Ánh trăng dịu dàng

Phạm Phong Đinh

Nam đang loay hoay tra chiếc chìa khóa mở cửa, thì sau lưng, từ bên trong cánh cửa của căn phòng đối diện với cái apartment chàng đang trú ngụ dậy lên tiếng kêu khóc. Rồi tiếp theo là tiếng thủy tinh hay có thể là chén dĩa bể vỡ loảng xoảng. Nam giật mình xoay người lại lắng nghe. Dường như chàng nghe thấy tiếng đàn bà và trẻ con thì phải. Nam nhún vai quay trở lại vị trí ban đầu. Vừa đi làm về hãy còn mỏi mệt, Nam không muốn dây dưa vào những chuyện không đâu. Với lại Nam cũng mới chân ướt chân ráo dọn vào cái chúng cư này chỉ vỏn vẹn có mấy ngày, chàng nào đã biết hàng xóm của mình là những ai đâu. Có lẽ là một cuộc gấu ó cãi vả giữa hai vợ chồng. Rồi chén bay, dĩa bay. Chuyện rất thường tình ở những chúng cư hạng rẻ tiền, mà trong đó chen chúc nhau sống những người Mỹ đen, người Mễ, người Phi và người Mỹ... vàng gốc Việt như chàng. Nam còn nhớ, cũng tại nơi này ngày đầu tiên, một bà Mỹ đen mập bự như một con gấu cái vừa la hét chói lói vừa tống gã chồng ốm nhom và nhỏ xíu như một con nhái lăn lông lốc xuống cầu thang nằm chềnh ềnh một đống ngay trước chân chàng.

Nam chưa kịp vặn cái ổ khóa thì chàng lại nghe tiếng vật lộn huỳnh huỵch trong căn phòng. Bọn trẻ con càng kêu thét lên. Bức vách rung rinh lên trong tiếng nện ầm ĩ. Nam chặc lưỡi chửi thầm trong lòng. Mẹ nó, vợ chồng đánh lộn lớn như thế này là đã hết thuốc chữa. Nam giộng thình thình lên cánh cửa gọi vào:

- Mở cửa, mở cửa!

Dường như chỉ chờ có người can thiệp, cánh cửa mở toang ra. Một đứa bé gái chừng năm sáu tuổi nước mắt nước mũi đẫm đầy trên đôi má bầu bĩnh hiện ra trước mắt Nam, vừa khóc nấc vừa đưa đôi mắt đen nhánh nhìn chàng cầu cứu. Con bé có mái tóc đen nhánh và cắt ngắn theo kiểu búp bê trông rất dễ thương. Nó đang ôm trong lòng một thằng bé nhỏ hơn, chắc là em trai. Thằng nhỏ nép đầu vào ngực cô bé, ngón tay cái ngắn tròn và bụ bẫm nằm giữa hai hàm răng. Nam đảo mắt một vòng nhìn vào bên trong. Một gã đàn ông chắc cũng khoảng tuổi chàng, tóc tai cứng như những cọng rễ tranh đang hùng hổ xô đẩy một người đàn bà. Mái tóc dài gần đến tận lưng của nàng xổ tung rũ rượi che lấp hết khuôn mặt. Một cánh tay áo của người đàn bà bị xé rách, làm lộ cánh tay tròn lẳn mượt mà. Gã đàn ông đưa bàn tay lên cao giáng xuống cùng với tiếng chửi thề tục tằn:

- Mầy có chịu đưa cho tao không hả?

Nam rùng mình, khi cái tát làm thành một tiếng bốp vang dội khắp căn phòng đang ngổn ngang quần áo, chén dĩa và đủ thứ hằm bà lằng không tên. Người đàn bà té khuỵu xuống nằm gục bên chân người chồng. Con bé ôm đứa em khóc ré lên:

- Mẹ, mẹ ơi, ba đừng đánh mẹ nữa... hu hu...

Gã chồng không buồn nhìn hai đứa nhỏ, hắn đưa tay lên định đánh vào mặt người đàn bà lần nữa trong một tiếng hực dữ dằn:

- Mầy dấu đâu đưa ra cho tao....

Nam không thể không nhảy tới nắm lấy cánh tay của gã vũ phu kêu lên:

- Chuyện gì từ từ nói anh ơi, cho tôi can!

Gã đàn ông có khuôn mặt xương xương, đôi môi mỏng của anh ta mím lại, mắt long lên hầm hừ nhìn Nam định làm dữ, nhưng cái dáng cao to của chàng đã làm hắn chùn lòng. Người đàn bà vén tóc ngước mặt lên nhìn. Nam suýt kêu lên một tiếng thảng thốt. Một vết tím bầm đọng phía dưới con mắt trái của nàng. Hai dòng máu đỏ đang tuôn chảy từ dưới chiếc mũi thon. Nàng cắn môi cố ghìm những âm thanh nửa như tiếng rên, nửa như tiếng khóc. Nam lắc đầu kinh hoàng. Chàng không thể tin rằng ở trên cái đất Mỹ tự do và tôn trọng phụ nữ hết mực, mà còn có một thằng đàn ông đánh đập người vợ tàn nhẫn đến như thế này. Nam ngửi thấy mùi rượu nồng nặc từ gã đàn ông, khi hắn phun vào mặt chàng:

- Mầy..., anh... là ai, vô nhà tui làm gì, hả?

