Từ quân trường đến chiến trường

Căn nhà tối om không một ánh đèn khi tôi trở về, những cây ăn trái trong vườn im lìm bên những chậu bông hồng ba tôi săn sóc mỗi ngày. Tôi đứng trên vạt sân tráng xi măng trước nhà nhìn lên bầu trời đen hàng vạn ánh sao lấp lánh. Những viên đạn lửa bất chợt xẹt lên cao rồi vụt tắt. Lác đác vài tràng súng văng vẵng đâu đó cùng với tiếng chó sủa đổng trong một không gian im lắng lạ thường.

Đứng một lát, tôi về phòng thay đồ leo lên gường. Nằm trằn trọc mãi không ngủ được, những tư tưởng mông lung cứ quay cuồng trong đầu. Tôi nghĩ đến tương lai rất gần đây, tôi cũng như tất cả muôn ngàn chiến sĩ khác sẽ ra sao khi chiến tranh chấm dứt theo chiều hướng bi đát này. Cuốn phim cuộc đời binh nghiệp của tôi tuy không dài, nhưng đầy những cảm giác cao độ sát cạnh với tử thần cùng với bao nhiêu giây phút thú vị ngao du trên khắp nẻo đường đất nước. Những ngày tung mây lướt gió của tôi trên con tàu quen thuộc sẽ không còn nữa, nghiệp bay bổng là con đường tôi đã chọn và say mê không ngờ sẽ kết thúc quá sớm!
Nằm vắt tay lên trán, tai nghe tiếng thạch sùng chắc lưỡi, điếu thuốc lập lòe trong đêm, những hình ảnh cũ từ lúc chập chững bước chân vào quân trường đến những ngày dong duổi trên vòm trời quê hương chập chờn, ẩn hiện trong tâm trí...

Tôi đã gia nhập Không quân trong thời gian quân đội VNCH bành trướng nhanh. Trung tâm Huấn luyện Không quân tại Nha Trang không đủ sức để chứa một số lượng khóa sinh quá lớn. Những người khóa sinh mới được gủi đi học giai đoạn căn bản quân sự tại những trung tâm huấn luyện Bộ binh khác. Đồng đế là nơi tôi đã được gủi đến để học giai đoạn II căn bản quân sự.

Lúc xưa đây là trường Biệt Động Đội Thể Dục Đinh Tiên Hoàng, sau đổi thành Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Dân địa phương thường gọi là "Trường Đồng Đế Nha Trang" hoặc "Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế" để thay cho cụm từ danh xưng trước quá dài. Đây là một quân trường kiểu mẫu, cũng là một lò luyện thép đã cung ứng hàng trăm ngàn chiến sĩ xuất sắc cho chiến trường miền Nam.

Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế nằm phía bắc Nha Trang khoảng bốn cây số, gần cạnh bờ biển, dưới chân núi Hòn Ngang hùng vĩ, nơi có ngọn đèo tên thật là lạ lùng - đèo Rù Rì. Từ xa Hòn Ngang trông giống như một người con gái nằm xỏa tóc đợi người yêu. Ngang lưng chừng núi là tượng của một người lính đang đứng thao diễn nghĩ, sơn màu trắng nổi bật trên nền xanh cây cỏ. Có một câu thơ lưu truyền sau đây đã nói lên ý nghĩa đó:

Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh !

Mỗi khi ngồi trên chiếc trực thăng bay ngang nơi này tôi không bao giờ quên để mắt nhìn xuống nơi tôi đã từng đổ mồ hôi trong bao nhiêu tháng trường, và đặc biệt bức tượng người lính đứng thao diễn nghĩ sơn màu trắng toát dựng lưng chừng ngọn núi cao chót vót là nơi tôi đã mất hơn nửa ngày và gần một "bi-đông" mồ hôi để leo lên, trên vai vác khẩu trung liên nặng chĩu trong ngày di hành dã trại cuối khóa.

Trở lại giây phút đầu tiên khi cả khóa tôi vừa mới bước chân đến quân trường Đồng Đế, tất cả tập họp ngay trước sân cờ. Một vị Thiếu tá có một khuôn mặt nghiêm trọng, đứng chống nạnh trước hàng quân, tuyên bố:

-" ....Các anh nên hãnh diện đã được gủi tới đây để huấn luyện. Đây là một quân trường thép, sẽ đào tạo các anh thành những chiến sĩ can trường dũng cảm. Các anh sẽ gia nhập một quân đội thiện chiến nhất để bảo vệ quê hương xứ sở chống bọn Cộng Sản xâm lăng.

