Giá vàng nhảy múa - Nghị định 24 là thủ phạm?

RFA

Vàng chưa đóng thương hiệu tại công ty sản xuất vàng SJC

Đề xuất xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC được Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi. Đối với đề xuất bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định với truyền thông nhà nước rằng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên định với những chính sách, những kết quả đạt được trong thời gian qua và cụ thể chính là Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, phải đặt lợi ích vĩ mô, lợi ích chung cho mọi người dân lên đầu, sau đó mới tính đến lợi ích của các doanh nghiệp vàng.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành năm 2012. Khoản 2 và 3 Điều 4 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.

Ngân hàng Nhà nước đã chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia và thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sản xuất. Việt Nam chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được thành lập vào năm 1988, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Từ ngày 16/9/2010, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV với tên gọi Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC.

Tiệm vàng Kim Thành ở TP.HCM hôm 19 tháng 7 cho RFA hay:

“SJC là vàng của nhà nước còn vàng bốn số 9 là vàng của tư nhân sản xuất. Vàng SJC bán nguyên miếng nên giá thị trường nó cao hơn. Vàng này đi đâu cũng bán được hết vì công ty lớn nên chất lượng nó cao hơn. Bây giờ chỉ có loại vàng đó là giá cao nhất thôi.”

Trải qua mười năm với nhiều biến đổi về kinh doanh liên thông với thế giới, chấp nhận nền kinh tế thị trường nên Nghị định 24 bị cho là lỗi thời, cần phải thay đổi.   

Tại phiên chất vấn trả lời Quốc hội và cử tri hôm 9 tháng 6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, sắp tới sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng hoặc là một thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ nhà nước không có chức năng kinh doanh mua bán. Cái thứ hai nguy hiểm nhất là xây dựng duy nhất một thương hiệu vàng SJC. - Tiến sĩ Ngô Trí Long

Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đoàn Hà Nội đã đặt câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Hồng rằng: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thanh tra kiểm tra với thực trạng giá biến động hay chưa? Liệu có sự bắt tay thao túng giá vàng SJC trên thị trường hiện nay hay không và đến thời điểm nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 24 để xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập về kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua?”

Việc SJC độc quyền sản xuất vàng miếng tạo bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh vàng. Điều này được Hiệp hội kinh doanh vàng nhiều lần lên tiếng với truyền thông nhà nước.

Vàng miếng SJC. Reuters

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính nói với RFA sáng 19 tháng 7 năm 2022:

“Cái nghị định 24 đến nay đã 10 năm rồi nhưng vẫn không thay đổi, mà Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ nhà nước không có chức năng kinh doanh mua bán. Cái thứ hai nguy hiểm nhất là xây dựng duy nhất một thương hiệu vàng SJC.

Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Hôm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giá vàng giảm 5 triệu đồng/lượng trong ngày vì người mua có tâm lý nhà nước chuẩn bị sửa nghị định 24. Người ta phải bán tháo vàng. Nhiều người bán ít người mua dẫn đến giá vàng nó sụt giảm. Họ chuẩn bị sửa nghị định 24 và chắc chắn phải sửa vì hôm nọ Quốc Hội đã chất vấn tại sao chỉ có một thương hiệu vàng SJC.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long nói thêm, Nghị định 24 được ban hành nhằm mục đích chống vàng hóa nền kinh tế và ổn định giá vàng, phát triển thị trường vàng trong nước theo hướng liên thông với thị trường vàng quốc tế. Hiện mục tiêu chống vàng hóa đã đạt được nhưng mục tiêu ổn định giá vàng không đạt được và giá vàng lại quá cao so với thế giới.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, được báo SGGP dẫn lời rằng, do mức chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới quá cao nên người mua vàng SJC chịu nhiều rủi ro, nhất là khi giá vàng trong nước và thế giới chưa liên thông. Vàng miếng SJC do Nhà nước độc quyền sản xuất. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.

Trả bằng loại vàng nào là tùy mình thỏa thuận với nhau. Vàng SJC là vàng thông dụng của nhà nước nhưng nó chênh lệch với giá vàng bốn số 9 mấy chục triệu một lượng. Bây giờ có những công ty khác vàng cũng tốt nên mua bán giao loại vàng nào là do hai bên thỏa thuận với nhau.- Ông Thuấn

Lên tiếng với truyền thông nhà nước về vấn đề sản xuất và kinh doanh vàng trong nước, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Đã đến lúc các cơ quan liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa”.

Ông Thuấn, một người mua bán nhà đất ở TPHCM nói với RFA:

“Trả bằng loại vàng nào là tùy mình thỏa thuận với nhau. Vàng SJC là vàng thông dụng của nhà nước nhưng nó chênh lệch với giá vàng bốn số 9 mấy chục triệu một lượng. Bây giờ có những công ty khác vàng cũng tốt nên mua bán giao loại vàng nào là do hai bên thỏa thuận với nhau.

Trước đây người ta hay mua bán bằng vàng SJC vì chất lượng bảo đảm và giá cả không chênh lệch nhiều. Bây giờ có vàng Phú Nhuận, vàng Thăng Long nữa. Mua làm của thì người ta hay mua SJC nhưng tôi nghĩ một ngày nào đó giá cũng được điều chỉnh thì mua cũng không có lợi. Thật ra mua bán nhà thì nhà nước bắt giao dịch bằng tiền nhưng nếu người ta muốn chồng vàng thì tùy…”

Ngoài chuyện độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng cho thấy sự không công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp, mà nó còn dẫn đến tham nhũng, vì đó là một loại quyền lực. Nếu một doanh nghiệp được độc quyền sản xuất mặt hàng nào đó thì họ sẽ nâng giá lên để kiếm lời thật nhiều. Đó là lý do được cho là khiến giá vàng SJC cao ngất ngưởng, cao hơn giá vàng thế giới đến mấy chục triệu đồng/lượng.

Muốn giải quyết vấn đề này thì phải xóa bỏ quyền lực, phải “nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế” như lời ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói từ năm 2017.

Previous
Previous

Hàng loạt báo lớn tường thuật, rồi gỡ bỏ tin ông Tô Văn Lai, người sáng lập trung tâm Thúy Nga, qua đời

Next
Next

Việt Nam tính thay hết lãnh đạo tỉnh là dân địa phương