Truyện ngắn: Bình an dưới thế

PHẠM PHONG DINH

Thùy nhìn đám thực khách đang ăn nhậu ồn ào trong nhà hàng Hương Nam, cắn môi tần ngần tự hỏi với lòng, rằng liệu nàng có đủ can đảm bước vào rao bán món hàng bằng một hành động mà danh từ thời thượng gọi là tiếp thị. Thùy cúi đầu nhìn chiếc xe gắn máy cũ kỹ, tội nghiệp của nàng với hai thùng bia Tiger chồng chất lên nhau trên cái port baggage, có lẽ tiếng Mỹ hay Pháp nó kêu như vậy, nhưng đã lâu lắm rồi, phải hằng mấy mươi năm trước tới mãi tận bây giờ, mà người ta đã và vẫn gọi là bọt ba ga. Tức là chỗ ngồi đàng sau cái yên, cái chỗ mà Thùy thường trông thấy mấy anh chàng học trò đèo mấy cô nữ sinh áo trắng trong giờ tan trường mỗi ngày. Cái bàn đạp dựng vội vào lề đường xem chừng không được vững lắm, nên khi Thùy hơi nới tay một chút, chiếc xe đã muốn ngã lăn ra, Thùy phải mím môi nắm chặt hai bàn tay vào cái ghi đông xe.

Thùy băn khoăn nhìn vào khoảng ánh sáng chói chang phía bên kia cái cánh cửa thủy tinh lộng lẫy. Vào hay không vào. Thùy thở dài mân mê tà áo dài màu xanh da trời đã hơi sờn cũ, chiếc áo mới nhất trong số vài chiếc khiêm nhường mà nàng có. Mấy nhỏ bạn bảo :

-        Đi quảng cáo cho dân chơi nó nhậu nhẹt thì mày phải ăn mặc cho sexy nhiều nhiều, càng... khêu gợi càng tốt, hay mày cứ chơi một cái áo hở cổ, một cái váy thật ngắn phơi cặp đùi mày ra cho tụi nó ngắm, là tụi nó sẽ mua bia của mày liền.

Thùy đỏ bừng mặt ném cho lũ bạn một ánh mắt đầy hờn trách, trong lúc bọn chúng bấu nhau cười khúc khích. Trời ơi, nàng đi bán bia chứ có phải đi bán thân đâu mà trình ngực với đùi cho người ta ngắm. Phải khó khăn lắm Thùy mới xin được một chân quang cáo bia ngoại. Sau bốn năm học mòn mỏi trên ghế đại học, lúc ra trường, nắm cái bằng tốt nghiệp trong tay mà Thùy vẫn ngơ ngác không biết phải làm gì với mảnh giấy vô hồn và vô dụng ấy. Hàng chục, hàng trăm ngàn sinh viên trong cái thành phố hỗn độn này cũng có mảnh giấy đó như Thùy, hãng xưởng không có nhiều, chỗ nào mà dung nạp ngần ấy cô cậu sinh viên trẻ như nàng chứ hả. Nếu có chỗ thì bọn con cháu thần thế đã giành lấy từ lâu rồi, có đâu đến bọn sinh viên nghèo cô thân cô thế như Thùy. Ở những chỗ giới thiệu việc làm, bọn sinh viên quen biết nhau trong bốn năm học đã chạm nhau đến nhẵn... mặt, cùng cười mếu như nhau, hỏi han năm ba câu, rồi đứa nào đứa nấy ba chân bốn cẳng hộc tốc chạy sang những chỗ giới thiệu khác. Một số bạn Thùy khá tiếng Anh kiếm đâu được một chân dạy sinh ngữ cho bọn trai gái con nhà giàu muốn làm trong những công ty ngoại quốc. Nghề dạy nghề, bọn bạn vừa dạy vừa... học, luyện thêm tiếng Anh. Một thời gian sau cũng xổ xí xô xí xào như gió, chẳng mấy chốc lũ chúng nó đã dám vỗ ngực tự xưng là giáo sư này nọ, coi bộ đường tương lai đã có vẻ thênh thang.