Nghe tới đây, trong đầu óc còn ngây ngô, tôi muốn đưa tay lên nói lớn rằng :" Thưa Thiếu Tá..., xin Thiếu ta đừng quên rằng chúng tôi đã đầu quân để lái máy bay, chớ không phải để đánh giặc trong rừng!". Nhưng tư tưởng "chống đối" đó chỉ lóe lên trong đầu chưa đến một giây liền tắt ngúm khi nghĩ đến mấy trăm cái hít đất đang chờ đợi.

Vị Thiếu tá nói tiếp:

-Các anh có thấy gì không? Vừa nói vị sĩ quan vừa chỉ vào bức tượng người lính bằng tượng đồng đen mun, đặt cao trên bục xi măng giữa sân cờ.

-Vài tháng tới, khi các anh rời khỏi quân trường Đồng Đế này, tất cả các anh sẽ trở thành như bức tượng đồng đen này.

Bọn chúng tôi đứng trong hàng quân, ngơ ngác không hiểu ý vị Thiếu tá nói gì. Có phải là chúng tôi sẽ thành thạo như người lính này hay là sẽ đen thui như tượng đồng đen, hoặc là cả hai?

Giây phút đó, trong đầu óc của những thằng con trai ngờ nghệch, chưa ai hiểu thâm ý của vị Thiếu tá cán bộ liên đoàn trưởng cho đến khi chương trình huấn luyện bắt đầu. Một chương trình khắc nghiệt, sắt đá gần giống như chương trình huấn luyện của binh chủng Nhảy dù (!). Trong những lúc thức khuya dậy sớm, tập luyện, có đôi khi quá nhọc nhằn, khổ cực, thân xác bị đày đọa ngoài sức chịu đựng, tôi phân vân tự hỏi con đường tôi đã chọn đây để trở thành một phi công tung mây lướt gió có phải là con đường sai lầm hay không? Nhưng tất cả rồi cũng phải trôi qua, những sự khổ cực đó đã phai mờ, trong tiềm thức tôi chỉ còn sót lại những hình ảnh đẹp, cũng như những giây phút tuyệt vời mà tôi đã có được trong thời gian thụ huấn tại một quân trường tọa lạc bên bờ biển xanh, với hàng dương vi vu trong gió.

Có một giai thoại đã xảy ra trong thời gian thụ huấn về một người bạn thân đã làm tôi nhớ mãi: anh Trần Văn Vân, đã không may tử nạn cùng với một fly-mate (người bay chung) trong một phi vụ " team solo" ở trường bay Fort Hunter tại Hoa Kỳ, khi chiếc máy bay trực thăng UH-1 của anh vướng vào một sợi giây điện cao thế nổ tung. Khi mất, anh Vân đã chưa kịp biết đứa con trai đầu lòng của anh đã ra đời hai ngày trước đó. Gia đình còn lại của anh là một mẹ già và một người em gái đang sửa soạn, chuẩn bị chờ anh trở về nước trong hai tuần tới sau khi mãn khóa để cùng đón Xuân. Một điều nên biết anh là một khóa sinh phi công đậu ưu hạng (graduated with honors) tại Fort Wolters, Texas trong thời gian học bay giai đoạn I trước đó.

Trong một đêm thực tập hành quân, bên một bờ biển cát trắng dưới ánh trăng rằm vằng vặc. Sau một thời gian bố trí, đào hố cá nhân, phân chia canh gác, đại đội được lệnh tập trung tại bãi biển để điểm danh quân số. Dưới ánh trăng, những tiếng nói lao xao kêu tên điểm danh hòa lẫn với tiếng rì rào của sóng biển. Tất cả quân số đầy đủ, chỉ trừ trung đội tôi thiếu một người. Đếm lui đếm tới, sau cùng cũng vẫn còn thiếu một người. Vị Thiếu úy cán bộ bắt đầu mất kiên nhẫn. Tất cả đại đội được tung ra lục soát tất cả mọi nơi, từ những bìa cây thấp, đến từng mọi hang hố ngõ ngách cho đến tận chân núi. Sau hơn một tiếng đồng hồ lục lọi chúng tôi đã "tìm ra" người "mất tích". Khóa sinh dự bị sĩ quan Trần Văn Vân đang nằm ngáy khò khò dưới một hố cá nhân, trên bãi cát dưới tàng cây thấp.

