Công an Việt Nam tiết lộ chi tiết vụ quan chức Ngoại giao, Y tế 'vụ lợi' trong chống dịch
Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Công an thông tin thêm về tội "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ" trong vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Ngày 30/6, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Tại cuộc họp báo, liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng Trần Thanh, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết, đến nay cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 7 bị can về tội nhận hối lộ, 3 bị can tội đưa hối lộ.
Cụ thể, 7 bị can bị bắt về tội "Nhận hối lộ" gồm:
Ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao
Ông Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao
Ông Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao
Ông Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân
Ông Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an
Ông Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế
3 bị can bị bắt về tội "Đưa hối lộ" là các chủ doanh nghiệp:
Bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19
Đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nói bước đầu đã chứng minh được các bị can trong vụ án này đã nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.
"Tuy nhiên, vụ án đang trong giai đoạn điều tra, việc xác định mỗi bị can đưa bao nhiêu, nhận bao nhiêu cần phải chờ kết luận điều tra," đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nói.
Ông Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng ‘không phải là đấu đá nội bộ’
VN: Vì sao Đảng khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử?
Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể bị tù 15-20 năm?
Cũng trong buổi họp báo, liên quan đến vụ đại án Việt Á, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục C03 Bộ Công an nói cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố hơn 70 bị can về 4 nhóm tội danh chính.
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai uỷ viên trung ương mới nhất bị khai trừ, khởi tố và tạm giam để điều tra về sai phạm liên quan đại án Việt Á. Ông Long bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Anh bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
"Tội danh đã nói lên có vụ lợi hay không vụ lợi. Có yếu tố vụ lợi, chúng tôi mới khởi tố tội danh này. Chúng tôi đang điều tra và sẽ kết luận, thông tin kịp thời khi có căn cứ, cơ sở," Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành nói trong buổi họp báo.
Cả hai vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và đại án Việt Á đều được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Cùng ngày 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
Đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, ông Trọng cho rằng công tác chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận được sự ủng hộ của nhân dân và trở thành "xu thế không thể đảo ngược".
"Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
"Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta," ông Trọng nói.
Ông Trọng cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo "không có vùng cấm" trong công cuộc "đốt lò" do ông khởi xướng.
"Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào'," Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng phát biểu.
Vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được vị tổng bí thư đánh giá cao. Ông nói:
"Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng tốt; thực sự là "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến đại án Việt Á như một ví dụ điển hình về việc Việt Nam chống tham nhũng không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn cả khu vực ngoài nhà nước.