Có một Đêm Đông ở làng Dương Nội

Nếu 80 năm trước, người thiếu phụ trong Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đứng bên sông “ngẩn ngơ mong chồng”, thì 80 năm sau, trong những ngày cuối cùng của năm, giữa mùa Đông lạnh buốt ở thôn làng Dương Nội, miền Bắc Việt Nam, cũng có người phụ nữ ngày đêm mong ngóng được gặp chồng mình.

Nỗi mong ngóng ấy kéo dài suốt một năm nay. Bây giờ cô biết, cô phải chờ đến mười năm nữa để có được ngày sum họp trong mùa Giáng Sinh, giữa đêm Đông ở làng Dương Nội.

Đỗ Thị Thu – vợ của Trịnh Bá Phương, tức “người nông dân nổi dậy” của làng Dương Nội vừa lãnh án 10 năm tù vì tội “đấu tranh để mong cho đất nước không còn đất bờ xôi ruộng mật bị cướp mất, không ai còn phải bỏ nước ra đi dưới vỏ bọc xuất khẩu lao động, đấu tranh để được bầu cử tự do và người dân có cuộc sống văn minh hơn” (lời của Trịnh Bá Phương trước toà), chưa một lần được vào thăm chồng kể từ ngày Bá Phương bị bắt.

Thu nói: “Mẹ em và Bá Tư (em trai của Bá Phương) từ lúc xử sơ thẩm đến giờ gia đình em cũng có được gặp lần nào đâu.”

Một đêm trước khi diễn ra phiên toà của Bá Phương, với lý do “nghi khu vực nhà có người lây nhiễm bệnh (Covid),” họ canh cửa không cho cô ra khỏi nhà. Nhưng Thu đã tìm cách thoát ra ngoài để đến nơi đang xử chồng mình. Thu kể lại: “Khi họ thấy em ở phiên toà thì những chốt gác ở khu vực nhà em cũng bị gỡ bỏ”

Nhưng cuối cùng, cô vẫn không qua được “chốt gác test Covid” của họ. Con virus vô hình đã giúp cho họ có thêm lý do ngăn cản cô vào toà gặp mặt Bá Phương.

“Họ bắt em vào đồn. Em vào đó khoảng một, hai tiếng thì họ bắt đầu giả vờ là test Covid, xong thì được rồi. Nhưng test xong họ vẫn không cho về. Em nói nếu không cho về thì em sẽ nhờ người nhà mang con lên đây. Khi mẹ em bế con em ra, thì họ khoá cửa đồn lại, không cho mẹ em và con em vào.”
Giữa lúc đó, giữa trời mùa Đông của Dương Nội sáng hôm ấy, có hai chú bé con ngơ ngác bên ngoài toà án. Đứa lớn mang đôi dép quá khổ bàn chân nhỏ bé của nó, tay cầm hộp sữa – phần ăn của nó trong lúc chờ người ta “xử” cha của nó.

Đứa nhỏ chân trần, quần ống thấp ống cao, mặc áo ấm che kín đầu. Trong đôi mắt đen láy của nó lúc này, lẽ ra phải được phản chiếu hình ảnh của cây thông giăng đèn rực rỡ, của ông già Noel với nụ cười phúc hậu phía sau chòm râu trắng xoá. Lẽ ra nó đang được sưởi ấm thêm bởi bàn tay rắn chắc, mạnh mẽ của cha. Từ khi nó mở mắt chào đời đến nay, nó chưa biết mặt cha của mình.

Hai đứa bé ấy là con của Trịnh Bá Phương.

Ngày Bá Phương, Bá Tư, bà Cấn Thị Thêu và bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt (ngày 24 Tháng Sáu, 2020), con trai thứ hai của anh chuẩn bị ra đời.

“Thằng cu lớn thì hồi chồng em mới bị bắt, thì nó nhớ bố lắm, tại em chuyển về ở với bên ngoại, cứ đòi về nhà với bố. Bây giờ thì cũng quen quen rồi. Thằng cu nhỏ thì nó không biết bố nó ạ,” Thu nói qua điện thoại, khi bản án 10 năm vô hiến của Trịnh Bá Phương vừa được tuyên.

Mùa Đông đang đến với làng Dương Nội. Giáng Sinh sẽ về với mọi nhà trong vài ngày nữa. Nhưng gia đình Thu – Bá Phương sẽ không thể như những năm trước là “Ở đây thì Noel tụi em chỉ quây quần với nhau ở nhà thôi” như lời cô chia sẻ. Năm nay, “tụi em” sẽ chỉ là ba mẹ con của cô, với mùa Đông, với ánh mắt ngơ ngác của hai đứa trẻ chưa đủ tuổi để hiểu đúng về hai chữ “Tổ quốc”.
Những năm gần đây, hình ảnh người dân Dương Nội thắp nến cầu nguyện cho các vấn nạn của đất nước và những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm đã trở nên rất quen thuộc với báo chí quốc tế. Bá Phương, Bá Tư và nhiều người dân của làng Dương Nội luôn có mặt trong những buổi thánh lễ của nhà thờ Thái Hà. Họ giơ cao những khẩu hiệu đòi các quyền cơ bản hợp hiến của một con người. Mùa Vọng năm nay, nhà thờ Thái Hà sẽ vắng đi những gương mặt kiên cường ấy. Nhưng chắc chắn, Đêm Đông của làng Dương Nội năm nay vẫn có những ngọn lửa ấm áp nuôi dưỡng nguồn khát vọng tự do cháy bùng cùng ngày mới.

Kalynh Ngô

Previous
Previous

Trung Cộng đóng cửa biên giới, nông dân Việt Nam khốn đốn

Next
Next

Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam qua hai báo cáo của Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