Trong một giây ngắn ngủi, sự căm phẫn làm Nam bỗng có ý nghĩ bẻ gãy vụn cánh tay xương xẩu của hắn trong bàn tay cứng như thép nguội của mình, nhưng chàng đã cố ghìm được:

- Tôi là hàng xóm của anh. Tôi sẽ gọi cảnh sát bắt anh...

Người đàn bà giật mình chồm dậy ôm lấy cánh tay Nam khóc nức nở:

- Xin đừng..., đừng gọi cảnh sát, tội nghiệp chồng... tôi... con... tôi

Trời ơi, chính người đàn bà mới là người đáng được xót thương chứ. Cơn say đã làm gã đàn ông không còn một chút lý trí, hắn vùng vằng giật tay ra:

- Anh có quyền gì can thiệp hả... ạ, hay là chúng mày dan díu với nhau, bảo vệ nhau hả...

Bốp! Nam thẳng cánh giáng một cú đấm vào giữa mặt gã chồng làm hắn ngã ngửa ra trên chiếc sofa cũ. Hai dòng máu ứa ra từ chiếc mũi cong của hắn. Người đàn bà lính quính rút tờ giấy trong chiếc hộp ôm đầu chồng vào ngực chậm máu cho, nhưng hắn đã thô bạo đẩy nàng ra xa. Con bé gái dắt em chạy đến ôm lấy mẹ, đôi mắt đen nhánh và trong như hai hạt thủy tinh của nó vẫn nhìn Nam chăm chăm. Nam bỏ ra phía cửa, bàn tay chàng đã chạm cái nắm tròn, nghĩ sao chàng quay lại gằn giọng:

- Tôi sẽ báo cảnh sát nếu anh còn vi phạm pháp luật...

Nam đóng sửa đánh sầm một cái tỏ rõ sự giận dữ của mình.

Mở tủ lạnh lấy một chai bia, Nam ngồi lên sofa, hai chân gác lên chiếc bàn thấp ngửa đầu tu một hơi dài. Nam dằn mạnh chai bia lên mặt bàn. Chàng quên mất tấm kiếng phủ bên trên. Một tiếng rắc khô khan và chói tai dội lên, làm Nam giật mình nhìn xuống. Tấm kiếng bị sức nện đã bị bể răng ra thành những đường dài ngang dọc, kỳ dị như một cái mạng nhện. Vừa uống bia Nam vừa lắng tai nghe. Không còn tiếng động nào nữa. Có lẽ thằng cha đó nó sợ mình báo cảnh sát thật. Tổ sư cha nó, nó mà còn đánh đập vợ nó nữa thì Nam sẽ... Sẽ sao nhỉ, Nam cũng chẳng biết nữa. Nam ngã dài trên chiếc nệm sofa thiếp đi từ lúc nào không rõ, quên rằng chàng chưa có gì trong bụng cả. Đến nửa khuya, Nam giật mình nhổm dậy, mắt mũi kèm nhèm, bước thấp bước cao thắp đèn ngồi vào bàn học.

Sáng sớm hôm sau, Nam khoác chiếc ba lô chứa đầy sách vở lên lưng mở cửa bước ra ngoài. Nam đưa tay sờ cái bụng đã căng cứng. Hai gói mì chớ phải giỡn chơi sao. Trong hai cái túi ngoài chiếc ba lô, Nam đã nhét mấy ổ bánh mì thịt để ăn trưa trong trường. Nói bánh mì thịt cho nó oai, chứ thật sự chỉ là ổ bánh mì rọc bụng, xịt chút xì dầu rồi rải lên đó vài miếng xá xíu mỏng dánh và đỏ quách. Có vậy thôi. Chứ một anh chàng sinh viên nghèo tứ cố vô thân như chàng, thì còn có thể tự khoản đãi mình những sơn hào hải vị gì chứ hả. Vất vả lắm Nam mới xin được một cái học bỗng ở một trường đại học. Người ta bắt chàng phải làm những bài thi trắc nghiệm năng lực, để xem chàng đủ điều kiện không. Rời ghế nhà trường cũng đã khá lâu, gần chục năm chứ phải ít sao, văn chương chữ nghĩa của thầy cô chàng đã gửi lại gần hết trên khắp nẽo hành quân. Rồi mới vừa từ giã cuộc chiến tranh tàn khốc vài ba năm nay, chàng đi làm quần quật như một con trâu, ăn uống thì đạm bạc và khổ như, như gì nhỉ, à, như một con... chó nhà nghèo để dành dụm ít tiền đi học lại.

