Quân đội Myanmar chiếm tài khoản ngân hàng của George Soros, ra lệnh bắt giữ nhân sự
Chính quyền quân sự Myanmar đã chiếm quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng của Tổ chức Xã hội Mở (OSF) của tỷ phú George Soros ở Myanmar và tuyên bố rằng họ sẽ có hành động pháp lý đối với tổ chức này.
Hôm thứ Hai, MRTV do quân đội kiểm soát thông báo rằng quân đội đã phát lệnh bắt giữ 11 nhân viên của OSF Myanmar, bao gồm cả người đứng đầu và cấp phó của tổ chức này, vì nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho phong trào bất tuân dân sự chống lại chính quyền quân sự, theo Irrawady.
Chế độ cũng tuyên bố rằng tổ chức này đã không nhận được sự chấp thuận từ Cục Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) cho khoản tiền gửi 5 triệu đô-la Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (SMED) tại Myanmar vào năm 2018.
Tổ chức này cũng bị cáo buộc rút 1,4 triệu đô-la bất hợp pháp từ tài khoản của mình tại SMED một tuần sau khi quân đội tiếp quản ở Myanmar, do phong trào bất tuân dân sự đang tăng lên trong các công chức trên khắp đất nước.
Các nhóm liên kết với quân đội bao gồm Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh đã cáo buộc Soros thao túng chính trường Myanmar bằng cách hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự ở nước này.
National File đã từng đưa tin về mối quan hệ giữa Soros, ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton và Cố vấn nhà nước bị lật đổ gần đây Aung San Suu Kyi của Myanmar:
Clinton đã khuyên bà Aung San Suu Kyi tranh cử một ghế quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2012 ở Miến Điện, và cuối cùng bà Aung San Suu Kyi đã làm được, khởi đầu cho sự nghiệp chính trị chính thức của bà sau này ở Miến Điện, còn được gọi là Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Barack Obama khi đó, người thường xuyên vận động để bà được thả tự do khỏi bị quản thúc tại gia. Aung San Suu Kyi bị bắt liên tục trong những năm 1990 và 2000 vì “các hành vi lật đổ”, sau khi bà tham gia vào các cuộc bạo động chống lại chính phủ Myanmar.
Obama đã trao tặng cho bà Huy chương của Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2012, mà bà mô tả là “một trong những ngày cảm động nhất trong cuộc đời tôi”. Cuối cùng, chính quyền Obama đã thúc đẩy việc bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015, bằng cách đặt các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và kiên quyết chỉ xóa bỏ chúng nếu bà Aung San Suu Kyi được giao một vai trò chính trị trong nước.
Một đồng minh quan trọng khác của bà Aung San Suu Kyi là tỷ phú cấp tiến George Soros và mạng lưới tổ chức phi chính phủ toàn cầu của ông ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động của bà.