Truyện ngắn: Lời ước thề trăm năm

Phạm Phong Dinh

(Cảm tác từ cuộc lui quân của Sư Đoàn 3 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái trong những ngày Mùa Hè Đỏ Lửa 1972) 

Cánh đồng cát nắng cháy rộng mênh mông và dường như kéo dài đến vô tận. Những con người đang lếch thếch nhấc từng bước, kéo lê chân mệt mỏi thành những vệt dài đâm xiên chéo vào nhau như những đường chỉ rối. Dưới những chiếc nón sắt loang lở vết sơn màu xanh, những cái vai áo kaki đẫm ướt mồ hôi, muối đọng thành những quầng trắng bạc, lưng người lính còng  xuống vì sức nặng của những chiếc ba lô căng cứng, lẫn lộn xen kẻ với những tấm áo vải bạc màu và quang gánh tội nghiệp của đám dân chúng chạy loạn. Một hàng đoàn dài thườn thượt quân lẫn dân lặng im, kiệt lực đi về phía mặt trời mọc, mà bây giờ nó đang đứng ngay trên đỉnh đâu. Những tia nắng chói chang của một ngày đầu hè dội lên bãi cát những cơn nhiệt nóng tưởng chừng có thể nung đỏ cả đá. Những con mắt mất thần dõi trông về phía trước, bên trái hay bên phải tìm kiếm dấu vết của nước. Những đôi môi thâm đen, khô nứt đang liếm chất mồ hôi mặn chát chảy từ chân tóc xuống, lạn sạn bụi cát. Chỉ toàn cát với cát. Lác đác nhũng bụi cỏ vàng úa, những thứ bụi cây gai cứng, nhọn thấp lè tè, hay một vài cây dương cằn cỗi oằn oại dưới cơn lửa nhiệt mùa hạ. Bọn trẻ con phá vỡ cái im ắng dị thường đó bằng những tiếng kêu khóc đòi sữa, đòi nước và đòi được cho ăn. Tiếng khóc nấc nghẹn của chúng dậy lên những âm thanh đau thương, thống thiết vang dội cả một khoảng trời trong xanh.

Những người lính đi lẫn lộn trong đám dân chúng, bị chìm ngập bởi những cánh tay đen, gầy như một rừng cành cây khô héo, một khi họ phân phát những giọt nước cuối cùng trong những cái bình nhựa, hay những gói gạo sấy, những hộp thức ăn ít ỏi còn sót lại dưới đáy ba lô. Chỉ mới một vài khoảnh khắc trước, một đại đội lính xông lên được an toàn trên cái đồi cát mênh mang này, sau khi đã vượt qua một cái vũng sình lầy, mà cứ mỗi thước vuông có không biết là bao nhiêu trái đạn pháo dội xuống. Bỗng nhiên từ mọi phía trên dãi cát, đám dân chúng ẩn nấp trong lùm cây bụi cỏ từ trước ùa ra reo hò nắm lấy những người lính: “Lính mình, lính mình, lính cộng hòa...”. Đồng bào đông quá. Không biết họ đã lên đến cánh đồng cát này từ bao lâu, họ từ đâu tới và họ muốn đi về đâu. Đồng bào mừng quính, khi nhiều đại đội lính khác xông qua được cái trũng tử thần phía dưới. Họ ôm chầm lấy lính khóc òa: “Anh lính cộng hòa ơi...”. Lính cũng khóc. Đối với người dân hiền lành mộc mạc ở những nơi đồng khô cỏ cháy và trong nỗi chết chóc kinh hoàng đến tận cùng này, thì những chiếc áo kaki của lính đồng nghĩa với hy vọng và sự sống. Nhưng con đường vẫn còn dài thăm thẳm. Đi về hướng mặt trời mọc ra hướng biển rồi quặt xuống phía Nam, mức đến cuối cùng sẽ là một con sông được gọi tên là Mỹ Chánh, mà ở đó dân chúng nghe nói có “lính mình” nhiều lắm.

