Kinh nghiệm với niềm tin tôn giáo
Thích Nguyên Định
“Niềm tin là một sức mạnh có thể biến điều không thể thành có thể”. Niềm tin rất quan trọng, nó chi phối cả đời sống của chúng ta. Vì thế, để hiểu thế nào là niềm tin vào chánh pháp thì chúng ta hãy tìm hiểu về “Kinh Nghiệm Với Niềm Tin Tôn Giáo”.
A. DẪN NHẬP
Tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người và xã hội. Trong thời đại khoa học phát triển mạnh mẽ như ngày nay đã làm cho con người quay cuồng theo nhịp sống đó, nhưng cũng không làm giảm lòng tin của họ vào Tôn Giáo. Xã hội ngày càng loạn lạc rối ren, với những chiến tranh diễn ra liên miên, với những sự tai ương do con người và thiên nhiên tạo ra, tất cả những nhân tố đó thì niềm tin tôn giáo là sự cần thiết hơn lúc nào hết. Những lo âu về cuộc sống, về gia đình và xã hội đã làm tinh thần con người đi vào bế tắc thì Tôn Giáo chính là chiếc phao cứu sinh giúp chúng ta lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Con người cần đến sự giáo dục của Tôn Giáo như con thơ cần được gặp Mẹ. Tâm con người thường vô thường, rỗng không, không biến chuyển, một khi chúng ta đặt niềm tin vào cái gì thì chúng ta nhất định chấp chặt vào đó. Cũng vậy, khi chúng ta đạt niềm tin vào một tôn giáo mà chúng ta cho là quan trọng nhất; chúng ta tôn thờ tôn giáo đó là đấng tối thượng, và nếu như con người không có lòng tin, thì không bao giờ đạt được những chân lý, những hoài bão khát vọng mà mình mong muốn, và sâu xa hơn nữa là niềm tin vào tôn giáo bị mai một, không còn tin vào lẽ công bằng của cuộc sống. Do đó, niềm tin rất quan trọng, nó chi phối cả đời sống của chúng ta. Vì thế, để hiểu thế nào là niềm tin vào chánh pháp thì chúng ta hãy tìm hiểu về “Kinh Nghiệm Với Niềm Tin Tôn Giáo”.
B. NỘI DUNG
1. TRIẾT HỌC TÔN GIÁO LÀ GÌ?
1.1. Định Nghĩa Triết Học
Triết học là khoa học nghiên cứu về hệ thống các quan điểm chung của thế giới và nhận thức của thế giới. Các nguyên tắc nguyên lý như: sinh diệt, thần thánh, sự thiêng liêng của các trường phái Tôn Giáo và nhận thức rõ về thế giới đó .
1.2. Định Nghĩa về Tôn Giáo
“Tôn giáo là niềm tin vào những gì thiêng liêng nhất, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó” [1].
Tôn giáo học là lĩnh những tri thức phức hợp của con người về tôn giáo, đứng trên lập trường lý luận, phương pháp luận, tư duy khoa học và văn hóa phổ quát. Tuy nhiên, tôn giáo học là triết học về tôn giáo, tự tách ra ở nơi giáp ranh bản thể học và nhận thức luận. Tôn giáo học là một bộ môn độc lập, không có sự lệ thuộc về quy định.
Các nhà khoa học và triết gia nhìn vào tôn giáo theo nhiều đường lối. Một số định nghĩa trong một ý nghĩa hết sức hẹp và giới hạn trong khi những người khác đưa ra một cái nhìn tổng quát rộng rãi hơn.
Theo H.G. Wells Theo H.G. Wells nói: "Tôn giáo là phần chủ yếu trong nề giáo dục của chúng ta, nó quyết định hạnh kiểm tinh thần của chúng ta". Với triết gia người đức nổi tiếng Emmanuel Kant, Tôn giáo là sự công nhận những nguyên tắc luân lý như luật không được vi phạm" [2].