Với tất cả sự nỗ lực và khát khao được đắm mình trong bầu không khí nghiêm trang của những giảng đường rộng thênh thang, dưới những vòm phòng cao vút của mái trường đại học lồng lộng tiếng giảng bài bằng micro của những ông thầy. Cố hết sức lắm, Nam mới bò tới cái giới hạn 80% điểm toán và è ạch bám được cái mức 500 điểm “ân huệ” của cuộc sát hạch Anh văn. Nam còn phải trải qua một cuộc phỏng vấn rất là đứng tim nữa. Muốn ăn tiền của người ta, dù là đi học để sau này trở thành một con người hữu dụng cho xã hội cũng đâu phải là chuyện dễ. Nhưng thật may mắn cho Nam, bà phụ trách cấp phát học bỗng có ông chồng là lính Nhảy Dù đã anh dũng hy sinh trên quê hương của chàng. Nên bà ta có nhiều cảm tình với một người lính cũng dân Nhảy Dù như chồng bà.

Một ngày thật đẹp trời, Nam sung sướng đến bàng hoàng thấy mình được ngồi giữa hàng hàng lớp những cô cậu sinh viên trẻ tuổi hơn chàng nhiều. Nam đã được sống lại những ngày học hành cũ, mà chàng đã tuyệt vọng tưởng là không còn bao giờ có được. Nhiều lần trong căn phòng nhỏ, Nam đã úp mặt xuống hôn mảnh đất tự do chan chứa tình người này và chấp tay ngợi ca thượng đế đã nhủ lòng ban ân sủng cho chàng.

Nam từ chiếc thang máy cũ bước ra, bỗng chàng thấy có một người đàn bà hai tay dắt hai đứa nhỏ đang tần ngần nhìn vào. Cái vết bầm tím dưới khóe mắt và khuôn mặt dễ thương của hai đứa bé làm Nam nhận ra ngay người hàng xóm của mình. Nam dừng lại sững người bối rối:

- À, chào chị...

Người đàn bà vén mái tóc đen bóng cúi đầu xuống khẽ đáp:

- Chào anh!

Dường như nàng cố ý đứng ở đây để chờ chàng thì phải. Nam kín đáo quan sát người đàn bà. Nàng hãy còn rất trẻ, trẻ hơn chàng nhiều lắm. Và đẹp nữa. Nhưng toàn bộ nét mặt và đôi mắt của nàng toát lên một vẻ u ẩn thê thiết và hai đường sầu muộn hằn sâu bên khóe môi, làm cho sắc đẹp của nàng bỗng trở thành thật mỏng manh. Đôi vai thon co rúm lại trên cái dáng nhỏ nhắn đến tội nghiệp trong một tư thế nhẫn nhục cam chịu nào đó. Con bé cắn ngón tay giữa hai đôi môi nhỏ xíu hồng hồng giương hai viên bi thủy đinh lên nhìn chàng. Còn thằng nhỏ thì ôm chân mẹ, nó nắm cánh tay người đàn bà lắc lắc đòi đi. Một khoảnh khắc nặng nề chen vào giữa những người hàng xóm. Nam buộc phải tìm cách thoát ra tình trạng này, chàng lúng túng hỏi bâng quơ:

­- Chị và hai cháu khỏe chứ?

Người đàn bà ngước lên nhìn chàng đăm đăm:

- Mẹ con tôi cám ơn anh nhiều lắm. Tôi xin anh đừng giận chồng tôi, anh...

Nam đỡ lời:

- Tôi tên Nam, còn...

Người đàn bà cắn đôi môi nhỏ nhẹ:

- Dạ... Thùy Trang...

Nàng âu yếm cúi nhìn hai đứa nhỏ:

- Con nhỏ lớn này là bé Như, đứa em nó là bé An. Còn chồng tôi tên là Huỳnh.

Nam ngần ngừ không biết có nên quệt ngón tay lên chiếc má bầu bĩnh của con bé không, chàng đưa tay ra :

- Chú chào bé Như, bé An.

Con bé Như dạn dĩ đặt bàn tay mũm mĩm của nó vào giữa lòng bàn tay to dầy của ông chú mới quen. Lần đầu tiên Nam trông thấy Thùy Trang nở một nụ cười. Chợt nàng đỏ mặt ấp úng:

- Anh đừng giận anh Huỳnh nhà tôi, ảnh say. Với lại..., với lại ảnh... thất nghiệp cả năm nay...Ảnh có nói gì không phải, xin anh...

Nam đã mường tượng hiểu một phần tấn kịch không vui của gia đình nàng:

- Chị yên tâm, chuyện không có gì... À chị dẫn mấy cháu đi đâu vậy?

- Dạ sáng nào tôi cũng gửi bọn nó vào nhà trẻ trước khi đi làm.

- Chị lái xe phải không?

- Dạ...

Thấy không còn chuyện gì để nói, với lại đứng gần nhau như thế này rủi thằng cha Huỳnh bước xuống thấy rất không tiện chút nào, nên Nam tìm cách dọt, chàng làm bộ đưa tay lên nhìn đồng hồ:

-  Thôi chào chị và hai cháu, tôi phải đi rồi.