Thời buổi này là thời buổi bùng nổ ngoại ngữ, mà phải là tiếng Mỹ kìa, cùng lắm thì cũng là tiếng Nhựt, Đại Hàn hay Đài Loan mới gọi là kiếm ra tiền. Mãi sau, nhờ một anh chàng bạn quen, có lẽ mết Thùy từ lúc còn học chung trường, nói cho cái tin hãng bia mới nhập tuyển mấy cô đi mời chào khách mua bia. Thùy đến nộp đơn, nhưng trong lòng nàng bần thần, ngại ngần lắm, e rằng cái nghề đó không hợp với bản tính thu rút hay thẹn thùng của nàng.

Ngày đến để được phỏng vấn, trái tim Thùy cứ đánh thình thình, đưa tay vuốt ngực mãi mà nàng vẫn biết cái cảm giác đau nhói dậy lên trong từng sớ thịt. Thùy chỉ sợ người ta không nhận cho nàng làm. Nhưng sự thực hoàn toàn trái với sự lo ngại canh cánh của Thùy. Nhân viên tuyển người của hãng bia, một người đàn ông trung niên, đã rất niềm nở, sau năm mười phút trò chuyện, ông ta đã cười tươi với Thùy:

-        Chúc mừng cô Thùy, cô đã hội  đủ điều kiện làm nhân viên mời hàng cho hãng chúng tôi...

Thùy tái mặt đưa tay đè lên ngực dằn nén niềm hân hoan:

-        Dạ... dạ.. cháu cám ơn chú...

Người tuyển viên khoát tay:

-        Không có chi, đây chỉ là bước đầu thôi cô ơi. Tôi nói cô rõ, làm nhân viên chào hàng thì không có lương đâu...

Nhìn nét mặt thất vọng của cô gái, ông ta tìm lời trấn an:

-        Cô đừng lo, hiệu bia mới rất nổi tiếng, cô sẽ bán dễ dàng. Cô bán nhiều thì hưởng hoa hồng nhiều, thu nhập nhiều hay ít là tùy ở khả năng ăn nói và giao tiếp của cô. Thời buổi này người ta ăn nhậu nhiều, cô không lo bán ế, có điều mà cô cần nhớ rõ là mỗi ngày cô phải bán ít nhất bốn thùng bia, đó là chỉ tiêu của hãng chúng tôi...

-        Dạ... cháu sẽ cố gắng.

-        Cô nên nhớ nếu trong vòng tháng đầu mà không đạt con số đó thì...

Người tuyển viên thở dài:

-        Chúng tôi buộc phải tìm người khác!

Thực ra ông ta chỉ hù cho Thùy sợ, chứ bán được một hay hai thùng, hàng trăm nhân viên chào hàng cũng đã mấy trăm thùng một ngày, hãng còn mong muốn gì hơn. Có đến hàng chục loại bia nổi tiếng của thế giới nhảy vào cạnh tranh ác liệt, bán được một thùng bia cho bọn khách nhậu đâu phải chuyện giỡn. Sợ là sợ mấy con nai non ngơ ngác này chúng nó nhảy qua xin làm cho mấy cái hãng bia đó, thì hiệu Tiger này chắc sẽ hạ giá biến thành con... Cat mất. Cho nên bao nhiêu cô gái trông được được người đến xin làm nhân viên, hãng làm bộ làm tịch phỏng vấn này nọ gọi là, để cuối cùng đều thu nhận hết cả. Đâu có trả cho họ đồng lương nào đâu mà hãng phải lo, trái lại hãng còn, nói theo danh từ lúc cán bộ giải phóng ở trong rừng, là “bóc lột” sức lao động của người ta, bán bia chùa không công cho hãng, ăn cơm nhà vác thùng bia chạy rong ngoài đường.