Tôn giáo đã đem đến cho con người mạch sống tâm linh, là vấn đề then chốt trong hành trình của một đời người. Hầu hết chúng ta đều sống, bị chi phối bởi dòng tâm thức như dòng sông chảy mãi, biến động không ngừng, chạy theo những dục vọng thường tình, quên đi những gì uyên nguyên, tinh tú nhất. Cho nên, sự ra đời của Tôn Giáo giúp cho con người có một hướng để quay về, để nhận biết, để tư duy và học hỏi. Từ thời cổ Ấn Độ, những bí ẩn thần thánh, siêu nhiên đã làm nền tảng tạo nên nhiều triết thuyết, Tôn Giáo nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người về những điều huyền bí của vũ trụ. Trước hết các tôn giáo với những vị thánh thần được đặt ra, và các giáo chủ đã được kinh nghiệm qua những câu chuyện gặp được thánh thần và được sự mặt khải của họ, có một năng lực giao cảm đặc biệt do niềm tin tuyệt đối vào các vị thần này, đó là sự giao cảm hay hợp nhất giữa khách thể và chủ thể mà các tôn giáo gọi là “thần nhân hợp nhất, vật ngã câu vong…”
Như vậy, Triết Học Tôn Giáo có nghĩa là khảo cứu các tư tưởng và các nguyên tắc chung mà tôn giáo căn cứ trên đó. Ngoài ra Triết Học Tôn Giáo còn xem xét, giải quyết niềm tin về Tôn Giáo và đề cập đến sự tồn tại hay không tồn tại của thượng đế, luân lý về tôn giáo, luận thần chánh, niềm tin tôn giáo, ngôn ngữ tôn giáo, vận mệnh và bất hủ, giá trị và tín ngưỡng…..
2. KINH NGHIỆM VỚI NIỀM TIN TÔN GIÁO
Kinh nghiệm là những điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trãi. [3]
Tôn giáo có niềm tin tức là tin vào cái gì thần thánh, siêu nhiên giữa cuộc sống của con người.
Trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta đâu phải ai ai cũng được suông sẽ, thuận theo ý của mình, những va chậm vấp ngã trong cuộc sống giúp chúng ta đứng vững hơn trong cuộc đời, đó là kinh nghiệm, kinh nghiệm của bản thân, kinh nghiệm của cuộc sống, vì thế để có kinh nghiệm với niềm tin Tôn Giáo chúng ta hãy tìm hiểu thêm về tôn giáo trong các Kinh Điển.
2.1. Kinh Nghiệm Tôn Giáo Trong Các Kinh Điển
2.1.1 Với Kitô Giáo
Trong Kitô giáo có kể lại câu chuyện Môise gặp đức chứa trời, và được giao nhiệm vụ thiêng liêng đưa dân của Chúa là dân Ysơraên ra khỏi sự tàn bạo, hà hiếp của người Êdiptô.
Trong phần kinh cựu ước của quyển Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước ghi lại việc đức chúa trời hiện ra trong bụi gai cháy cùng Môise. Trong khi Môise đang chăn bầy chiên cho Giêtrô (cha vợ mình và là thầy tế lễ tại xứ madian) ở núi của đức chúa trời. Thiên sứ của đức Giêhôva hiện ra cùng Môse trong bụi gai đang cháy rực nhưng không hề tàn và giao sứ mạng cho Môise: “này tiếng kêu rêu của dân Ysơraên thấu đến ta, và ta đã thấy dân Êdiptô hà hiếp chúng nó thế nào; vậy bây giờ hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pharaôn, để bắt dân ta, là dân Ysơraên, ra khỏi xứ Êdiptô.” [4] Để làm niềm tin cho dân Ysơraên, chúa đã dạy cho Môse các pháp thuật để làm tin, từ cây gậy biến thành con rắn và ngược lại, và còn nhiều phép khác nữa.
