Những hình ảnh xưa của viện đại học Đông Dương

Viện Đại học Đông Dương là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao và là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Người Pháp thành lập Đại học Đông Dương nhằm mục đích xây dựng một cơ sở giáo dục bậc cao phục vụ nhu cầu đào tạo một đội ngũ trí thức bản địa để gia nhập vào bộ máy chính quyền ở thuộc địa. Viện đại học này đào tạo người dân ba nước Đông Dương và cả các nước châu Á khác đến du học.

Sơ lược về Viện Đại học Đông Dương Hạt nhân đầu tiên của Viện Đại Học Đông Dương hính là trường Y Khoa được bác sĩ Alexandre Yersin thành lập vào năm 1902 tại Hà Nội, trên đại lộ Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông). Từ ngôi trường này, vào năm 1906, Viện Đại học Đông Dương được thành lập theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ban hành, trên cơ sở những trường/trung tâm giáo dục đã có sẵn và có mở rộng. Nghị định này có một tầm quan trọng đặc biệt vì nó chính là văn bản khai sinh ra trường đại học đầu tiên theo mô hình của Pháp tại Đông Dương.

Đại giảng đường của Viện Đại học Đông Dương, nay là hội trường Ngụy Như Kon Tum (tên Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tổng hợp) Việc Toàn quyền Đông Dương Paul Beau cho gấp rút thành lập Viện Đại học Đông Dương năm 1906 xuất phát từ việc ông nhận thức được một nguy cơ chính trị. Thời điểm đó nền cựu học đã sụp đổ, và những trí thức yêu nước người Việt như Phan Bội Châu đã phát động phong trào Đông Du đầu năm 1905. Đây là phong trào kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập dân tộc từ thay thực dân Pháp. Trước tình hình đó, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau cho thành lập Viện Đại học Đông Dương, nhưng chính động thái này đã làm phật lòng phe bảo thủ ở chính trường Pháp. Tháng 9 năm 1908, Paul Beau hết nhiệm kỳ, lên thay là Klobukowski, và ông toàn quyền này ngay lập tức cắt ngân sách của Liên bang Đông Dương cấp cho Viện Đại học Đông Dương. Một số cơ sở vật chất của trường còn bị lấy đi, các trường cũ sáng lập nên Viện Đại học Đông Dương quay trở lại vị thế xưa của mình. Viện Đại học Đông Dương thực chất bị giải thể. Gần 10 năm sau, vào ngày 21 tháng 12 năm 1917, Toàn quyền Albert Sarraut quay trở lại Đông Dương nhiệm kỳ thứ 2 đã ra quyết định tái thành lập Viện Đại học Đông Dương. Ngoài ba phân khoa nguyên thủy, Viện Đại học Đông Dương năm 1917 mở thêm: Y dược, Thú y, Thủy lâm, Sư phạm, Thương mại, Tài chính, Luật khoa hành chánh, và Mỹ thuật.

Sinh viên Viện Đại học Đông Dương năm 1952 Viện Đại học Đông Dương – Công trình trăm tuổi có kiến trúc độc đáo Năm 1924, trụ sở mới của Viện Đại học Đông Dương được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Ernest Hébrard, người được biết đến nhiều nhất với vai trò kiến trúc sư trưởng quy hoạch đồ án xây dựng Đà Lạt năm 1923, tạo tiền đề để xây dựng nên Đà Lạt những năm sau đó. Hébrard cũng là người xây dựng Bảo tàng Louis Finot thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Trụ sở Viện Đại học Đông Dương này ngày nay vẫn còn sau 100 năm xây dựng, là cơ sở của Khoa Hóa học Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội, số 19 Lê Thánh Tông. Năm 1922, lần đầu tiên kiến trúc sư Ernest Hébrard đặt chân đến Hà Nội, thời điểm đó các đồng nghiệp của ông là Charles Lacollonge và Paul Sabrié đã trình lên Toàn quyền đề xuất xây dựng công trình Viện Đại học Đông Dương và đã được thông qua. Khi đó, việc xây móng và chân công trình với việc đóng gần 2.000 cọc gỗ lim đang trong giai đoạn hoàn tất. Theo thiết kế ban đầu thì đây là một công trình mang phong cách Tân cổ điển với cấu trúc hình khối kiến trúc đăng đối hoàn toàn, mặt bằng không gian theo kiểu chính thống, nhấn mạnh khối sảnh trung tâm, hai phía là giảng đường lớn và thư viện được bố trí trên hai tầng nhà.

