Đại hội 13 – Vở kịch ngàn tỷ

14.png

Theo thông tin rò rỉ chức danh Tổng Bí thư sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến là Chủ tịch nước.

Đây là hai trường hợp đặc biệt vừa được giới thiệu. Chức danh Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội sẽ do hai ông Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội, những người còn đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Dư luận trong và ngoài nước bình luận việc ông Trọng tiếp tục nắm giữ chức vụ cao nhất của Đảng và cũng như trong hệ thống chính trị Việt Nam là một việc chưa từng có tiền lệ. Bởi ông đã vượt qua một cách oanh liệt ba rào cản.

Thứ nhất, đó là tuổi tác. Theo quy định, độ tuổi của Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi.

Tại nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011) ông Nguyễn Phú Trọng khi đó 67 tuổi, đang là Chủ tịch Quốc hội, được giới thiệu bầu vào T.Ư, bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và bầu làm Tổng bí thư khóa 11.

Tới Đại hội 12 (2016), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã 72 tuổi tiếp tục được tín nhiệm xem xét, giới thiệu như một trường hợp đặc biệt bầu vào T.Ư khóa 12, bầu vào Bộ Chính trị, và sau đó là Tổng bí thư. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ Đại hội 12.

Tới trước thềm Đại hội 13, ông lại tiếp tục là trường hợp đặc biệt để ở lại lèo lái con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15 sáng 17/01/2021

Chướng ngại vật thứ hai mà ông Trọng được do là đã vượt qua chính là Điều lệ Đảng, văn bản pháp lý cơ bản nhất, xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động, cơ cấu bộ máy của đảng do chính ông lãnh đạo một thập kỷ vừa qua.

Điều 17 trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng thông qua ngày 19/01/2011 quy định: “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.”

Rào cản thứ ba đã được ông Trọng chinh phục chính là điều kiện sức khỏe, một vũ khí mà chính ông Trọng từng sử dụng để loại bỏ đối thủ chính trị của mình.

Năm 2017, Bộ Chính trị theo hướng dẫn của ông đã ban hành Quy định số 90, đặt “sức khỏe” thành một điều kiện để được giữ các chức vụ chủ chốt. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm loại bỏ Chủ tịch nước khi đó là Trần Đại Quang với những tin đồn lan truyền trong dư luận là ông Quang mắc bệnh nan y.

Chưa đầy 2 năm sau khi đặt ra quy định về “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện ban chấp hành trung ương, bộ chính trị, ban bí thư quản lý”, có lẽ chính ông Trọng cũng không ngờ quy định này lại có thể lại “đập” lại ông nhanh đến như vậy.

Sức khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng giảm sút nghiêm trọng sau vụ đột quỵ trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang hồi tháng 04/2019.

Kể từ thời điểm đó đến nay người đứng đầu Đảng Cộng sản và cũng danh chính ngôn thuận là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam ít xuất hiện công khai. Và mỗi lần xuất hiện trước công chúng thì ông Trọng luôn trong bộ dạng đi tập tễnh, cần người khác dìu và có nguy cơ bị té ngã bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, công chúng còn thấy luôn có người kè kè chiếc cặp đựng thuốc theo sau.

Ảnh: Tại Hội nghị Trung ương 11 hồi tháng 10/2019 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khoá XIII; những kiến nghị của các cấp uỷ, tổ chức đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định rằng các “trường hợp đặc biệt” xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những nhiệm kỳ gần đây phản ánh một thực tế là tập trung quyền lực càng cao thì chuyển giao càng thách thức.

Nhận định thứ hai mà nhà nghiên cứu đưa ra – đó là chất lượng đảng viên trong thời đại mới.

