Báo SCMP: Việt Nam và một số nước châu Á ‘nhức đầu’ với ‘đại dịch’ karaoke

Báo South China Morning Post có bài viết về ‘hung thần karaoke’ tại Việt Nam, nói rằng nạn ca hát ồn ào, có khi còn dẫn đến bạo lực, là đại dịch đã tồn tại nhiều năm nay mà không có cách nào chấm dứt.

“Tiếng hát karaoke như một điệp khúc, lộn xộn và lặp đi lặp lại, làm đau đầu những người buộc phải nghe”, South China Morning Post viết, ví những giọng ca “bể nhà” như một đại dịch mà Việt Nam đang phải đối phó.

Tờ này dẫn lời nhiều người dân kể về “nỗi đau” mang tên karaoke. Nguyen Minh Giang, một người dân ở thành phố Saigon, nói rằng hàng xóm của mình hát nhiều đến nỗi chị biết rõ những bài tủ và loại nhạc hay hát.

 “Mỗi khi phía bên kia hát là bên này bắt đầu chửi”, chị nói và cho biết tiếng nhạc thường xuyên rất lớn khiến chị không thể nghỉ ngơi.

Tờ này cũng dẫn lại thông tin một người đàn ông ở Hà Nội bị bắt cuối năm ngoái vì dọa ném bom xăng vào nhà hàng xóm thích khoe giọng, hay một người khác ở Huế đâm hàng xóm không chịu vặn nhỏ loa khi hát karaoke.

Việt Nam hiện có mức phạt cho hành vi gây ồn từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng khoản phạt này còn thấp và không được áp dụng triệt để.

13.jpg

Hát karaoke trong một bữa ăn gia đình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam – Ảnh: AFP

Karaoke là hình thức giải trí xuất phát từ Nhật Bản vào năm 1970 và hiện phổ biến khắp toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á.

Karaoke như một cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình ở Trung Quốc, trong khi là cách để những phụ nữ lớn tuổi ở Nhật Bản giữ các mối quan hệ xã hội. Kiểu giải trí này cũng xuất hiện trong nhiều quán bar ở châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, tương tự ở Việt Nam, một số bữa tiệc karaoke cũng gây ẩu đả tại một số nước. Nhiều chính trị gia, chuyên gia, người dân tại một số nước Đông Nam Á đã kêu gọi xử lý karaoke làm ồn.

Tháng trước, giảng viên kinh tế Kelvin Seah Kah Cheng của Đại học Quốc gia Singapore đã viết bài trên Channel News Asia kêu gọi người dân vặn nhỏ loa khi hát karaoke ở nhà trong thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch bệnh.

Tại tỉnh Cavite của Philippines, thống đốc Jonvic Remulla cũng từng nói người dân nên báo với chính quyền khi hàng xóm hát ồn ào.

Vẫn còn ít các nghiên cứu về ảnh hưởng của tiếng ồn lên sức khỏe tại Việt Nam. Một khảo sát năm 2017 cho thấy có từ 10 đến 15 triệu người ở Việt Nam phải chịu đựng “hung thần karaoke”.

Cũng theo khảo sát này, tiếng ồn tại nhiều nơi thuộc 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng vượt ngưỡng an toàn 70 decibel.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về quản lý tiếng ồn, cần phải bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tiếng ồn mà không cần phải có bằng chứng khoa học cụ thể về ảnh hưởng của nó. Tiếng ồn có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng như ảnh hưởng thính lực, rối loạn giấc ngủ, gây khó chịu…

Previous
Previous

Nguyễn Hòa Bình ở nguyên vị trí, luật pháp đến hồi cáo chung

Next
Next

Xã hội Việt Nam cần tiền hơn là nhân quyền và dân chủ?