Hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn tài chính, có thể phải tạm đóng cửa

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Việt Nam.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam, mới đây thông báo với một số cơ quan quản lý của đất nước rằng hãng này đang “đối mặt với khó khăn tài chính”, nên phải hủy nhập dầu thô, cũng như có nguy cơ “dừng hoàn toàn hoạt động” của nhà máy Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa từ giữa tháng 2 sắp tới, theo tường thuật của báo chí Việt Nam hôm 27/1.

Cách đây một tuần, hãng lọc dầu Nghi Sơn – có tên viết tắt là NSRP – đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%.

Theo tin của báo chí trong nước hôm 27/1, NSRP nêu ra nguyên nhân là do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, PVN, chưa phê duyệt các thỏa thuận về hỗ trợ tài chính đối với dầu thô, về thanh toán sớm và bao tiêu sản phẩm, có liên quan đến hai nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động.

Hãng nói có thể sẽ phải “ngừng hoạt động hoàn toàn” vào khoảng ngày 13/2 do thiếu nguồn cung cấp dầu thô nếu tình hình số dư tiền mặt không được cải thiện.

PVN là một trong 4 bên góp vốn chính cho dự án liên doanh đứng sau nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ba đối tác còn lại đến từ Nhật Bản và Kuwait. Dự án với tổng vốn 9 tỷ đô la có công suất lọc 10 triệu tấn dầu thô/năm, được xem là lớn nhất Việt Nam kể từ khi chính thức vận hành thương mại từ tháng 12/2018 đến nay.

Đáp lại thông tin do NSRP đưa ra, PVN nói NSRP phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm về sự vận hành của hãng.

Một bản tin của Tuổi Trẻ dẫn lại “lời phản hồi” của PVN nói rằng “theo điều lệ công ty, ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy”.

PVN cho rằng việc NSRP tự ý hủy nhập dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy là việc “hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban điều hành NSRP” và “không liên quan” tới việc phê duyệt các thỏa thuận mà hiện đang được đàm phán lại để tái cấu trúc tổng thể NSRP.

Vẫn PVN cho biết thêm là tập đoàn này đang “đàm phán, thuyết phục” các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP để hãng hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi của PVN và của nhà nước Việt Nam.

NSRP lỗ tới 1,5 tỷ đô la trong 3 năm, tính đến quý 3/2020, các bản tin trong nước cho biết, điều này gây áp lực lên nợ công của Việt Nam.

Lúc này, khi NSRP và PVN tranh cãi qua lại, giới kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này bày tỏ lo ngại về nguy cơ là Việt Nam sẽ thiếu xăng dầu, nhất là vào thời điểm kỳ nghỉ Tết đang sắp đến.

Báo chí trong nước cho biết hãng lọc dầu Nghi Sơn cung cấp tới 35% trong tổng lượng xăng dầu ở thị trường Việt Nam. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Petrolimex, có kế hoạch nhập khoảng 235.000-265.000 mét khối xăng dầu/tháng từ hãng lọc dầu Nghi Sơn trong năm 2022.

Vì vậy, việc hãng loan báo có nguy cơ sẽ dừng hoạt động đã dẫn đến việc Petrolimex phải gửi một văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương, trong đó nói rằng "Sự việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng và thông lệ quốc tế, khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời".

Việc tìm các nguồn cung để lấp vào phần thiếu hụt do NSRP gây ra dường như không dễ dàng, theo các báo Việt Nam.

Thanh Niên dẫn lời một vị lãnh đạo không rõ danh tính của hãng lọc dầu nắm quyền quản lý nhà máy Dung Quất nói rằng nhà máy này hiện đang chạy 100% và có thể tăng lên mức 105-108%. Nhưng ngay cả khi làm như vậy “cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ thôi vì Nghi Sơn quá to so với chúng tôi”, vị lãnh đạo này nói.

Về nguồn nhập khẩu, vẫn theo Thanh Niên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, nói rằng các đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn khi tìm cách mua của các nhà cung cấp nước ngoài vì họ thường phải có kế hoạch trước, chưa kể đến bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng hiện nay.

Previous
Previous

Kinh Tế Việt Nam Năm 2021 Giảm Thấp Nhất Trong 30 Năm Vì Đại Dịch Covid-19 Ảnh Hưởng

Next
Next

Tôn giáo và chính quyền tại Việt Nam