Thụy Sĩ ban hành sách lược đầu tiên tập trung vào nhân quyền để ứng phó với Trung Cộng

Hôm 19/0, chính phủ Thụy Sĩ đã ban hành chiến lược đầu tiên ứng phó với Trung Cộng, phác thảo chính sách đối ngoại của nước này đối với Trung Cộng cho giai đoạn 2021-2024, tập trung vào các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Cộng.

Quốc kỳ Thụy Sĩ tung bay bên dưới logo của ngân hàng Thụy Sĩ UBS ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 24/04/2017. (Ảnh: Arnd Wiegmann/File Photo/Reuters)

Quốc kỳ Thụy Sĩ tung bay bên dưới logo của ngân hàng Thụy Sĩ UBS ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 24/04/2017. (Ảnh: Arnd Wiegmann/File Photo/Reuters)

Hành động này đã nhận phải phản ứng giận dữ từ Trung Cộng, chế độ này đã công kích quyết định của Thụy Sĩ thông qua đại sứ quán của nước này hôm 22/03. Phát ngôn viên Hội đồng Nhà nước Trung Cộng cũng khiển trách Thụy Sĩ vì đã lên tiếng cho những giá trị của họ.

Theo kênh truyền thông Thụy Sĩ Swissinfo, khi trình bày chiến lược ứng phó với Trung Cộng tại thủ đô Bern của quốc gia này, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tuyên bố rằng đối thoại nhân quyền và lợi ích thương mại là hai vấn đề chính trong mối bang giao Trung Cộng-Thụy Sĩ. Ông nói rằng Thụy Sĩ hy vọng có một chính sách độc lập đối phó với Trung Cộng và giải quyết các vấn đề song phương thông qua chính sách này, đồng thời thừa nhận có “sự khác biệt rõ ràng về giá trị giữa hai nước.”

Ông Cassis nhấn mạnh rằng đối thoại nhân quyền vẫn là một vấn đề then chốt đối với Thụy Sĩ.

“Điều mới là nhân quyền sẽ được giải quyết trong tất cả các thỏa thuận song phương,” Ngoại trưởng nói. Ông chỉ ra rằng, “Trung Cộng đã không còn sẵn lòng lắng nghe về các vấn đề về nhân quyền, trong khi tình hình nhân quyền ở nước này đã trở nên tồi tệ hơn nhiều.”

Ông Cassis chỉ trích chế độ Trung Cộng về sự xâm phạm của Bắc Kinh đối với quyền điều hành ở Hồng Kông và vi phạm quyền của các nhóm thiểu số, lấy ví dụ như cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Cộng.

Ông nói rằng Thụy Sĩ sẵn lòng tiếp tục việc đối thoại nhân quyền – vốn đã bị đình trệ vào năm 2018 – với Trung Cộng, vì “khó đối thoại còn hơn không đối thoại.”

Hôm 21/03, ông Cassis nói với tờ báo Thụy Sĩ NZZ am Sonntag rằng Thụy Sĩ sẽ nghiêm khắc hơn đối với các vấn đề nhân quyền của Trung Cộng trong tương lai, xác nhận một sự thay đổi về chính sách. Theo báo cáo của Swissinfo, ông nói rằng giải quyết vấn đề nhân quyền không còn là nhiệm vụ riêng của Bộ Ngoại giao mà là của toàn bộ nội các.

Ông Cassis nói với các phóng viên rằng các giao dịch trong những lĩnh vực khác với Trung Quốc cũng xoay quanh vấn đề nhân quyền, vì “các đặc khu, thành phố, khoa học và kinh doanh cũng có thể đóng góp vào việc bảo vệ các quyền cơ bản.”

Ông cho biết thêm, “Với sự tham gia của tất cả các bên, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều sức thuyết phục hơn về vấn đề nhân quyền.”

Phát ngôn viên Hội đồng Nhà nước Trung Cộng Hoa Xuân Oánh bày tỏ sự bất bình trước quyết định của Thụy Sĩ trong cuộc họp báo hôm 22/3, nói rằng những tuyên bố của nước này liên quan đến nhân quyền, hệ thống chính trị và chính sách dân tộc của Trung Cộng là “những cáo buộc vô căn cứ.”

Bà Hoa nói, “Trung Cộng kiên quyết phản đối” và sẽ không lắng nghe thuyết giảng từ bất kỳ “bậc thầy nhân quyền” nào. Bà cũng đe dọa rằng việc đụng chạm đến những vấn đề như vậy sẽ không giúp ích cho “sự phát triển lành mạnh của mối bang giao Trung Cộng-Thụy Sĩ.”

Việc Thụy Sĩ đưa ra sách lược ứng phó Trung Cộng của nước này đồng thời với các lệnh trừng phạt mới chống lại Trung Cộng của Hoa Kỳ, Canada và Liên minh Âu Châu trong những ngày gần đây về các hành vi lạm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Thụy Sĩ, một quốc gia tuyên bố trung lập, đã bị các tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế chỉ trích vào năm ngoái vì một thỏa thuận bí mật với Trung Cộng cho phép các nhân viên an ninh Trung Cộng hoạt động tự do trong biên giới của nước này – bắt cóc và quấy rối những người bất đồng chính kiến là Hoa Kiều, đồng thời can thiệp vào nỗ lực xin tị nạn tại Thụy Sĩ của những người bất đồng chính kiến.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ nói rằng thỏa thuận bí mật ký năm 2015 với Trung Cộng không còn hiệu lực.

Tờ AFP đưa tin, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thừa nhận vào năm 2015 rằng lợi dụng tính trung lập và chính sách bảo mật cho mối quan hệ ngân hàng-khách hàng của nước này, hàng nghìn nhân vật chính trị trên khắp thế giới, bao gồm các nguyên thủ quốc gia và các quan chức hàng đầu khác, đã cất giữ tiền mặt của mình trong các ngân hàng Thụy Sĩ.

Người ta tin rằng nhiều quan chức cộng sản Trung Cộng và gia đình của họ cũng nằm trong số đó. Con gái của cựu Thủ tướng Trung Cộng Lý Bằng được giới truyền thông chỉ ra nằm trong số những người nắm giữ các tài khoản bí mật ở ngân hàng Thụy Sĩ.

Do Alex Wu thực hiện
Thanh Xuân biên dịch

Previous
Previous

Trung Cộng khai thác nhược điểm trong liên minh chiến lược Mỹ - Philippines

Next
Next

Quân đội Myanmar chiếm tài khoản ngân hàng của George Soros, ra lệnh bắt giữ nhân sự