Đói, khát, kiệt sức, những người yếu đuối nhất, ông già bà lão, đàn bà và trẻ con, lác đác dừng chân ngồi phệt xuống giữa con đường cát bỏng đưa những đôi mắt lờ đờ khô quánh nhìn theo đám dân chúng còn đứng vững trên hai chân lê lết bước qua. Những khuôn mặt hốc hác sạm đen ngước lên chăm chăm, đôi mắt mờ đục, tuyệt vọng ánh lên sự cầu xin cứu giúp. Một bà lão tóc bạc lơ thơ, bụi cát đã nhuộm thành màu xám xịt, chiềc áo vải cũ vá chằng vá đụp, mặt mũi bà nhăn nheo, sâu đậm như những vết nứt trên đồng khô đang ôm trong lòng một ông già ốm yếu nằm hấp hối bên đường. Cái miệng móm mém đã hết răng của bà phát ra những âm thanh áo não không thành tiếng. Bà lão đang khóc, nhưng tiếng khóc của bà chỉ là một chuỗi tiếng kêu rên tắt nghẹn. Có lẽ rồi cũng đến lượt bà hấp hối như ông lão thôi. Chợt trông thấy hai người lính đi gần sát bên, bà lão đưa cánh tay gầy đen đủi chỉ còn xương bọc da níu lấy chân một người. Rồi bà nhoài người ra dùng cánh tay còn lại ôm luôn cái ống chân của anh lính khóc lóc:

-        Cậu ơi cậu, tui lạy cậu, cậu cứu giùm ông già...

Anh lính sững người đứng chết lặng. Anh cúi đầu xuống nhìn bà lão, đôi mắt anh ánh lên vẻ xót thương:

-        Ông ngoại làm sao vậy bà ngoại?

Bà già ngước mặt lên, bà chấp tay trong tư thế sắp sửa cúi xuống lạy anh lính, lắp bắp những lời chắp nối đứt đoạn:

-        Tui lạy...làm ơn cứu...  ổng bịnh, ổng ...đói, khát... tui lạy mấy cậu...

Anh lính vội khuỵu chân xuống đỡ lấy tay bà lão:

-        Bà ngoại ơi...

Anh xốn xang nhìn vào đôi mắt kèm nhèm mờ đục của bà lão, rồi anh nhìn xuống khuôn mặt hốc hác của ông lão. Ông lão vừa rên hừ hừ vừa đờ đẫn nhìn anh lính, đôi môi khô nứt của ông mấp máy không thành tiếng. Anh lính thở dài rút lấy cái bình đông nước, anh đưa cao lên lắc lắc. Hình như chỉ còn một chút xíu ở tận đáy. Anh mở nắp trút những giọt nước quí giá cuối cùng ấy vào. Anh lính buồn rầu nhìn cái nắp chỉ lưng một nửa nước. Anh chậm rãi nâng đầu ông lão lên và nghiêng cái nắp rót nước vào miệng ông. Ông già nhắp nhắp nước, ông đưa mắt nhìn anh lính với vẻ biết ơn. Anh lính ngước lên kêu người bạn:

-        Ê, Tư, mày còn nước rót cho bà ngoại một miếng.

Người lính được gọi là Tư lắc đầu nói trống không:

-        Còn đâu mà còn!

Bà già đưa cái càm móm nhóp nhép đôi môi thâm đen:

-        Tui không dám...

Tư ngồi xuống nắm lấy tay bà lão:

-        Con cháu đâu hết rồi mà để cho ông ngoại bà ngoại lang thang như thế này?

Bà già đưa đôi mắt u sầu nhìn người lính:

-        Chết hết rồi, chỉ còn một đứa, nó đi đâu mất. Mấy cậu người ở đâu nói tiếng nghe lạ rứa?

-        Tụi con ở miền Tây ra bà ngoại ơi!

Bà già nheo mắt nhìn anh lính lạ lùng:

-        Miền Tây là ở mô, có phải trong nước Việt mình?

