Tướng Vịnh đánh bóng cá nhân để chạy tội
Chẳng ai yêu cầu một ông tướng tình báo phải đưa “cả ổ bánh mì” lên “bàn” truyền thông. Nhưng kiểu “đánh bóng cá nhân” cũng như cách “chạy tội” cùng với các quan thầy Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu cho thấy, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hơi xem thường công luận.
“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Câu ngạn ngữ này “trúng phóc” cho loạt bài trả lời phỏng vấn của tướng 3 sao Nguyễn Chí Vịnh. Bài thứ nhất xuất hiện hôm 31/5/2021, bài thứ hai hôm 1/6/2021, cùng trên Vnexpress. Cả hai đều được khá nhiều trang mạng khác đăng lại.
Những người dàn dựng “sô diễn” này còn bố trí để phía dưới mỗi bài, nhung nhúc hàng loạt các dư luận viên từ “lữ đoàn 47” tung hô nội dung cũng như cá nhân người trả lời phỏng vấn lên tận mây xanh.
Tại sao lại hai bài liên tiếp?
Tại vì thượng tướng – cựu Tổng cục trưởng bắt đầu thấy sợ. Ông sợ cái gì? Không hẳn là sợ về hưu! Điều đó, chính quyền đã công bố cách đây mấy ngày. Vả lại, từ sau Đại hội 13 ĐCSVN, ông biết con đường quan lộ của ông đi vào ngõ cụt. Điều ông sợ nhất là, sau hàng chục năm trời “cá ăn kiến”, giờ rất có thể sẽ chuyển sang giai đoạn “kiến ăn cá”.
Tướng Vịnh khá thành công sau khi xây dựng Tổng cục Tình báo Bộ quốc phòng (Tổng cục 2/ TC2) thành một vương quốc riêng. “Con hổ” TC2 gần như làm “chúa sơn lâm” một thời, nhờ cái pháp lệnh năm 1996 của “Mạnh mượt” và cái Nghị định ông Sáu Dân bị ép ký năm 1997.
Cả hai văn bản pháp quy nói trên cho phép tướng Vịnh tha hồ tác oai tác quái. Vừa là tình báo, vừa là an ninh, TC2 trở thành “con ngáo ộp” siêu quyền lực, thọc sâu vào mọi nơi mọi lúc, khiến cho cả Bộ Chính trị lẫn Ban Bí thứ nhiều lúc cũng “nghẹt thở”.
Trải qua bao hiểm nguy thời cưỡi hổ, nay ông đang lo làm thế nào bảo toàn sinh mệnh khi rời “con hổ” hoang dã do chính bố vợ ông (tướng Vũ Chính khét tiếng), cá nhân ông và đồng bọn nuôi dưỡng bao lâu nay. Ông quyết định phải “trui rèn” mấy cái lưới sắt bảo hiểm. Một trong những cái lưới sắt ấy là phải ra một số tuyên bố mang “màu sắc chính sách” của Đảng và Nhà nước này. Có như thế, những con kiến lăm le “ăn cá” mới không giở trò.
Ông Vịnh thừa biết, thanh minh là thú tội! Cả hai bài trả lời phỏng vấn của ông, vì vậy, được chuẩn bị theo kiểu nói nước đôi, “vòng vo Tam Quốc”. Tuy nhiên, tựu chung lại có thể gom thành hai chủ đề chính là mua sắm vũ khí quốc phòng và thái độ đối với các mối quan hệ Việt – Trung từ chục năm trở lại đây. Thật ra, tướng Vịnh biết, những chủ đề này sẽ còn đeo bám ông, kể cả sau khi về đến thế giới bên kia. Nếu như đời này, kiếp này ông vẫn chưa có cách nào trả được “những món nợ thế kỷ này” cho dân tộc Việt Nam.
Đi vào một số câu chuyện cụ thể, ông Vịnh vừa “đánh bóng” cá nhân, vừa “chạy tội” cùng với các quan thầy Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu. Ông nhắc đến lần tháp tùng Lê Khả Phiêu nhân “một chuyến đi đầy khó khăn nhưng đặc biệt thành công” (trong việc cắt nhượng đất cho “bạn vàng”). Cũng vì lẽ đó, ông đành lờ tịt cáo buộc ghi trong chương 20, sách “Bên thắng cuộc” do nhà báo Huy Đức tố:
“Là một vị tướng quân đội mới bắt đầu làm chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã không tránh khỏi những ứng xử thiếu kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo cơ mưu của Bắc Kinh. Những quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ của ông đã từng bị chỉ trích cả trong nội bộ và trên dư luận, nhất là đối với những quyết định gay go để kết thúc đàm phán Hiệp định Biên giới Việt Nam – Trung Quốc”.