Anh Vân được đem "giải giao" trước mặt vị Thiếu úy cán bộ. Mặt dù ánh trăng chưa đủ sáng nhưng chúng tôi vẫn thấy rõ được nét "phẩn nộ" hiện rõ trên nét mặt. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, vị cán bộ không hề la mắng hay chửi bới Vân. Ông ta chỉ ra chỉ thị cho anh bạn "thiếu ngủ" của tôi: cứ mỗi ba mươi phút Vân sẽ phải đi xuống biển ngâm mình dưới làn nước "mát lạnh" năm phút. Thi hành ngay. Bắt đầu từ lúc mười một giờ khuya cho đến sáng mai khi đại đội nhổ lều trở về trại. Anh Vân khỏi phải lo dậy đúng giờ để thi hành lệnh phạt, sẽ có người trong ca trực đến đánh thức anh. Có lẽ những ai đã từng ở trong đời lính đều đồng ý rằng, được nhắm mắt ngủ trong giai đoạn huấn luyện tại quân trường là một điều hạnh phúc "tối thượng".
Những giây phút thú vị nhất của chúng tôi là được đi ứng chiến ở Ba Làng, một xóm chài lưới nhỏ sát mé biển được tạo lập bởi đa số người Bắc đánh cá di cư, chỉ cách quân trường chưa tới một cây số. Tôi không hiểu danh từ "dân ba làng" của một số người Trung thường dùng để ám chỉ những ai quê mùa, hay thiếu phong cách, có phải xuất xứ từ xóm chài này không?

Trong những đêm ứng chiến đó, sau khi treo chiếc võng dưới rặng dương liễu cạnh bãi cát trắng dưới ánh trăng vằng vặc, bốn năm đứa kéo nhau đến quán nhỏ sát bên bờ nước, ngồi trên chiếc bàn gỗ nhìn thẳng ra mặt biển phẳng lặng như nước hồ thu, phản chiếu ánh trăng bạc lóng lánh, cùng chia nhau vài chai bia với đĩa mực tươi rói chấm nước mắm gừng, rồi về nằm đong đưa trên võng hút thuốc lá nói chuyện đời lính, nghe tiếng rì rào của biển cả hòa nhịp với những bài ca trữ tình, văng vẵng từ chiếc radio nhỏ xíu treo đầu võng.

Nhớ lại những buổi chiều vàng, di hành dã trại trên đồi cao, gió biển lồng lộng, thổi phần phật chiếc lều cá nhân vừa được dựng lên. Xung quanh là một rừng ớt, trái chín đỏ rực cả một vùng. Ngồi trong chiếc lều "poncho" với hai ba người bạn thân, chia nhau bửa cơm vắt với thịt kho muối sả đựng trong hộp sữa "gi gô" được Mẹ gói ghém gửi vào, cắn trái ớt vừa tươi vừa cay, mới hái. Nhìn xuống dưới thấp, bờ vực dựng đứng, những con sóng bạc đầu nô đùa rượt đuổi, đập vào bãi sỏi tung bọt trắng xóa. Xa xa là những con thuyền đánh cá nhấp nhô trên mặt đại dương mênh mông xanh biếc một màu. Còn một cảm giác nào tuyệt vời hơn trong lòng của những người trai mới lớn đầy lý tưởng mộng mơ này?

Những giây phút đó, tôi mới thấm thía những bài tình ca của lính do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác, cho dù chưa có một người để yêu, để mộng mơ nhung nhớ.

Từ khi anh thôi học,
và từ khi anh khoác aó treilli
Từ khi anh xa nhà,
một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây...