Tư không khỏi không mĩm cưới trước câu hỏi ngộ nghĩnh của bà già:

-        Miền Tây ở tận trong xa lắm bà ngoại ơi.

Hai người lính đứng lên muốn đuổi theo toán quân, bà già hoảng hốt ôm chặt lấy chân anh lính kêu khóc. Hai người bạn nhìn nhau. Mãi một lúc sau Tư buồn buồn nói với bạn:

-        Thôi mình đi Hậu, biết làm sao...

Hậu bất nhẫn cúi xuống nhìn cái đầu tóc bám đầy bụi đất lơ thơ chỉ còn có mấy sợi của bà lão thở hắt ra:

-        Tư, mày chịu khó vác thêm cái ba lô của tao!

Tư trố mắt nhìn bạn:

-        Mày muốn cõng ông già hả?

-        Ừ, nhìn ông bà cụ này tao chợt nhớ ông ngoại bà ngoại tao...

-        Nhưng mà ông bà ngoại mày đã lên bàn thờ từ lâu rồi mà!

-        Mày có chịu hay là không?

Tư dùng dằng:

-        Cái thằng...thôi đưa đây, chặc, rồi mày định cõng ổng tới bao lâu?

Hậu dùng hai tay kéo ông lão xốc lên lưng:

-        Tới khi nào tao mỏi thì mày... thế!

Tư nghe lỗ tai lùng bùng:

-        Hả, mày nói cái gì nói lại tao nghe thử?

Bà lão đứng lên theo, bà ôm Hậu khóc ròng. Bà muốn nói lời cám ơn người lính, nhưng cổ họng bà khô rát và tắc nghẹn. Ông lão gục đầu lên cái vai áo loang lổ vết muối bạc của Hậu thở khò khè, nước dãi chảy thấm ướt đến trước ngực người lính. Tư còng lưng dưới sức nặng của hai chiếc ba lô đầy đạn, đã thế mà anh còn phải để cho bà già tựa vào vai. Tình cảnh của hai người bạn càng lúc càng khốn đốn và bi đát. Càng bi đát hơn khi hai người lính trông thấy ông đại đội trưởng đang ngồi trên chiếc nón sắt, dưới bóng râm của một cây dương ở đầu con đường chằm chằm nhìn họ. Người sĩ quan dường như đang nài xin với một người nào đó trên tiểu đoàn qua máy vô tuyến. Ông ta đang cầm cái ống nói áp vào miệng:

-        Trình thẩm quyền ráng xin máy bay bốc thương binh và đồng bào ...

Người đại đội trưởng khoát tay ra dấu cho hai người lính dừng lại:

-        Ê, mấy thằng, giao ông bà cụ cho quân y rồi lên trên đó đi.

Lên trên đó có nghĩa là mở đường, và có thể sẽ đánh lớn tới nơi. Hậu đỡ ông già nằm xuống bên gốc cây dương, anh nhỏ nhẹ nói với bà lão:

-        Vậy là êm trời rồi bà ngoại, chắc ổng xin được trực thăng. Thôi bà ngoại ông ngoại đi mạnh giỏi nghe, tụi con còn phải đi...

Bà già nắm chặt bàn tay của Hậu. Đôi mắt của bà nhấp nháy nhưng không còn một chút nước mắt nào chảy ra từ cái hố khô kiệt ấy. Tư ân cần trao cho bà lão một gói cơm sấy và vài hộp thịt:

Bà ngoại nhận đỡ mấy món này, tụi con chỉ còn có bấy nhiêu thôi.

Đây là những món cuối cùng trong ba lô của Tư, mà anh đã cho hết. Tư cũng không nhớ là rồi trên quãng đường khó khăn phía trước, anh sẽ sống sẽ ăn bằng cái gì nữa. Bà lão rưng rưng thều thào:

-        Vợ chồng tui đội ơn mấy cậu. Tui cầu xin Phật Trời...

Bà già nghẹn ngào không nói được gì thêm nữa.