Đã được hãng huấn luyện cách chào hàng, nên cho dù có nhút nhát hay đắn đo mãi, thì đến lúc Thùy cũng phải cắn môi nhắm mắt đẩy cánh cửa nhà hàng ôm một thùng bia bước vào. Một gã thanh niên chạy bàn trừng mắt toan đuổi, nhưng không biết nghĩ thế nào, không nỡ thô lỗ với một cô gái trẻ, hắn chắc lưỡi lắc đầu bỏ đi. Thùy run run bước đến gần một cái bàn mà đôi mắt của nàng trông thấy nhốn nháo ồn ào nhất trong quán, dễ đến một chục tay ăn nhậu, loáng thoáng nhiều khuôn mặt phấn son cười đùa ngã nghiêng trong lòng những người khách. Thùy ấp úng móc một lon bia mời chào:

-        Chào quý anh, quý chú..., bữa tiệc của quý anh quý chú trông thật hấp dẫn và... và... thịnh soạn. Người ta nói đồ nhắm ngon thì phải có...

Thùy thấy đôi môi của mình lắp bắp những lời cà lăm, trong lòng nàng đã muốn khóc:

-        Đồ ngon thì phải có bia ngon... Em xin giới thiệu với quý anh...

Nàng đưa mắt cười duyên với một anh chàng thanh niên mặt đỏ au:

-        Mời anh dùng thử bia của em...

Thùy móc thêm một lon bia chìa trước mặt một ông chú mập thù lù như một cái thùng rượu tây:

-        Dạ mời chú uống bia với thức nhậu, cháu bảo đ...đả...m số dzách... Bia Tiger đó chú, anh... không ngon không ngợi không ngất ngây không ng...ầy ngật em xin tặng luôn nguyên thùng!

Cả bàn tiệc cười ầm lên vì câu chào hàng ngộ nghĩnh của cô gái. Ông chú mập ù lắc đầu với tay cầm lon bia Heineken đưa lên, giọng nhụ nhựa:

-        Tụi anh chỉ uống Heineken thôi em ơi, em về đem Heineken tới anh mua cho...

-        Bậy, bia con cọt mà chê sao cha? Con cọt đó...

Một ông chú ốm nhom đang ôm trong lòng một cô gái có bộ tóc rễ tre mặc chiếc áo hở cổ thật sâu để lộ cặp vú vun tròn dưới chiếc nịt ngực màu đen nhễ nhại mồ hôi đáng tuổi cháu ông ta lên tiếng bênh vực Thúy, ông ta đưa đôi mắt đỏ khé như mắt con cọp săn mồi nhìn nàng trừng trừng, cười nham nhở:

-        Nó không mua thì kệ cha nó, e..e...m ngồi xuống đây với anh rồi anh mua cho!

Ông chú ốm quay sang choàng vai một anh thanh niên trông mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao đáng vẻ một tay chơi sành điệu:

-        Sao, cháu Việt kiều, để người đẹp đứng đó hoài sao, ra tay nghĩa hiệp đi chớ...

Ông chú nắm tay Thùy kéo nàng ngã vào lòng anh Việt kiều nham nhở mớm nước:

-        Em khui bia cho thằng cháu anh uống đi, Việt kiều đó em, nó mua... em còn được nói gì mấy lon bia...

Thùy hoảng hốt toan đứng dậy thì anh Việt kiều đã ôm vòng thân nàng kéo xuống, vô tình hoặc cố ý cũng chưa biết chứng, anh ta vòng tay quanh vòng ngực cô gái siết mạnh. Thùy tê điếng ngồi gọn trong lòng người thanh niên lạ, chưa biết phải phản ứng như thế nào. Hơi rượu theo hơi thở của anh ta cùng với mùi thức anh tanh tưởi phả vào mặt, Thùy luống cuống khi chợt thấy khuôn mặt anh chàng gần như chạm vào đôi má của nàng. Bọn thực khách vỗ tay rào rào, ông chú mập cười hô hố:

-        Dzô... dzô một chăm phần chăm quý vị, mừng cho đôi trẻ...

Anh thanh niên mê đắm nói nhỏ vào tai Thùy:

-        Em ngồi với anh, chìu anh rồi muốn gì anh cũng chịu...

Thùy run rẫy như con thằn lằn bị người ta chặt đứt đuôi:

-        Em... em chỉ bán bia, chứ em không có...ô...ôm...

