mai vừa mừng vừa lo, tự hỏi ông khách cần gì ở bà, phải chăng nhận quà của người ta thì phải trả công bằng một cách nào đó. Ông Thành Công nói ngay:
-Ngộ mời bà đi với ngộ về Sài Ngòn…
Bà Mai ngơ ngẩn không hiểu:
-Về thành phố làm gì?
Ông khách nhìn về phía cái cửa trống hoác để chắc chắn rằng không có tai mắt gì của làng xã:
-Phải đi ngay, ngộ đã thu xếp hết rồi. Ái dà, công ty, nhà máy bị tịch thu hết, phải đi thôi…
Bà Mai có nghe phong thanh chuyện người ta rùng rùng bỏ đi ra biển, nhưng lòng rất ngại ngần:
-Chúng tôi nghèo quá, đâu có khả năng.
Ông khách đưa tay ngăn lại:
-Bà Trung Tá đừng có lo, ngộ bao thầu hết.
-Vậy để tôi sửa soạn ít quần áo đã.
-Không cần, cứ để nhà trống, cửa mở, bà Trung Tá và A Tứ đi người không, làm như bà Trung Tá đi chợ để hàng xóm và chánh quyền người ta không nghi ngờ.
Điều mà bà Mai có thể làm trong giây phút ngắn ngủi này, là đem cái khung kiếng lộng hình người lính Trần Bá xuống ôm vào lòng. Ông sẽ cùng ra biển với vợ con. Trời ơi, bà có nhìn lầm chăng, dường như bà trông thấy ông mĩm cười với bà.
PHẠM PHONG DINH