Ông Nguyễn Phú Trọng, Tứ trụ, và các chủ đề nhân sự ‘giải quyết’ ở Hội nghị 15

14.jpg

Thông báo chính thức của Đảng xác nhận hội nghị này đã hoàn tất việc đề cử nhân sự bốn chức danh chủ chốt: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại?

Đảng Cộng sản không tiết lộ tên cụ thể của những nhân vật đã được đề cử cho Đại hội 13 sẽ diễn ra ngày 25/1.

Trong khi đó, trong thiểu số những người được xem là thạo tin chính trường Việt Nam, họ cho rằng đương kim Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được Bộ Chính trị giới thiệu và Trung ương Đảng tại hội nghị 15 thông qua cho chức danh Tổng Bí thư khóa 13.

Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 15.

Người ta cũng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Hội nghị 15 đồng ý cho vị trí Chủ tịch nước.

Ông Phạm Minh Chính được cho là sẽ đảm nhận chức Thủ tướng, và ông Vương Đình Huệ sẽ là Chủ tịch Quốc hội.

Thông tin này chính xác đến đâu, sẽ chỉ được xác nhận khi Đại hội 13 đã diễn ra.

Có thể ‘không cần sửa điều lệ Đảng’

Điều lệ Đảng sau lần sửa đổi ở Đại hội IX, năm 2001 đã bổ sung quy định: “Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp“.

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nói với báo Pháp luật TPHCM rằng hầu hết nhất trí với đề nghị của Ban chấp hành Trung ương là không đặt vấn đề sửa đổi Điều lệ ở Đại hội XIII.

Điều lệ quy định Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo tôi, quy định này không chỉ điều chỉnh với chức danh Tổng bí thư mà còn có giá trị định hướng, dẫn tới các quy định ràng buộc với chức danh người đứng đầu trong cả hệ thống chính trị.

Không chỉ là bí thư ở cấp ủy các cấp mà còn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước nữa.

Điều lệ là quy định mang tính lâu dài, nguyên tắc. Nhưng không vì vậy mà thành rào cản cho tình huống đặc biệt phát sinh, nhất là khi giải pháp đưa ra đạt được đồng thuận, nhất trí cao ở Bộ Chính trị, Trung ương khi giới thiệu, đề cử và ở Đại hội toàn quốc khi thông qua danh sách giới thiệu, và kết quả bầu cử.

Trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba nếu có thì là rất đặc biệt. Vì rất đặc biệt nên không thể lấy đó làm lý do để sửa, bỏ quy định không quá hai nhiệm kỳ của Điều lệ” – ông Thông nói.

Thông qua danh sách Trung ương khóa mới

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị 15, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số người lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số Uỷ viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XIII và một số người lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức.

Chữ “đặc biệt” ở đây ám chỉ về độ tuổi các ứng viên.

Theo quy định của Đảng Cộng sản về công tác nhân sự, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi).

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi.

Trong trường hợp đặc biệt, Ban chấp hành Trung ương có thể xem xét giới thiệu tái cử đối với ủy viên Ban chấp hành đã quá 60 tuổi, và Ủy viên Bộ Chính trị có độ tuổi trên 65 để Đại hội quyết định bầu vào Ban chấp hành, Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), Trung ương Đảng giới thiệu 5 trường hợp đặc biệt về tuổi.

Có 1 trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

4 trường hợp đặc biệt được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương gồm các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam và Huỳnh Phong Tranh; trong đó chỉ có ông Huỳnh Phong Tranh không trúng cử.

Đề cử các chức danh chủ chốt

Cũng trong diễn văn bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng cho hay Hội nghị 15 thông qua nhân sự là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XIII và danh sách đề cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII “với số phiếu tập trung rất cao“.

Không rõ “danh sách đề cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII” là liên quan các chức danh cụ thể nào.

Đại hội 13 sẽ diễn ra ngày 25/1 và bế mạc ngày 2/2, theo thông báo trước đó của Đảng Cộng sản.

Theo nguồn tin riêng của Thoibao.de từ một Ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCS VN tường thuật từ Hội nghị TƯ 15, Hà Nội 16.01.2021, thì kết quả bầu bán sau Hội nghị Trung ương 15 là: ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ nắm chức Chủ tịch nước.

Hội nghị Trung ương 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào hôm 16.01.2021, các chức danh “ Tứ trụ” đã được đề cử để đưa ra Đại hội 13 bầu chính thức.

Trước khi Hội nghị Trung ương 15 diễn ra, các phiếu thăm dò tín nhiệm cho những “trường hợp đặc biệt”, trên 65 tuổi đối với ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Trần Quốc Vượng đã được gửi qua thư tới các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng trên cả nước.

Trong phiếu thăm dò được xếp từ trên xuống dưới và theo thứ tự, ông Nguyễn Phú Trọng, người tự xếp mình vào hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước, sau khi thu hồi các phiếu thăm dò qua đường bưu điện gửi về văn phòng Trung ương đảng, hôm 9/1 vừa rồi, Bộ Chính trị đã họp và đưa kết quả thăm dò ra để thảo luận.

Ở cột thăm dò TBT thì ông Nguyễn Phú Trọng được 60% còn 30% bỏ phiếu cho cột CTN. Còn ông Nguyễn Xuân Phúc thì cao phiếu thứ hai. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì thua ông Nguyễn Xuân Phúc với tỷ lệ sát nút 2%, xếp thứ tư là ông Trần Quốc Vượng.