Anh Việt kiều buông lời lả lơi:

-        Nhiều cô muốn anh ôm mà không được đó nghe, em còn đòi gì nữa, để cho anh... thương rồi bao nhiêu thùng con c..o, à Tiger anh cũng mua hết...

Đột nhiên Thùy rùng mình như bị điện giật, khi nàng nhận biết một bàn tay của chàng thanh niên đã bấu vào ngực của mình, bàn tay còn lại dường như, trời ơi, đã đặt ngay giữa hai đùi nàng. Thùy vùng dậy, lửa giận ngùn ngụt bốc lên trong lòng, Thùy giáng mạnh bàn tay nhỏ mềm của nàng đánh bốp một cái vào mặt gã cợt nhã. Bàn tay đau nhói, Thùy thở hổn hển:

-        Khốn nạn, tôi không làm đĩ...

Thùy quăng thùng bia xuống sàn nhà hàng ôm mặt chạy ra ngoài đường, những bước chân nàng xiêu vẹo ngã nghiêng. Bọn thực khách há hốc mồm ngạc nhiên nhìn theo. Bàn tiệc đang ồn ào bỗng lặng thinh. Một cô gái tiếp viên nắm bàn tay anh Việt kiều đưa lên ngực nũng nịu:

- Cần gì thứ đó anh, đồ nhà quê,... em có sẵn nè, thứ thiệt đó nhe, anh cứ tự nhiên đi, em cho anh hết đó...

Đêm Giáng Sinh Chúa xuống trần thế, phố xá đông nghìn nghịt người với người, với những tà áo xanh đỏ, lóng lánh và lộng lẫy dưới ánh đèn đủ màu sắc giăng như sao trên trời. Ôi lạ chưa, dường như mọi thứ đang quay cuồng đảo lộn và cười cợt chế nhạo Thùy. Thùy khóc nấc lên, nước mắt ràn rụa trên đôi má đã tái nhợt. Nàng nổ máy, chiếc xe lao ra giữa đường phố, trong lòng dậy lên một ý nghĩ điên rồ, nàng mong một chiếc xe hơi nào đó va phải và nghiến nát thân thể của mình. Lạy chúa, xin Người hãy giải thoát lũ người cùng khổ như chúng con ra khỏi cuộc đời đen tối này.

Mắt nhòa lệ, Thùy tuyệt vọng đứng giữa một rừng xe cộ đen ngòm đang bủa tới trông như những bầy kên kên đen của thần chết. Một tiếng rít ken két rợn người của những chiếc bánh xe cày trên mặt nhựa đường, Thùy nghe loáng thoáng tiếng kêu thét của nhiều người. Một vật gì rất lớn, rất nặng va vào chiếc xe của Thùy, kéo nó ra khỏi tay nàng và hất nó sang một bên. Sức va chạm quá mạnh làm cho Thùy ngã lăn một vòng trên đường, suýt chút nữa đã bị một chiếc xe ba gác máy cán phải. Anh xe ba gác kéo cần thắng hoảng hốt nhảy xuống, lúng túng không biết phải đỡ cô gái như thế nào. Thùy chống tay ngồi dậy nhìn ra ngoài. Một chiếc xe hơi bóng lộn đã húc tung chiếc xe của Thùy mạnh đến nỗi cái bửng nhựa che bán xe xe bị bể móp thảm hại. Mấy cái thùng giấy bị bể, những lon bia văng vung vãi khắp nơi, nhiều chiếc đã bị giòng xe cộ cán dẹp không thương tiếc. Những chiếc lon còn nguyên vẹn lăn vào lề đường, thì những người đang thơ thẩn gần đó đã nhặt lên của trời cho, khui nắp, ngụm một hơi và khà lên khoái trá. Chừng như trong cái xã hội khốn khó, hỗn độn đầy cảnh tranh sống này, không còn mấy ai nhớ đến chuyện cứu giúp người hoạn nạn và hoàn trả của cải lại cho người ta. Thùy ôm mặt khóc:

-        Trời ơi...

Anh xe ba gác đặt bàn tay nhẹ lên bờ vai cô gái:

-        Cô ơi, cô hãy đi vào trong, ngồi ngoài này nguy hiểm.