Khi đã đi một khoảng xa, Hậu quay lại nhìn. Anh thấy bà cụ đang đứng đưa tay lên che mắt nhìn theo. Tội nghiệp, cái lưng bà cụ cong xuống làm cái cổ của bà gần như rụt mất hút vào hai cái hốc vai gầy trơ xương. Một cô gái dáng người nhỏ thó hối hả chạy từ phía trước ngược về hướng hai người lính. Khi sắp vượt qua, bỗng cô dừng lại xoay người hỏi:

-        Mấy anh ơi, mấy anh có thấy ở đàng sau có một ông già với một bà già không?

Tư bật cười:

-        Có, ông già bà già thì thiếu gì ở dưới đó...

Cô gái đứng ngẩn người ra bối rối. Chiếc quần vải thô màu đen bạc màu của cô gái đã co rút lên đến trên mắt cá, để lộ hai ống xương chân nhỏ, nước da xạm mốc. Hai bàn chân nứt nẻ của nàng mang đôi dép cao su đã mòn, mấy cái quay đứt được cột lại bằng những sợi dây bố. Rất khó ước định cô gái được bao nhiêu tuổi, vì thân thể cô nhỏ nhắn như một em gái mười lăm, mười sáu, nhưng khuôn mặt thì khắc khổ rám đen như một thiếu nữ đã ngoài hai mươi. Mái tóc cháy vàng của nàng dài quá khỏi đôi vai gầy được kẹp bằng một cái trâm bằng đồi mồi cũ. Hậu có một cái cảm giác, hay nói đúng hơn, một linh tính. Anh tiến lên dịu dàng nói với nàng:

-        Có phải cô hỏi ông cụ nằm hấp hối bên đường?

Cô gái nhỏ sáng mắt mừng rỡ:

-        Dạ, phải. Em đi tìm nước cho ông bà ngoại em, đây nè... ơ...

Nàng đưa cao cho hai người lính thấy một cái chai đựng một thứ nước, nếu có thể gọi được như vậy, đen đục ngầu lợn cợn bùn đất. Rồi nàng hạ cái chai xuống cúi đầu lúng túng. Hậu hỏi:

-        Cô tìm nước ở chỗ nào vậy?

Cô gái chỉ tay xuống một chỗ trũng nước mà Hậu và Tư có thể trông thấy một đám đông người đang xúm xít quì nằm chen chúc nhau chung quanh, vẻ ngượng nghịu:

-        Em lấy nước ở cái hố đó, không tìm được nước chỗ nào hết mấy anh ơi.

Hậu móc trong ba lô một cái chai nhỏ trao cho cô gái:

-        Cô lấy chai thuốc lọc nước và sát trùng này. Cứ một viên thì lọc được một chai như thế này. Ngâm chừng nửa giờ thì uống được. Cô có thấy cái cây dương đàng kia không, ông bà ngoại cô đang nằm ở đó chờ trực thăng. Thôi chúc cô và ông bà cụ được bình yên.

Cô gái rưng rưng nước mắt, nàng nhìn sững vào nắp túi vải chỗ thêu cái tên Hậu của anh và Tư. Rồi nàng nhìn vai áo bọn anh, chỗ gắn cái phù hiệu đơn vị. Như để ghi nhận xuất xứ của những người lính. Khi hai người bạn đã xông lên tuyến đầu và đang nằm sau mấy cái mô đất chỉa súng về phía trước, họ trông thấy mấy chiếc trực thăng loại lớn phành phạch hạ cánh xuống phía đồi cát.

Một buổi chiều mùa hè năm sau. Bà cụ đang ngồi lom khom vo gạo phía sau cái chái bếp thì Tươi từ ngoài chạy vào ôm lấy bà, suýt nữa bà lão trật tay hất cái nồi xuống sàn nước. Bà cụ dùng dằng gỡ tay cô cháu:

-        Cái con nhỏ này, mày không muốn ăn cơm chắc?

