Đảng bộc lộ bản chất “ngoại giao trục lợi”

Ngày 1 tháng 4 trên blog của Trần Đồng A trên VOA, tác giả đánh giá, bản chất “trục lợi” của ngoại giao Việt Nam chưa bao giờ lộ diện như cuối tháng 3 này. Chuyến thăm Trung Cộng ngày 22/3 của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung; chuyến thăm Hoa Kỳ ngày 25/3 của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn; và lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng thống Putin qua cuộc điện đàm hôm 26/3, đã nói lên tất cả!

Tác giả cho rằng, sự tảng lờ của Bắc Kinh, thể hiện qua thông cáo hết sức kiệm lời của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không hề nhắc gì đến việc mất chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho thấy, Bắc Kinh không “rời mắt” trước mọi “đấu đá cung đình” cũng như các “lắt léo” về ngoại giao của Hà Nội.

Cho nên, bên cạnh nhiệm vụ “bẩm báo nội bộ” của Lê Hoài Trung với Thái Kỳ – người xếp thứ 5 trong hệ thống chính trị tại Trung Quốc, hẳn phải có thêm các sứ mệnh khác.

Theo tác giả, không phải ngẫu nhiên, khi có tin Tổng Trọng lâm trọng bệnh, thì Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên – nhân vật số 2 của Bộ Công an Trung Quốc, đã nhanh chóng có mặt tại Hà Nội.

Có lẽ, trừ tướng Tô Lâm và những người Trung Cộng, lúc bấy giờ, mấy ai biết rằng, chỉ sau một thời gian ngắn nữa, Chủ tịch Thưởng sẽ bị “cưa ghế”.

Vẫn theo tác giả, 2 tháng kể từ khi nhân vật số 2 của Công an Trung Cộng xuất hiện ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã không còn úp mở, thẳng thừng cảnh cáo Hà Nội: “Việc tham gia các khối có mục đích “đối đầu” và “bè phái” là không phù hợp”, ngay sau khi Việt Nam và Australia vừa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Vì vậy, tác giả nhận định, sứ mệnh “bẩm báo” của ông Lê Hoài Trung không chỉ liên quan đến các khúc mắc trong giới đầu sỏ ở Ba Đình, mà còn phải tường trình cụ thể về vụ Hà Nội đã có tới 7 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Trong khi đó, tác giả cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, tại Viện Brookings, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã cố gắng trấn an phía Hoa Kỳ rằng, việc Chủ tịch nước từ chức ở Hà Nội không ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ngoại trưởng Sơn còn thúc giục Washington hãy sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội. Thế nhưng, báo chí trong nước lại lờ tịt sự quan tâm từ phía các học giả Mỹ.

Tác giả nhận xét, cách trả lời kiểu “thừa thắng xông lên” của ông Ngoại trưởng Việt Nam, đã vấp phải sự phản kháng tức thì của truyền thông Mỹ. Một nhà báo Mỹ đã đánh giá rằng, Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược “Trung Quốc + 1”. Đây là một chiến lược kinh doanh do các tập đoàn đa quốc gia áp dụng, để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc, và kêu gọi phải đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các quốc gia khác.

Tác giả cho hay, các vị khách mời hôm ấy thấm thía rằng, việc Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hiệp Quốc sẽ cải thiện hồ sơ dân chủ, nhân quyền và một số lĩnh vực khác, với hạn thực hiện vào năm 2099, cho thấy thái độ ngạo mạn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế như thế nào!

Tác giả bình luận, hãy kiên nhẫn chờ đến tháng 7/2024 – thời hạn quyết định có gỡ bỏ nhãn kinh tế phi thị trường của Việt Nam – chúng ta sẽ thấy kết quả, từ sự lựa chọn của các chiến lược gia Hoa Kỳ. Lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên cho giai đoạn trước mắt: Coi hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là trọng tâm, hay chú ý đến các thang giá trị trong bang giao?

Cũng có thể, vì vị thế địa chính trị của Việt Nam trên “bàn cờ lớn” nhằm bao vây Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và đồng minh thỏa hiệp với Việt Nam. Đằng sau việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, sẽ là một quyết sách chính trị, giữ cho Việt Nam không trở thành đồng minh của Trung Cộng.

Tác giả kết luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đừng nghĩ rằng, cách thuyết khách như Ngoại trưởng Việt Nam vừa qua có thể khiến Hoa Kỳ “mắc lỡm”.

Thu Phương – thoibao.de

Previous
Previous

Ngoại trưởng Tòa thánh Vatican lần đầu tiên thăm Việt Nam1

Next
Next

Việt Nam trấn an nhưng từ ngoài nhìn vào vẫn bấp bênh