Khác thế giới, xúc phạm lãnh đạo luôn là 'tội hình sự' ở Việt Nam

LS Đặng Đình Mạnh

Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Những ngày trước các phiên tòa xét xử cô Phạm Thị Đoan Trang, ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Đỗ Nam Trung, bà Cấn Thị Thêu, ông Trịnh Bá Tư, tôi nhắc lại một số câu chuyện sau:

Vào tháng 09/2021, tòa tối cao Singapore tuyên buộc hai blogger Rubaashini Shunmuganathan và Xu Yuan Chen phải bồi thường danh dự cho Thủ tướng Lý Hiển Long.

Số tiền họ phải trả lên đến 275.113 đô la Mỹ vì có bài viết công kích, phỉ báng phẩm chất ông thủ tướng, theo tòa.

Vào tháng 04/2021, một nhà hoạt động và một cố vấn tài chánh khác đã gây quỹ ở Singaoire được hàng chục ngàn đô la để bồi thường cho thủ tướng cũng vì một phán quyết tương tự.

Trước đó, những nhân vật cao cấp của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền, kể cả ông Lý Quang Diệu lúc còn sống cũng phải tự kiện truyền thông nước ngoài và các đối thủ chính trị về tội mạ lỵ để bảo vệ danh tiếng của họ.

Ở Singapore, người có hành vi phỉ báng lãnh đạo quốc gia có thể đối diện với một phán quyết bồi thường dân sự.

Tại Pháp, hồi năm 2013, nhân danh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) đã can thiệp mạnh mẽ buộc Quốc hội Pháp đã phải hủy bỏ một điều luật hà khắc tồn tại từ hơn 130 năm.

Điều luật từ 1881 quy định: "Bất kì điều gì bị đánh giá là xúc phạm đến người đứng đầu chính quyền đều bị trừng trị trước pháp luật."

Từ sau can thiệp này, xúc phạm đến lãnh đạo chính quyền không còn bị trừng trị như tội hình sự nữa. Nhưng người có hành vi xúc phạm vẫn có thể đối diện với bản án bồi thường dân sự.

Cùng năm 2013, CH Nam Phi có phiên toà và phán quyết buộc Media 24 và cựu biên tập viên Tim Du Plessis của tờ Rapport phải bồi thường danh dự cho Tổng thống Jacob Zuma với số tiền 5 triệu rand vì đã đăng ảnh ông đang nướng động vật bên một số nghệ sĩ.

Nhiều quốc gia khác cũng vậy, luật pháp không phân biệt người lãnh đạo quốc gia với công dân của mình. Tất cả đều bình đẳng như nhau trước pháp luật.

Khi công dân này có các hành vi lan truyền sự phê phán, chỉ trích, phản biện, bình luận, thậm chí phỉ báng, mạ lị ... một cách không đúng đắn, chính đáng làm tổn hại đến danh dự của công dân khác hay cá nhân người lãnh đạo quốc gia, thì người bị xâm phạm có quyền yêu cầu bồi thường dân sự.

Quyền tự do ngôn luận đã được bảo vệ theo cách văn minh như vậy.

Đương nhiên, quyền tự do ngôn luận chưa bao giờ là vô giới hạn. Giới hạn của sự tự do ngôn luận chính là danh dự, nhân phẩm của người khác bị xâm phạm một cách không đúng đắn, chính đáng. Người có hành vi vượt lằn ranh đó phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Việt Nam luôn phải khác thế giới?

Nói Việt Nam thì khác, người có hành vi vượt lằn ranh không bị chế tài bằng một tội danh hình sự và không phải trả giá bằng án phạt tù.

Tuy cũng là quốc gia tham gia ký kết bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nhưng hầu như, chúng ta không chia sẻ những giá trị nội hàm của các quyền tự do ngôn luận được nêu trong bản tuyên ngôn đấy.

Sự khác biệt giữa ta và họ thường được giải thích là đặc thù.