Thùy ôm đầu lảo đảo đứng dậy. Trời ơi, tại sao chiếc xe đó không húc mình một cái có phải hơn không. Anh tyhanh niên tốt bụng đẩy chiếc xe của anh vào lề đường, rồi anh len lách giữa hàng ngàn chiếc xe ùn ùn chạy ầm ầm trên đường kéo được chiếc xe gắn máy vào. Anh lắc đầu bất mãn nhìn hai cái bánh xe méo. Chiếc xe hơi đụng người ta đã bỏ chạy mất. Anh chửi thề trong lòng, mẹ nó, giàu mà keo kiệt ti tiện đến thế sao. Anh cố kéo chiếc xe đặt dựa vào gốc cây ngước nhìn Thùy hỏi:

-        Cô đi đâu sao không trông trước sau gì hết vậy, cô là người Sài Gòn mà!

Phải, người Sài Gòn mà không biết băng ngang đường thì không phải người Sài Gòn. Anh chàng nói đúng. Thùy bối rối, đầu nàng nhức bừng bừng như có ai đang cầm búa gõ vào:

-        Tôi... tôi...

Nàng cắn môi nhìn vào cánh cửa nhà hàng Hương Nam lắc đầu nghẹn ngào. Anh ba gác thở dài. Anh đã mường tượng hiểu một phần nguyên cớ dẫn dắt cô gái ra giữa đường phố. Những khuôn mặt bóng mỡ trên những cái cổ nung núc thịt, những cặp mắt đỏ khé như mắt quái vật, những lon bia ngã nghiêng và những thức ăn vung vãi thừa mứa trên những chiếc bàn, cùng những tiếng cười dâm dật bên những da thịt hở hang. Anh biết những cái đó đã đẩy cô gái này vào cái chết. Nàng như một con nai tơ giữa bầy sói đói thịt tươi. Một cô gái ngây thơ như thế này, làm sao mà tiếp thị được chứ hả. Anh an ủi cô gái:

-        Thôi cô đừng buồn, để tôi chở cô về... Cô lên xe đi.

Anh định cúi xuống đem chiếc xe lên chiếc xe của anh, thì Thùy đã u sầu đưa tay ngăn lại:

-        Cám ơn anh, tôi... tôi...

Anh chàng nở nụ cười hiền lành:

-        Cô đừng lo gì hết, để tôi chở cô về nhà, tôi... không lấy tiền cô đâu. Cô ở đâu?

Đến nông nỗi này thì Thùy không thể không ngước lên nhìn anh chàng hào hiệp. Dưới ánh đèn dường, và dưới muôn ngàn ánh ngũ sắc của những chiếc ngôi sao giăng mắc trên những cao ốc, nhà hàng, khuôn mặt người thanh niên bừng lên một vầng hào quang thánh thiện. Thùy đưa tay dụi mắt cứ tưởng là mình trông lầm. Thực sự thì anh cũng là một người bình thường như bao người lao động khác. Anh khoác trên người một chiếc áo kaki sờn rách, nửa đêm Giáng Sinh trời trở lạnh mà anh chỉ mặc chiếc quần cụt dài tới gối, để lộ đôi chân da đen mốc gầy khẳng khiu. Nhưng đúng là nét mặt anh có một cái gì rất khác thường. Thùy có một ý nghĩ, anh này không thể là dân chạy xe ba gác, vì trông anh nho nhã lắm. Anh giống một anh sinh viên hoặc viên chức hơn là một người bình dân lao động. Thùy sững người chăm chăm nhìn mãi, làm anh chàng bối rối, anh đành phải tìm cách thoát ra khỏi đôi mắt sầu muộn mà thăm thẳm đó:

-        Thôi cô lên xe đi...

Thùy ngớ ngẩn hỏi một câu rất ngốc:

-        Có phải anh thực sự chạy xe này không?

Anh chàng nhún vai một cái trông rất giống... Tây và chẳng giống... anh xe ga gác chút nào, cười cười:

-        Thì tôi chẳng phải đang chạy xe ba gác sao!

