Các nhà hoạt động Việt Nam bị ‘chặn’ không được dự sự kiện của Ukraine
Một số người ủng hộ dân chủ đã bị an ninh ở Việt Nam ngăn chặn không cho tới tham dự một sự kiện ủng hộ Ukraine ở Hà Nội sau khi Nga tiến hành xâm lược đất nước này trong khi chính phủ Việt Nam tiếp tục trung lập về cuộc tấn công bị thế giới lên án.
Đại sứ quán Ukraine hồi đầu tháng này tổ chức một hội chợ nhân đạo với mục đích gây quỹ ủng hộ cho những người cần sự hỗ trợ ở Ukraine và các nhà hoạt động cho biết họ đã bị an ninh “canh cửa” và “ngăn cản” không cho đến tham dự sự kiện này.
Những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam thường bị các lực lượng công an mặc thường phục theo dõi và ngăn cản không cho tới dự các cuộc biểu tình, các phiên toà hình sự hay các cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài cũng như nhiều sự kiện khác.
Chị Hoàng Hà, một người ủng hộ nhân quyền, cho biết rằng buổi tối hôm trước sự kiện nhân đạo của Ukraine, các nhân viên an ninh cấp phường và quận đã hỏi chị có dự định tham dự hay không. Vào buổi sáng ngày 5/3, một nhân viên an ninh mặc thường phục ngăn cản không cho chị rời khỏi nhà mặc dù chị đã hứa chỉ đi đến nhà một người bạn để cùng ăn trưa.
Tương tự, bà Phạm Thị Lân, vợ tù nhân chính trị Nguyễn Tường Thuỵ, cho biết rằng bà đã bị an ninh mặc thường phục canh giữ trước cửa nhà hôm 5/3 mặc dù bà không có ý định đến tham dự sự kiện ở Đại sứ quán Ukraine. Khi được hỏi, nhân viên an ninh nói với bà Lân rằng họ đến canh nhà bà vì được “chỉ đạo từ cấp trên.”
“Họ sợ cả một người không làm gì và cũng không có ý định làm gì nên cứ cử người đến canh,” bà Lân nói và cho biết nhà bà thường bị “canh cửa” khi có các sự kiện mà an ninh Việt Nam lo ngại có sự tham gia của các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến. “Can thiệp vào cuộc sống bình thường của người dân như thế là vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật.”
Theo thống kê của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW), có ít nhất 8 nhà vận động dân chủ đã bị ngăn cản không tới được sự kiện của ĐSQ Ukraine, trong đó có cả Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm Việt Nam và thường lên tiếng phản biện xã hội.
“An ninh Việt Nam thường cản trở việc đi lại của các nhà hoạt động, chặn không cho họ rời khỏi nhà hay khu vực sinh sống để ngăn cản họ tham dự một sự kiện mà chính quyền coi là có vấn đề,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/3 khi kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc cản trở quyền tự do đi lại với động cơ chính trị. “Giờ đây chính quyền Việt Nam lại mở rộng chính sách kiềm toả sang việc ngăn chặn người dân thể hiện sự ủng hộ với người dân Ukraine đang bị tấn công.”
Chính phủ Việt Nam cho tới lúc này vẫn có lập trường trung lập đối với cuộc tấn công của Nga, một đối tác chiến lược toàn diện và thân thiết của họ. Trong phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 2/3 về nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt tấn công quân sự ở Ukraine cũng như lên án nước này vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng.
Khác với lập trường của chính phủ Hà Nội, nhiều người dân Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga mà truyền thông lề phải của Việt Nam vẫn gọi theo cách mà Nga mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt.”
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước hôm 3/3 đã trao bức thư “Ủng hộ nhân dân Ukraine” cho Đại biện lâm thời nước này ở Hà Nội. Trong khi đó, ông Đoàn Bảo Châu, một nhà phản biện xã hội được nhiều người theo dõi rên Facebook đã quyên góp được 461 triệu đồng và trao cho đại biện lâm thời Ukraine Nataliya Zhynkina hôm 8/3. Bà Zhynkina, trong một cuộc phỏng vấn với VOA gần đây, kêu gọi chính phủ Việt Nam bày tỏ lập trường và “nêu đích danh kẻ xâm lược.”
Chị Đặng Bích Phượng, trong số những người bị an ninh ‘canh cửa’ không cho đến dự sự kiện hôm 5/3 của ĐSQ Ukraine, cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Rất mong nhân dân Ukraina thông cảm với chúng tôi. Ủng hộ trên mạng thì bị khoá (Facebook). Ủng hộ ngoài đường thì bị chặn cửa. Ít nhất nhân dân Ukraina còn được tự do hơn chúng tôi.”
Theo một phúc trình được HRW công bố vào tháng trước có tên “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” chính quyền ở Hà Nội thường áp dụng nhiều phương pháp để quản thúc người dân tại gia, như cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khoá cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khoá, dựng rào chắn và các chướng ngại vật để ngăn người bên trong không rời khỏi nhà và những người khác không vào nhà được, hay thậm chí huy động ‘côn đồ địa phương’ đe doạ người dân ở nguyên trong nhà và đổ các chất kết dính mạnh – như keo đa năng – vào ổ khoá.
Một trong những sự việc mà các nhà hoạt động bị ngăn cản đến tham dự được nhắc tới nhiều là buổi gặp mặt với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông tới Hà Nội năm 2016. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius cho biết trong một lần phỏng vấn với VOA vào năm ngoái, lực lượng an ninh, vì lo ngại, đã “xua đuổi đuợc một số người đáng ra đã có mặt tại cuộc gặp với Tổng thống Obama.” Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù ở Việt Nam, và Tiến sỹ Nguyễn Quang A là hai trong số những người cho biết rằng họ đã bị lực lượng an ninh ngăn cản không cho đến gặp tổng thống Mỹ lúc đó.
HRW, tổ chức có trụ sở ở New York nói rằng việc cho người canh giữ trước nhà hay ngăn chặn việc đi lại là một cách làm "có hệ thống" của chính quyền Việt nam để đối phó với các nhà hoạt động nhân quyền.
Việt Nam không đưa ra bất kỳ phản ứng nào về phúc trình mà HRW công bố tháng trước nhưng chính phủ Hà Nội thường phản bác các chỉ trích của quốc tế về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình cũng như luôn nói rằng chính quyền chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật. Gần đây nhất hôm 2/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói rằng Việt Nam “bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người” khi phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
“An ninh và công an Việt nam sách nhiễu và xâm hại các nhà hoạt động nhân quyền và những người phê phán chính quyền một cách ngang nhiên tối đa, và thường được miễn trừ trách nhiệm hoàn toàn,” ông Robertson nói và kêu gọi chính phủ của các quốc gia hữu quan “cần khẩn thiết lên án tình trạng lạm quyền hàng loạt này” cũng như “kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt việc vi phạm quyền tự do đi lại của người dân chỉ vì niềm tin và ngôn luận của họ.”