Hầu như là sáng nào chàng cũng gặp Thùy Trang và hai đứa bé, khi thì trong hành lang giữa hai dãy phòng, hay dưới chân cầu thang gần cửa ra vào. Hai đứa nhỏ đã rất quen thuộc với chú Nam. Thùy Trang thì rất vui mỗi lần trò chuyện với chàng. Nam nhận thấy điều đó. Có lẽ nàng tìm kiếm một chút thông cảm từ chàng, để cố quên đi bầu không khí nặng nề đang chờ đón ba mẹ con nàng phía sau cánh cửa im ỉm đó. Nàng sợ lắm mỗi lần đối diện với đôi mắt đỏ khé vì rượu của chồng, và những lời đay nghiến cay độc đâu đâu. Huỳnh đã lục lọi tung hê mọi thứ trong căn phòng để tìm tấm thẻ Master Card và cuốn sổ tiết kiệm gia đình mà Thùy Trang đã dấu rất kỹ. Tấm thẻ thì nàng đã cắt nó làm hai và bỏ vào thùng rác. Còn cuốn sổ tiết kiệm, trong đó có vài ba ngàn đồng, nàng đã dấu vào một chỗ mà ông... trời cũng chưa chắc biết được.

Không có tiền để ra ngoài tiêu khiển, đi uống cà phê và đi kéo máy, Huỳnh nổi hung lên đè vợ ra tra khảo. Nhưng có Nam ở gần bên, anh ta không dám làm ầm ĩ nữa. Mỗi hai tuần nhận tấm check trợ cấp xã hội, chỉ vèo một cái, Huỳnh đã thanh toán nhanh gọn trong vòng một vài ngày. Hết tiền, Huỳnh xách đít về nhà nằm khểnh ăn bám vợ và kiếm chuyện. Thật ra thì Huỳnh cũng có đi kiếm việc làm đó chứ. Nhưng kiếm mãi không ra việc giữa thời buổi kinh tế sì sụt, Huỳnh nổi rồ lên. Cuộc đời của anh sao mà nó đen như cái mõm chó vậy hả trời. Huỳnh mượn bia để khỏa lấp nỗi buồn. Nhưng trời ơi, càng say khướt bao nhiêu, Huỳnh càng thấy buồn bấy nhiêu và càng hung tợn thêm lên.

Chừng một tuần sau, Nam không còn gặp Thùy Trang nữa. Rồi thêm một tuần nữa, Nam linh cảm có một điều gì đó rất không bình thường đang xảy ra. Dường như không có sự sống đằng sau khung cửa đó. Một sự im ắng lạ lùng. Hỏi ông quản lý chúng cư, Nam mới rõ gia đình của họ đã dọn đi từ lâu rồi. Có lẽ họ đã ra đi âm thầm, trong khoảng thời gian mà Nam còn ngồi ở trường đại học. Những ngày tiếp theo, Nam cũng bâng khuâng lo lắng cho ba mẹ con Thùy Trang lắm. Không khéo, chẳng có chàng ở kế bên, thằng cha Huỳnh sẽ hành hung vợ tiếp để khảo tiền. Nhưng bài vở trong trường ngày càng ùn đọng lên ngập đầu, công việc làm cuối tuần quá mệt mỏi, Nam không còn chút thì giờ nào để nhớ đến gia đình Thùy Trang nữa.

Nhưng dường như định mệnh còn muốn kết nối cuộc đời của Nam với cái gia đình mất hạnh phúc đó, nên có một ngày chàng vừa về đến phòng, thì chàng có nhìn lầm không. Ba mẹ con Thùy Trang đang đứng túm tụm trước cửa. Nam sững sốt bước đến gần. Dưới ánh sáng trắng của chiếc đèn neon trên trần hành lang, Nam buột miệng kêu lên:

- Trời ơi...

Nam đã trông thấy một vết tím bầm lan rộng trên chóp má bên phải của Thùy Trang. Có nghĩa là, không phải một cái tát mà là một cú đấm. Thùy Trang bước lên một bước rưng rưng nước mắt:

- Anh Nam, tôi... tô... em... anh làm ơn... cho em với hai đứa nhỏ... ở tạm...

Không kềm được nỗi đau xé trong lòng, nàng gục đầu xuống úp mặt trong hai bàn tay khóc nấc lên. Nam có thể đoán đến năm chục phần trăm nguyên cớ nào đã đưa nàng và hai đứa bé hiện diện ở nơi này. Có lẽ nàng dẫn con chạy trốn khỏi căn phòng ở một chúng cư nào đó, mà chồng nàng giờ đây đã trở thành một hung thần bất trị. Khi Thùy Trang ngước mặt lên thì Nam thấy đôi má tái xanh của nàng đã đầm đìa nước mắt. Con bé Như rụt rè nắm tay chú Nam thỏ thẻ:

- Chú Nam, ba đánh mẹ...

Nam bùi ngùi cúi xuống bồng thằng bé An lên trong lòng, mở cửa và nắm tay bé Như dẫn vào:

- Chú biết, vào đây với chú...