Đang buồn nẫu ruột mà Thùy cũng cười phì một cái. Anh chàng cũng cười lớn:

-        Cô đoán đúng, đáng lẽ cô phải tới Lăng Ông Bà Chiểu giải xăm cho thiên hạ thì hay hơn!

Thùy đã thấy vui vui trong lòng:

-        Như vậy anh không phải là dân lao động thuần túy?

Anh chàng cười hì hì:

-        Nếu tôi trả lời xong câu hỏi này thì cô có chịu lên xe cho tôi chở về không. Chẳng những thế mà tôi còn biểu thằng em sửa xe o lại chiếc xe này cho cô nữa. Tất cả đều... free.

A ha, anh chàng xích lô mà cũng nói tiếng Mỹ nữa đó nhé. Thùy thấy bắt đầu có cảm tình với anh chàng rồi:

-        Vậy anh nói đi, rồi tôi sẽ đi trên xe anh.

Anh thanh niên vỗ vỗ vào cái yên xe:

-        Cái này là tôi mướn của người ta chạy ban đêm kiếm tiền.

Thùy hóm hĩnh hỏi:

-        Còn ban ngày thì anh làm gì?

Chàng thanh niên gãi đầu lúng túng:

-        Tôi... tôi... đi tìm việc làm.

-        Như vậy anh cũng là dân sinh viên, hay là anh đã tốt nghiệp rồi phải không?

-        Phải.

Anh chỉ sang bên kia đường cười buồn:

-        Cô có thấy mấy thằng đang ngồi ngáp trên mấy chiếc chiếu đó không?  Sinh viên cả đó, đói dài dài, ban đêm tụi nó ra đường làm nghề đấm bóp dạo, tối về nhà trọ ngủ thằng nào cũng rên hừ hừ, rồi chúng nó đấm bóp lẫn cho nhau, để đêm sau đi cày tiếp. Ban ngày thì mắt nhắm mắt mở ôm sách vở đi học, thằng nào cũng gục lên gục xuống trong giảng đường.

Anh thanh niên đặt chiếc của Thùy đạp lên trong thùng xe:

-        Mời cô lên xe, cô chịu khó ngồi sau lưng tôi nhé, hợi chật đó. Nãy giờ cô hỏi tôi nhiều, bây giờ xin cô vui lòng trả lời cho một câu. Tôi tên là Lê Minh Thiện, còn cô, tôi phải gọi là cô gì nhỉ?

Thùy đỏ bừng mặt ấp úng:

            - Tôi tên là Thùy, Nguyễn Trần Thanh Thùy.

Thùy lo lắng đan hai bàn tay vào nhau nhìn những chiếc lon bia nằm câm nín giữa lòng đường và bọn người đang uống bia chùa. Nàng lấy tiền đâu mà bù vào chỗ này. Thiện chặc lưỡi:

-        Thôi bỏ đi... Thùy, ngày mai sẽ tính sau.

Thùy vừa bước lên xe vừa kín đáo ném cho Thiện một cái nhìn trách móc. Mới quen người ta mà đã gọi tên rồi. Một thằng bé ốm nhỏ gầy guộc vừa mới băng qua từ bên kia đường chạy đến chìa mấy tờ vé số mời Thùy:

-        Cô ơi, mua giùm con đi, còn có mấy tờ hà. Thế nào cô cũng trúng độc đắc...

Thùy giật mình nhìn thằng nhỏ. Ôi, không biết nó bao nhiêu tuổi mà trông nó nhỏ xíu như một bộ xương, hai cánh tay và hai ống chân của nó thẳng đuột và khẳng khiu như những cọng tăm. Giữa đêm đông lạnh giá mà thằng bé chỉ phong phanh chiếc áo sơ mi mỏng và chiếc quần cụt vải đen, Thúy thấy nó rùng mình nghiến răng, khi một cơn gió bấc đùa tới. Đôi mắt ánh màu thủy tinh lóng lánh dưới ánh đèn nhìn Thùy với niềm hy vọng chứa chan. Đêm đã quá khuya mà vé số vẫn chưa bán hết, làm sao nó về nhà. Thấy nó tội nghiệp quá mà Thùy thì không có nhiều tiền, nàng định bụng dù Thiện nói thế nào thì nàng cũng phải trả anh ta tiền cuốc xe. Đều là kiếp sinh viên nghèo với nhau, Thùy hiểu rõ nỗi cơ cực của họ lắm, tiền mướn xe một đêm chưa chắc Thiện đã kiếm đủ để trả cho chủ xe, nói gì đến chuyện có tiền dư, nên nàng bối rối:

-        Chị... chị... không...

