Dưới bóng cờ
Người ta dạy rằng lá cờ là đại diện cho hình ảnh tổ quốc, và mỗi con người có một tổ quốc thiêng liêng của mình, có một bóng cờ, có một màu da, có một giọng nói và có một lý tưởng để tôn thờ. Và, sự tôn thờ lý tưởng dưới bóng cờ của mỗi người là quyền bất khả xâm phạm, quyền tự do và là quyền độc lập tối thượng. Điều đó cũng giống như tình yêu, bạn có quyền tôn thờ một hình ảnh, một tình yêu trong cuộc đời và điều ấy không liên quan đến hôn nhân cũng như điều ấy không liên quan đến việc sau này bạn yêu ai, làm gì. Bởi đó là tự do cá nhân, là văn minh và văn hóa.
Một người từng tôn thờ lá cờ ba sọc của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và người ấy mãi mãi tôn thờ lá cờ này sẽ không ảnh hưởng gì đến việc người này về Việt Nam làm ăn, sinh sống, cống hiến cho quốc gia, dân tộc.
Cũng giống như một ca sĩ từng đứng (và thậm chí tôn thờ) dưới lá cờ ba sọc, khi về Việt Nam làm nghệ thuật, biểu diễn, thì điều ấy chẳng ảnh hưởng gì đến quyền lợi cũng như trách nhiệm của họ khi sinh sống, làm việc ở quốc gia này. Ngoại trừ một trường hợp. Vậy trường hợp đó là gì?
Đó là trường hợp họ biến mình trở thành một văn công của chế độ, họ chấp nhận luật chơi kê khai lý lịch trước chế độ họ tôn thờ nhằm bảo vệ chén cơm, miếng thịt mà họ sắp được nhận, được ban bố và đương nhiên họ hướng đến bổng lộc về lâu về dài.
Ngược lại, nếu việc một ai đó đứng ngẫu nhiên dưới một lá cờ nào đó và khoảnh khắc ấy được ghi hình, thì câu chuyện đó thuộc về cách nhìn, với người có cái nhìn khoáng đạt, rộng mở, thì việc ấy bình thường, với kẻ cố chấp và “bẻ hạt gạo làm đôi” thì đó là việc trầm trọng, việc thuộc về ý thức hệ.
Câu chuyện lá cờ, gồm cờ ba sọc và cờ đỏ sao vàng trong thời gian gần đây trở nên nhạy cảm, nhức nhối bởi hàng loạt các vụ đấu tố mồm, đấu tố văn bản và đấu tố lộc lá lẫn nhau giữa những người từng đứng dưới cờ này hay cờ kia.
Rõ ràng có một chiến dịch đấu tố, chứ chẳng mấy ca sĩ khi về Việt Nam biểu diễn hoặc sống tại Việt Nam từng đi biểu diễn nước ngoài lại đi trưng ra hình ảnh mình từng đứng dưới cờ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi họ thừa biết làm như vậy là làm khó cho bản thân, và nếu không khó chăng nữa thì cũng chẳng ai rảnh mà đi khoe chuyện ấy.
Cũng giống như nhiều người Việt Nam sang Mỹ, họ cố tình mang lá cờ đỏ sao vàng để diễu hành và cũng bị ném đá không thương tiếc. Điều ấy cho thấy rằng cả hai bên, người Việt hải ngoại và người Việt đỏ đều rất cố chấp, găng-tơ trong vấn đề hành xử mang yếu tố lý tưởng hay màu cờ sắc áo.
Người Việt hải ngoại chắc chắn không bao giờ chấp nhận cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong khu cư trú, sinh sống của mình. Người Việt đỏ sẽ không bao giờ chấp nhận những ai từng liên quan đến cờ vàng ba sọc. Như vậy, chỉ riêng việc ứng xử với là cờ, có vẻ như dân tộc này không bao giờ có được khả năng hòa hợp hòa giải mà nếu có chăng thì đó lại là một trò chơi chính trị khác, chẳng ai nhường ai và cũng chẳng ai chịu ai đâu. Một khi không nhường nhau, không chịu nhau, thì mọi thứ giao tiếp hay thỏa hiệp đều chứa nọc độc.
Gần đây, tại Việt Nam có trào lưu sơn cờ đỏ sao vàng trên mái nhà, giăng cờ đỏ khắp nơi và sơn cờ đỏ sao vàng lên tường nhà. Song hành với trào lưu này là một chiến dịch dài hơi đánh vào tất cả các ca sĩ từng biểu diễn ở hải ngoại, từng có hình ảnh liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, từ trang phục cho đến lá cờ...