Ngày tháng trui luyện khổ cực tại quân trường Đồng Đế rồi cũng qua, tôi đã trở thành một sĩ quan phi hành chưa bao giờ rờ được cái đuôi của chiếc máy bay.
Không biết trường Đồng Đế có biến tôi thành một người lính thiện chiến như vị Thiếu tá cán bộ đã nói trước hay không, nhưng chắc chắn đã biến tôi thành một tượng đồng, đen mun. Cái đen mun đeo đẳng tôi dai dẵng cho đến khi qua trường bay, cả vài tháng sau mới chịu buông tha.

"Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu", một câu mà tôi thấy gắn nhan nhản khắp nơi trong quân trường. Những bài học trầy da tróc vảy, những buổi di hành dã trại triền miên trong rừng sâu núi thẳm cùng những cuộc thao dợt súng đạn, bò dưới hỏa lực của những viên đạn bay vèo vèo trên đầu, hay những phút rứt tim đu giây tử thần, tất cả đã làm tôi đổ hàng chục lít mồ hôi. Nhưng sau này tôi cảm thấy mấy chục lít mồ hôi của tôi đã đổ ra chẳng thấy "dính dáng" gì tới công việc của tôi làm, đó là ngồi chết dí trên ghế bay sáu bảy tiếng đồng hồ một ngày lăn lộn trên trời cao. Tôi chưa bao giờ có một cơ hội nào để liệng một trái lựu đạn vào hầm của địch quân, cho nổ tung tóe ra như trong phim ci nê, hay núp trong bụi rậm cầm khẩu súng trường nhắm kẻ thù từ lổ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi để bóp cò, ngoài chuyện bóp cò bắn mấy con chuột cống lấp ló dưới mấy chậu bông hồng của ba tôi.

Từ giai đoạn rời quân trường cho đến lúc chân ướt chân ráo mới về phi đoàn, ngồi rụt chân trên ghế bay của chiếc trực thăng võ trang, trố mắt thán phục nhìn vị đàn anh lái con tàu lướt vùn vụt sát trên đầu mật khu Việt cộng, cho đến giờ phút thứ hai mươi lăm của cuộc chiến này, trong đêm khuya thanh vắng, nghĩ đến quá trình của cuộc đời bay bổng của mình, tôi đã trải qua biết bao nhiêu trận mạc, từ chuyện rượt đuổi những tên du kích lẻ tẻ cho đến đương đầu những trận chiến bùng nổ cấp sư đoàn. Không thể kể xiết bao lần con tàu chậm chạp lơ lững trên đầu trên đủ loại mọi họng súng của quân thù, nhìn thấy quá nhiều những người bạn đồng ngũ của mình gãy cánh, nổ tung ngang lưng trời, giã từ cuộc đời khi còn đang đầy nhựa sống. Còn riêng bản thân tôi, chưa bao giờ bị một viên đạn nào trên trận chiến làm nguy hại tới tính mệnh, hay hư hại con tàu đáng kể, ngoài những lổ lủng vô hại, trong khi tôi phải làm một công việc của một hoa tiêu trực thăng võ trang, luôn luôn phải đối đầu với hỏa lực của địch quân . Có phải đó là số mệnh an bài hay là chỉ là những sự may mắn tình cờ? Câu hỏi đó không ít thì nhiều có lẽ đã làm cho những người đã từng vào sinh ra tử thắc mắc suy tư, nhưng mấy ai tìm được câu trả lời.

Điều đã làm cho tôi cảm thấy éo le, nếu là không nói khôi hài trong cuộc đời chinh chiến, là một lần lãnh một viên đạn vào người và một lần đối diện với những viên đạn trong đường tơ kẽ tóc, mạng sống tưởng chừng như đã đi đứt. Hai lần đó không xảy ra trên trời cao khi đối đầu với quân địch, mà ở dưới đất, sau khi đã an toàn trở về từ mặt trận. Người ta thường hay nói: " Đi sông đi biển không chết mà chết vì con lạch cỏn con". Những chuyện tôi sắp viết lên đây để sẽ nói lên sự trớ trêu đó.

Trong những lần đi chơi ngoài phố, ban đêm tôi luôn luôn "lận" khẩu súng 22 ly nhỏ như gói thuốc lá vào lưng quần dấu dưới áo khoác, để bảo vệ tánh mạng trong những trường hợp nguy hiểm xảy ra bất ngờ. Khẩu súng đó đã được phi đoàn trưởng của tôi, Trung tá Khưu Văn Phát, tặng riêng trong một trường hợp đặc biệt.

