Hai cảnh đời tương phản giữa thật và giả

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 *Người lưu lạc vô tổ quốc thật

Trong số 14 hồ sơ lưu lạc, vô tổ quốc bị bỏ rơi lại Thái Lan, có lẽ Bà Thạch Thị Phay là trường hợp bất hạnh, đau khổ nhất.

Năm nay 72 tuổi, bà Phay là người Việt gốc Miên quê quán tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Do bị tù đày, bị tra tấn bởi công an lại còn bị nhà chồng ruồng rẫy vì bà theo đạo Thiên Chúa, bà phải đành đoạn bỏ nước ra đi.

Trên đường băng qua Campuchia, bà bị lính Para bắt đem về giam để thay nhau thoả mãn dục tính. Sau một thời gian, bà trốn thoát và đến được Thái Lan xin tị nạn. Đó là năm 1990. Tại đây bà có bầu với một người tị nạn và sanh ra một con gái.

Năm 1996, khi có lệnh cưỡng bức hồi hương, bà cùng cô con gái lúc ấy 5 tuổi uống thuốc tự tử nhưng được cứu sống. Ngày 20 tháng 2, 1997 họ bị cưỡng bức hồi hương. Trở về quê không được bao lâu, công an lại bắt bà Phay sau khi một nhóm mục sư Tin Lành từ ngoại quốc đến thăm bà tại nhà. Sau khi được thả, bà bị quản chế, đe doạ và sách nhiễu liên tục.

Năm 2003 bà Phay dẫn con gái chạy sang Campuchia ẩn náu. Vì sinh kế, bà gửi tạm con nơi một nhà nuôi trẻ mồ côi. Khi quay lại tìm con, nơi này cho biết đã cho con bé làm con nuôi và được cặp vợ chồng người Pháp đem về nước. 

Hình 1 -- Một tấm hình hiếm hoi của bà Phay với người con gái bị thất lạc ở Campuchia năm 2003

Đau khổ, bà Phay quay về Việt Nam sống trong một cái chòi cất tạm. Năm 2009, công an đánh chết một thanh niên trong hội thánh Tin Lành. Bà Phay cùng với một số tín đồ đứng ra làm chứng; tất cả đều bị đàn áp dã man. Bà Phay lần nữa phải vượt biên đi lánh nạn. Khi đến Thái Lan, bà nộp đơn xin tị nạn nhưng bị Cao Uỷ Tị Nạn LHQ từ chối.

Năm 2014, bà Phay ghi danh tham gia chương trình định cư nhân đạo mà chính phủ Canada lập ra cho những cựu thuyền nhân lưu lạc, vô tổ quốc như bà. Nhưng rồi bà được cho biết là muốn đi Canada thì phải đóng 11 nghìn Mỹ Kim lệ phí. Quá thất vọng, bà ra bờ sông định tự vẫn, may có người Thái cản ngăn và khuyên lơn. Xem: https://www.facebook.com/100076939112006/videos/pcb.214917481082888/1357832328344958.

May mắn, luật sư của BPSOS đã can thiệp để CUTN/LHQ mở lại hồ sơ và công nhận bà là người tị nạn. Nay bà có cơ hội định cư theo diện tị nạn đến một quốc gia đệ tam. Ao ước cuối đời của bà Phay là khi định cư rồi được dù chỉ một lần gặp lại người con gái đã thất lạc gần 20 năm qua.

Những người đóng giả lưu lạc, vô tổ quốc 

Trong khi Bà Phay bị bỏ rơi lại, một phụ nữ làm chủ công ty du lịch với 2 văn phòng mở ngay tại Sàigòn đã lên đường đi định cư theo chương trình nhân đạo của Canada.

Người đó là Trương Thị Lan Anh, 32 tuổi, được đón tiếp nồng hậu khi đặt chân xuống phi trường Pearson, Toronto ngày 23 tháng 9, 2016.  Đi cùng là cậu con trai tên Trương Vinh, 8 tuổi, nhưng đó là con  giả. 

Hình 2 – Cô Trương Thị Lan Anh và “con trai” Trương Vinh tại phi trường Pearson, Toronto, ngày 23 tháng 9, 2016

Chưa đầy 1 năm sau khi đến Canada, cô ta lại đã có mặt ở Sàigòn để điều hành công ty của mình. Trước khi quay về Việt Nam, cô ta khoe mua xe mới ở Canada. Tháng 9 năm 2018, cô ta tậu nhà mới ở Canada.

Hình 3 -- Trương Thị Lan Anh tại văn phòng bán vé máy bay Việt Anh, ngày 24 tháng 9, 2017

Hình 4 -- Cô Trương Thị Lan Anh khoe xe mới mua ngày 1 tháng 8, 2017, nhà mới tậu tháng 9, 2018 bên Canada

Ở Việt Nam, cô Trương Thị Lan Anh làm chủ Công Ty Thương Nghiệp Hữu Hạn Đồng Nhân, có giấy phép hoạt động năm 2012. Công ty này mở 2 văn phòng bán vé máy bay nội địa và quốc tế và làm visa quốc tế dưới thương hiệu Việt Anh. 

Hình 5 -- Cơ sở thứ 2 của dịch vụ Việt Anh tại Sàigòn

Cậu bé 8 tuổi mà cô ta đem theo thật ra là con của hai vợ chồng chủ nhân một công ty buôn bán hột xoàn và nữ trang bề thế ở Sàigòn.

