Truyền thông VN 'đổi hướng', mạng XH sôi nổi bàn về chiến sự Ukraine
Dù chậm nhưng truyền thông do Nhà nước kiểm soát ở Việt Nam đã thay đổi cách bình luận, đưa tin về cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Hôm 16/03/2022 trang Viet Times sau khi phỏng vấn Đại tá Lê Thế Mẫu, một người được phong là nhà bình luận 'chiến lược', ca ngợi cuộc chiến của TT Putin "nhằm phi phát-xít hóa" nước láng giềng, đã phỏng vấn cựu Cục trưởng Thông tin Đối ngoại, Bộ TT&TT, ông Lê Nghiêm.
Ông Lê Nghiêm nêu quan điểm khác với ông Lê Thế Mẫu, và nói rành rọt:
"Cuộc chiến ở Ukraine được gọi bằng những cái tên khác nhau như xung đột vũ trang, chiến dịch quân sự đặc biệt, chiến tranh... Theo các chuyên gia luật pháp quốc tế, dựa trên định nghĩa của Liên hợp quốc và Luật Quốc phòng Việt Nam, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược..."
Chuyển biến này về quan điểm trên báo chí ở Việt Nam liên quan đến chiến tranh tại Ukraine ngay lập tức đã được cộng đồng mạng xã hội Việt Nam ghi nhận, chia sẻ, tuy có ý kiến chê rằng "quay xe nhanh".
Trước đó, hôm 14/03, bài "Đại tá Lê Thế Mẫu kiên trì ca ngợi TT Putin và tin vào thắng lợi của Nga ở Ukraine" của BBC đã thu hút nhiều bạn đọc và bình luận trên web và mạng xã hội.
Nội dung và đường dẫn trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt nhận được trên 210 nghìn người tiếp cận (people reached), và hàng chục nghìn lượt tương tác sau ba ngày.
Một số Facebooker như Quốc Hùng Lê hỏi: "Vì sao ông Lê Thế Mẫu liên tục xuất hiện "trên nhiều kênh ở VN trong đó có cả VTV"?
Elena Oanh Trần viết: "Chính quyền độc tài của ông Putin thật là "xuất sắc" trong việc "tẩy não"… họ không chỉ "tẩy não" được đa số người dân Nga "ngây thơ" mà còn "tẩy não" xuyên quốc gia…với những người mang tiếng là có chức vị…"
Hồng Quân Lê thì than thở: "Đến Đặng Tiểu Bình là thằng phát động cuộc chiến tranh 17-2-1979 trên toàn tuyến biên giới Việt Trung còn được Việt Nam tôn vinh là nhà kinh tế , chính trị, quân sự lỗi lạc được in thành sách bán tại Việt Nam mà..."
Trong vài tuần liền, báo chí chính thống VN né tránh câu chuyện Nga bắn phá các khu dân cư, giết chết thường dân Ukraine
Còn Dakvo Dakvo thì khuyên: "Vậy hỏi ngài rằng nước Đức là cái nôi của phát xít nên tồn tại không, trong khi Ukraine chỉ có một ông tt là người Do Thái, suy diễn tào lao, nên dừng lại cho nhân dân Ukraine bớt đau khổ."
Trên Facebook, cây bút Trương Huy San từ TP Sài Gòn yêu cầu ông Lê Thế Mẫu không "đại diện cho quân đội" để phát biểu.
Tuy xuất hiện sau, ý kiến của ông Lê Nghiêm cũng được nhiều bạn đọc trang Viet Times ở Việt Nam đón nhận.
Cho đến cuối ngày 16/03 giờ HN, bài đó vẫn giữ vị trí vững trong top 5 các bài đọc nhiều nhất trên trang Thế giới của họ.
Đặc biệt, trang Quân đội Nhân dân cũng đưa tin cụ thể hơn về tình hình tại Mariupol trong bài hôm 16/03, nói rõ là thành phố của Ukraine bị Nga bắn phá.
Bài báo viết Mariupol "tàn phá nặng nề bởi bom đạn của Nga".
Điều này khác với một số bản tin của đài báo Việt Nam trước đó thậm chí chỉ ghi là "tên lửa trên trời rơi xuống" tàn phá chợ có người VN làm ăn ở Kharkiv mà không dám nói bên nào bắn.
Cho đến hết tuần đầu tháng 3/2022, đa phần đài báo Việt Nam kiên trì gọi theo cách của Điện Kremlin rằng đây là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine (VTC News 27/02; VietnamNet 07/03; tuyengiao.vn 08/03…)
Riêng trang Tuổi Trẻ, tờ báo có tay nghề hơn nhiều báo khác ở Việt Nam và cách nhìn thoáng hơn, đã có hẳn Chuyên mục Tag Nga Xâm lược Ukraine.
Mạng xã hội VN ngay từ 24/02 là "chiến trường" của hai phái ủng hộ và phê phán TT Putin.
Những người ủng hộ cuộc xâm lăng của Nga đánh vào láng giềng "đồng tộc, đồng đạo" thì thường viện ra cuộc chiến Kosovo, Iraq để nói là "Nga có quyền xâm lăng, như Mỹ từng làm".