Một đêm khoảng hai giờ sáng, sau đi chơi trở về nhà với hai người bạn gái trên xe Jeep của ông bạn tôi, Trung úy Thủy, Trưởng phòng nhiên liệu Không đoàn 62/CT. Bước chân vào nhà, người đã mệt mỏi, mạnh cặp nào về phòng nấy. Tôi uể oải thay áo quần. Khi mở giây nịt, tháo nút quần, tôi quên bẵng mất khẩu 22 đang nhét bên hông. Khẩu súng rớt xuống ngay trên sàn gạch bông.

-Đoành!...Một tiếng nổ như tiếng pháo chuột vang lên trong đêm vắng.

Giật mình tôi nhìn xuống dưới, khẩu súng lục xinh xắn màu đen đang nằm trên sàn gạch nhà giửa hai bàn chân tôi. Tôi cúi xuống lượm và ngạc nhiên khi thấy từ ống quần một giòng máu đỏ tươi đang chảy xuống bàn chân trắng bóc suốt ngày mang giày "bốt đờ sô" của tôi. Sững sờ, tôi vén vội quần theo ngược dòng máu đỏ, một lổ nhỏ như đầu đủa nằm ngay bên trong bắp chuối, máu đang trào ra. Vội vã lấy ngón tay bịt ngay lổ để làm ngưng máu chảy, đồng thời tôi nghiêng đầu nhìn bên ngoài bắp đùi "hy vọng" tìm lổ thoát ra của viên đạn. Tôi không thấy gì ngoài một cục u nhỏ trồi lên - viên đạn đã đi xéo trong bắp thịt, tới gần da thì ngừng lại. Tôi bóp nhẹ bên ngoài thấy rõ ràng hình dáng của viên đạn nhỏ như đầu đủa đang nằm "yên nghỉ" trong thớ thịt của tôi. Lạ lùng thay, tôi không có một chút cảm giác đau nhức nào cả.

Vừa lúc đó, người bạn gái tôi từ buồng tắm chạy ra cùng với hai người kia từ phòng khác chạy vào. Tất cả cùng la:

-Trời đất ơi, chuyện gì vậy ?

-Không có gì đâu...mẹ,... xui quá, quên hẳn khẩu súng nhét trong người. Tôi cố lấy giọng bình tỉnh, rồi như tự an ủi, tôi nói tiếp:

-May mà nó trúng bắp chuối chứ lên thẳng một chút nữa đúng ngay giữa hai chân thì tàn đời...

Mọi người bu quanh nhìn vào chân tôi, không ai cười cả. Trung úy Thủy lên tiếng:

-Thôi, tao phải đưa mày đi nhà thương rồi. Hai cô này thay đồ đi. Đại khái thôi, nhanh lên...

Thế là tôi lại phải choàng vai hai người bạn gái khập khểnh leo lên xe Jeep cùng với Thủy nhà thương trực chỉ. Tôi lầm bầm chửi thầm số con rệp khi nghĩ đến phải bỏ chiếc gường êm ấm và người bạn gái để lên nằm trên chiếc băng ca lạnh lẽo trong đêm khuya khoắc như thế này. Đây là viên đạn "oái oăm" độc nhất đã làm tôi bị thương, không phải từ quân thù mà từ một hành động bất cẩn của chính mình.

Một sự kiện thứ hai đã xảy ra cũng không kém phần bất ngờ, nếu không nói là "rức tim" đã xảy ra trong thời gian phục vụ tại phi đoàn Thần Tượng.

Trong một bữa dạ vũ nọ của một đơn vị bạn, tôi tình cờ gặp được một người con gái có một vóc dáng thật đẹp, cao ráo, có khuôn mặt rất tây phương. Sau một vài câu chuyện trao đổi tôi được biết người đẹp đó là một thư ký riêng cho một vị sĩ quan cao cấp của Mỹ, cố vấn cho Không đoàn 62 Chiến Thuật tại Nha Trang, ở một mình trong căn biệt thự rộng rãi nằm trong phạm vi của phi trường, kế cận đường Phạm phú Quốc. Con đường này chỉ dài vài trăm mét, toàn là những villa đẹp đẽ, chạy từ phi đoàn 215 Thần Tượng của tôi ra tới biển, nơi đó có cổng ra vào phi trường cũng mang tên Phạm Phú Quốc. Có một sắc đẹp mặn mà như người bạn gái của tôi, không khác nào một đóa hoa dịu ngọt gần bên một tổ ong mật, đã được sự chú ý, tán tỉnh của rất nhiều chàng phi công hào hoa phong nhã cũng như nhiều người khác.

