Vì sao bốn nữ tiếp viên hàng không xách tay 11kg ma túy được trả tự do?
Bốn nữ tiếp viên Vietnam Airlines, bị phát hiện mang 11,4 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16/3, đã được trả tự do. Tuy nhiên, bốn nữ tiếp viên này vẫn phải phối hợp điều tra.
Giải thích với BBC News Tiếng Việt ngày 23/3, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, các tiếp viên trên được thả vì cơ quan điều tra thấy họ không biết trong kem đánh răng có ma tuý.
Về phía cơ quan chức năng, căn cứ kết quả điều tra, chứng cứ thu thập được, nhà chức trách bước đầu xác định 4 tiếp viên không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có 157 tuýp đã được giấu ma túy.
"Do đó không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự", cơ quan điều tra nêu quan điểm.
Đồng thời, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án Vận chuyển trái phép chất ma túy để điều tra về đường dây này.
Với diễn biến mới này, luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích, theo Điều 250 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy phải biết rõ chất mà mình vận chuyển là chất ma túy (các chất trong danh mục chất ma túy được nhà nước quy định); phải nhận thức được hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.
"Về mặt chủ quan của tội vận chuyển ma tuý thì phải là phạm tội với lỗi cố ý. Biết là ma tuý mà vận chuyển thì mới phạm tội. Nếu trong thời gian tạm giữ hình sự mà cơ quan điều tra, xác minh bốn tiếp viên này hoàn toàn không biết trong kem đánh răng có ma tuý thì hành vi xách tay đó không được xem là hành vi tội phạm. Nên theo luật thì phải trả tự do cho bốn tiếp viên này," ông Sơn nói với BBC.
Trước đó, sáng ngày 16/3, cán bộ hải quan tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành lý của bốn nữ tiếp viên Vietnam Airlines thuộc chuyến bay VN10 từ Pháp về Việt Nam.
Qua sàng lọc, soi chiếu, hải quan nghi vấn hành lý của đoàn tiếp viên có chất cấm nên chuyển sang kiểm tra trực tiếp, phía hải quan tìm thấy tổng cộng hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất), cocaine.
Tại sân bay ở Pháp, hành lý của những tiếp viên này không bị phát hiện bất thường.
Theo lời khai của các nữ tiếp viên liên can vụ việc thì khi họ ở Pháp, thông qua một đồng nghiệp chung hãng, có một người Việt Nam nhờ các tiếp viên này vận chuyển 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất để gửi cho các đối tượng.
Qua người đồng nghiệp trên, một trong số bốn nữ tiếp viên đã trao đổi, thỏa thuận tiền công là 10 triệu đồng và chia nhau xách lô hàng nặng 60 kg trên về sân bay Tân Sơn Nhất.
Công an đã khám xét nhà bốn nữ tiếp viên này nhưng không phát hiện thêm ma túy.
Dư luận đa chiều
Sự việc bốn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines xách 11kg ma tuý gây nên nhiều ý kiến trái chiều và bàn tán trên mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng các tiếp viên này đã làm sai nguyên tắc công việc. Mà chính một lãnh đạo Vietnam Airlines cũng khẳng định với Zingnews.vn, trước giờ bay của tất cả chuyến quốc tế, tiếp viên đều bắt buộc ký cam kết, quy định không được phép mang hộ, cầm giúp bất cứ thứ gì.
Ông Hoàng Nguyên Vũ, với hơn 230.000 người theo dõi bày tỏ quan điểm trên Facebook cá nhân:
"Thứ nhất phải khẳng định ngay và luôn, việc các cô bị bắt là may mắn cho biết bao nhiêu con người, chứ từng đó “hàng” mà trót lọt thì nó đủ huỷ diệt bao nhiêu cuộc đời..."
Ông Vũ cho rằng, chuyện tiếp viên xách hàng xưa nay đã xảy ra không ít, và họ làm một cách chủ động, chứ không hề “chủ quan”.
"Nhưng các cô tiếp viên chắc chắn không ngây thơ, khi chỉ mấy ống kem đánh răng mà giá xách lại là 10 triệu vì chẳng có kem đánh răng nào đắt đỏ như thế cả," ông Vũ nêu nghi vấn.
Một luồng dư luận khác tán thành với cách thức của cơ quan điều tra, cho rằng áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” là điều đáng làm.
"Có lẽ những chuyên gia pháp luật sẽ có những phân tích và bình luận chặt chẽ hơn, nhưng cá nhân tôi đánh giá cao quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra TP.HCM khi xác định chưa đủ cơ sở khởi tố bị can để từ đó thả người, mặc dù họ vẫn đã khởi tố vụ án," Facebook tên Duan Dang với hơn 31.000 người theo dõi viết.
Ông Duan Dang cũng ủng hộ quyết định của cơ quan điều tra dù với quyết định này, họ có thể phải đối diện với cơn phẫn nộ của dư luận.
"Có thể có những nghi ngờ rằng đây chỉ là thủ đoạn nghiệp vụ - thả để bắt, hay kể cả thuyết âm mưu về lủng củng nội bộ hay áp lực vô hình, nhưng đó chỉ đều là suy đoán," ông viết trên Facebook cá nhân.
Luật sư Sơn cho rằng về vấn đề này rất khó nói, vì nếu người gửi hàng là người quen hoặc thường xuyên gửi cho tiếp viên từ trước đến giờ thì các tiếp viên này chủ quan cũng là bình thường.
"Theo tôi giờ truy dòng tiền trả công vận chuyển, truy người gửi là biết chủ “hàng” thôi," ông Sơn bình luận.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình về việc truyền thông chính thống Việt Nam nêu đích danh họ tên cũng như đăng tải hình ảnh rõ mặt của các tiếp viên trong vụ việc này, khi chưa có cơ sở khẳng định những tiếp viên này phạm tội.