Phía ủng hộ Ukraine thì trích đăng nhiều lời kể của bà con VN chạy loạn khỏi Ukraine, đồng thời đăng các tin, video do chính quyền Ukraine tung ra, ghi nhận thành tích "diệt xe tăng, thiết giáp Nga" của họ.
Các nguồn này đôi khi cần phải được bên thứ ba kiểm chứng mới đạt độ chính xác.
Tuy thế, nhìn chung thì phía Ukraine đã vượt trội Nga về việc tác động đến dư luận thế giới qua cách dùng mạng xã hội, và điều này có tác động nhất định đến nhãn quan của người VN.
Ngược lại, phe "ủng hộ Putin đến cùng" có vẻ mất nhiều ngày vẫn không hiểu sự nghiêm trọng của các lệnh cấm vận tàn khốc của Phương Tây đánh vào Nga, có lẽ vì thiếu thông tin về cách vận hành của hệ thống tiền tệ, tài chính quốc tế.
Sự quan tâm chưa từng có
Bài của BBC News Tiếng Việt trích bình luận đại tướng Mỹ đã nghỉ hưu, ông David Petraeus nói rằng đại binh Nga bộc lộ nhiều yếu kém chuyên môn khi xâm lược Ukraine, đã được trên 72 nghìn người đón nhận trên Facebook, chỉ sau 3 giờ đăng.
Các ý kiến ở Việt Nam xem ra cũng thay đổi sau khi Nga mất ba tuần mà không đạt "thắng lợi thần tốc".
Bạn Nguyễn Hoàng Giang thử giải thích trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:
"Trong Thể Thao , yếu tố " Sân nhà " cùng với " Tinh thần thi đấu " của các cầu thủ là yếu tố quan trọng cho Chiến Thắng . Bên cạnh đó , sự Cổ vũ của khán giả kết hợp " đấu pháp " hợp lý thì không ghi bàn mới là lạ...Đội tuyển Ukraina lại được cả Thế Giới ngưỡng mộ vì tinh thần thi đấu " Quật Cường " chắc Bầu Putin phải " sa thải " thôi.
Tin các tướng Nga liên tiếp tử trận ở Ukraine và lời cảnh báo thất bại của ông Viktor Zolotov, cựu vệ sĩ của Tổng thống Vladimir Putin, cũng được nhiều người VN chú ý.
Các Facebooker người Việt còn chú ý đến phong cách của TT Putin.
Bạn Nguyễn Kính bình luận chuyện này: "Tướng này khi Putin gọi dạ bảo vâng cúi đầu không dám nhìn đi thụt lùi như vua chúa thời xưa Putin là đại đế thế kỷ 21 dám đâu phản biện tướng nịnh thần thấy mà tội nghiệp cho ông ta..."
Tuy thế, cũng không thiếu sự hả hê trước sự hy sinh của quân Nga, và TT Putin được một số người VN phong là "tư lệnh sát tướng" - sau khi bốn vị tướng Nga thiệt mạng ở Ukraine chỉ trong ba tuần.
Báo VN đã cân bằng hơn nhưng còn chưa giải thích hết
Cho đến 15 và 16/03 tin biên tập viên đài truyền hình nhà nước Nga, bà Marina Ovsyannikova mang biển phản đối chiến tranh ngay trong khi có show phát hình, được đa số các báo Việt Nam đăng tải, từ các trang web toàn quốc như ZingNews đến báo địa phương như báo Tây Ninh.
Với khó khăn cho chiến sự của Nga và lệnh cấm vận hà khắc của Phương Tây tác động ngày một xấu cho Điện Kremlin, ngay trong giới văn nghệ sĩ, quan chức Nga ngày càng có nhiều, và đây là điều hẳn các báo Việt Nam sẽ cần đăng tải.
Ví dụ hôm 15/03, trả lời BBC World Service bằng tiếng Anh, cựu thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov công khai phê phán chính sách của ông Putin làm nước Nga bị cô lập, bị trừng phạt.
Ông Kasyanov cũng cho rằng sẽ ngày càng có nhiều người Nga lên tiếng phản đối cách tiến hành chiến tranh của Điện Kremlin.
Một điều truyền thông của Đảng Cộng sản ở Việt Nam còn né tránh là phân tích cho kỹ thái độ bài Lenin và chống Marxism của ông Putin.
Trong diễn văn trước khi tấn công Ukraine, ông Putin nói sẽ "giải trừ cộng sản" (decommunization) ở Ukraine cùng với "phi phát-xít hóa".
Lý do, theo cách hiểu lịch sử rất hẹp của ông ta, là nước Ukraine không có dân tộc tính, mà chỉ sinh ra do "sai lầm" của chủ nghĩa xã hội thời Liên Xô, nên cần phải sáp nhập vào Nga, ở hình thức như thời các Đế chế của Sa Hoàng.
Luận điểm này của cái gọi là Putinism đã bị phe Tả châu Âu trên trang Social Europe bác bỏ.
Còn tại Nga, ngay hôm 27/02, nghị sĩ Đảng CS Nga Mikhail Matveev là thành viên Duma đầu tiên lên án cuộc chiến của Putin ở Ukraine.
Sự hỗn độn về lý luận của chủ nghĩa Putin tuy thế không làm châu Âu ngạc nhiên vì ông ta từng có những phát biểu kỳ quái như 'Marxism sinh ra từ Kinh Thánh'.