Nguyễn Hòa Bình ở nguyên vị trí, luật pháp đến hồi cáo chung
Ở nhà nước Cộng Sản thì luật pháp là công cụ của nhà nước, còn ở các nước dân chủ thì nhà nước là công cụ của pháp luật. Đấy là điều khác nhau rất cơ bản giữa hai nhà nước. Được biết trong tổ chức bộ máy nhà nước CS thì nhà nước và ĐCS là một. Vì nhân sự bên trong nhà nước này 100% là đảng viên ĐCS nên nói nhà nước cũng là đảng là như vậy.
Công an, viện kiểm sát và tòa án là 3 hệ thống tham gia vào quy trình tố tụng của nhà nước. Tuy nhiên 3 hệ thống này không độc lập nên nó mới hình thành nên sự thông đồng giữa cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án để lập nên những thành tích xuất sắc giả tạo, phá án nhanh và nhận khen thưởng.
Trong năm 2020 và đầu năm 2021, nền tư pháp Việt Nam chứng kiến 2 phiên tòa gai góc, đó là phiên tào giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và vụ án phúc thẩm 6 bị cáo của Đồng Tâm. Cả 2 điều thể hiện ý muốn bất chính của ĐCS. Trong đó vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án mang tính bảo vệ cái sai hệ thống của nền tư pháp, vụ án Đồng Tâm là bảo vệ ý chí của người đứng đầu ĐCS Việt Nam muốn răn đe những người dân oan khác trên cả nước.
Tòa án là nơi nắm cán cân công lí. Ở nước ngoài mỗi tòa án là độc lập nhau, họ dựa vào luật pháp mà xử chứ không dựa vào ý chí của một ai cả. Tuy nhiên, hệ thống tòa án ở Việt Nam được thống nhất chỉ đạo bởi ĐCS nên dù cho bị oan ở cấp tòa này, người ta kêu oan lên cấp tòa khác cũng vô dụng, vì tòa cao sẽ bảo vệ cái sai của tòa thấp hơn.
Từ xưa đến nay, chánh án tòa án tối cao là một ủy viên trung ương đảng. Tuy nhiên, ở trung ương đảng khóa XIII này có thể khác, vì hiện nay Nguyễn Hòa Bình đang là chánh án tòa án nhân dân tối cao nhưng lại là ủy viên Bộ Chính Trị. Nếu con người này ngồi lại ghế chánh án tòa án tối cao thì điều gì sẽ xảy ra?
Nguyễn Hòa Bình gắn liền với hình ảnh công lý bị chà đạp
Tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra từ 25/1 đến ngày 1/2/2021, ông Nguyễn Hòa Bình Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã vào Bộ Chính Trị. Ông được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình ngày 31/1/2021, tại hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Như vậy, ông Bình là chánh án thứ hai trong lịch sử Tòa án Nhân dân Tối cao được bầu vào Bộ Chính trị – cơ quan tập hợp những đảng viên quyền lực nhất của Đảng Cộng sản. Người còn lại cũng tên là Hòa Bình, nhưng mang họ Trương, “trúng” vào Bộ Chính trị tháng 1/2016 tại Đại hội XII. Tuy nhiên ông Trương Hòa Bình sang bên hành pháp làm chức phó thủ tướng gần như ngay sau đó, trong một kỳ họp Quốc hội hết sức đặc biệt vào tháng Tư cùng năm, để rồi ông Nguyễn Hòa Bình thay thế ông ở vị trí chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Hiện nay, sắp tới ngày sắp xếp xong nhân sự của Ban Bí Thư và Chính Phủ, nhưng vẫn chưa rõ ông Nguyễn Hòa Bình sẽ làm việc ở bộ máy nào trong 2 bộ máy này. Nếu ông Nguyễn Hòa Bình tiếp tục giữ vị trí chánh án trong 5 năm tới thì đây là lần đầu tiên Tòa án Nhân dân Tối cao có một “chân” thực chất trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên đây sẽ là điều đáng lo ngại cho tình hình thực thi công lí ở Việt Nam.
Theo lẽ thường, thẩm phán không nên là đảng viên để giữ được tính độc lập, phi đảng phái của mình, có như vậy mới có thể xét xử công bằng. Nhưng dĩ nhiên, Việt Nam không có một nền tư pháp độc lập để có thể lấy cái tiêu chuẩn đó ra mà đo. Chức vụ bên đảng (hay còn gọi là cấp ủy) quyết định quyền lực thực tế của một đảng viên, chứ không phải chức vụ bên phía chính quyền. Bộ Chính trị, cơ quan cấp trên của Ban Chấp hành Trung ương, mới là điểm đến của những đảng viên tham vọng nhất và thành đạt nhất. Nguyễn Hòa Bình là một con người xem thường luật pháp qua việc xét xử Hồ Duy Hải. Nếu ông Bình mà ngồi lại ghế chánh án tòa án nhân dân tối cao thì có thể nói, một chút tính nghiêm minh của pháp luật còn sót lại cũng sẽ bị ông Nguyễn Hòa Bình tẩy xóa. Đó là viễn cảnh của nền tư pháp Việt Nam nếu ông Nguyễn Hòa Bình làm chánh án.
Kẻ bẻ cán cân công lý lại được chọn?