Phi đoàn 215 Thần Tượng cuối đường Phạm Phú Quốc lúc xưa

Cũng nhờ cơ duyên đưa đẩy, từ lúc gặp gở sau một thời gian lui tới, tôi đã được người đẹp xem như là một người bạn gần gủi thân tình nhất. Từ đó tôi thường xuyên ghé đến nhà nàng. Trong nhà người đẹp lúc nào cũng đầy đủ mọi thứ bia rượu và đầy những đồ ăn mua từ P.X (Post Exchange) dành riêng cho những người Mỹ. Nhờ những tiện nghi cũng như phương tiện vật chất phong phú đó, tôi thường đem mấy người bạn trong phi đoàn của tôi như Trung úy Thành râu, Hổ hai của tôi trong phi đội võ trang, hoặc là Trung úy Tôn Thất Kim cùng phi đoàn, được gọi là Kim "nhi đồng" thường đi vũ trường với tôi, đến nhà bạn gái mới ăn nhậu.

Tuy nhiên cuộc đời đã không đơn giản như tôi nghĩ. Trong đám những chàng trai trồng cây si, đặc biệt có một Thiếu úy phòng thủ, người vui vẻ, cởi mở, dong dỏng cao có một giọng nói trầm ấm của người Hà nội. Tuy làm việc cho Đoàn phòng thủ phòng vệ, nhưng buồn cười thay, anh ta luôn luôn bận đồ bay, đeo súng, đeo flare - súng báo hiệu cho những phi công bị rơi trong rừng - và thường mặc áo lưới cấp cứu (survival vest), một loại áo chỉ để dùng cho những phi công bận khi đi bay. Tôi có nghe phong phanh anh ta là con của một vị Đại tá Không quân có chức vị lớn ở Tân Sơn Nhất và đã bắn chết một quân nhân Quân Cảnh nên phải thuyên chuyển ra Nha Trang để tránh sự rắc rối. Tôi vẫn xem anh ta như người bạn mới, thỉnh thoảng chúng tôi đi ăn uống với nhau, cho dù tôi có nghe một số người nói anh Thiếu úy này là một người rất nguy hiểm, có tánh bạo động, nhất là sau khi có năm ba chai bia trong người. Điều này tôi chưa có cơ hội đễ kiểm chứng, cho đến một đêm nọ...

Sau một đêm dạ vũ tại Không đoàn, tôi và cô bạn gái cùng anh Thiếu úy phòng thủ trở về nhà trên chiếc xe Jeep của anh ta. Sau khi về đến nhà, cả ba đều khá say. Ông bạn Thiếu úy muốn ở lại nhà cô bạn tôi ngủ và được nữ chủ nhân mời vào căn phòng dành riêng cho khách.

Mọi việc trôi qua êm đẹp. Tới khoảng ba giờ sáng, tôi đang triền miên trong giấc điệp bổng có tiếng gỏ cửa dồn dập, đồng thời nghe tiếng nói của anh Thiếu úy phòng thủ:

-Mở cửa..., mở cửa....Mở cửa mau lên.

Mơ mơ màng màng, tôi và người bạn gái gật mình tỉnh dậy, chưa hiểu sự tình gì, thì nghe tiếng nói to qua cánh cửa:

-Mở cửa mau lên, có thằng nào đang ngủ trong đó không?

Tôi bắt đầu tỉnh ngủ nhưng cố làm lơ, hai đứa tôi không trả lời, thì tiếng gỏ cửa dồn dập tiếp tục.

-Mở cửa, mở cửa..., mau lên...

Muốn cho mọi chuyện trôi qua êm đẹp, tôi ghé tai người bạn gái thì thầm:

-Em mở cửa đi, anh vào phòng tắm. Em nói là anh đã về rồi.