Còn tướng Lê Đức Anh là kẻ từng ra lệnh cho 64 chiến sĩ Gạc Ma không được nổ súng khi Trung Quốc tràn lên chiếm đảo vào năm 1988. Dư luận ở Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm cho rằng, đã có lệnh từ cấp cao, mà nhiều người cho đó là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Nhiều ý kiến nói thẳng thừng, lệnh ấy là từ đại tướng Lê Đức Anh, không cho phép các chiến sĩ được nổ súng kháng cự. Ấy vậy nhưng tướng Vịnh lại lã chã: “Trước lúc đại tướng Lê Đức Anh mất, di nguyện của ông là phải đưa bằng được họ (64 chiến sỹ Gạc Ma) về quê nhà” và đó cũng là “điều mà tôi (tức ông Vịnh) day dứt vì chưa làm được”. Thật là, thầy nào thì trò ấy khi cùng “diễn” những giọt nước mắt cá sấu!
Trở lại với vấn đề mua sắm vũ khí và luyện quân trong thời bình, dường như tướng Nguyễn Chí Vịnh đã hiểu sai (nếu như không muốn nói là cố tình xuyên tạc) câu ngạn ngữ La-tinh đầy chất minh triết: “Nếu bạn thật sự muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” (Si vis bellum para pacem). Câu của ông Vịnh trong bài trả lời phỏng vấn thì ngược lại: “Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn”.
Nói ông hiểu sai hay cố tình xuyên tạc là ở chỗ: Ngạn ngữ La-tinh là một câu kinh điển, mạnh mẽ và dứt khoát. Đó là một mệnh đề phức hợp có điều kiện. Còn câu trả lời của tướng Vịnh phản ánh một thứ chủ nghĩa chiết trung, đầy nguỵ biện. Nó không quả quyết và cũng chẳng dứt khoát. Chỉ được trưng ra như một giả định, với hai mệnh đề song song, dùng chủ nghĩa chiết trung và thuật nguỵ biện để ru ngủ quân đội lơ là phòng thủ. Làm cho quân đội mất cảnh giác bằng cách nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa đầu hàng vô lối là một cách tiếp tay cho bành trướng Bắc Kinh.
Thuật nguỵ biện ở đây là: ông Vịnh, tuy có chú ý tới những mối liên hệ khác nhau của sự vật, nhưng lại đưa cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất. “Luyện quân” mà không trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thì luyện để làm gì? “Mua vũ khí hiện đại” mà không chuẩn bị tinh thần để trút lên đầu kẻ thù thì chỉ để ngắm vũ khí chăng?
“Khỏi vòng” nhưng không thể “cong đuôi”
Từ nay là giai đoạn tướng Vịnh lo bị đàn hặc. Mới đây, có 3 sĩ quan cao cấp, gồm 1 trung tướng, 1 thiếu tướng và 1 đại tá lại có thư tố cáo Nguyễn Chí Vinh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Vì lý do an toàn cho các cá nhân tố giác tội phạm, xin phép không nêu danh tính các vị này, nhưng trong nội bộ, tất cả các cơ quan có trách nhiệm biết khá rõ sự vụ).
Việc tướng Vịnh bị điều tra vì tham nhũng, trong quân trường đã tường tận, chỉ có người ngoài cuộc thì không hiểu tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại không giao cho Quân uỷ trung ương hay cơ quan Nội chính điều tra, mà lại giao cho bên TC2. Xử lý như vậy khác nào để cho cầu thủ phạm lỗi trên sân bóng cầm còi làm trọng tài. Tiếng còi, hẳn nhiên sẽ không bao giờ được cất lên, vụ việc phải chìm xuồng cũng là tất yếu.
