Trung Cộng đóng cửa biên giới, nông dân Việt Nam khốn đốn
Việc Trung Cộng đóng cửa gần như hoàn toàn đối với nông sản Việt Nam đã khiến cho hàng ngàn xe tải bị kẹt ở cửa khẩu, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh đình đốn, phá sản và nhiều nhà vườn bị mất trắng, theo tìm hiểu của VOA. Hiện giờ, ở tỉnh Lạng Sơn, chỉ duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị (chính ngạch) còn cho phép thông quan hàng hóa nhưng với số lượng nhỏ giọt. Các cửa khẩu tiểu ngạch khác như Tân Thanh đã ngưng nhận hàng từ ngày 18/12, Chi Ma từ ngày 8/12. Cửa khẩu Móng Cái ở tỉnh Quảng Ninh cũng đã đóng hoàn toàn.
Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu, được Tuổi Trẻ dẫn lời nói tại một cuộc họp báo cho biết cho đến sáng 20-12, còn gần 4.600 xe container đang bị kẹt tại các cửa khẩu của tỉnh này.Trong lúc này, chính quyền Trung Cộng vừa thông báo họ sẽ dừng thông quan hàng hóa của Việt Nam 14 ngày trước và 14 ngày sau Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân của đợt phong tỏa gắt gao này mà phía Trung Cộng đưa ra là họ đã ‘phát hiện tài xế và hàng hóa của Việt Nam dương tính với virus corona’.
‘Thúi từ từ’
Từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long, công ty Phương Ngọc-Cái Bè, vốn chuyên xuất hàng đi Trung Cộng, là một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề.
Trao đổi với VOA, giám đốc công ty là ông Võ Tấn Lợi cho biết hiện giờ ông đang ‘bị kẹt 10 công (container) ở biên giới và hàng đang thúi từ từ’.
“Bây giờ chỉ có cửa Hữu Nghị đi được, nhưng mà mỗi ngày hỏi mấy ngàn xe mà họ chỉ cho mấy chục xe qua. Các xe xếp hàng đâu phải chỉ riêng doanh nghiệp mình không mà còn nhiều doanh nghiệp khác nữa, nhiều mặt hàng khác nữa,” ông nói. “Mỗi năm tới mùa này mỗi ngày tụi tui đóng từ 2-3 công mít xuất Trung Cộng. Giờ không đi được công nào,” ông than thở.
Trong số 10 xe bị kẹt, có 2 xe hàng đã hư phải đổ ra bán tháo cho người dân vùng biên Lạng Sơn, còn 8 xe vẫn đang tiếp tục xếp hàng, cũng theo lời ông Lợi. Mỗi công trị giá 600 triệu, đổ ra ngoài bán hàng chợ chỉ được 100 triệu, còn nếu hư hại nhiều chỉ được 50-60 triệu đồng – chưa đủ trả một nửa tiền cước vận chuyển là 120 triệu đồng một công. Số tiền lỗ, ông Lợi nói, ông và bạn hàng lâu năm bên Trung Cộng cùng nhau thương lượng để ‘mỗi bên gánh một nửa’.
Hiện giờ, vị giám đốc này cho biết công ty của ông đã ngưng thu mua từ nhà vườn ‘để chờ Bộ Công thương Việt Nam nói chuyện với Trung Cộng và chờ chính sách mới của Trung Cộng’.
“Mà phía họ cứ ậm ừ thế này thì đến khi giải quyết cho thông quan được thì mấy ngàn xe nông sản kẹt ngoài đó chắc cũng tiêu hết, cùng lắm chỉ qua được khoảng 1/3,” ông bi quan. “Có một số nhà vườn đã bỏ luôn, không cắt luôn, để cho chuột dơi ăn, còn một số bán hàng chợ được thì họ cắt,” ông nói thêm.
‘Lệ thuộc Trung Cộng’
Tuy nhiên, nếu phải đưa hàng ra bán chợ thì thị trường trong nước tiêu thụ chỉ tới 20% sản lượng nông sản ‘là hết mức’, ông Lợi cho hay. Số 70-80% còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Cộng. “Tôi có đem chở ra Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng nhưng bán không đáng kể,” ông nói.
Về các thị trường khác ngoài Trung Cộng, ông Lợi nói ‘không ăn thua’. Chẳng hạn công ty ông xuất rất nhiều mít, mà Mỹ tự trồng được mít ngon mà rẻ, trong khi thị trường Hàn Quốc ‘ăn có bao nhiêu đâu, độ một tháng chừng 5-3 tấn’.
Riêng sầu riêng có thể xuất sang Mỹ, châu Âu nhưng ‘bên Mỹ, châu Âu ăn không nhiều, chủ yếu người châu Á mới ăn’. “Chỉ có dân Trung Cộng mới ăn sầu riêng nhiều,” ông nói.
Ông Lợi cho biết ông sắp sửa xuất vài lô xoài cát Hòa Lộc đi Mỹ bằng đường máy bay. Mặc dù là một đặc sản nổi tiếng của Việt Nam nhưng đến Mỹ xoài cát Hòa Lộc lại có tính cạnh tranh không cao do chi phí vận chuyển cao.