Thằng nhỏ xịu mặt thất vọng tiu nghỉu bước đi. Thiện gọi thằng bé:

-        Ê, cưng, còn bao nhiêu tấm đó?

Thằng nhỏ mừng rỡ quay lại liến thoắng:

-        Dạ thưa chú, con còn cặp mười, mấy chú bên kia mua được bốn tờ, còn đây sáu tờ, chú mua giùm con đi chú, vé đặc biệt Giáng Sinh trúng hai mươi triệu đó chú ơi !

Thiện gật gù cầm mấy tờ vé số lên ngắm nghía, chàng chặc lưỡi:

-        Số gì mà kỳ cục thấy mồ, hèn chi cưng bán không được là phải, cái gì mà 232232, có ma mới trúng...

Sợ ông chú không chịu mua, thằng nhỏ nài nỉ:

-        Vậy mà trúng đó chú, con bảo đảm...

Thiện ký nhẹ lên đầu thằng bé:

-        Thôi xạo vừa vừa em, nếu biết trước nó trúng thì cưng còn đi bán vé số làm gì nữa!

Thằng nhỏ gãi đầu cười ngượng nghịu. Thiện chạnh lòng nhớ đến thằng út em mình. Nó cũng vác một cần xé bánh mì đi bán bến xe mỗi buổi sáng sớm, chứ có hơn gì thằng bé này. Anh vò đầu thằng bé hỏi:

-        Cưng tên gì?

Thằng bé lễ phép:

-        Dạ thưa chú con tên là Huỳnh Anh Tuấn.

Thiện nhói đau trong lòng. Trời ơi cái tên đẹp như trong mơ như thế này mà sao đời em khổ quá vậy.

-        Em có đi học không?

-        Dạ con nghỉ học rồi.

Thiện hỏi một câu làm đau lòng thằng nhỏ:

-        Sao không đi học?

Bé Tuấn cúi mặt ủ rủ:

-        Con muốn lắm mà ba má con không có tiền đóng tiền trường...

Thiện thở dài:

-        Đừng kêu anh bằng chú, anh còn trẻ lắm. Thôi để anh mua giúp em hết sáu tờ này nha.

Thằng bé mừng quính:

-        Cám ơn chú..., ơ.. cám ơn anh. Bây giờ thì con về được rồi, bán không hết thì ba đánh chết...

Thằng bé bỗng lảo đảo ngã người vào bên thành xe của Thiện, gục đầu vào lòng Thùy. Thùy hốt hoảng cúi xuống kéo Tuấn tựa vào bên gối mình kêu lên:

-        Anh Thiện ơi, thằng bé nó... nó... làm sao nè...

Thiện nhảy khỏi cái yên xe, chàng bồng cái thể xác nhẹ như bông của thằng nhỏ lên. Bé Tuấn giương đôi mắt lờ đờ nhìn Thiện rên khẽ:

-        Em mệt... em...

Bàn tay thằng bé đặt lên bụng. Thiện rên lên. Ôi, có gì đâu, bé Tuấn nó đói. Chạy rong khắp nẽo phố phường Sài Gòn từ sáng cho đến nửa đêm như thế này, đến chàng cũng phải ngã, đừng nói gì một đứa nhỏ còi cọc như thế này. Thiện vói tay móc một gói xôi chàng chưa kịp ăn mà chàng nhét sau cái nệm dựa đưa cho bé Tuấn:

-        Em ăn đi...

Mắt thằng bé sáng lên mừng rỡ, nó đón lấy nắm xôi tình nghĩa. Đói quá, tay nó run run bóc một nhúm xôi đưa vào miệng, vừa nhai vừa nói:

-        Em cám ơn anh, sao anh tốt quá vậy.