Trong nhiệm kỳ 12 ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn “trăn trở” về cán bộ đảng. Theo Cương lĩnh và Điều lệ đảng các đảng viên là đội ngũ “tiên phong”, được liên kết bởi lý tưởng cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hệ thống giá trị, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và “kiên định” với nó, tuyệt đối trung thành với đảng và phục tùng cái kỉ luật toàn trị, và “hy sinh lợi ích cá nhân” vì đảng…

Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và bị cám dỗ bởi quyền và tiền, không phải chỉ là lãnh đạo đảng viên cấp thấp, mà cả những “đồng chí” cấp cao cùng ông trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương… Ông đã từng nêu nghi vấn: “Đừng “nhìn gà hoá cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bền ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”.

Chưa thể đồng thuận về người kế vị ông có lẽ là một trong những lý do ông được Hội nghị trung ương 15 khoá 12 tiếp tục giới thiệu với cương vị Tổng Bí thư để bầu tại Đại hội 13.

Nhà hoạt động xã hội Huỳnh Ngọc Chênh cũng nhận định rằng:

Nếu như sự đồn đại đang lan truyền ấy đúng sự thật thì điều đó nói lên rằng hội nghị TƯ vừa rồi chẳng thành công tốt đẹp, ngược lại là một sự thất bại nghiêm trọng trong công tác xây dựng đảng mà người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Phú Trọng, người liên tục trong 10 năm làm lãnh đạo cao nhất của đảng, lại là giáo sư tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng.

Điều thấy rất rõ ràng là ông Trọng tuổi đã quá cao, sức khỏe có vấn đề sau cơn tai biến, đã làm đến hai nhiệm kỳ, nay phải phá vỡ hết các quy tắc của đảng để giữ ông lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

Có nghĩa là trong 200 ủy viên BCH, được cho là 200 tinh hoa xuất sắc nhất của đảng chắt lọc ra từ hơn 4 triệu đảng viên, vẫn không tìm ra được 1 người có đủ tài đức để thay thế ông Trọng, để ông yên tâm về nghỉ ngơi như mong muốn của ông bởi ông được cho là người không tham vọng quyền lực không cố ngồi lại vì danh lợi cá nhân.

Ông Trọng là giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng, đảm trách công việc cao nhất của đảng đầy quyền lực suốt trong 10 năm mà không xây dựng nên hoặc tìm ra cho đảng một người đủ tài đức để thay thế được ông thì đó không gọi là thất bại thì gọi là gì?

Dưới một góc nhìn khác, Facebooker Ngọc Thu nhận định nhờ có chiếc đũa thần mà ông Trọng tiếp tục ngồi yên trên vị trí quyền lực đỉnh cao.

Facebooker này phân tích:

“Ở chức vụ càng cao, đáng lẽ người lãnh đạo phải làm gương cho các cấp dưới và cả nước mà điều đơn giản nhất là tôn trọng luật lệ. Ông Trọng đã phá một lúc cả ba để tiếp tục bám vào ghế quyền lực cao nhất nước! Hẳn phải có nguyên nhân giải thích vì sao ông Trọng phá luật và toàn ĐCSVN phải ngậm bồ hòn làm ngọt và cúi đầu chấp nhận.

Lý do sâu xa nhất không hề khó hiểu, đó là nhờ sự chống lưng của Bắc Kinh.

Có lẽ chưa có lãnh đạo cộng sản nào ký với Trung cộng nhiều văn kiện bí mật như ông Trọng:

– Ngày 17 Tháng Hai 2017 ông ký 15 văn kiện hợp tác giữa VN và TQ khi thăm Bắc Kinh.

– Ngày 12 Tháng Mười Một 2017 ông Trọng lại ký tiếp 12 văn kiện với TQ vào dịp Tập Cận Bình sang VN.

Tất cả đều mật, người dân hoàn không được biết tới.

Bám ghế quyền lực bằng mọi giá bằng cách dựa vào thế lực một kẻ thù hung hiểm nhất nhân loại hiện nay là đánh đổi độc lập tự chủ của đất nước và đưa dân tộc vào con đường mất nước.”

Vì những lý do trên mà đến thời điểm này dư luận dường như không còn hy vọng gì ở một sự đổi mới tại Đại hội 13.

Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/01/2021 và Quốc hội khoá 15, vài tháng sau đó, sẽ chính thức hoá về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hoá các chức danh nhà nước theo cách “đảng cử, dân bầu”.

Đại hội nghìn tỷ tới đây với sự tham dự của hàng trăm đại biểu được chọn lựa kỹ lưỡng từ khắp các tỉnh thành trong cả nước tụ về chỉ còn mang tính hình thức để làm tròn thủ tục thông qua.

Ông Chênh viết: “Đại hội có vẻ như quyền lực to lớn lắm nhưng thực chất chẳng có chút quyền nào trong việc định đoạt nhân sự vì nghị quyết của đảng không cho phép đại biểu dự đại hội được quyền tự ứng cử, được quyền đề cử và được quyền nhận đề cử. Xem như nhân sự các cấp đã được quyết toàn bộ từ trước.”

Nhà báo Đỗ Ngà cũng chia sẻ nhận định này khi bình luận:

Thực tế thì hiện nay nhân sự cho đại hội 13 đã định đoạt ở các kì hội nghị trung ương kéo dài từ đội nghị trung ương 8 năm 2018 đến hội nghị trung ương 15 mới vừa kết thúc vào ngày 17/1 vừa rồi. Như vậy là đại hội 13 diễn ra vào ngày 25/1 đến 2/2 sắp tới chỉ là vở kịch, và những cuộc bầu cử toàn dân hay bầu cử nội bộ đảng sau đó đều là vở kịch nốt. Đối với dân, những vở kịch đó là không cần thiết nhưng đối với đảng thì nó rất cần. Vì sao? Vì một chính quyền mà vắng bóng bầu cử thì làm sao đảng mở miệng ra hót “bài ca dân chủ” với dân và với thế giới được?! Vậy nên phải diễn dù biết rằng để diễn vở kịch này có thể tốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ tiền của dân.

Như vậy thì đến đây có thể nhận ra vì sao đảng đưa mục nhân sự đại hội 13 vào diện “tuyệt mật”. Phải “tuyệt mật” chứ? Không “tuyệt mật” thì làm sao vở diễn dân chủ này “như thật” được? Chả nhẽ nói toạc móng heo ra hết thì vở kịch ấy còn giá trị gì nữa đây? Vậy nên phải gói nó vào cái gói “tuyệt mật” để tạo tính bất ngờ cho vở kịch.

Sắp tới cộng sản sẽ diễn 3 vở kịch ngàn tỷ: Vở thứ nhất là đại hội 13, đảng viên sẽ bỏ phiếu nội bộ bầu ra trung ương đảng và bộ chính trị. Chắc chắn kết quả luôn trùng khớp với anh sách đã chọn trong các kỳ hội nghị trung ương trước đó; Vở thứ nhì là bầu cử quốc hội khóa 15 và hội đồng nhân dân các cấp. Chắc chắn kết quả cũng sẽ trùng khớp với danh sách mà đảng đã chọn ra trước đó; Vở kịch thứ ba là quốc hội khóa 15 sẽ bỏ phiếu bầu ra tứ trụ. Chắc chắn kết quả cũng sẽ trùng khớp với những chọn lựa của đảng trong những hội nghị trung ương trước đó.

Bầu cử trong đảng cũng chỉ là vở kịch, bầu cử trong dân cũng chỉ là vở kịch, bầu cử trong quốc hội cũng chỉ là vở kịch. Các vở kịch này được dàn dựng từ chính tiền mồ hôi nước mắt của dân. Đó là thực tế. Dùng tiền của dân để dựng lên một trò lừa gạt dân thì đó chỉ có thể là CS, bởi bản chất của họ vốn không bao giờ có liêm sỉ nhưng lại rất thừa sự khốn nạn.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

Previous
Previous

Nguyễn Phú Trọng và kế hoạch cầm quyền suốt đời?

Next
Next

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tứ trụ, và các chủ đề nhân sự ‘giải quyết’ ở Hội nghị 15