Nhà sư quốc doanh phản đối việc Nhà Nước quản hòm công đức

Thanh Trúc

Hình minh hoạ. Các nhà sư làm lễ ở chùa Tam Chúc, Hà Nam hôm 13/5/2019.  AFP

Hình minh hoạ. Các nhà sư làm lễ ở chùa Tam Chúc, Hà Nam hôm 13/5/2019.  AFP

Thượng toạ Thích Thanh Quyết, một nhà sư thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do Nhà Nước lập ra và cũng từng là một đại biểu Quốc hội, vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính phản đối Dự thảo Thông tư hướng dẫn cai quản, thu chi tài chính liên quan đến tiền công đức của các chùa trong nước.

Được biết, trước đó, tin từ Bộ Tài Chính cho hay những di tích như đền, chùa do Nhà Nước quản lý phải chịu sự điều chỉnh của thông tư trên, còn những di tích thuộc di sản thế giới tại Việt Nam, hoặc di tích thuộc sở hữu của tư nhân thì nằm ngoại lệ.

Theo ban Trị Sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, mà Thượng tọa Thích Thanh Quyết là trưởng ban, thì Luật Ngân sách của Nhà Nước không có quy định cai quản tiền công đức do cá nhân tự nguyện ủng hộ, các chùa được nhà cầm quyền xếp hạng di tích thì không đồng nghĩa với việc quốc hữu hoá di tích.

Nhưng Điều 56 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, ban hành năm 2016, lại qui định tiền công đức tại các chùa là tài sản của Giáo Hội, ở đây là Giáo Hội Phật giáo do Nhà Nước dựng nên, và sư trụ trì được uỷ quyền và toàn quyền sử dụng.

Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và Thượng tọa  Thích Thanh Quyết  nói rằng việc nhà cầm quyền yêu cầu được cai quản tiền công đức là vi phạm Hiến Pháp và Pháp Luật. 

Vào khi RFA chưa thể có được bình luận nào từ Ban Tôn Giáo Chính Phủ, người đọc báo đã thắc mắc vì sao một nhà sư quốc doanh như ông Thích Thanh Quyết, từng là đại biểu Quốc Hội khóa XIII, khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Đối Ngoại của Quốc Hội, thường ca ngợi tài lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, lại phản đối Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc cai quản tiền công đức các chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo  nằm dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền. 

13-2.jpg

Nhà sư Thích Thanh Quyết (giữa), đại biểu Quốc hội dự lễ tang Hoà thượng Thích Thanh Tứ ở chùa Quán Sứ, Hà Nội hôm 30/11/2011. Reuters

Đối với nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh, ông Thích Thanh Quyết luôn có những phát biểu gây tranh cãi nhưng đồng thời phản ánh niềm tin tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, bị suy diễn lệch lạc như thế nào:

“Theo như người ta nói trên mạng xã hội thì ông Thích Thanh Quyết này là một nhà sư do Nhà Nước đào tạo rồi phái sang bên Phật giáo quốc doanh”

“Ông Thích Thanh Quyết cũng là một đại biểu Quốc hội, trên diễn đàn nhiều câu phát biểu của ông làm dậy sóng cộng đồng mạng. Chẳng hạn như ông yêu cầu Nhà nước phải xây dựng quân đội, xây dựng vũ khí nguyên tử rồi quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn. Về những án tù oan hoặc tất cả những oan ức thì ông bảo công an như vậy là tốt lắm rồi, chỉ 0,03% hoặc 0.05%  là tốt lắm rồi, chứ Phật có đến trăm tay nghìn mắt cũng bị oan như Thị Kính, Thị Mầu”. 

Đây là lý luận của người mang danh Thượng Tọa mà trình độ kém:

“Thị Kính, Thị Mầu là câu chuyện dân gian, nó khác với giáo lý Phật giáo. Ông đã nhầm lẫn giữa cái nọ sang cái kia thì người ta mới biết đó không phải người tu hành chân chính”.

Về câu hỏi vì sao Thượng Tọa Thích Thanh Quyết bây giờ lại lên tiếng phản đối việc nhà cầm quyền đòi quản tiền công đức mà người lễ lạy cúng dường cho các chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo dưới quyền Nhà Nước, nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh, từng tiên phong tranh đấu cho tự do tôn giáo trong nước, cho rằng ông Thích Thanh Quyết không nhìn ra hoặc cố tình không hiểu bản chất vụ việc chỉ là quyền lợi mà thôi:

“Trong văn bản mới đây, ông nhân danh trưởng Ban Trị Sự của Giáo Hội Phật Giáo Quảng Ninh, đề nghị Nhà Nước không được giữ tiền công đức của các chùa quốc doanh. Vấn đề ở đây là ông lại nhầm về vai trò, nguồn gốc cũng như mục đích của Giáo Hội Phật giáo quốc doanh, của các nhà sư cũng như các chùa”

Thứ nhất những chùa mà được Nhà Nước nuôi dưỡng, đầu tư từ cái miếu nhỏ thành chùa to như chùa Bái Đính, rồi cử một ông sư được đào tạo về. Tất cả những cái đó là khoản tiền đầu tư của Nhà Nước, ngoài mục đích quản lý niềm tin, hướng dẫn niềm tin nào là xem bói, xem tướng, xem ngày, xin giờ, xin quẻ, dâng sao giải hạn như chùa Ba Vàng mà cả Thủ tướng rồi ông này ông kia đến… Thì ông Thích Thanh Quyết này không hiểu cái nguyên tắc rằng nhà đầu tư bỏ tiền, bỏ quyền lực ra đó thì phải có lãi họ mới làm. Vấn đề cuối cùng vẫn là quyền lợi”

“Ông Thích Thanh Quyết không hiểu nguyên nhân sâu xa rằng những chùa mà người ta đầu tư, những sư người ta đào tạo… là có mục đích gì. Ông cố tình không hiểu điều đấy, ông ta nhầm hoàn toàn, vấn đề ở chỗ đấy”. 