Hình 6 -- Cậu Trương Vinh (lúc ấy 5 tuổi) cùng bố mẹ thật, năm 2013 ở Việt Nam 

Hình 7 -- Trương Vinh với bố ở Sàigòn, năm 2015, không bao lâu trước khi đi Canada

Hình 8 -- Công ty hột xoàn và nữ trang của gia đình Trương Vinh ở Việt Nam

Tương tự gia đình Nguyễn Việt Trung, hai mẹ con giả Trương Thị Lan Anh và Trương Vinh hãy còn ở Việt Nam chỉ 6 tháng trước khi đặt chân đến Canada. Họ nào có phải vô tổ quốc hay lưu lạc gì.

Hình 9 -- Cậu Trương Vinh (8 tuổi) và cô Trương Thị Lan Anh (khuất nửa mặt ở hàng 3) tại phi trường Bangkok, chuẩn bị đi Canada, ngày 23 tháng 9,

2016: Cô Trương Thị Lan Anh và Trương Vinh tại một đám cưới ở Việt Nam, ngày 5 tháng 3, 2016

Cũng như cô Trương Thị Lan Anh, khoảng 10 tháng sau khi định cư nhận đạo ở Canada, cậu Trương Vinh đã về lại với cuộc sống trong nhung lụa ở Việt Nam.

Hình 10 -- Cậu Trương Vinh ăn Tết với Ông Nội ở Sàigòn, ngày 15 tháng 2, 2018

Cặp mẹ giả, con giả này đến Canada trong chương trình định cư nhân đạo dành cho các cựu thuyền nhân lưu lạc, vô tổ quốc nhờ đóng vai vợ và con của Ông Võ Văn Dũng, có biệt danh là Dũng Loa.

Ông Dũng Loa là cựu thuyền nhân trước đây ở trại Sikiew đã hồi hương nhưng không hề lưu lạc, không vô tổ quốc. Ông ta thường xuyên xuất ngoại bằng passport Việt Nam.

Ông ta có công ty du lịch ở Việt Nam và ở Thái Lan và công ty xuất cảng thanh long từ Việt Nam sang Thái Lan. 

Hình 11 – Các cơ sở làm ăn của Dũng Loa ở Việt Nam và ở Thái Lan

Hình 12 -- Ông Dũng Loa được đón tiếp như người lưu lạc, vô tổ quốc tại phi trường Pearson, Toronto, ngày 23 tháng 9, 2016

Hình 13 -- Gia đình Dũng Loa (54 tuổi), Trương Thị Lan Anh (32 tuổi), và Trương Vinh (8 tuổi) tại Canada, ngày 24 tháng 9, 2016

Hình 14 – Ông Dũng Loa tại phi trường Bangkok, dùng passport Việt Nam

Trong tất cả những trường hợp giả, Ông Dũng Loa có lẽ đạt kỷ lục vì chỉ hơn một tháng sau khi đến Canada là đã về lại Việt Nam. Ngày 20 tháng 11, 2016, ông ta lấy bằng lái xe quốc tế ở Việt Nam.

 Tương phản thật và giả

Bà Thạch Thị Phay, hơn 32 năm lưu lạc, rày đây mai đó vì bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, bị bắt cóc và hãm hiếp bởi thổ phỉ ở Campuchia, bị cưỡng bức hồi hương, rồi lại mất con gái khi quay trở lại Campuchia lánh nạn. Không thể sống ở Việt Nam, bà lưu lạc bất hợp pháp nơi đất khách quê người. Bà đã lập hồ sơ theo chương trình định cư nhân đạo của Canada nhưng bị bỏ rơi lại vì không có tiền đóng 11 nghìn USD lệ phí.

Với quy chế tị nạn, bà Phay nay chính thức được bảo vệ bởi Liên Hiệp Quốc, được trợ cấp tài chánh hàng tháng do lớn tuổi lại bệnh hoạn, và, quan trọng hơn cả, có cơ hội định cư tị nạn ở một quốc gia thứ ba. Thỉnh thoảng có người tị nạn, cũng không khá giả gì, cám cảnh bà đơn độc, dấm dúi cho bà ít tiền. Nơi ở của bà trong chục năm qua là một căn phòng bít bùng, không gian chỉ cỡ bằng cái phòng tắm chính trong căn nhà bình thường ở Mỹ. 

Hình 15 -- Căn phòng ổ chuột tù túng của bà Thạch Thị Phay

Trong khi đó, những người không hề lưu lạc, không hề vô tổ quốc đã kéo nhau đi Canada thẳng từ Việt Nam, nơi họ sống hưởng thụ, ăn trên ngồi chốc. Họ có cơ sở làm ăn ở Việt Nam, ở Thái Lan; họ tự do xuất cảnh bằng passport Việt Nam. Qua Canada chẳng bao lâu họ đã tậu xe, mua nhà, và đi đi về về Việt Nam.  

Đó là bất công. Đó là tráo trở. Đó là nhẫn tâm.

Tương phản giữa thật và giả

Không riêng bà Phay, có nhiều gia đình cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại ở Thái Lan. Tôi đã nhiều lần kêu gọi và lần nữa kêu gọi những thành phần hữu trách, vì lương tri, hãy thực tâm góp phần tìm giải pháp có hậu cho những thuyền nhân Việt Nam lưu lạc, vô tổ quốc cuối cùng.

 Tôi cũng kêu gọi các người làm truyền thông có lương tâm đứng về phe của người yếu thế, của các nạn nhân của sự bất công, của các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan.

Ngày 5 tháng 4, 2023

Liên lạc: http://machsongmedia.org

Previous
Previous

Vòi bạch tuộc hút máu dân

Next
Next

Vì sao bốn nữ tiếp viên hàng không xách tay 11kg ma túy được trả tự do?