Tươi miết cái gò má màu nâu sậm của nàng vào cái cằm móm mém của bà cụ kêu lên:

-        Ngoại ơi, con mới thấy mấy ảnh nè ngoại!

Bà cũ quay lại dưa đôi mắt kèm nhèm nhìn cô gái:

-        Mấy ảnh nào, ở mô?

Tươi vẫn ôm bà ngoại trong lòng hớn hở nói:

-        Trời ơi mấy ảnh về đông lắm. Bà ngoại có nhớ hai cái anh lính hồi năm ngoái hôn?

Bà già nhíu mày:

-        Lính tráng nhiều quá biết nhớ ai với ai...

Tươi trề môi:

-        Có vậy mà cũng không nhớ. Hai anh lính cõng ông ngoại hồi mình ở trên cái đồi cát đó ngoại!

Bà cụ giật mình muốn đứng dậy:

-        Vậy hả, con dắt ngoại tới đó đi.

Tươi vân vê tà áo:

-        Hỏng lẽ mình tới không coi kỳ lắm ngoại ơi.

-        Con vô bắt con gà mái cho ngoại...

Hai người bạn đang hì hục đào đất củng cố vị trí thì có lệnh của ông đại đội trưởng kêu lên trình diện. Người sĩ quan ngồi sau cái bàn gỗ cũ sờ càm nhìn hai người lính đứng nghiêm trong tư thế chào. Ông nhìn chằm chằm làm Hậu và Tư đâm hoảng, trong lòng, đoán già đoán non không rõ đã làm chuyện gì không phải. Hậu liếc mắt nhìn xuống bộ quân phục. Vẫn tươm tất. Nhìn xuống đôi giày, có bị dơ chút xíu, vì đang đào giao thông hào mà. Nhưng nụ cười bao dung của người sĩ quan đã nở trên môi:

-        Hai thằng em mày có ai tìm kìa. Chà, mới tới chưa nóng đít mà đã có người muốn gặp rồi. Có một cô gái với một bà cụ đến thăm. Rửa ráy sạch sẽ rồi đi ra ngoài đó. Cho phép nửa giờ.

-        Tuân lệnh.

Hai người lính quay gót một trăm tám chục độ định bước ra, thì ông đại đội trưởng đã gọi giật lại:

-        Ê, ai vậy mấy thằng em?

-        Dạ không biết!

Một năm nổi trôi trên khắp nẽo chiến trường, hai người bạn gần như đã quên bẵng câu chuyện trên cánh đồng cát trong mùa hè nắng nung ấy. Sau mùa hè hoảng loạn đó, đến mùa thu của những cơn bão lửa tàn khốc mà Hậu và Tư đã xông vào. Họ đã trèo lên trên những đống gạch vụn đổ nát ngổn ngang và cắm những lá cờ vàng bay phấp phới dưới trần mây thấp vần vũ trong cơn bão từ đại dương ùa vào. Đông tới, những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt từ phía Bắc thổi xuống, hai người lính ngồi nghiến răng co ro trong những đường giao thông hào bên bờ Nam con sông có tên Thạch Hãn. Đến đá cũng đổ mồ hôi. Xuân đến sau mùa đông. Lần đầu tiên sau mấy năm đi lính, những người trai nông dân miền Tây ấy đã nếm được chút không khí Tết an bình, trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi gọi là mừng xuân hòa bình, ngay trên vùng đất hoang tàn không còn một bóng người dân dã nào, ở giữa khoảng trời đất chơ vơ không còn sự sống bình thường. Ngoài trừ những con người đang ăn, ngủ, sinh hoạt và chiến đấu trong lòng những cái hố đất nhỏ. Rồi mùa hè lại về, những người lính nằm bên bờ con sông đá đổ mồ hôi bỗng thấy mình có mặt trên vùng đất phía Nam cái đèo cao vòi vọi mây mù quanh năm.

Khi hai người bạn đi ra đến cổng, thì họ trông thấy hai bà cháu đang đứng đăm đăm nhìn vào. Hậu ngơ ngác, anh gần như không nhận ra bà lão và cô gái. Nhưng Tươi đã vẫy tay rối rít:

-        Anh Hậu, anh Tư!

