Vì sao Đảng Cộng sản khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử?

Sự kiện Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc bị xử lý hôm 7/6 gây rúng động dư luận về quy mô tham nhũng của các quan chức cấp cao. Cả ba ông đều bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam.

Nạn tham nhũng trong nội bộ Đảng

Bàn về những sai phạm về tham nhũng, ông Dương Trung Quốc nhận định: "Cách đây 15 năm khi có luật chống tham nhũng, tôi là người lên tiếng việc chính đặc thù Việt Nam với Đảng lãnh đạo toàn diện, nên tất cả quan chức hoặc người có quyền mà có thể tác động vào tài sản công đều là Đảng viên. Rõ ràng tới bây giờ, càng ngày càng thấy điều đó ứng nghiệm vào đời sống, phần lớn những người sai phạm về tham nhũng đều là quan chức, thuộc nội bộ Đảng cả. Điều đó là sự thật và người ta cũng chứng kiến chính Đảng cũng phải thanh lọc nội bộ mình thì mới giữ được vai trò lãnh đạo."

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) hàng năm, Việt Nam tăng 17 hạng vào năm 2021 so với năm 2020

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng, việc bắt bớ mới nhất này chỉ là thanh trừng trong nội bộ Đảng.

"Tham nhũng là bản chất, là đặc tính cố hữu của hệ thống này - một hệ thống không có cái gọi là nhà nước pháp quyền, luật trị hay thượng tôn pháp luật. Luật pháp là phải nghiêm minh với tất cả mọi người, mọi cơ quan và không ai có thể ngồi xổm lên pháp luật được. Nhưng nếu làm đúng thế và quy vào tội tham nhũng thì trong bộ máy này, không ai mà không bị đi tù. Cho nên, chuyện "đốt lò" hay "đả hổ diệt ruồi" không giải quyết được vấn đề cơ bản của tham nhũng."

Trong nghiên cứu ra mắt năm 2017 của Vũ Anh Đào, làm ở Victoria University of Wellington, New Zealand bằng tiếng Anh có tựa đề "Tiền là tiên là phật: Investigating the Persistnece of Corruption in Vietnam", tác giả nhận định điều tự:

"Bằng chứng chỉ ra cách thức hoạt động của tham nhũng vặt, tham nhũng lớn hoặc tham nhũng chính trị trong hệ thống, đã phần nào giúp giải thích tình trạng tham nhũng dai dẳng ở Việt Nam, vì hầu như tất cả mọi người trong hệ thống đều tham gia đưa và nhận hối lộ, và họ có lý do để làm như vậy. Hơn nữa, quan chức chính phủ có xu hướng nghĩ rằng, ngừng làm như vậy có nghĩa là bị loại trừ khỏi hệ thống."

Nghiên cứu của Vũ Anh Đào dựa vào tài liệu, dữ liệu mà cô phỏng vấn người dân Việt Nam và giới chuyên gia trong nước ở lĩnh vực chống tham nhũng, bao gồm chính trị gia, quan chức chính phủ cấp cao, nhà báo, học giả, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

'Chống tham nhũng ở cả khu vực tư nhân'

Theo kết quả nghiên cứu trên, "thực tế, hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ điều gì tốt và không tốt cho đất nước, tuy nhiên, họ vẫn muốn duy trì thể chế hiện tại và hệ thống phức tạp vì lợi ích của họ."

"Họ nhấn mạnh rằng, bản chất của hệ thống chính trị Cộng sản này là nhằm thu lợi nhuận tối đa bằng cách lợi dụng hệ thống khó hiểu. Theo họ, gốc rễ của vấn đề là ở chính chế độ. Nó là chế độ độc tài toàn trị và thể hiện qua sự can thiệp của các nhà lãnh đạo vào bất cứ điều gì duy trì đặc quyền của giới lãnh đạo."

Đồng quan điểm, ông Quang A cho rằng, so với ông Đinh La Thăng thì ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long "không ăn thua".

"Ông Thăng còn là Ủy viên Bộ Chính trị - cơ quan đầu não, gồm những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước - thì có bớt sai phạm về tham nhũng không. Muốn bớt tham nhũng, tôi nói bớt, chứ không phải diệt vì tham nhũng ở đâu cũng có, thì cần quản trị nhà nước tốt, luật pháp nghiêm minh. Còn luật pháp tùy tiện, cơ quan tư pháp cũng là cánh tay của Đảng, Đảng muốn thế nào thì tòa án xử như thế thì sự tùy tiện này đẻ ra tham nhũng ở quy mô tràn lan."

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Về lý thuyết, chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất".

Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận xét: "Những gì mà Đảng đã và đang làm chỉ là cuộc "tiểu phẫu" ở tay, chân thôi chứ muốn làm một cuộc "đại phẫu" cắt đi tế bào ung thư tham nhũng thì Đảng không thể tự làm được. Giống bác sĩ không thể tự mổ não, nội tạng của mình mà phải nhờ đến bác sĩ khác. Muốn xử lý triệt để tham nhũng thì phải sử dụng một lực lượng khác ngoài ĐCS, đó là người dân."

Previous
Previous

Công an Việt Nam tiết lộ chi tiết vụ quan chức Ngoại giao, Y tế 'vụ lợi' trong chống dịch

Next
Next

Việt Nam: Gia Hạn Tạm Giam Bị Can Nguyễn Phương Hằng