Lời hứa của Tô Đại tướng “chấm dứt tình trạng sử dụng bằng cấp giả”, giờ ra sao?
Chuyện “sư thầy” Thích Chân Quang, tên tục là Vương Tấn Việt, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang ở Bà Rịa – Vũng Tàu, bị phát hiện sử dụng bằng Bổ túc Văn hóa giả, để tham gia tuyển sinh đại học, rồi làm luận văn tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội, đã làm nóng mạng xã hội những ngày qua.
Báo Tuổi Trẻ ngày 13/8 đưa tin, kèm theo hình ảnh bản báo cáo gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, của Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục, cơ quan này đã xác minh, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi, cũng như bảng ghi tên, ghi điểm, của kỳ thi Tốt nghiệp Bổ túc Văn hoá cấp 3 năm 1989. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách được cấp bằng Tốt nghiệp cấp 3, hệ “Bổ túc Văn hóa”, ngày 6/6/1989, của Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy đã rõ, ông Vương Tấn Việt – tức Thích Chân Quang, đã sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 “giả”, để học tiếp hệ Đại học từ xa. Sau đó, ông này lại được đặc cách cho làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội, và trong vòng chỉ hơn 2 năm đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Theo quy định của Bộ Giáo dục, nếu bằng tốt nghiệp cấp 3 là giả, thì các bằng cấp tiếp theo sẽ trở nên vô giá trị, không được công nhận.
Trước đó, Luật sư Lê Ngọc Luân từ Sài Gòn, đã gửi một bức thư ngỏ, đề nghị Tổng Bí thư Tô Lâm có ý kiến chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc ông Thích Chân Quang sử dụng bằng giả, để xử lý nghiêm minh.
Ngay sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện công văn thông báo của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh như trên.
Tuy nhiên, công luận thắc mắc, tại sao, cho đến lúc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn, cũng như Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, vẫn chưa lên tiếng?
Công luận thấy rằng, để xảy ra tình trạng này, là do chính sách đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, dưới thời Tổng Trọng. Do quá chú trọng đến bằng cấp mang tính hình thức, nên đã dẫn đến tình trạng sử dụng bằng cấp giả tràn lan, mà không bị xử lý. Thậm chí như vụ việc mua bán chứng chỉ tiếng Anh ở Đại học Đông Đô, bất chấp sự phẫn nộ của dư luận, cũng đã chìm xuồng.
Trong số 193 bằng cấp giả được Đại học Đông Đô bán ra cho 60 người, có 55 người đã sử dụng bằng giả này để nộp hồ sơ, xét tuyển nghiên cứu sinh, hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngoài ra, bằng cấp giả còn được dùng để thi nâng ngạch, thi công chức, khai vào hồ sơ cán bộ…
Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ngày 9/11/2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thừa nhận tình trạng cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng, nhà nước sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả tràn lan.
Lúc đó, theo ông Tô Lâm, tình trạng mua bán bằng đại học giả, chứng chỉ giả, vẫn diễn ra công khai rất nhiều năm. Đại tướng Tô Lâm hứa với Quốc hội, sẽ giải quyết, xử lý kịp thời, để chấm dứt tình trạng này.
Theo báo Thanh Niên, giá của các loại bằng Tiến sĩ được rao bán đa dạng, mức cao nhất là 15 triệu đồng, mức thấp nhất rẻ hơn một nửa, cũng chỉ có giá 6 triệu đồng.
Thực trạng ở Việt Nam hiện nay, các quan chức có đầy đủ các học hàm, học vị, dài dằng dặc trong danh thiếp, mà ai cũng biết, có tới 99% là sử dụng bằng giả, hoặc bằng thật nhưng có được do bỏ tiền ra mua chứ không học, để được thăng quan tiến chức.
Đây đã không còn là chuyện lạ. Vấn đề chỉ là có “bị lộ” hay không, và nếu ai được che chắn tốt, thì dù có dùng đến mười tấm bằng giả vẫn thoát tội, vẫn tiếp tục leo lên những chiếc ghế quyền lực cao hơn.
Trà My – Thoibao.de