Kết quả cuộc họp Bộ Chính trị trên cơ sở đó đã quyết là hai suất “đặc biệt” dành cho hai người cao phiếu nhất là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc được ở lại khóa 13.

Tiếp theo BCT đã thảo luận để đưa ra thêm 2 người nữa cho hai ghế còn lại là ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ. Đó là kết quả vòng thứ nhất.

Vòng thứ hai tức là Hội nghị trung ương 15 hôm 16/1 bỏ phiếu cho 4 ông, thì ông Nguyễn Xuân Phúc cao phiếu nhất là hơn 95% còn hai ông Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ cũng trên 90%, tức là rất cao. Còn ông Nguyễn Phú Trọng thấp nhất là 82%, nhưng quá bán là đã hội đủ yêu cầu, với đương kim Tổng bí thư tuổi cao và sức yếu, thì con số phiếu đạt 82% cũng là thành công với ông.

Theo quy trình, tới đây trong Đại hội 13, trong phiên đầu tiên sẽ biểu quyết để sửa đổi điều lệ, tức là thông qua cho ông Nguyễn Phú Trọng ở lại, vì ông Trọng đã 2 nhiệm kỳ rồi mà theo điều lệ thì chỉ được 2, nếu muốn 3 thì phải sửa đổi điều lệ, nhưng hiện nay phía Đảng Cộng sản Việt Nam chưa biết có sửa hay không.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến từ ban Tuyên giáo cho rằng không nên sửa điều lệ, bởi vì sửa điều lệ rất nguy hiểm, nếu sửa, sau ông Trọng, người khác lên cũng sẽ muốn ngồi ghế TBT cho tới chết, vì vậy chỉ cần bỏ phiếu cho ông Nguyễn Phú Trọng là được.

Dự kiến tại Đại hội 13, cuộc bỏ phiếu tới đây ở vòng thứ ba thì số phiếu có lẽ cũng không thấp, nếu vòng thứ 2 bây giờ đã cao như vậy”, nguồn tin riêng của Thoibao.de từ một Ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCS VN tường thuật từ Hội nghị TƯ 15, ở Hà Nội 16.01.2021 cho Thoibao.de biết như vậy.

Khi được đề nghị bình luận về phương án nhân sự cấp cao ‘Tứ trụ’ với kịch bản đề cập như ở trên mà nếu được Hội nghị Trung ương 15 thống nhất đề nghị lên Đại hội 13 có gì đáng nói về mặt một số tiêu chí nổi bật hay không, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đề cập ba khía cạnh:

Trước hết về tiêu chí mà mọi người vẫn gọi nôm na là vùng miền, thực chất từ Đại hội 7 mới có những quy định hay quy ước là trong Tứ trụ nên có đủ thành phẩn của ba miền, lúc đầu do đó là phải ba miền, nhưng cho đến Đại hội 11 và Đại hội 12, dường như chỉ còn một quy chế, hay đúng hơn là quy ước là cặp Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là phải khác miền.

Nếu lần này, theo danh sách mà người ta đồn, theo đó Tổng Bí thư và Thủ tướng cũng đến từ miền Bắc, thì nó có vẻ phá vỡ quy ước trên mà từ Đại hội 7 đã đưa ra, tức là nó đã tạo ra sự khác biệt mà nói đúng ra là nó phá vỡ quy ước đó.

Thế nhưng quy ước ấy chưa bao giờ ghi thành văn bản và quy ước ấy đặt ra là để đảm bảo sự đoàn kết trong một quốc gia, một sự đoàn kết trong nội bộ đảng về mặt lãnh đạo cũng như là về các mặt ý chí và địa lý.

Thế thì lần xảy ra như thế, nhưng chúng ta vẫn thấy rằng vẫn có chức vụ đảm nhiệm bởi người miền Trung ở đấy, tức là trong Tứ trụ, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được quyết định ở lại như một trường hợp đặc biệt mà quá 65 tuổi, thì ông ấy là người miền Trung, chỉ có thiếu người miền Nam thôi.

Miền Nam từ sau năm 1986, tức là từ khi quá trình đổi mới kinh tế được khởi xướng từ năm 1986, là địa bàn đóng góp rất lớn về tăng trưởng kinh tế cho quốc gia, đấy là một điểm mấu chốt vô cùng quan trọng để đảm bảo đất nước tiến lên

Lần này, nếu không có đại diện là người miền Nam ở trong Tứ trụ, thì chúng ta thấy đó là một chuyện mà có một điều gì đó hơi gợn, hơi đặc biệt, tuy nhiên, nếu nhìn mở rộng ra trong các khả năng khác, tức là tỷ lệ trong Ban chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp tới của Đại hội 13, thì thấy rằng số ứng cử của miền Nam cũng là rất đông.

Chỉ có chuyện là đông như thế, quan trọng như thế mà không có ai là người miền Nam ở trong Tứ trụ thì đây là lần đầu tiên nó sẽ là một chuyện đặc biệt như thế xảy ra, cũng như chúng ta thấy rằng ở Đại hội 10 đã không có người miền Trung ở trong Tứ trụ, chỉ có miền Bắc với miền Nam mà thôi.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

Previous
Previous

Đại hội 13 – Vở kịch ngàn tỷ

Next
Next

Nguyễn Phú Trọng tái cử, nhân quyền Việt Nam lâm nguy