Qua đây, chúng ta thấy rằng, có sự hội ngộ, kinh nghiệm trong tôn giáo như thế thì mới có đủ khả năng đem lại niềm tin cho tín đồ, sự truyền trao giáo lý, hoằng hoá tôn giáo mới dễ dàng đối với những người đang còn hoang mang giữa muôn ngàn lối rẽ của cuộc sống, họ mang trong mình một niềm tin mê tín. Niềm tin ấy không thể nào mang lại hạnh phúc đích thực, nhưng dẫu sao đó cũng là nơi nương tựa bình yên cho con người trong đêm trường mờ tối của cuộc sống.
2.1.2 Với Hồi Giáo
Giáo chủ của đạo này là ông Mohammed, xuất thân từ giai cấp nô lệ, nuôi mộng làm bá chủ thiên hạ, giải phóng giai cấp nô lệ. Ông lấy được lòng bà bá tước, cưới vợ giàu có, hội ngộ cùng thánh thần. Kinh thánh của Hồi giáo là kinh Koran. Tín đồ tin tưởng tuyệt đối vào Mohammed và xem tất cả những già ông nói ra đều là đúng với lời của chúa sau khi ông nhận mặc khải của thánh Allah ở núi Hira. Ông Mohammad nhận mặc khải của thượng đế truyền lại cho con người qua thiên thần Jibrael. Đạo Hồi giáo chỉ tôn thờ đấng tối cao là thánh Allah: “Trong một đêm tối tăm vào năm 611 trước công nguyên, một người ở Mecca một mình ngồi cầu nguyện và trầm tư mặc tưởng ở một hang Núi Hira, ngay ngoài thành phố. . .nhưng đêm nay – suốt từ đó người Hồi giáo biết đến “Đêm Quyền Năng Siêu Việt mang đến cho Mohammed một kinh nghiệm mới”.
Đột nhiên từ những suy tư, một ảo giác kỳ thú nổi lên nơi Ngài. Thiên thần Gabriel xuất hiện, truyền lệnh của Thượng đế là Mohammed phải kêu gọi dân chúng thờ phụng Allah, thượng đế duy nhất của tất cả các thế giới. [5]
Khi con người đang hoang mang, mịt mờ giữa đêm trường đầy bí ẩn, huyền bí nhưng cũng thật đáng sợ, người ta thường gởi mình nương tựa vào một đấng thần linh và cảm thấy an tâm khi có người bảo hộ cho mình, có người hứa dẫn mình về chốn bình yên Thượng đế. Họ càng tin tưởng hơn khi đã trải qua kinh nghiệm gặp được đấng quyền năng, gửi gắm tinh thần, nên hầu hết các kinh điển tôn giáo đều có đề cập đến những kinh nghiệm này như Hồi giáo đã kinh qua: “Trong những người thuộc về các cộng đồng tôn giáo hay đơn giản tự gọi mình là tín đồ, chỉ có rất ít người từ sáng từ sáng đến tối luôn trăn trở suy ngẫm xem niềm vào sự tồn tại của Thượng đế là có loogic đến đâu. Đa số tín đồ đơn giản sống một cuộc sống bình thường, khi đó họ vẫn giữ một quan niệm đặc biệt về các sự vật và vẫn phục tùng một hệ thống giá trị sinh tồn đặc biệt.” [6]
2.1.3 Với Phật Giáo
Thấy được cuộc đời là khổ đau bởi những cảnh “sanh, già, bệnh, chết” Thái tử Siddattha đã từ bỏ vương vị để lên đường tìm đạo, trải qua 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già, chân lý vẫn mờ mịt. Trở về bên dòng sông Ni Liên Thuyền (P) Neranjarà, (S) Nairanjanà hay (Japan) Nirenzenga ngài phát nguyện “nếu không chứng được đạo quả vô thượng Bồ đề, Ta quyết không rời khỏi nơi này.” [7]
Thái tử nhập định suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ đề vói ý chí quyết tâm, kiên cường, dũng mãnh. Biết bao ma vương đến quấy phá Người với mọi hình thức, Thái tử đã chiến thắng cả ngoại ma lẫn nội ma, chiến thắng bản thân mình, trở thành bậc chánh giác: “Trí và kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.