Nam lúng túng nhìn đống quần áo chưa giặt nằm lềnh khênh trên chiếc giường và lũ chén dĩa chồng chất trong chậu nước. Chẳng phải chàng lười biếng gì đâu. Chỉ đơn giản là chàng đang trong thời kỳ thi cử, thì giờ gạo bài không đủ để mà thở nữa là. Khi Nam đặt thằng bé nằm lên chiếc sofa, thì chỉ vài phút sau nó đã nhắm mắt ngủ say. Nam bối rối không biết phải làm gì trong hoàn cảnh bất ngờ như thế này. Thùy Trang ngồi nép vào một góc sofa đan hai bàn tay vào nhau cúi gằm mặt xuống. Nam mở tủ lạnh tìm nước uống. Bỏ mẹ rồi, chỉ còn mấy chai bia. Cũng may, chàng tìm được một nửa trái chanh khuấy cho hai mẹ con một ly đá chanh đường. Con bé Như uống ừng ực. Có lẽ nó khát lắm. Chắc họ đã đứng trong hành lang chờ chàng lâu lắm rồi.

Nam chắp tay sau lưng đi tới đi lui suy nghĩ dữ lắm. Chàng đang rơi vào một tình thế rất nguy hiểm. Thằng cha Huỳnh mà biết vợ con của anh ta đang ở trong phòng chàng, thì chết lớn với hắn. Không khéo hắn thưa chàng tội dụ dỗ vợ hắn hay bắt cóc con hắn, chàng chỉ có nước vô khám nằm đếm lịch. Ôi, sao đời chàng cứ mãi vương vấn với những người đàn bà đẹp như thế này. Hai năm trước đây, Nam còn ở chung dưới một mái nhà với ba mẹ con nàng Tuyết Trinh. Nhan sắc kiều diễm của Tuyết Trinh sau cơn sinh nở thằng bé Trần Công Khanh và mối tình cảm nhen nhúm giữa chàng với nàng đã có lúc gần đẩy chàng vào vũng tội lỗi. Nhưng một phép mầu nhiệm hiện ra đã cứu chàng kịp lúc, khi ông bà bảo trợ người Mỹ dẫn Chánh, người chồng thất lạc trong cơn di tản của Tuyết Trinh nhận phòng trong chúng cư. Hai vợ chồng tái hợp với nhau trong nước mắt. Nhưng người sung sướng nhất phải là Nam. Chàng bằng lòng dấn thân vào con đường vô định đầy dẫy gai chông ở phía trước.

Nam muốn bỏ đi xa thật xa để quên đi những này sống êm đềm trong cõi hạnh phúc giả tạo không có thật. Giờ đây nỗi nguy hiểm đó lại lù lù trở về, với một người đàn bà đẹp khác, như một oan khiên tiền kiếp mà chàng phải trang trải. Thùy Trang âu lo ngước mắt nhìn theo người đàn ông đang gãi đầu gãi tai khổ sở, bỗng nàng đứng dậy ẳm bé An lên và nắm tay bé Như quả quyết nói:

- Em làm phiền anh nhiều, em thật không phải, em không nên đến đây, thôi chào anh...

Nam hốt hoảng giang tay ra ngăn lại:

- Từ từ đã nào... chị cứ ở đây rồi mình tính...

Thật ra thì Nam cũng chẳng biết phải tính như thế nào nữa. Con bé Như bỗng kêu lên:

- Mẹ, con muốn ăn...

Nam sực tỉnh:

- À, còn một ít... mì gói...

Chàng xấu hổ thú nhận:

- Tôi tệ quá, không có gì cả, chị nấu mì cho tụi nhỏ ăn đỡ...

Thùy Trang đặt bé An nằm xuống chiếc nệm ghế dịu dàng nhìn Nam:

- Anh làm ơn coi chừng hai đứa nhỏ, em xuống tiệm gần đây mua ít món nha!

Lần đầu tiên từ ngày vào ở trong căn phòng này, Nam được ăn một bữa cơm ngon ơi là ngon được nấu từ đôi bàn tay khéo léo của một người đàn bà. Ôi, Nam ước gì đôi bàn tay ấy là của Phượng. Hai năm nay chàng đã cất công tìm kiếm nàng trong nỗi tuyệt vọng ủ ê. Nàng như một con chim nhỏ chuyền cành, tàn nhẫn trêu ghẹo cuộc đuổi bắt khốn khổ của chàng. Phượng đã bỏ đi ra khỏi nơi mà nàng gọi điện thoại đến căn phòng mà chàng và Tuyết Như đang chung sống bằng một thứ tình cảm vá víu lảng đảng. Định mệnh quái ác để chàng không có mặt lúc đó, làm Phượng hiểu lầm, rằng chàng đã phản bội tình yêu của nàng. Phượng đã vượt biển khơi với hàng hàng lớp hiểm nguy đi tìm người yêu. Vất vả lắm Phượng mới dò tìm được chỗ ở và số điện thoại của Nam từ văn phòng của những hội thiện nguyện đặc trách nhập cư. Phượng tạ ơn Trời Phật đã thương xót dun rủi cho nàng còn gặp lại được người mà nàng dệt cơn mộng tình ái từ ngày đôi đứa quen nhau.