Với tầm vóc là một kiến trúc sư đã vinh dự nhận Giải thưởng La Mã, Ernest Hébrard vừa chân ướt chân ráo tới Hà Nội đã được giao nắm quyền chỉ đạo toàn bộ ê kíp thi công công trình đang còn dang dở. Ông cho tạm dừng thi công và thiết kế lại công trình này theo phong cách phương Đông. Tuy nhiên, việc thay đổi phong cách kiến trúc phải cần nhiều thời gian hơn, nên Ernest Hébrard tập trung vào tính thẩm mỹ và không quá coi trọng cách bài trí – yếu tố khớp nối khu tiền sảnh đã bị mái vòm lấn át với một hội trường hai tầng, một thư viện và rất nhiều phòng làm việc. Bản vẽ mặt đứng cùng nhiều mặt cắt của công trình, ký tên Sabrié, ghi thời gian lập 1924 và được phê duyệt thi công ngay năm đó vẫn còn mang dáng dấp kiến trúc thế kỷ 18 ở Pháp, đó là sự lấn át của các không gian khánh tiết, với mái vòm khổng lồ cùng tháp sáng, cách trang trí hình vòm xuất hiện cách quãng tại hành lang lưu thông và những bức tượng đối xứng ở hai bên lối vào. Bản vẽ năm 1924 Nhưng các bản vẽ cũng thể hiện quyết tâm của Ernest Hébrard – người đã chính thức trở thành Giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị năm 1923 – trong việc thay đổi dáng dấp của tòa nhà. Lúc này, ông tham khảo những công trình lớn ở Trung Hoa, bắt đầu từ một công trình nổi tiếng nhất trong số đó – hoàng cung thuộc Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Kết quả là tòa nhà Viện Đại học Đông Dương bị Hán hóa một cách dè dặt với một ô văng loe ra trên đệm cửa của mái vòm, với những lớp mái chồng xếp giống như hệ mái bậc thang và tháp sáng có dáng dấp như một nóc phù đồ, máiđua như đường cúp góc ở các hành lang của kiến trúc Trung Hoa. Dòng chữ Tiếng Hoa là 東 法 大 學 = Đông Pháp Đại Học Mùa hè năm 1924, việc thi công (được giao cho Hãng Aviat) tiến hành trở lại dựa trên những sửa đổi này. Nhưng Ernest Hébrard chưa ngừng trăn trở, ông yêu cầu người phụ tá là kiến trúc sư Gaston Roger sửa bản vẽ nhiều lần để đạt được điều mà sau này ông gọi là “phong cách Đông Dương”, nhưng ở thời điểm đó mới chỉ ở dạng thai nghén. Công văn trao đổi, các thông báo thay đổi về kích thước, đơn thư khiếu nại của chủ thầu bị dừng thi công do không có bản vẽ chính thức, việc phá hủy một phần công trình… đã cho thấy quy mô thử nghiệm của dự án. Thực vậy, quan sát công trình hoàn tất là thấy được tầm vóc của các thay đổi. Mái vòm bị thay thế bằng lầu tứ giác trên chồng 2 lớp mái nặng nề, góc cạnh rõ ràng. Mái đua lúc này đã rõ dáng dấp của các lan can tạo thành từ nhiều cột nhỏ thân vuông, xen kẽ các bức phù điêu chạm khắc và đục lỗ thường chạy quanh sân các đền đài ở châu Á. Tác giả của dự án ban đầu – kiến trúc sư Sabrié – phản đối việc thay đổi và nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lạc điệu giữa “chủ nghĩa cổ điển” của ông và phong cách “Trung Hoa”.