. . .pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu.” [8]
Thật vậy, với sự chứng nghiệm cho bản thân mình và làm chỗ dựa tinh thần cho khắp mọi loài chúng sanh. Giáo lý của đức Phật là một chân lý tuyệt vời mà mỗi con người nào dù trải qua một lần đều là đó làm kinh nghiệm cho suốt cuộc hành trình tìm về bản tánh chân thật của mình. Hạnh phúc con người không ở đâu xa mà nó ở ngay trong nội tâm của mình, hạnh phúc không thể mua được bằng vàng bạc hay quyền uy danh lợi, hạnh phúc chính là sự an lạc của tâm hồn, hạnh phúc tâm hồn là nơi bình yên, lắng dịu và an lạc nhất.
2.2. Kinh Nghiệm Tôn Giáo Theo Phật Giáo
Các tôn giáo nói chung thì Phật giáo vẫn là đỉnh điểm cao nhất, là bước đột phá đáng tin cậy cho con người nương tựa để tìm về cõi tâm linh, là một nếp sống thuần tịnh tâm hồn, hướng con người đến một cuộc sống chân hạnh phúc, góp phần soi sáng giá trị đích thực của tôn giáo trong đời sống hiện đại.
Phật giáo, theo cách ngôn của Thiền sư D.T. Suzuki, là một tôn giáo khước từ mọi định nghĩa khách quan, vì định nghĩa là đặt giới hạn cho sự thăng hoa của nguồn mạch tâm thần.
Thế nên, tôn giáo theo Phật giáo sẽ không được bàn đến ở bất luận nơi nào thiếu vắng sinh thái tâm linh, hay là một sự nội chứng tự thể. Phật giáo thiết lập một cứu cánh thực tại vốn bản nguyên, tự hữu và vĩnh hằng: nó là Tathata - Như như, một thực tại hiện sinh, một nguồn sống tương tục của tri giác và thực tại. Do vậy, Phật giáo không phải là tín ngưỡng suông hay quyền lực thiêng liêng khai sáng và chỉ bảo, hoặc lòng kinh sợ một cái gì u huyền mình không biết, mà Phật giáo là giáo huấn đưa con người đi đến giác ngộ bằng con đường kinh nghiệm, thực nghiệm và nội chứng tự thân.
Vì thế, con đường thể nghiệm chân lý trong tôn giáo của đạo Phật luôn luôn đi theo một chiều hướng nhất quán, bất di bất dịch. Trong bản thể tự nội của tâm thức, luôn biểu hiện hai khía cạnh của tâm thức, đó là tâm thức an định của bậc chứng ngộ và tâm thức lao xao của chúng sanh. Cái bản thể nhất như thì không phân chia như tính ẩm của nước vậy.
Như Kinh Pháp Cú (Dhammapada) đức Phật dạy:
“Như đất, người giữ tâm quân bình,
có nếp sống kỷ cương,
không còn nghe xúc động.
Người ấy như trụ đồng,
như ao hồ phẳng lặng,
không bị bùn đất làm nhơ.
Với người có tâm quân bình như thế,
cuộc đi lang thang bất định của đời sống không còn lập lại nữa”. [9]
Còn nhà bác học A.Einstein đã khẳng định: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên trong cái nhất thể đầy ý nghĩa và Phật giáo đáp ứng đủ các điều kiện ấy”.
3. SỰ NHẬN ĐỊNH VỀ NIỀM TIN TÔN GIÁO
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học hiện đại ngày càng phát triển, mà cuộc sống của chúng ta ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của cuộc phát triển đó. Con người chúng ta sống trong guồng quay đó đã làm những niềm tin Tôn Giáo căn bản đang bị lung lay dưới áp lực của khoa học hiện đại và chúng không thể được chấp nhận nữa đối với giới trí thức. Ngày nay việc thừa nhận chân lý chỉ ngang qua thần học hoặc dựa vào giáo quyền kinh điển ngược với khoa học thì không còn chấp nhận nữa. Chẳng hạn, việc phát minh tâm lý học hiện đại đã chỉ ra rằng, tâm cũng giống như thân của con người, hoạt động theo quy luật nhân quả tự nhiên mà không có sự hiện diện của một linh hồn bất biến như một vài tôn giáo đã thuyết giảng.
