Việt Nam: Hai vụ việc nổi cộm và nạn thiếu niềm tin vào lời chính quyền

Bùy Uyên

Hai sự kiện nổi cộm trong tuần vừa qua trên các mạng xã hội ở Việt Nam, dường như chẳng liên quan, không mấy ăn nhập, nhưng suy nghĩ kỹ, đều có chung một nguyên nhân là Thiếu Niềm Tin.

Ồn ào nhất trong công luận, là việc các phụ huynh phân vân, lo lắng không biết có nên cho con đi tiêm chủng kháng Covid-19 hay không, chủ yếu vì mấy lô thuốc đúng trước ngày "hết date" mới được gia hạn thêm 3 tháng lại được dùng để tiêm cho trẻ em.

Mặc dù có một công văn chính thống dài vài trang, giải thích và chứng nhận việc gia hạn vaccine, phụ huynh vẫn nghi ngờ vì sự "hỏa tốc" của nó, rồi quay ra đặt câu hỏi về điều kiện bảo quản, rộng hơn là vì sao trẻ con phải tiêm khi người lớn còn chưa tiêm hết?

Nhiều người còn có phản ứng mạnh mẽ hơn, các mạng xã hội tràn ngập những bình luận cay nghiệt, rồi có những hội phụ huynh "biểu quyết" chưa cho con tiêm đợt này.

Khác biệt nhỏ giữa hai sự việc, có chăng, là sự tác động trực tiếp của nó lên mỗi người.

Không ít người VN nay tìm đến thần Phật vì mất niềm tin vào các chuẩn mực mang tính quốc gia

Một thanh niên khỏe mạnh chết khó hiểu trong trại lính là trường hợp dù rất đau thương nhưng được cho là hãn hữu, có thể chép miệng bỏ qua. Nhưng tiêm cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu đứa trẻ, thì sự lo lắng, phân vân, thiếu tin tưởng là đến từ các bậc làm cha làm mẹ, những người duy nhất "chịu mọi trách nhiệm" cho việc lựa chọn tiêm hay không tiêm cho con mình.

Vấn đề trở nên rất nhạy cảm khi chạm tới những đứa trẻ còn cả một tương lai rất dài ở phía trước, mà không bố mẹ nào muốn phải hối hận sau này, hoặc ngay ngày mai. Sự quan tâm và lo lắng cho hai sự việc vì thế khác hẳn nhau, chính bởi tính "sát sườn" của nó khác nhau. Nhưng nguyên nhân và bản chất thì không có gì khác biệt và theo tôi đó là sự thiếu niềm tin vào những gì chính quyền nói và làm.

Dân không tin chính quyền, có hại gì không? Có chứ, hại cho một chính sách có thể đúng, lại khó triển khai hiệu quả.

Hại cho người dân không biết dựa vào đâu cho những quyết định của mình, để rồi bị lừa hay nghe theo những lời khuyên, thông tin thật giả trôi nổi không căn cứ.

Kinh doanh tâm linh, cầu cúng mê tín cũng một phần vì xã hội tin vào cầu may hơn là vào tri thức, công lý và nhà nước pháp quyền. Thiếu niềm tin vào sự bảo vệ của công lý, người dân tự xoay sở dùng đồng tiền, coi đó là thước đo và "chìa khoá vạn năng" cho mọi vấn đề.

Nếu nhà quản lý, cầm quyền muốn lấy niềm tin, thì chỉ có một cách là minh bạch, công khai nhất có thể. Hành xử dựa trên những khung luật pháp, nguyên tắc đặt ra, và phải tôn trọng tuân thủ nó.

Ra nước ngoài thấy người ta xếp hàng không chen lấn, ngay cả chờ nhận cứu trợ, người ta đỗ lại trước vạch người đi bộ nhường đường. Không phải vì người dân họ bản chất văn minh, tử tế hay trật tự hơn, mà vì họ tin quyền lợi của họ không bị ai tranh cướp, họ biết vi phạm luật giao thông sẽ bị phạt nặng.

Cái "văn minh" nếu có, phần lớn được "rèn" từ sự tin tưởng và tuân thủ vào những nguyên tắc chung, mặt khác luôn đảm bảo trên hết quyền tự do cá nhân.

Còn chính quyền không có đối thoại, mà chỉ áp đặt từ trên xuống, là coi người dân là "con dân" chỉ được phép nghe lời. Mọi sự nghi ngờ, chất vấn, không đồng thuận, đều có nguy cơ bị hình sự hóa.

Quản lý bằng reo rắc nỗi sợ , tước đi niềm tin vào sợi chỉ đỏ là luật pháp. Khi sự kết nối bằng tin cậy giữa người dân vào chính quyền không còn, thì hai bên chỉ chống chế, ứng phó với nhau, tư lợi cho mình, không có sự hợp tác và tôn trọng thật sự.

Sản phẩm của sự mất niềm tin này là một xã hội với lối tư duy ngắn hạn, đối phó, mà không xây dựng bằng những giá trị chung vững chãi.

Mỗi cá nhân có thể giàu lên, một số mặt tiến bộ, nhưng luôn chỉ dừng ở manh mún, khập khiễng không đồng bộ, không "góp gió thành bão" tạo một nền tảng để trở thành một chiến lược và sức mạnh nâng tầm quốc gia.

Previous
Previous

VN duy trì Nhà nước XHCN đến 2030 nhưng nói nhiều hơn đến các giá trị phổ quát

Next
Next

Khác thế giới, xúc phạm lãnh đạo luôn là 'tội hình sự' ở Việt Nam