Thấy gì từ vụ quốc kỳ VNCH trên đồng coin của Úc
Blog VOA/Trân Văn
Chính quyền Việt Nam không nên chỉ “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối” hành động của Royal Australia Mint (doanh nghiệp đảm nhận việc đúc tiền kim loại – coin – của Úc) và Bưu chính Úc khi hai nơi này phối hợp phát hành đồng hai Úc kim kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc ngưng tham dự cuộc chiến Việt Nam và ở mặt sau đồng tiền mang tính chất kỷ niệm này có quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Thực tế cho thấy, chính phủ Úc không thèm đếm xỉa tới chuyện chính quyền Việt Nam “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối”. Tệ hơn, giá phát hành coin vàng chỉ là 80 Úc kim, giá phát hành coin bạc chỉ là 15 Úc kim nhưng giờ, loại coin kỷ niệm quân đội Úc tham chiến tại Việt Nam này đang được nhiều người ở cả trong lẫn ngoài Úc săn lùng thành ra giá mua bán cả coin vàng lẫn coin bạc đã tăng đến vài ngàn Úc kim mỗi coin.
Khi nhất quyết chống “các vật phẩm có quốc kỳ VNCH – một chế độ đã không còn tồn tại” và do vậy “không phù hợp trong xu thế quan hệ với Việt Nam”, chính quyền Việt Nam nên có các biện pháp… mạnh hơn đối với Úc. Tại sao không… “triệu tập” Đại sứ Úc ở Việt Nam đến trao… “công hàm phản đối”, tạm đình chỉ thậm chí cắt đứt quan hệ ngoại giao với Úc, tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng pháp khác đối với Úc về… kinh tế?
Theo báo chí Úc thì Royal Australia Mint đã giới thiệu những loại huy chương mà các đơn vị và các cựu chiến binh Úc thường được thưởng khi tham chiến tại Việt Nam ở mặt sau của loại coin vừa đề cập.
Chính quyền Việt Nam hiện nay gọi cuộc chiến sau 1954 đến 1975 là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” nhưng với cộng đồng quốc tế thì đó là cuộc chiến do miền Bắc Việt Nam tổ chức, nhằm xâm lăng miền Nam Việt Nam, vi phạm Hiệp định Geneve đã được ký kết năm 1954. Cũng vì vậy, một số quốc gia (Mỹ, Nam Hàn, Thái Lan, Úc, New Zealand) mới gửi quân đội đến hỗ trợ VNCH chống lại cuộc xâm lăng này như đã từng gửi quân đội đến hỗ trợ Nam Hàn chống lại cuộc xâm lăng của Bắc Hàn trong ba năm từ 1950 – 1953. Nhờ vậy Nam Hàn mới có thể đẩy quân đội Bắc Hàn về lại bên kia vĩ tuyến 38 đúng như thỏa thuận giữa các quốc gia trong khối Đồng minh khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Bởi Bắc Hàn chưa cam kết đình chiến nên đến bây giờ, Liên Hiệp Quốc vẫn duy trì Bộ Tư lệnh của các lực lượng thuộc Liên Hiệp Quốc tại Nam Hàn.
Quốc kỳ VNCH trên coin do Úc phát hành hồi năm ngoái nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc ngưng tham gia cuộc chiến Việt Nam hiện diện trên ít nhất hai loại huy chương mà Úc trao tặng những quân nhân đã chiến đấu chống cuộc xâm lược miền Nam Việt Nam do miền Bắc Việt Nam thực hiện. Đó không chỉ là một phần của lịch sử Úc mà còn là một trong những điều khiến người Úc tự hào và loại coin đang đề cập là bằng chứng mới nhất cho thấy sự tự hào ấy không hề suy suyển.
Yêu cầu xóa bỏ một phần lịch sử Úc – đặc biệt đó là phần làm người Úc tự hào vì điều này chứng tỏ họ có trách nhiệm trong việc bảo vệ tự do, dân chủ trên thế giới – thì phía nào mới nên “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối”? Lớn tiếng “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối”, có khác gì chính quyền Việt Nam buộc thiên hạ phải tự hỏi: Đó là do kém cỏi, thiếu hiểu biết hay do ứng xử thô lỗ, trịch thượng đã thành thói hoặc vì cả hai yếu tố này?