Kết quả, sau khi công trình Viện Đại học Đông Dương hình thành, người ta có thể thấy được dấu tích của nhừng sự đối nghịch trong phong cách thiết kế, chẳng hạn như việc xây thêm cổng nhỏ trên cổng vòm lớn ở mặt sau hay ở phần nội thất, khi vẫn giữ mái vòm giả và hàng cột ở tiền sảnh. Mặt khác, các thử nghiệm của Hébrard không chỉ gây phiền phức cho các kiến trúc sư, ngay từ năm 1921, họa sĩ Victor Tardieu đã phác thảo một dự án trang trí phù hợp với chủ nghĩa kinh viện xung quanh. Mái vòm phải tiếp nhận những biểu tượng của khoa học, nông nghiệp, kỹ nghệ và thương nghiệp hoàn toàn tách biệt trên nền vàng. Do trí tưởng tượng bộc phát, họa sĩ đề nghị sơn dòng chữ “La France apportant à sa colonie les bienfaits de la civilisation” (Nước Pháp mang đến cho xứ thuộc địa những lợi ích của nền văn minh) và đối lại “L’Indochine faisant hommage à la France de ses richesses” (Đông Dương cảm phục nước Pháp vì sự giàu có). Ngoài ra, trên bức tường chính của hội trường, ông dự kiến nhóm thành một tập hợp chân dung những người sáng lập Đại học Đông Dương: Paul Doumer, Paul Beau, Albert Sarraut và Maurice Long, xung quanh là các cộng sự của họ. Sáu năm sau, bức tranh vải lớn hé lộ chân dung của Alma Mater – Mẹ cưu mang – và ngay tại chân bà, các thế hệ sinh viên được long trọng trao những tấm bằng tốt nghiệp dưới ánh nhìn của ông Toàn quyền. Hoàn thành năm 1927, Đại học Đông Dương đặt dấu chấm hết cho sự tồn dư của kiến trúc cổ điển và đánh dấu sự trỗi dậy của nghệ thuật giao thoa nơi phương Tây và phương Đông gặp gỡ. Đến nay, công trình vẫn được coi là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội. Điểm nhấn cho khối trung tâm là bộ mái ngói nhiều lớp theo hình thức bát giác, giữa các lớp mái là các cửa nhỏ trang trí hoa văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ. Bộ mái ngói còn được sử dụng như một hình thức kết thúc phương đứng ở hai cánh nhà, ở tiền sảnh phía sau nhà. Các cửa sổ cũng được che bởi các ô văng chéo dán ngói. Hệ thống cửa của công trình cũng được thiết kế tỉ mỉ. Cửa ra vào chính là một cửa dạng vòm có độ cao tương đương hai tầng nhà được trang trí bằng kính và kim loại theo phong cách Art Nouveau, không chỉ làm đẹp cho công trình khi nhìn từ ngoài vào mà làm tăng tính thẩm mỹ cho khu đại sảnh khi nhìn từ trong ra. Các cửa sổ mở rộng kiểu cuốn vòm ở tầng 1 được nhóm thành hai cửa sổ hình chữ nhật ở tầng 2 cùng các cửa nhỏ trên mái sảnh tạo ra sự biến hoá nhưng vẫn mang tính thống nhất cao. Các họa tiết trang trí Á Đông được sử dụng rộng rãi, mặt tiền tòa nhà được trang trí bởi các hình hoa văn chữ triện, hình bát giác rất phổ biến trong kiến trúc đình chùa Việt cổ, các hình này còn được nhắc lại trên các diềm mái càng làm tôn nổi tính bản địa của công trình. Nhắc tới Đại học Đông Dương thì chúng ta không thể bỏ qua phần nội thất của công trình. Nếu mặt ngoài toà nhà mang dáng vẻ Á Đông thì phần nội thất lại chủ yếu theo tinh thần kinh viện Châu Âu. Chính sảnh được phủ bởi một bộ vòm hai lớp với các hàng cột, các hoạ tiết trang trí kiểu Tân cổ điển. Các không gian lớn và thoáng đãng đặc trưng của các đại học lớn ở Pháp thời bấy giờ. Đặc biệt là trong giảng đường chính có bức tranh tường lớn nhất Việt Nam do hoạ sĩ Victor Tardieu thực hiện, mô tả cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện cho xã hội thời bấy giờ. Công trình Đại học Đông Dương có thể được coi là thử nghiệm đầu tiên của Hébrard theo phong cách kết hợp nên còn thiếu sự ăn nhập giữa nội – ngoại thất công trình. Tuy nhiên với hình khối được tổ chức chuẩn mực theo tinh thần cổ điển kết hợp với các hình thức trang trí mặt đứng theo tinh thần Á Đông, toà nhà chính Đại học Đông Dương có thể coi là công trình tiên phong của trường phái Kiến trúc Đông Dương, một sự kết hợp thành công bước đầu giữa kiến trúc nói riêng và văn hoá Phương Đông và Phương Tây nói chung ở Hà Nội. Sau đó, một công trình lớn mang phong cách Á Đông khác của Hébrard là Bảo tàng Louis Finot thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam).

Bảo tàng Louis Finot thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam) Câu hỏi được đặt ra là vì sao Hébrard lại quyết tâm và có thừa bản lĩnh chính trị để sửa lại phong cách kiến trúc của công trình này theo phong cách Á Đông? Đó có thể chính là ý kiến của ông Toàn quyền Đông Dương, khi lật lại hồi ký của Albert Sarraut: “Sau 3 năm vắng mặt, khi trở lại mảnh đất Đông Dương, tôi vô cùng đau đớn khi nhận ra rằng bên cạnh những công trình mang phong cách nghệ thuật bản địa – áp đặt lên đó là một sự đối đầu tàn nhẫn, những cục bê tông cốt thép và bản sao kiến ​​trúc Munich đã lấn át quyền thể hiện khả năng sáng tạo theo thị hiếu của người Pháp”. Sở dĩ nói như vậy vì đó là nhiệm kỳ Toàn quyền thứ 2 của Albert Sarraut, sau 3 năm ông về Pháp. Khi trở lại, nhận thấy kiến trúc ở Đông Dương đang hỗn loạn nên ông đã chỉ thị cho Hébrard sang Đông Dương làm Giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị (Hébrard qua tới Hà Nội năm 1922 khi Albert Sarraut đã kết thúc nhiệm kỳ thứ 2).

Previous
Previous

Bên dòng Thạch Hãn

Next
Next

Cha tôi, nhà văn Khái Hưng – tác giả Trần Khánh Triệu