Trước khi trở thành Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh thì Thượng tọa Thích Thanh Quyết  một thời trụ trì chùa Phúc Khánh ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là ngôi chùa lọt vào tầm ngắm của báo chí với những buổi lễ dâng sao giải hạn đầu năm hay cuối năm gọi là rất hoành tráng, quy mô, với cả chục ngàn người tham dự. Theo phản ảnh của báo chí trong nước,  chùa Phúc Khánh đã thu góp được những số tiền công đức lớn từ những người đến lễ lạy.

13-3.jpg

Hình minh hoạ. Người dân đi lễ chùa ở chùa Quán Sứ, Hà Nội nhân lễ Vesak hôm 29/5/2018. Reuters

Khách quan mà nói một khi chùa là một tổ chức của Nhà nước thì yêu cầu Nhà nước không nên cai quản tiền công đức ở các chùa thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, đơn vị thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, có cái đúng và có cái không đúng, là phân tích của tiến sĩ Nguyễn Quang A:

Tổ chức hoạt động theo luật thì chuyện tài chính phải minh bạch. Tiền công đức được chi tiêu vào việc gì thì ông sư trụ trì, giống như một cán bộ của tổ chức, phải có trách nhiệm giải trình với Nhà nước, như thế mới đúng”

“Ông Thích Thanh Quyết phản đối việc Chính phủ muốn sử dụng tiền của chùa là đúng, nhưng  nếu Chính phủ bảo rằng các ông là một tổ chức Nhà nước, các ông chi tiêu thế nào, kế toán ra sao, có khúc mắc ở đấy hay không… thì Chính phủ làm đúng. Nếu ông đi kinh doanh trá hình, làm du lịch tâm linh chẳng hạn để lấy lời cho các cổ đông thì phải hạch toán kế toán như các doanh nghiệp. Nhà nước có quyền kiểm tra, sai hoặc tham nhũng thì phạt. Tôi sợ rằng việc ông Thích Thanh Quyết phản đối Nhà nước quản lý tiền công đức ở các chùa như thế là ông ta sai”.

Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không được Nhà nước công nhận, nói rằng đã là Phật giáo quốc doanh thì phải tuân theo lệnh của nhà cầm quyền chứ không có cách nào khác:

“Sự thật đối với các chùa mà Nhà nước góp phần xây lên cho lớn, rồi vị sư mà lúc đầu do Nhà nước bổ nhiệm, thì lâu dần các vị coi đó như chùa riêng của họ. Nhưng tôi nghĩ đã là Phật giáo quốc doanh rồi thì thầy Thanh Quyết không thể nào mà không chấp hành theo chỉ thị và đường lối. Không thể nào mà không tuân thủ, không chấp hành đâu”.

Trao đổi với RFA về câu chuyện liên quan, một blogger xin được dấu tên vì lý do an toàn bản thân, viết trên Blog của ông như sau:

Đằng sau chuyện hòm công đức ở các nhà chùa không đơn giản là chuyện tiền bạc. Vấn đề giới tăng lữ Phật giáo, tạm nói là có triệu chứng cấu kết với giới doanh nhân không lành mạnh và giới quan tham thì nó kinh khủng ở đất nước mình”

“Thứ nhất là về chuyện kinh tài, từ thời người ta bắt đầu chuẩn bị làm cái công trình khổng lồ ở chùa Bái Đính cách đây khoảng 15 năm. báo Tuổi Trẻ đã hé ra công trình đó, gồm khoảng 500 bức tượng Phật rất to. Trung Ương, địa phương không rõ quyết định nào, ai cho phép công ty Xuân Trường cái dụ án lớn như thế, đất cấp theo kiểu gì hoàn toàn hồi đó không rõ gì cả”

Sau này thì dần dần lộ ra nhiều công trình của bên Phật giáo mà người ta nhìn thấy đằng sau đó cái dấu hiệu tham nhũng. Nhưng mà ít ai tưởng tượng được tại sao những công trình đó càng ngày càng “thành công”- chữ “thành công” để trong ngoặc kép- tức là nó đã hốt bạc cho những người đầu tư vào đó. Khi mà báo Tuổi Trẻ đưa tin thì mình đã nghe thấy một số vị lãnh đạo thời đó lần lượt đến trồng cây lưu niệm ở công trình Bái Đính đó. Dư luận râm ran ông nào đến trồng cây có lẽ đều có đầu tư vào công trình đó”.

Tác động từ việc Nhà nước quản lý tài chính, nguồn thu của nhà chùa, blogger này viết tiếp, nếu làm tốt thì sẽ dẫn đến nguy hiểm cho những thế lực đầu tư:

Bởi nếu làm chặt thì tất cả những cái như Bái Đính, Ba Vàng, Phúc Khánh …nói thẳng là những nơi kinh doanh tâm linh, thì người ta chặn nguồn thu, người ta bóp hầu bao của những cơ sở kinh doanh tâm linh đó. Đó là cái họ rất sợ. Có thể lời phản đối của ông Thích Thanh Quyết là khúc dạo đầu, nói thay cho cái thế lực đằng sau ông”.

Nếu Nhà nước có mục đích nghiêm túc đánh vào những đầu tư ngầm có tính tham nhũng thì đó là mặt tích cực. Kiểm soát được nguồn thu nhập của các chùa lớn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam là việc cần thiết phải thực hiện, blogger này kết luận. 

Previous
Previous

Tướng Vịnh đánh bóng cá nhân để chạy tội

Next
Next

“Ổ tham nhũng, hối lộ” ngay tại Thanh tra Chính phủ