Phượng không bao giờ có thể quên được bóng dáng cao to của người lính đội chiếc Mũ Đỏ đứng đợi nàng trước cổng trường từ phía bên kia đường, để lũ bạn bấm nhau cười khúc khích và trêu chọc nàng. Mùa hè, hoa phượng vĩ nở đỏ rợp sân trường. Màu hoa phượng làm trái tim cô nữ sinh áo trắng nhỏ dậy lên nỗi xôn xao nhớ màu chiếc mũ cũ sờn trên khuôn mặt đen nhẽm khắc khổ của người lính. Phượng biết, chàng đang trôi nỗi giữa cơn phong ba đỏ lửa của chiến tranh, những người lính như chàng dường như đều già trước tuổi vì luôn đối diện sự chết chóc tàn khốc, ở những khoảnh khắc mà người hậu phương gọi là vị quốc vong thân. Nên nàng yêu người lính ấy, và thề với lòng là chỉ yêu có mỗi chàng. Sự chung thủy đó đã vỡ vụn như bọt bong nước giữa những hạt mưa cuồng loạn của thay đổi và phản bội. Trời ơi, giọng nói của người đàn bà bên kia đầu giây dịu dàng quá, quyến rũ quá. Phượng đã để một đêm nằm khóc đẫm ướt hết chiếc gối. Rồi nàng quyết định bỏ đi xa và cố quên hình ảnh của con người ấy...

Huỳnh đi lang thang suốt ngày trên hè phố với chiếc đầu mụ mị và trống rỗng. Anh cứ đi, đi mãi và không cần ý thức mình đang đi đâu. Mệt mỏi, Huỳnh rẽ vào một công viên bên đường và ngồi phệch xuống dựa vào gốc một cái cây lớn. Dưới bóng mát của táng cây xanh thẫm Huỳnh nhìn lũ trẻ đang nô đùa với nhau trong khu dành cho chúng. Ở một góc, vài đứa đang chơi cát. Một chỗ khác, năm sáu trẻ nhỏ đuổi bắt nhau vừa reo hò vừa luồn lách qua những hàng vỏ bánh xe cũ đã được sơn màu xanh đỏ rất vui mắt. Kìa là những dàn đánh đu, mà những cô bé Mỹ mắt xanh tóc vàng xinh như những con búp bê cười hăng hắc theo nhịp đưa của mấy bà mẹ. Tất cả những hình ảnh đó như một mũi dao nhọn đâm ngập vào trái tim đang thổn thức của Huỳnh. Một niềm hối hận đang gậm nhấm từng sớ thịt một trên thân thể anh. Anh đang nhớ mẹ con nó. Huỳnh yêu vợ và thương lũ con lắm chứ. Một nỗi nhớ quay quắt quặn lên làm trái tim anh nhức buốt như bị một bàn tay vô hình nào bóp chặt. Huỳnh hối hận lắm. Cú đấm của anh như giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly nước đã quá đầy. Mẹ con nó bỏ anh đi là phải. Anh xứng đáng bị trừng phạt như vậy.

Huỳnh ôm đầu đứng lên bỏ đi. Anh đã đi khắp chốn như một gã điên để tìm kiếm vợ con. Nhưng ở giữa cái thành phố rộng lớn mênh mông này, ba mẹ con Thùy Trang như những chiếc lá nhỏ mất hút trong một khu rừng nhiệt đới. Huỳnh không dám trở về căn phòng vắng vẻ đến não lòng ấy nữa. Sự trống trải lạnh lẽo của nó làm anh đau lòng nhớ lại tội lỗi của mình. Huỳnh lo lắng rồi đây anh sẽ làm cách nào trả lại số tiền nợ thẻ tín dụng mà anh đã trốn vợ đi du hí. Anh ném tiền vào những cỗ máy kéo và trên những chiếc bàn căng nỉ màu xanh lá cây với những lá bài oan nghiệt. Càng thua Huỳnh càng tháu cáy cà thẻ như một thằng điên. Cho đến khi Huỳnh nhận thấy mình là một thằng hoàn toàn chiến bại, anh não nề lê lết trở về nhà, rón rén mở cửa thật nhẹ và len lén nằm ngủ trên chiếc sofa.

Huỳnh đi ngang một con hẻm nhỏ giữa hai dãy cao ốc cũ. Rác rến ngập ngụa khắp chốn, làm dậy lên mùi hăng thối thật khó chịu. Trong những cái hốc tối đằng sau những chiếc thùng rác lớn, Huỳnh trông thấy những con người dơ dáy được phủ bằng những đống giẻ rách gọi là quần áo chui rúc như những con chuột. Hai tay dấu trong hai túi quần đứng nhìn những người vô gia cư vô nghề nghiệp, Huỳnh bỗng cười khan một mình. Mẹ nó, mình cũng đang có đầy đủ tư cách làm một gã hom lét như họ. Rồi bỗng nhiên đến một lúc, Huỳnh nhận thấy anh đang ngơ ngác đứng giữa chiếc cầu treo dài thăm thẳm. Huỳnh chồm người ra ngoài dãy lan can cúi xuống nhìn mặt nước xanh thẫm xa vời vợi dễ đến hàng trăm thước.