Nói xong tôi ngồi dậy bước vội vào phòng tắm khóa cửa lại, xong đứng nép sát bên bức tường, lắng nghe. Sau tiếng cửa mở là giọng nói nhỏ nhẹ của người bạn gái tôi đang còn ngái ngủ:

-Ảnh về rồi, không có ai đây cả, anh có chuyện gì không ?

-Đừng nói dối,... tôi thấy xe nó còn đậu trước nhà. Chắc nó đang trốn đâu đây.

Sau câu nói giận dữ của anh Thiếu úy một khoảng thời gian, tôi không nghe gì cả. Trong phòng tắm tối đen, chỉ còn lại hơi thở dồn dập trong lồng ngực cùng tiếng đập mạnh của trái tim tôi. Câu chuyện người lính bị anh ta bắn chết bất chợt trở về trong đầu tôi. Tôi đứng im, nép sát tường, đang nghĩ cách đối phó, đột nhiên có tiếng dộng cửa rầm rầm ngay cửa buồng tắm tôi đang núp:

-Mở cửa ra không tao bắn. Một, hai, ba,... mở cửa...

Tôi chưa kịp phản ứng thì nghe liên tiếp mấy tiếng nổ chát chúa: đoành, ...đoành..., đoành...tiếp theo là tiếng thét lớn của cô bạn gái. Tấm kiếng treo trên tường trong phòng tắm tôi đang đứng vỡ toang rơi loảng xoảng xuống sàn gạch. Mấy viên đạn xuyên qua tấm cửa gổ, chỉ cách tôi chừng vài phân. Trong bóng tối, ánh sáng từ phòng ngoài chiếu qua mấy lổ đạn, tôi đếm đúng sáu lổ. Anh chàng Thiếu úy điên khùng này đã bắn hết đạn! Cơn thịnh nộ của tôi bùng vỡ như một hỏa diệm sơn. Tôi mở toang cánh cửa. Trước mặt tôi anh Thiếu úy điên khùng đang đứng, tay cầm khẩu súng rouleaux còn bốc khói. Với tất cả sinh lực còn lại trong người cọng thêm cái đai đen Thái cực Đạo mà tôi đã để mốc meo trong xó tủ từ ngày vào lính, tôi nhào vào người anh ta, tôi không nhớ rõ đã làm gì, nhưng không hơn mười giây sau, anh chàng điên khùng này biến thành một xác chết bất động nằm sóng soài trên sàn gạch bông. Bên cạnh người bạn gái tôi đang đứng co rúm trong bộ đồ ngủ, gương mặt nhợt nhạt, khiếp đảm. Sau vài phút đứng thở hổn hển để lấy lại hơi thở, tôi cùng người bạn gái hè nhau lôi cái xác xềnh xệch về phòng ngủ, bồng anh ta lên gường, đắp mền cẩn thận. Và trước khi rời phòng tôi không quên tước hết tất cả những viên đạn cũng như cây súng "flare" gắn trên giây súng anh ta treo đầu gường.

Đêm trôi qua, không động tịnh..., cho đến sáng hôm sau.

-Cọc...cọc..., mở cửa...., cọc..., cọc.

Mở bừng mắt dậy, ngoài trời đã sáng, tôi ngồi nhỏm dậy không suy nghĩ, bước nhanh tới mở cửa phòng ngủ. Trước mặt tôi, anh Thiếu uy đã nai nịt gọn gàng, tay cầm khẩu rouleaux, nòng súng đen ngòm đang chỉa thẳng vào mặt tôi.

-Đ.m..., thằng nào đánh tao hồi tối, mày phải không?

Đinh ninh cây súng không có đạn, tôi trả lời đại khái cho qua chuyện:

-Ai mà đánh bạn, chắc tối hôm qua bạn quá say vấp té đâu đó thôi.

-Đừng có xạo, té sao mà tao bị bầm cả người đây, mày đánh tao phải không?

Người bạn gái đã dậy bước lại đứng cạnh tôi chen vào:

-Đâu ai đánh anh, tối qua anh say quá mà...

-Cô đừng có binh...Vừa nói anh ta vừa nhìn tôi mắt đổ lửa, họng súng chỉa cách đầu tôi chừng vài tấc:

-Mày đánh tao hả,... đừng chối..., tao bắn chết mẹ mày luôn...

