Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên: Không có chỗ tá túc lâu dài ở Việt Nam

Gia đình cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên

Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên cùng chồng cũng là cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú và con gái vào ngày 12/4 lên trường sang Hoa Kỳ. Sau hơn một tháng định cư tại nước Mỹ, bà xác nhận lại với RFA tình trạng của gia đình khi còn ở Việt Nam và lý do phải lên đường đến “xứ lạ, quê người”. Bà trình bày:

“Thực sự ra đi là quyết định rất khó khăn, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Nếu chỉ phải đối mặt với khó khăn và tù đày thì chưa chắc chúng tôi đã ra đi.

Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải ra đi khi căn nhà nhỏ bé của chúng tôi ở Vườn rau Lộc Hưng bị đập. Con gái tôi mới 13 tháng tuổi nhưng tôi không có chỗ.

Không có chỗ cho chúng tôi tá túc lâu dài, dù chỉ là phòng trọ. Tôi thật sự không biết người khác sẽ làm gì khi họ ở vào hoàn cảnh của chúng tôi.”

Hai vợ chồng bà Nghiên mua được mảnh đất ở Vườn rau Lộc Hưng và dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để cất một căn nhà đơn sơ, nhưng chỉ dọn vào ở được một đêm thì nhà chức trách địa phương đã dùng máy ủi sang bằng trong cuộc cưỡng chế ngay trước Tết Nguyên đán năm 2019.

Từ đó tới khi rời Việt Nam, gia đình bà đã phải chuyển chỗ ở năm lần, vì sự can thiệp của an ninh TP HCM lên chủ nhà nhằm trả thù vì các hoạt động ôn hoà cổ suý dân chủ, nhân quyền và bảo vệ chủ quyền của quốc gia ở Biển Đông trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Bà Phạm Thanh Nghiên bị bắt vào ngày 18/09/2008 khi đang tọa kháng tại nhà trước băng rôn có dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phản đối công hàm bán nước 14/9/1958.”

Tuy nhiên, bà bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 vì bài viết đưa lên mạng Internet có tựa đề “Uất ức quá biển ta ơi” về những ngư dân bị Trung Quốc bắn giết và cướp bóc ở biển Đông, và trả lời phỏng vấn nhiều đài báo tiếng Việt ở nước ngoài như RFA và Radio Chân trời mới với nội dung “chống chế độ.”

Bà bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia, mãn hạn tù vào tháng 9/2012.

Ông Huỳnh Anh Tú và em trai là Huỳnh Anh Trí, bị kết án 14 năm tù giam vì “khủng bố, âm mưu lật đổ chính quyền.” Họ mãn hạn tù vào cuối năm 2013, và nửa năm sau đó, người em mất vì bệnh AIDs do sử dụng chung dao cạo râu với bạn tù nhiễm HIV.

Cho đến gần thời gian ra đi, ông Tú mới được cấp thẻ căn cước công dân, một thứ giấy tờ thiết yếu mà vì không có nên ông không thể đăng ký tạm trú hay đi thi để lấy bằng lái xe máy trong gần 10 năm qua.

Bà Nghiên cho RFA biết bà có cơ hội đi định cư ở nước ngoài khi đang thi hành án tù hoặc ngay cả khi đã mãn hạn tù, nhưng trước đó, bà đã lựa chọn ở lại vì “đất nước mình thì mình sống thôi.”

Khi quyết định rời bỏ đất nước ra đi, bà rất day dứt, giống như những người vượt biên sau năm 1975 hoặc những tù nhân lương tâm bị buộc phải sống lưu vong sau này:

“Mỗi cuộc ra đi đều mang một câu chuyện khác nhau. Có thể không phải là tất cả nhưng tôi tin phần lớn những người phải ra đi ấy đều đứng trước quyết định khó khăn, bị giằng xé trước nghĩa vụ, trách nhiệm, tình thân và cả tương lai trước mắt nữa.