Tuy nhiên, các tôn giáo bản địa của người Hy Lạp và người La Mã năng về hình thức nghi lễ, còn tôn giáo mới của Jesus nặng về khía cạnh tâm linh, về quan hệ giữa tâm linh mỗi cá nhân với Chúa. Còn Phật giáo chúng ta thì niềm tin vào đức Phật là tuyệt đối, như Albert Einstein đã từng nói: “nếu có một Tôn Giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không bao giờ xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học, Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật Giáo bao trùm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng niềm tin Tôn Giáo phải là lòng tin chánh tín mà đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử của mình cách đây hàng thế kỷ.
C. KẾT LUẬN
“Niềm tin là một sức mạnh có thể biến điều không thể thành có thể”. Thật vậy, niềm tin vào tôn giáo là một sức mạnh vô cùng to lớn, chuyển hóa được mọi sự trên thế gian này, có thể nói các Tôn Giáo xuất hiện như là phương thuốc tinh thần cho mọi người, như chúng ta biết một người dù tin hay không tin vào Tôn Giáo nào, nhưng khi họ gặp những sự biến cố, nền sản xuất bấp bênh, thời tiết, khí hậu, khắc nghiệt, nhiều bệnh tật, và cũng hoảng sợ trước thiên nhiên tàn phá, những hiện tượng tự nhiên, nhưng ác thú, rắn rết... vây quanh, những tai nạn trong cuộc sống thì họ vẫn muốn nương nhờ một cái gì đó, che chở, giúp họ vượt qua những cơn hiểm nghèo, và những điều này các Tôn Giáo đã đáp ứng nhu cầu của họ, bù đắp những hụt hẫng trong cuộc sống, nỗi trống vắng trong tâm hồn, an ủi, vỗ về, xoa dịu lúc sa cơ, lỡ vận. Mác nói: “Tôn Giáo là trái tim của thế giới không có trái tim, tinh thần của xã hội không có tinh thần”.
Như vậy, tôn giáo được nhìn như một món ăn tinh thần, luôn song hành trong đời sống con người, vì thế, đương nhiên Tôn Giáo phải được tôn trọng và được đánh giá với một mức độ tối cao của nó, bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng Phật giáo đã mở ra một bước đột phá mới không những giáo dục con người đạo đức, chân thiện mỹ, tạo niềm tin, an vui hiện tại mà còn tiến xa hơn nữa là cho mọi người một cuộc sống chân hạnh phúc trong tương lai, cánh cửa an vui tự tại luôn mở ra cho những ai quay về với chốn thiền môn “ Quê hương đạo pháp thắm tình, ngời trang sử Việt mấy nghìn năm qua, hương từ Phật pháp bay xa, niềm tin một cõi vị tha tâm hồn”.
Tài Liệu Tham Khảo:
[1] TT. Thích Giác Duyên, Tài Liệu Giảng Dạy Khoa Triết, 2012.
[2] Thích Tâm Quang (dịch), Những Hạt Ngọc Trai Trí Tuệ Phật Giáo, Nxb Malaysia, 1996, trang 555.
[3] TS. Bích Thu, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Trâm, Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông, TP. Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 470.
[4] Thánh kinh Cựu Ước và Tân Ước, trang 53.
[5] Floydh. Ross & Tynette Hills, Những Tôn Giáo Lớn Trong Đời Sống Nhân Loại, Thích Tâm Quang dịch. Hà Nội, nxb tôn giáo, 2007, tr. 217.
[6] Mel Thomson, Triết Học Tôn Giáo, Đỗ minh Hợp dịch. Hà Nội: nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2004, trang 25.
[7] Thích Nguyên Liên, Những Mật Ý trong Cuộc Đời Đức Phật. Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn, 2008 , trang 11.
[8] Kinh Trung Bộ I, Hòa thượng Minh Châu dịch. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2003 , tr.374.
[9] Kinh Pháp Cú, câu 95.