Huỳnh nhoài người ra xa hơn nữa để nhìn cho rõ những con sóng lăn tăn bên dưới. Bất giác anh cảm thấy có một nỗi thèm muốn kỳ dị, là được lao xuống khối nước, để được biến mất trong cõi vô cùng. Huỳnh gác một chân lên thành lan can và chuẩn bị hất cái chân còn lại để phóng ra khỏi chiếc cầu. Anh không nghe có tiếng xe thắng thật gấp phía sau lưng. Trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi rơi ra ngoài khoảng không gian, Huỳnh loáng thoáng nghe có tiếng kêu thảng thốt của một người đàn ông. Huỳnh cảm thấy hai chân của anh bị hai cái gọng kềm cứng ngắt kéo sểnh vào trong chiếc cầu. Huỳnh xoay lại hung hăng đấm vào mặt của người đàn ông kêu đánh bốp một cái và gào lên:

- Buông tôi ra!

Nhưng người đàn ông vẫn cứ bậm môi kéo anh xềnh xệch trên lối đi nhỏ dành cho người bộ hành, trong tiêng kèn thúc hối inh ỏi cùa hàng dài xe phía sau. Huỳnh lấy hết sức vùng được một chân ra đạp mạnh vào ngực đối phương. Anh chàng nghĩa hiệp hự lên một tiếng đau đớn, nhưng vẫn lì lợm nhảy chồm lên đè Huỳnh xuống. Bỗng hai người đàn ông cùng sững sốt kêu lên:

- Ủa!

Họ buông nhau ra và cùng kéo nhau đứng dậy. Người đàn ông vừa vuốt quần áo vừa nhìn chằm chằm Huỳnh:

- Là anh à?

Huỳnh cũng ú ớ, giọng tắc nghẹn:

- Là anh hả?

Huỳnh đã nhận ra anh chàng cựu hàng xóm mà đã tặng cho mình một cú nốc ao nảy lửa vài tuần trước. Huỳnh xấu hổ cúi đầu xuống không dám nhìn vào đôi mắt sáng nhưng rất dịu dàng của người ấy. Nhưng anh ta đã nồng nhiệt ôm lấy Huỳnh vui vẻ:

- Trời, mấy hôm nay tôi đi tìm anh quá trời!

Huỳnh ấp úng :

-  Anh... anh... kiếm tôi làm gì?

Người đàn ông kéo Huỳnh lên xe:

- Mình lên xe nói chuyện sau, thiên hạ đang nhìn tụi mình kìa...

 Nam đang ngồi uống cà phê trong quán ăn đại học thì trông thấy cái thân hình đẫy đà của bà Atkinson đi vào. Bà Atkinson cũng trông thấy Nam, vì chàng ngồi gần cửa ra vào. Bà Mỹ hân hoan vẫy tay:

- Chào Mistơ Nam, long time no see, bấy lâu ông mạnh giỏi thế nào ?

Nam đứng dậy bắt tay người ân nhân của mình:

- Chào bà Atkinson. Cám ơn bà, tôi rất mạnh giỏi, còn bà thế nào?

Bà Mỹ vui vẻ lắc tay Nam:

- Cám ơn Mistơ Nam, rất rất tốt. Việc học hành của ông ra sao?

- Tuyệt. Nhưng mời bà ngồi xuống đây đã, nếu bà không phiền lòng.

- Ồ, vui lòng lắm. Gặp lại ông, tôi vui lắm.

Nam ngỏ lời cảm ơn người ân nhân:

- Thưa bà, tôi luôn nhớ lòng hảo cảm của bà dành cho tôi.

- Ồ, không, ông đầy đủ tiêu chuẩn và rất xứng đáng.

- Bà vẫn còn phụ trách văn phòng cấp phát học bỗng phải không?

Bà Atkinson xoa tay chặc lưỡi:

- Tôi vẫn làm ở đó. Ôi, công việc ngập đầu. Chặc, đơn xin thì nhiều mà tài khoản thì ít. Công chuyện rối rắm như vậy mà bỗng nhiên anh chàng giúp việc vặt xin nghỉ. Ông Nam nghỉ có chết tôi không chứ!

Bỗng bà Atkinson vỗ nhẹ hai bàn tay với những ngón tay mum múp vào nhau:

- À, Mistờ Nam có bạn bè nào cần việc làm hôn, giới thiệu cho tôi đi, tôi khỏi đăng bảng tìm người. Công việc dễ lắm, nhưng cần phải nói tiếng Anh lưu loát và nghe hiểu rõ là được…

 Hai người đàn ông ngồi bên chiếc bàn tròn nhỏ được kê ngoài lan can vừa ăn bánh trung thu, uống trà và ngắm trăng. Mặt trăng treo lơ lửng trên bầu trời đen thẫm, trông giống như một chiếc dĩa bạc. Ánh sáng màu vàng từ chiếc dĩa rải dịu dàng xuống trần thế và hắt lên mặt một thằng bé ngồi gọn trong lòng một người đàn ông dáng vóc nhỏ thó, trong khi đứa bé gái chị của nó lẩn quẩn bên một người đàn bà có khuôn mặt thật rạng rỡ. Người đàn bà mở thêm một hộp bánh nữa và hỏi:

- Mấy anh thích thứ nào, nhưn hột sen hay thập cẩm?