Thậm chí có người còn dằn vặt bởi mặc cảm rằng mình phải bỏ nước bỏ bạn bè ra đi.”

Sau khi đến Houston, tiểu bang Texas, bà cho biết nhận được sự trợ giúp của những người đi trước, để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Bà cho biết chồng mình, ông Huỳnh Anh Tú đã lấy được bằng lái xe hơi chỉ sau vài tuần đến đây, và đang tìm việc. Còn bản thân mình thì tiếp tục công việc làm báo và cộng tác với một tổ chức nhân quyền để đưa tin về phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam- như một cách của riêng mình để đồng hành cùng với những người đồng đội trong nước.

An ninh gây khó, hạch sách người thân

Bà Phạm Thanh Nghiên kể lại có ba người thân tiễn họ đến Sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hoa Kỳ: hai chị của bà Nghiên và chị của ông Tú. Tuy nhiên, người đi tiễn được khuyên không nên vào khu vực bên trong nơi người ra đi làm thủ tục.

Đi cùng họ là nhân viên IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế) và viên chức chính trị của Tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở vòng ngoài.

Sau ba tiếng rưỡi trong sân bay, họ mới được xuất cảnh, và máy bay cất cánh vào lúc 19 giờ 50, bỏ lại quê hương, gia đình và bạn bè và tất cả những đắng cay ngọt bùi của hơn nửa đời người. Họ tới phi trường George Bush của tiểu bang Texas vào sáng ngày 14/4.

Bà Nghiên cho biết khi bà còn ở nhà thì an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh thường tìm cách tránh đối mặt với bà. Tuy nhiên, khi bà đã đi rồi thì họ lại đến phòng trọ cũ của bà để hạnh hoẹ hai người chị ruột mà bà nhờ họ giải quyết việc còn tồn đọng với chủ nhà và trả lại nhà cho họ.

Chỉ vài giờ sau khi gia đình bà Nghiên đặt chân lên đất Mỹ, công an lại xông vào nhà thuê của bà ở phường 9, Gò Vấp. Khi ấy, chỉ còn hai người chị của bà đang thu dọn đồ đạc, và họ yêu cầu được gặp bà.

Khi được hai người chị thông báo gia đình bà Nghiên đã đi Mỹ, họ không hề ngạc nhiên nhưng lại quay sang điều tra lý lịch và hạch hỏi, hoạnh hoẹ về sự có mặt của hai người phụ nữ đó. Cuối cùng, công an lập biên bản hai người chị vì “không khai báo tạm trú” và về hành vi “giúp em gái dọn đồ đạc, trả lại nhà cho chủ,” bà cho biết.

Trước khi rời Việt Nam vài tháng, bà Nghiên cũng bị an ninh triệu tập vài lần vì liên quan đến cuốn sách “Những mảnh đời sau song sắt” mà bà là tác giả ghi lại những chuyện chứng kiến trong bốn năm tù. Công an Hà Nội có thu giữ được một cuốn này cùng cuốn “Chính trị bình dân” của nhà báo Phạm Đoan Trang khi khám nhà của Nguyễn Lân Thắng, blogger của RFA, người bị kết án sáu năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà gần đây.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội giám định nội dung cuốn sách và đưa ra kết luận “có nội dung gây chiến tranh tâm lý, tuyên truyền chống nhà nước, kích động nhân dân đứng lên chống đảng…,” bà nói với RFA.

Bà Phạm Thanh Nghiên là một trong nhiều người hoạt động bị buộc phải sống tị nạn ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Nhiều trong số họ đi thẳng từ nhà tù như Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và Trần Thị Nga sang Mỹ hay Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà sang Đức.

Previous
Previous

Diễn biến nhanh của Trung Cộng ở Biển Đông và ứng phó của Việt Nam

Next
Next

Thấy gì từ vụ quốc kỳ VNCH trên đồng coin của Úc