Điều này cho thấy rằng song hành với trào lưu, chiến dịch đấu tố này là một chiến dịch khác, biến tất cả các nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam thành một loại văn công chế độ, một kiểu văn công thời đại. Bởi hơn ai hết, các nghệ sĩ biểu diễn là những người có khả năng tác động thị giác, thính khác cũng như tạo trực quan sinh động tốt nhất cho đại chúng. Việc đấu tố những ca sĩ đã từng đứng dưới cờ ba sọc như một thông điệp về việc qui phục bóng cờ đỏ sao vàng với các nghệ sĩ chưa bị đấu tố.
Một khi các nghệ sĩ tự do chấp nhận luật chơi, biến mình thành văn công không lương thì việc chuyển mình của loại hình văn hóa Cộng sản kiểu hiện đại sẽ dễ dàng hơn.
Tức thời đại bây giờ, các cơ quan tuyên truyền thuộc hệ thống chính trị Cộng sản đã lỗi thời, không mấy ai nghe nữa, thậm chí trở nên chướng tai gai mắt. Những cơ quan này sẽ chuyển sang “nghiệp vụ” thông báo từ thiện, thông báo các phúc lợi xã hội, thông báo chống bệnh dịch... Và một ít công việc điều hành “văn hóa” cũng như treo cờ, giăng biểu ngữ trong các ngày lễ. Phần tuyên truyền sâu rộng sẽ thuộc về các văn công không chính thức.
Và hiệu ứng của việc đấu tố màu cờ này nhanh chóng tạo ra hiệu ứng, có nhiều nghệ sĩ lập tức quay xe, phủ nhận toàn bộ quá khứ và đứng ra tha thiết xin lỗi vì đã đứng dưới một lá cờ. Điều này cũng ngầm hứa hẹn một sự chuộc lỗi nào đấy khi bổng lộc no đủ.
Bởi người làm chính trị thừa biết rằng trong hàng trăm, hàng ngàn ca sĩ, chỉ có vài người là nghệ sĩ thực thụ từ tâm hồn đến tính cách và công việc. Phần đông còn lại vẫn nặng nghiệp con hát và chấp nhận qui luật “ăn cơm chúa múa tối ngày”.
Mỗi lời xin lỗi của một nghệ sĩ/ca sĩ nào đó về việc từng đứng dưới cờ ba sọc là một bước thành công của chiến dịch biến nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ thị trường thành văn công không lương của nhà nước Cộng sản và hệ thống tuyên truyền của họ.
Đương nhiên với nhà nước Cộng sản, tuyên truyền và thổi phồng sự ưu việt của chế độ, của đảng, không chấp nhận bất kì sự đối lập hay sự song hành nào khác trên lãnh thổ quốc gia là chuyện tất yếu, không thay đổi được. Trừ khi người ta có quyết định cởi mở hơn về thể chế cũng như cơ chế hoạt động. Nhưng chuyện ấy có vẻ rất xa vời.
Điều đáng buồn ở đây là người Việt, càng lúc càng dấn sâu vào thù hận, chưa bao giờ có sự hòa giải giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, có chăng là hòa giải trên đồng Dolla chứ không bao giờ hòa giải trên bất kì thứ gì khác. Ngay cả cách nói đầy miệt thị của người Việt đỏ với người Việt hải ngoại: Việt Kiều cũng cho thấy rằng mọi lời kêu gọi hòa giải, hòa hợp chỉ là một cái bẫy mang màu Dolla.
Người Việt hải ngoại chấp nhận một số thứ ngoài ý muốn để về nước thăm người thân, gia đình và đi du lịch, chấp nhận móc tiền túi tặng người này người nọ để rồi khi sang Mỹ lại phải làm việc tối mắt tối mũi để bù vào khoản tiền đã chi... cũng chỉ là một cách ném tiền vào sự thèm muốn của nhau, cũng là một cách giao đãi mang màu sắc Dolla.
Tự trong sâu thẳm của cả người cho và người nhận, dường như là một hố thẳm của trống rỗng, hụt hẫng, có chút gì đó thất vọng, mất dần lửa yêu thương và mất cả sự tôn trọng, lòng trắc ẩn, tự tình dân tộc.
Thật là buồn khi nghĩ đến chuyện hòa hợp, hòa giải của dân tộc này!