Thiện móc ra thêm chai nước phông tên đưa luôn cho bé Tuấn:

-        Ăn từ từ, coi chừng mắc nghẹn, uống nước cho nó trôi.

Thùy rơm rớm nước mắt, trong lòng nàng dậy lên một nổi xúc động ray rứt. Trời ơi, thằng bé này nó còn khổ gắp mấy mươi lần nàng. Chỉ mới đi bán hàng có một đêm mà mình đã muốn bỏ cuộc, còn thằng bé này đã bán vé số bao nhiêu trăm đêm, ngàn đêm rồi. Bao nhiêu đêm nó đã nhịn đói như thế này. Thùy bước xuống xe đón lấy mấy tờ vé số trong tay Thiện:

-        Anh để ... Thùy lấy bốn tấm được không?

Thiện giang rộng hai tay làm ra vẻ so đo:

-        Được chứ, nhưng như vậy thì tôi chỉ còn trúng có bốn chục triệu, Thùy đến tám chục triệu lận!

Thùy cười phì, đôi mắt ánh lên vẻ tinh nghịch và bí mật:

-        Anh tham quá, nhưng Thùy đã có cách rồi.

Nàng trả tiền cho thằng nhỏ, nhưng lấy ra hai tờ ấn vào tay nó:

-        Nè, cái này là chị cho riêng em, đem về cho má, đừng cho ba biết. Nhớ đừng có bán cho ai nha, về nhà đi em. Đêm Giáng Sinh Chúa Cứu Thế xuống trần, Chúa lòng lành luôn thương mến người nghèo như chị em mình, chị cầu chúc em và gia đình được nhiều ân sủng của Chúa và nhất là má với em được trúng... độc đắc !

Bỗng dưng Thiện nghe một chuỗi tiếng chuông rền rền, ngân nga vọng về từ gác chuông Vương Cung Thánh Đường. Rồi dường như cùng hòa với âm thanh thiêng liêng kỳ bí đó, chàng nghe tiếng hát, Chúa ơi, chắc phải là của rất nhiều thiên thần trên cõi trời đen thẫm mà đầy những ánh sao chói chang kia. Tiếng hát thiên thần chào mừng và ngợi ca Hài Đồng ra đời trong máng cỏ :

Sáng danh Chúa ở trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm 

Tiếng chuông ấy, tiếng nhạc huyền diệu ấy tôn vinh chúa Cứu Thế đã đành, nhưng có phải cũng là dấu hiệu chứng nhận lời chúc lành của những người nghèo với nhau, trong một niềm tin cao cả vào quyền năng vô hạn và tình thương mênh mông của Đức Chúa trên trời cao. Hàng trăm tiếng chuông của các giáo đường khắp thành phố cũng ngân nga, âm thanh rền vang, rộn rã trong một nhịp điệu vừa tha thiết vừa thúc bách, mà một người ngoại đạo như Thiện cũng cảm thấy phấn khích xúc động muốn quỳ xuống nguyện cầu Chúa ban phước lành cho hết thảy mọi người đau khổ trên cõi trần gian.

Từ chiếc ngôi sao lớn nhất và sáng nhất giữa màu đen trên kia, đột nhiên, trời ơi, chàng có nhìn lầm không, một vầng sáng chiếu xuống ngay chỗ ba mảnh đời cùng khổ. Thiện không biết Thùy và bé Tuấn có cùng cảm nhận được sự kiện mầu nhiệm này không. Nhưng riêng Thiện thì, chàng biết chắc vầng sáng đó đang rải một mùi thơm tựa như trầm hương và một thứ hơi ấm dịu dàng bao trùm, mà chàng mường tượng như là đôi cánh tay từ ái bao dung của Đức Mẹ Từ Bi Maria đang ấp ủ ba con người đang đứng chơ vơ, đơn lẻ bên bóng tối của một thân cây bên đường.

                                                                        Phạm Phong Dinh

Previous
Previous

Chuyện lạ lùng của Giáng sinh 1914: Ngày chiến tranh nhường chỗ cho tình người

Next
Next

Từ quân trường đến chiến trường