Tư ngẩn ngơ hỏi bạn:

-        Tụi mình có quen với cô gái này không?

Hậu lắc lắc đầu ngần ngừ:

-        Hình như là có, tao trông bà cụ quen quen...

Chợt Tư kêu lên:

-        À, tao nhớ rồi, bà già trên đồi cát năm trước.

-        Nhưng làm sao cô gái lại biết tên tụi mình.

-        Mày... ngu vừa vừa vậy, cái tên của mày nằm chình ình trên ngực.

Cô gái dìu bà cụ bước tới. Ánh mắt của nàng nhìn Hậu như muốn nói thật nhiều điều. Trong cõi ký ức mơ màng, Hậu nhớ cái nhân dáng nhỏ gầy của cô gái và chai nước đục ngầu của nàng. Bây giờ thì cô vẫn như vậy. Nhưng nước da cô có sáng hơn, khuôn mặt có tươi tắn hơn. Tư hân hoan nắm lấy tay bà lão:

-        Bà ngoại mạnh giỏi.

Bà lão run run nheo mắt nhìn hai người lính:

-        Đúng là hai cậu này rồi Tươi, ông ngoại con nhắc mấy cậu hoài.

Hậu hỏi:

-        Bà ngoại sao lại ở trong này?

Cô gái đỡ lời:

            - Dạ, ông ngoại em quyết định vô ở trong khu lánh cư này luôn, không về ngoài đó nữa. Có còn gì nữa đâu mà về.

Tươi cúi xuống buồn bã. Chợt nàng ngẩng đầu lên mĩm cười trao con gà cho Hậu:

-        Ông ngoại bà ngoại em có chút này tặng mấy anh...

Hậu hốt hoảng đẩy con gà ra:

-        Ấy, cô... Tươi, đừng. Chúng tôi không nhận đâu...

Tươi phụng phịu ấn cặp chân vàng lườm của con gà vào tay Tư. Bằng con mắt sành sõi của một người sống ở miệt quê, Tư biết nó là con gà mái đang nằm ổ đẻ. Anh đưa mấy ngón tay nắn nắn phía dưới bụng con gà. Đầu ngón tay Tư cảm nhận cái buồng trứng, giống như một chùm trái sim mà anh đã hái nhiều trên những ngọn đồi hoang. Ở quê anh thì gà mái chúng nó chạy đầy sân. Nhưng ở ngoài này, anh biết dân mình nghèo lắm.  Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Anh cảm động ấn con gà vào tay Tươi:

-        Tụi tui không dám nhận đâu, cô đem về đi.

Tươi rớm rớm nước mắt quay nhìn bà ngoại. Bà già nắm tay hai người lính nghẹn ngào không biết nói gì...

 Ông cụ ngồi bên cái bàn xiêu vẹo nhắp một ngụm trà. Ông nhăn mặt. Trà rẻ tiền uống chát cổ họng. Mấy hôm nay ông thấy trong lòng dậy lên một nỗi xốn xang, bực bội vô cớ.  Súng nỗ từ phía núi vọng về. Nhiều quá. Càng lúc càng áp sát tới khu lánh cư. Ông nghe bà con chòm xóm xôn xao bàn tán, nói chắc phải bỏ chạy như hồi nẳm ở ngoài đó. Ông bần thần lo lắng. Chạy đi đâu, không lẽ chạỵ xuống phía Nam. Và chạy đến đâu mới gọi là hết chạy. Ông lão thở dài nhìn cái lều tồi tàn. Nào có gì đâu. Cái nhà lá ngoài đó bị cháy, bỏ chạy lấy thân. Đói, khát, sốt. Chỉ trần trụi có ông và bà. Và con Tươi. Không còn gì hết. Bây giờ chạy nữa, thì chắc ông chết trước. Ông gọi bà cụ lên hỏi:

-        Con Tươi đâu rồi bà?