Anh ta hét lớn như muốn ăn tươi nuốt sống tôi, đồng thời một tiếng nổ đoành...như xé nát màng nhỉ. Tai tôi điếc rặc, chỉ còn nghe o...o...như tiếng vo ve của đàn ong đang bay. Cô bạn gái tôi hốt hoảng nhảy núp sau lưng tôi, như muốn dùng tôi làm cái bia đỡ đạn. Tôi đứng sững người bàng hoàng chưa kịp phản ứng, chưa hiểu tại sao tên khùng này lại còn đạn để bắn? Tôi nhớ rõ ràng đã rút từng viên đạn găm trên dây đeo súng của hắn. Hay là cái bao da bò nhỏ màu đen đựng đạn kẹp kế bên con dao mà tôi quên đã không mở ra xem?

Như đã tỉnh rượu, anh ta nhét súng vào bao rồi quay người bước ra khỏi phòng leo lên xe nổ máy chạy, sau khi phán cho một câu:

-Tao tha cho mày đó.

Tôi đứng ngẩn ngơ, lỗ tai còn ù. Còn người bạn gái tôi ôm cứng lấy tôi run rẩy, gần khóc. Chừng khoảng vài tiếng sau, tôi nghe tiếng xe Jeep tắt máy trước nhà. Có tiếng gõ cửa phòng, lần này nhẹ nhàng hơn trước.

-Trễ rồi dậy đi..., tôi xin phép mời hai người đi ăn sáng.

Quá đổi ngạc nhiên, tôi mở cửa. Lại anh chàng Thiếu úy phòng thủ trong bộ đồ bay, không quên choàng thêm cái áo lưới "bất hủ", đang tươi cười nhìn tôi trong một giọng nói của người Hà nội nghe thật ngọt ngào:

-Hai bạn đi ăn sáng với tôi nhé, tôi mời. Cứ thong thả, tôi ngồi chờ ngoài phòng khách...

Anh ta nói như không hề có chuyện gì quan trọng đã xảy ra. Anh ta đã trở lại con người bình thường. Một điều lạ mà tôi vẫn không hiểu, tại sao trong lòng tôi không hề có một thái độ giận dữ hay oán thù người đã "tặng" cho tôi đúng bảy viên đạn rouleaux, suýt nữa đưa tôi qua bên kia thế giới. Hay là tôi đã được thỏa mãn tự ái khi nhìn thấy những vết bầm tím đầy trên thân thể của anh chàng điên khùng này chăng?

Đứng yên một giây, tôi nhìn mặt anh ta dò xét rồi bình thản trả lời:

-O K... chờ chút, tôi đi tắm đã...

Mười lăm phút sau, cả ba chúng tôi cùng leo lên xe jeep của phòng thủ chạy đến quán Mộng ăn sáng như ba người bạn thân tình vừa trải qua một đêm "vui" kinh hoàng. Đến nơi, anh ta không ăn, ngồi lau muỗng đũa tiếp chuyện cho hai chúng tôi ăn. Hôm đó tôi có cảm tưởng như đã ăn một bữa ăn sáng lạ lùng nhất trong đời.

Một thời gian sau đó, vì đã gây nhiều rắc rối khác, anh Thiếu úy phòng thủ điên khùng này đã bị thuyên chuyển lên Pleiku và nghe nói anh ta đã tử thương trong một tai nạn máy bay trực thăng khi ngồi trong một phi vụ phòng thủ phi trường.

Sống chết có số. Đạn tránh người. Đó là những câu nói cho những ai tin vào định mệnh. Cũng như đến giây phút giờ thứ 25 của trận chiến tàn khốc này, tôi vẫn còn được nằm trên chiếc gường trong đêm khuya để suy tư. Ngày mai này dù có đi về đâu tôi phải bình tâm chấp nhận, như tôi đã từng chấp nhận ngay từ giây phút đầu tiên khi leo lên chiếc trực thăng võ trang để lao vào vùng trời ngập đầy máu lửa này.

Giấc ngủ chợt đến lúc nào không hay..., những tư tưởng đang vần vũ quay cuồng trong đầu đột tan biến vào hư vô, sâu thẳm.

Vĩnh Hiếu

Phi Đoàn 215

Previous
Previous

Truyện ngắn: Bình an dưới thế

Next
Next

Mình Ơi! Em Muốn...