Chức chánh án này xưa nay không phải là vị trí quyền lực gì cho lắm bên phía cấp ủy. Các chánh án xưa đến nay thường chỉ lên được đến ủy viên trung ương (ngoài hai vị kể trên thì còn Phạm Hưng, Nguyễn Văn Hiện), số còn lại thậm chí còn không vào được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Phạm Văn Bạch, Trần Công Tường, Trịnh Hồng Dương). Điều đó dường như nói lên tất cả mọi thứ cần biết về địa vị của ngành tòa án Việt Nam trong toàn bộ hệ thống chính trị, rằng người nắm cán cân công lý gần như không có quyền lực gì đáng kể. Và nếu giả sử Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính không kéo Nguyễn Hòa Bình về được, thì có thể nói tòa án Việt Nam đang có một kẻ chuyên bẻ gãy cán cân công lý nắm quyền điều khiển ngành tư pháp Việt Nam.
Được vào Bộ Chính trị là phần thưởng mà Đảng Cộng sản dành cho Nguyễn Hòa Bình. Phần thưởng đó dành cho cái gì thì có lẽ cần phải phân tích là trong 5 năm qua, Nguyễn Hòa Bình đã làm được những gì?
Với vai trò đạo ngành tòa án xét xử hàng loạt vụ án đình đám liên quan đến công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều đảng viên cấp cao đến thế phải hầu tòa và chịu những mức án cực kỳ nặng nề: Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trịnh Xuân Thanh, v.v. Đây là phần ông Nguyễn Hòa Bình ghi điểm vì phụ ông Trọng đốt lò. Ở những vụ án này thì liệu ông Nguyễn Hòa Bình phục vụ công lý hay phục vụ nguyện vọng của ông Nguyễn Phú Trọng? Với tuyên giáo thì người ta sẽ ca ngợi ông Nguyễn Hòa Bình phục vụ công lý, nhưng với người am hiểu thì người ta thừa biết, ông Nguyễn Hòa Bình phục vụ cho ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm tìm cho mình lợi ích chính trị.
Để chứng minh cho việc xét xử phục vụ công lý hay phục vụ ý đồ cấp trên thì hãy nhìn vào phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (2020) và phiên sơ thẩm vụ án Đồng Tâm (2020).
Tại vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hòa Bình đã đồng lõa với sai phạm quy trình tố tụng hình sự từ công án điều tra cho đến việc xử ép ở hai cấp xử. Mục đích là bảo vệ cái sai của hệ thống tư Pháp. Còn vụ Đồng Tâm thì ông Nguyễn Hòa Bình dùng phiên xét xử này để răn đe những dân oan khác như Dương Nội, Văn Giang, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng không được phản kháng nữa.
Thẳng tay đàn áp tiếng nói trái chiều
Trong nhiệm kỳ 5 năm Nguyễn Hòa Bình nắm tòa án, những phiên tòa chính trị cũng diễn ra và người ta ghi nhận, càng ngày tòa càng ác với những người lẽ ra không đáng ghép tội này. Các vụ án có thể kể ra như: vụ án Hội Nhà báo Độc lập (2020), vụ án Hội Anh em Dân chủ (2016), vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (2017), v.v… Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng nhà bất đồng chính kiến bị xét xử tăng cao hơn nhiều so với thời gian trước đây, đến mức gần như xóa sổ phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam.
Việc Đảng Cộng sản tưởng thưởng Chánh án Bình vì những công trạng này cho thấy những oan khiên mà ông Bình và ngành tòa án gây ra trong suốt nhiệm kỳ vừa rồi chính xác là những gì mà đảng mong đợi. Điều đó có nghĩa là các tử tù như Hồ Duy Hải, những người nông dân nổi dậy như Lê Đình Chức, hay các nhà bất đồng chính kiến như Phạm Chí Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức gần như không có “cửa” để hy vọng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và là trung tâm của làn sóng chỉ trích trong dư luận. Việc ông Bình được lên chức chứng tỏ đảng có thể đạp lên dư luận, và tới đây, những ai dẫn đầu phong trào phản đối đó có thể phải gánh chịu hậu quả. Với địa vị mới quyền lực hơn hẳn so với trước đây, ông Bình có thể bắt đầu trừng phạt những kẻ từng làm ông mất mặt.
Việc ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình được vào Bộ Chính trị có thể nâng cao đôi chút vị thế của hệ thống tòa án trong toàn bộ thể chế. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tòa án sẽ xét xử công bằng hơn, độc lập hơn nếu không muốn nói là tòa án càng ngày càng chà đạp luật pháp. Thực tế, tòa án của chính quyền CS chỉ đóng vai trò công cụ đắc lực hơn nữa cho trò chơi vương quyền và chính sách cai trị của đảng.
Đã đến thời cáo chung cho nền công lý?
Người dân ví von “công lý ở Việt Nam là diễn viên hài” để mỉa mai nền công lý nay thế này mai thế khác. Thực chất từ nhiều năm qua, để tìm kiếm công lý nơi tòa án của chính quyền CS vốn đã khó nay lại còn khó hơn. Nguyễn Hòa Bình ngồi ở ghế cao nhất của ngành tòa án trong bao năm qua thì ông đều cho thấy, ông đã quyết chà đạp luật pháp như thế nào.
Được biết, hiện nay ông Nguyễn Hòa Bình đang là đối tượng mà Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính đang giành. Tuy nhiên với con người ông Nguyễn Hòa Bình mà nắm ngành nào thì ngành đó xem thường luật pháp.
Ông Nguyễn Hòa Bình có một phẩm chất cho các lãnh đạo cao nhất của ĐCS cần, nhưng với nhân dân thì người ta rất sợ ông này. Nơi ông này làm việc thì nơi đó nhân dân bị xử ép.
Nguyễn Duy – Thoibao.de (Tổng hợp)