“Lúc trước chưa có dịch bệnh, chi phí bay qua Mỹ là 3-4 đô la một ký. Đợt dịch rồi hãng bay tăng lên 5 đô mấy một ký mà đâu phải lúc nào cũng có chuyến bay. Đó là còn chưa kể chi phí bao bì, chiếu xạ các thứ.” ông giải thích. “Người Mỹ bỏ một số tiền cao để ăn một thứ trái thì họ cũng phải suy nghĩ chứ.”
So sánh giữa thị trường Mỹ và Trung Cộng, ông Lợi nói: “Thị trường Trung Cộng ăn nhiều, bán nhờ số lượng nhiều nên đúng ra xuất qua Trung Cộng có lợi hơn. Mỹ ăn rất ít.”
Có khi, thị trường Trung Cộng thu mua giá cao hơn Mỹ nên lợi nhuận cao hơn, ông nói. “Nếu bán được thì bạn hàng bên Trung Cộng giá nào họ cũng mua.” Chưa kể, thị trường các nước phương Tây tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều thị trường Trung Cộng.
Do đó, theo lời ông Lợi thì tất cả hàng nông sản, trái cây Việt Nam, từ thanh long, xoài, bưởi, mít, sầu riêng…, ‘đều phải dựa vào thị trường Trung Cộng’.
Sơ suất kiểm dịch?
Ông Lợi cho rằng lý do phía Trung Cộng đưa ra là có tài xế Việt Nam ‘nhiễm COVID-19’ là không thỏa đáng.
“Cách nay chừng ba tháng dịch bệnh ở Việt Nam đang căng mà hàng Việt Nam vẫn qua Trung Cộng ào ào mà,” ông lập luận.
Tuy nhiên, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Cộng tại Việt Nam, được Tuổi Trẻ dẫn lời nói mong ‘Việt Nam thông cảm cho chính sách zero COVID của Trung Cộng’. Hiện giờ Bắc Kinh ‘chống dịch trên hết’ nên phải làm chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Ông Lợi nói công ty ông quy mô lớn, nhiều nhân công nên phải ‘kiểm dịch chặt chẽ. “Tài xế đến công ty phải đưa giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào bốc hàng,” ông nói nhưng thừa nhận rằng ‘dọc đường tài xế ghé đâu, làm gì thì mình không kiểm soát được.”
Khi các tài xế ra đến cửa khẩu trước khi vào bãi chờ đều bị chính quyền Lạng Sơn xét nghiệm, ai bị dính COVID thì không cho vào, cũng theo lời ông Lợi. Ngoài ra, kể từ mấy tháng nay, tài xế Việt Nam cũng không được lái xe qua Trung Cộng giao hàng như trước.
“Khi hàng tới cửa khẩu thì bên này gọi điện cho bạn hàng bên kia, họ sẽ cho xe bên kia chạy qua, nhận hàng xong rồi chạy về,” ông giải thích.
“Làm như thế lâu nay êm quá, đến bây giờ thì xảy ra chuyện tài xế Việt Nam bị Covid tôi không hiểu nổi,” ông bức xúc. “Chỉ một xe hàng bị dương tính mà tất cả cửa khẩu đều bị đóng hết.”
Về lý do trên hàng hóa Việt Nam có dính virus như phía Trung Cộng nói, ông Lợi giải thích: “Ví dụ như trái mít đem về, bên tôi xử lý, rửa sạch rồi quấn đem lên xe còn cái việc có nhiễm Covid hay không thì thật sự doanh nghiệp đâu có kiểm soát được. Chúng tôi đâu có dụng cụ hay kỹ năng xét nghiệm hàng hóa đâu.”
‘Ráng cầm cự’
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Lợi cho biết ông đang ‘có hướng xuất một số mặt hàng qua Mỹ như sầu riêng, vú sữa Lò Rèn’. “Dù không nhiều nhưng cũng có chi phí nuôi công nhân trong lúc này,” ông nói.
Bây giờ công nhân ở công ty ông được ‘cho ở không nhưng vẫn phải trả lương’, cũng theo lời ông, nhưng ông chỉ cầm cự được ‘một hai tháng’. Nếu Trung Cộng tiếp tục đóng cửa kéo dài thì ‘chịu không nổi’.
Nếu như trước đây cửa khẩu chính ngạch bị tắc thì ông còn tìm đường cho xe chạy lên Lào Cai hay Hà Giang đi đường tiểu ngạch, ông cho biết, nhưng hiện giờ thì ‘không dám làm’ vì phía Trung Cộng mà bắt được là ‘họ bỏ tù’.
“Bây giờ ai đem được trái mít qua Trung Cộng là bán lời rất nhiều nhưng chủ hàng Trung Cộng đều rất sợ, không ai dám làm,” ông nói thêm. “Các cửa khẩu tiểu ngạch chỉ cần xét nghiệm tài xế âm tính là cho qua luôn,” ông giài thích.
Ngoài ra, ông cũng tính đi đường biển nhưng ‘hỏi các dịch vụ tàu biển thì không ai dám ký chứng thư cho đi hết’. Ông dẫn ra việc mấy tháng trước có lô hàng 7 công thanh long Việt Nam xuất bằng đường biển sang đến cảng Trung Cộng thì bị đuổi về ‘do phát hiện virus corona trên trái thanh long’.
“Ở Việt Nam có giấy kiểm dịch hàng hóa kèm theo là một lẽ, nhưng qua đến cảng bên Trung Cộng có chấp nhận cho nhập không là một lẽ,” ông nói thêm.