Thằng bé trả lời giùm cho ba nó:

- Con muốn nhưn hột sen hà, con ghét nhưn thập cẩm lắm...

Nam ngước mắt nhìn chiếc dĩa bạc. Những vệt xám loang lổ trên đó kết nối thành một cái hình gần giống như táng lá của một cây đa. Nam cố tìm kiếm cái hình của chú Cuội ngồi mơ màng chị Hằng dưới gốc cây. Chàng không nhớ là đã bao nhiêu năm chàng không ngắm trăng. Dường như trên miền đất xứ người xa lạ này, trăng không còn là trăng của quê nhà nữa. Những tất bật, hối hả của cuộc sống đã lấy đi những khoảnh khắc mộng mơ cuối cùng dành cho trăng mất rồi. Huỳnh rót trà vào cái chung đã gần cạn của Nam:

- Để hôm nào tôi với anh làm một bữa quắc cần câu. Còn cái buổi thưởng trăng hôm nay là do ý của mẹ mấy đứa nhỏ muốn tỏ lòng quý mến và cảm ơn anh đã giúp đỡ gia đình chúng tôi...

Nam xua tay cười cười:

- Có gì đâu anh chị ơi, là do may mắn cả thôi, tôi có công cán gì đâu!

Thùy Trang ngồi xuống cắt bánh,nàng nhìn Nam bằng ánh mắt biết ơn:

- Anh là ông thần thiện của chúng tôi...

Nam toan nói lời khiêm nhường, chợt có tiếng điện thoại reo vang bên trong tạo thành một chuỗi âm thanh rộn rã. Nam xô ghế bước vào nhấc ống nghe lên. Từ phía bên kia, một giọng đàn bà thật trong trẻo và quyến rũ rót vào tai Nam:

- Hello, có phải anh Nam đó không hở?

Nam gần như muốn nhảy dựng lên, ngạc nhiên lẫn mừng rỡ:

- Đúng rồi, Nam đây, chị Tuyết Trinh đó phải không?

Nam bồi hồi nghe lại tiếng cười như tiếng chim hát của Tuyết Trinh. Một chuỗi quá khứ êm đềm dậy lên từ đáy tim chàng. Chàng nghe giọng hờn trách của nàng:

- Anh Nam quên chúng tôi rồi phải không? Lâu lắm không được tin anh vậy?

Nam gãi đầu lúng túng:

- Dạ lúc này bận quá chị ơi...

Chàng tìm cách đánh trống lãng:

- Anh Chánh thế nào rồi chị. Con bé Ngọc và thằng nhóc Khanh lớn lắm rồi phải không?

- Cám ơn anh, nhờ giời, cha con ảnh đều vui vẻ trẻ trung cả.  Sao, có người đẹp nào lọt mắt xanh chưa?

- Ai mà thèm để mắt đến tôi chị ơi, chị nhắc càng thêm đau lòng...

Nam nghe bên kia tiếng đằng hắng hóm hĩnh của người đàn bà:

- E hèm, vậy mà có người để ý đến anh Nam rồi đó nha, xin báo cho anh tin mừng!

- Thôi chị đừng đùa với người đau khổ này!

Tuyết Trinh cười dòn dã:

- Không đùa đâu anh chàng tốt số ơi. Lẽ ra chúng tôi dấu anh cái tin này, để giờ chót nó hiện ra anh thấy nó có ý nghĩa hơn. Nhưng anh Chánh biểu tôi phải báo cho anh hay ngay ...

Nam lắc đầu nghi hoặc chẳng hiểu gì cả:

- Chị đừng hành hạ tôi nữa có được không?

-  Hi hi, anh nói giống như trong phim bộ quá đi. Lấy giấy viết ghi cho rõ ngày giờ chuyến bay của một người đẹp ngày mai sẽ đáp xuống thành phố. Bấy lâu nay anh Chánh để công truy lùng dữ lắm mới chộp được người đẹp đó nha!

Trống ngực Nam đánh thình thình, giọng chàng run run:

- Ai vậy chị?

- Là cái cô nàng đã gọi điện thoại cho tôi hai năm trước đó!

Nam hét lên như điên:

- Phượng phải không?

Chàng nghe tiếng cười dòn ngọt như mật ong của Tuyết Trinh:

- Thì cứ đợi đến ngày mai đi nhé.

Phạm Phong Dinh

Previous
Previous

Cha tôi, nhà văn Khái Hưng – tác giả Trần Khánh Triệu

Next
Next

Mùa Vu Lan Huyền Nhiệm