Bà lão vừa nhai trầu vừa ậm ừ:

-        Biết đâu, chắc nó chạy nghe tin tức...

-        Hừm, nó chạy tới chỗ mấy cậu lính thì có...

-        Ừ, nghe nó nói mấy cậu đó đi đâu vô núi đánh lớn lắm. Nó sợ...

Ông già thở ra:

-        Người ta ở xa quá, làm sao được bà, lính tráng khó lòng lắm!

Bà già nhổ một bãi trầu vào cái lọ đất nhỏ:

-        Thì... chặc, mình đâu có sống đời với nó. Nó ưng ai thì mình tính.

-        Có cái thằng kế bên, cũng là dân ngoài đó chạy vô, thằng siêng năng hết sức, muốn nó mà nó không chịu...

Bà già định nói lời chống chế, thì bỗng Tươi từ ngoài hốt hoảng chạy ào vào như một cơn gió xoáy:

-        Ông ngoại bà ngoại ơi

Ông lão giật mình nhảy nhổm:

-        Cái gì?

Tươi khóc nấc lên:

-        Anh Hậu, ảnh bị...thương nặng lắm. Người ta mới đưa ảnh vô nhà thương mấy hôm nay rồi.

Một đám dân ồn ào đắt díu nhau chạy về hướng thành phố, một người gọi với vào:

-        Chạy ông già, mấy ổng gần tới rồi!

Ông cụ lính quính túm lấy cái bọc quần áo mà ông đã cẩn thận gói ghém mấy hôm trước, quẳng nó vào một cái thúng. Bà cụ run lập cập quơ quào mấy cái nồi niêu móp méo thảy vào cái thúng bên kia. Tươi vét vài lít gạo cho vào một cái túi vải, và mấy chai nước. Gia tài chạy giặc của gia đình nàng chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu ấy.

Tươi dắt được ông bà ngoại nàng ra đến được thành phố. Nhưng chỉ đến đó rồi hết. Người ta đổ ra đông nghẹt, chen chúc như nêm trên mọi ngã đường phố, kêu hét, hoảng loạn. Thành phố như một cái túi đã bị thít chặt lại trên miệng, bị bao vây ba bên bốn phía. Đã quá muộn màng trong cái ngày cuối cùng này. Hai ông bà cụ và Tươi bị chìm mất vào khối người hỗn độn, cuồn cuộn, ngược xuôi cuống quít tìm con đường thoát. Rồi đến một lúc nào đó Tươi đành bị lạc mất ông ngoại bà ngoại. Nàng kêu khóc thảm thiết. Nàng chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm. Tươi biết lần này ông bà ngoại nàng không còn hy vọng gì sống sót trong cơn tận thế như thế này. Đôi quang gánh của Tươi bị nhồi ép chằng níu, cuối cùng nó đã biến mất dưới những cơn sóng chân người. Tươi bỗng thấy mình trôi giạt đến trước cổng cái quân y viện thành phố. Nàng đứng nép vào một chân cột ôm ngực vừa thở vừa nhìn vào bên trong. Nàng rùnh mình kinh hãi, khi trong thấy hàng đoàn người trong những chiếc áo màu xanh bệnh đang lê lết khập khiễng bước, chống nạng, bò, lăn bánh xe kéo nhau túa ra. Tươi chạy tuôn vào. Nàng đi giữa những cặp mắt thất thần, những mùi thuốc hăng hắc, mùi máu me thấm đẫm những dãy băng trắng toát. Tươi chạy lung tung trong cái bệnh viện rộng mênh mông như một người điên. Nàng trông thấy một người nằm vắt mình trên ngạch cửa một căn phòng. Trống ngực đánh thình thình Tươi chạy lên bậc tam cấp nâng mặt người lính lên nhìn. Bỗng Tươi rú lên đau thương:

-        Trời ơi, là anh Hậu đây mà ...