Gần đây nhất, thủ tướng xứ ta đã cụ thể hóa nội hàm nhân quyền thành "cái ăn, cái mặc", là "ổn định chính trị".

Theo đó, các chủ thể chính trị và đối tượng như chính sách, đảng cầm quyền, tên tuổi các lãnh đạo đều là những đề tài húy kỵ nếu người thực hành quyền tự do ngôn luận định lan truyền sự phê phán, chỉ trích, phản biện, bình luận tiêu cực, thậm chí phỉ báng, mạ lị.

Đó là lằn ranh đỏ. Người vượt qua đó phải gánh chịu sự trả giá bằng một trong hai điều luật hình sự mang số 331 và 117.

Hiểu hoặc không hiểu, nhưng nhiều người dân vẫn vô tình hay hữu ý vượt lằn ranh đỏ.

Nếu hiểu tự do ngôn luận, các giá trị nhân quyền chỉ là cái ăn, cái mặc, thì thầy Nguyễn Năng Tĩnh (Nghệ An) đã không trở thành thân chủ khốn khổ của tôi. Và cũng nếu, thầy không dạy học trò những bài hát yêu nước, chia sẻ trên trang mạng xã hội những bài viết chính trị, xã hội. Kể cả bài viết góp ý sửa đổi hiến pháp theo lời kêu gọi của chính quyền.

Rủi cho thầy, tác giả của bài viết là 72 nhân sĩ, trí thức vẫn bình an vô sự, nhưng thầy, với tư cách độc giả và là người chia sẻ đã lĩnh án hơn chục năm tù giam.

Ông viết, chia sẻ nhiều bài có nội dung về hiện tình đất nước. Ông tham gia nhiều buổi trao đổi công khai với các trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước về những dự luật gây nhiều tranh cãi. Trả giá về những nỗ lực lo lắng của ông cho xứ sở, ông lĩnh án 6 năm tù giam.

Vũ Thị Dung, Nguyễn Thị Ngọc Sương là hai thân chủ khốn khổ không kém của tôi ở Đồng Nai, nhưng trong huyết quản của hai bà là dòng máu anh thư của bậc tiền nhân đã từng bỏ mình ở Hát Môn năm xưa.

Là người nội trợ, nhưng lo lắng trước viễn cảnh "nước mất, nhà tan", hai bà tự viết tay lên những trang vở học trò để làm truyền đơn kêu gọi không thông qua dự luật đặc khu. Người lĩnh 6 năm, người 5 năm tù giam.

Các thân chủ khốn khổ nhưng vinh quang khác của tôi, những Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Huỳnh Thục Vy...

Và Phạm Thị Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đỗ Nam Trung, Bùi Văn Thuận... cũng lại lãnh án vì đã mạnh mẽ thực hành quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp một cách đầy rủi ro.

Rủi ro, vì lẽ ở xứ này, sự lan truyền phê phán, chỉ trích, phản biện, bình luận tiêu cực, thậm chí phỉ báng, mạ lị các nhân vật, thực thể chính trị đều là hành vi không thể chấp nhận và bị đồng hóa với hành vi tuyên truyền chống nhà nước.

Thật khó quan niệm về khả năng công dân chống lại nhà nước mình.

Nhất là đối với những công dân quan tâm sâu sắc đến vận mệnh xứ sở.

Ở họ, chỉ có quan điểm xây dựng xứ sở khác với cách thực mà chế độ đang theo đuổi mà thôi.

Bao dung hơn, chẳng phải chế độ này không chỉ có trọn giang sơn mà cả nhân tâm nữa sao?

Xứ ta, lúc này, nói lời nghịch nhĩ vì lòng ái quốc thật khó quá

Previous
Previous

Việt Nam: Hai vụ việc nổi cộm và nạn thiếu niềm tin vào lời chính quyền

Next
Next

Hoa hậu Thùy Tiên: “Sẽ luôn khiến Việt Nam tự hào”