Nàng ôm đầu Hậu vào lòng khóc nấc. Tươi cố gắng kéo Hậu tựa vào ngực mình. Tấm thân vạm vỡ của Hậu gần như che lấp hết vóc dáng nhỏ bé của cô gái. Hậu mở mắt lờ đờ nhìn, anh rên lên:

-        Có phải là Tươi?

Tươi gục lên mặt Hậu nức nở, những giọt nước mắt của nàng chảy ràn rụa trên đôi má người yêu:

-        Em là Tươi của anh đây!

Hậu nở nụ cười gượng gạo, anh cố ngẩng đầu lên nhìn vào cái bụng quấn băng mà giờ đây đã nhuộm đầy máu. Có lẽ những mối chỉ đã bung đứt, vết thương vừa mổ xong vài ngày trước lại bể miệng. Một cơn đau xé khủng khiếp dội lên óc. Thân thể anh nóng hừng hực như bị ném vào lửa. Hậu lần tìm lấy bàn tay nhỏ của người yêu thều thào:

-        Tươi ơi, chắc anh không sống được...

Tươi áp đầu vào đôi má sạm đen của Hậu nghẹn ngào:

-        Nếu anh chết thì em cũng chết theo anh!

Tươi đưa mắt nhìn quanh. Chợt nàng trông thấy một chiếc băng ca nằm chơ vơ giữa sân. Tươi kéo chiếc băng ca vào, rồi nàng hì hục nâng Hậu lên. Tươi nắm lấy hai cái cán kéo lết chiếc băng ca ra ngoài. Đến được cổng bệnh viện thì Tươi kiệt sức, nàng nằm phục bên Hậu thở dốc. Rồi nàng lại cắn môi đến rướm máu kéo chiếc băng ca đi. Nàng cứ kéo, kéo mãi chiếc băng ca như người trong cơn mộng du. Trong màn lệ nhòe nhẹt nàng bỗng thấy mình đang ngồi trước một cái cổng chùa. Và nàng nhìn thấy những đôi mắt xót thương nhân từ của ai đó đang cúi xuống. Rồi Tươi thấy người ta khiêng cái cáng đi vào bên trong, và có người nào đó dìu nàng đi theo.

 Cứ mỗi lần ngồi gọn trong lòng chồng như một con mèo nhỏ, Tươi thích nghịch ngợm lần tay nắn nắn vết thẹo dài nổi lằn như một con lươn trên bụng anh. Những lúc đó Hậu nhìn vợ bằng ánh mắt biết ơn. Anh ôm vợ trong hai cánh tay gân guốc của mình, như muốn truyền hết nỗi yêu thương tha thiết trong trái tim anh cho nàng. Anh hôn lên mái tóc vàng cháy ngày nào của vợ, mà giờ đây nó đã bóng mướt, có lẽ vì nó được bón bằng tình yêu của anh. Tươi nằm ngoan ngoãn trên ngực Hậu. Hai vợ chồng nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Bầu trời đang vần vũ những đám mây xám xịt. Hơi lạnh tràn vào căn nhà nhỏ trống trải và lụp xụp. Những giọt nước mưa đầu mùa hè đã bắt đầu rơi lộp độp trên mái lá. Nhìn bầu trời xám, Tươi nhớ lại cũng màu xám như thế này, trong ngày mùa hè cuối cùng ấy. Những lúc ôm cái thân thể ốm nhỏ nhưng ấm áp và mềm mại của vợ, Hậu thích hỏi nàng hoài một câu:

-        Tươi ơi, tại sao em chịu làm vợ một người nghèo nàn và bệnh hoạn như anh?

Chắc chắn Tươi sẽ ngước mắt lên âu yếm, quàng tay vòng lấy cổ anh dịu dàng và tình tứ:

-        Vì em đã dành cho em lời ước thề khi lần đầu tiên em gặp anh ...

 Phạm Phong Dinh

Previous
Previous

Tạp ghi - Tiếng Việt từ trong nước ra hải ngoại

Next
Next

Ẩm thực Bình Định trong ca dao xưa