Tuy nhiên, ai muốn tìm hiểu các góc khuất của những tội ác và các hành tung mờ ám của tướng Vịnh và đồng bọn thì có thể tham gia vào cuộc “trò chuyện cùng đồng chí Vũ Minh Trí”, được đăng tải trên trang Boxitvn cách đây chục năm có lẻ. Chỉ cần đọc qua nội dung bài viết, chúng ta hiểu ngay được nỗi lo sợ của tướng Vịnh bắt nguồn từ đâu. Chính là từ các vụ “lại quả” khi mua vũ khí cho đến đấu đá nội bộ khốc liệt, đâu đâu cũng có bàn tay của Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Trong cả hai bài trả lời phỏng vấn, ông Vịnh phần lớn đều nói theo kiểu “mười voi không được bát nước xáo”. Cũng có lúc ông “mon men” gần đến sự thật, khi ông lăn tăn: “Nếu để mất Biển Đông thì quân đội Việt Nam, các nhà lãnh đạo sẽ có tội với đất nước và cũng sẽ không yên với dân được”. Đúng vậy! Nhưng thưa vị thượng tướng đang lo chạy tội, điều này thì chính bọn cầm quyền Bắc Kinh còn biết rõ và biết sớm hơn ông.
Hàng chục năm nay, mỗi lần xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, kể cả khi lấn sâu vào thềm lục địa (CS) và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cuối cùng Trung Quốc vẫn phải rút lui. Chủ yếu là vì, Trung Quốc đo lường được mức độ phẫn uất của con dân nước Việt, chứ không phải nhờ bộ phận quân đội do ông Vịnh quản lý “từ trên xuống dưới, đều coi Biển Đông là sống còn, chủ quyền lãnh thổ là điều tuyệt đối không bao giờ buông tay” như ông “tự sướng”.
Ông Vịnh khoe các ông bảo vệ chủ quyền??? Vậy tại sao các ông lại đàn áp dã man các cuộc biểu tình hoà bình chống Trung Quốc xâm lược. Các ông bỏ tù những người mặc áo có đề chữ “NO-U” phản đối đường 9 đoạn của Tàu cộng, các ông đàn áp khốc liệt xã hội dân sự?
Cũng may mà mấy cái đầu nóng ở Trung Nam Hải có lúc còn biết sợ. Chúng sợ con dân nước Việt “tức nước vỡ bờ”, sẽ vùng lên lật nhào cái chế độ “hèn với giặc, ác với dân” của các ông, thì chính chúng cũng sẽ trắng tay. Chúng hoàn toàn không hề sợ chút nào cái chủ trương các ông để “hải quân bám bờ”, còn đẩy “ngư dân ra bám biển”.
“Lưới trời lồng lộng” chờ đấy!
Có thể nói một cách khách quan, tướng Vịnh là người chịu trách nhiệm lớn nhất về các sai phạm của TC2. Ngoài ra, tướng Nguyễn Chí Vịnh còn lợi dụng chức quyền và tính chất đặc thù của hoạt động tình báo để nhập nhèm trong chi tiêu ngân sách.
Tướng Vịnh và gia tộc đã kịp tích luỹ được nhiều những tài sản kếch sù. Một mình ông Vịnh chiếm dụng tới 7 ngôi nhà (đã bán 2) còn 5 : Biệt thự Cống Chèm, nhà 27 Nam Tràng – Trúc Bạch, nhà 25 Nguyễn Khắc Hiếu – Trúc Bạch, Nhà 1AC16 Mỹ Đình I, căn hộ The Garden Hà Nội, 300m2 đất hồ sen Nhật Lân, 2ha đất Làng Hòa Lạc, 7000m2 đất ở Viên Chăn Lào (Mua 2,1 triệu USD bán 3,7 triệu, 3000m2 đất Viên Chăn (Mua 500.000 USD bán 1,5 triệu).
Nhưng tướng Vịnh và những người trong cuộc biết rất rõ, các tài sản “nổi” nói trên chẳng thấm tháp vào đâu so với phần cổ đông “chìm” của ông và em gái là bà Nguyễn Thanh Hà, một trong những thành viên sáng lập và được bầu làm Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vietjet từ năm 2007. Từ một “mama tổng quản” phụ trách các cô gái tiếp viên hàng không, nhờ vào “tài bao sân” của em trai (tức tướng Nguyễn Chí Vịnh) và đức lang quân vốn là Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, cổ đông của chị em Thanh Hà – Chí Vịnh còn lớn hơn cả cổ đông của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Câu chuyện cách đây hơn 10 năm của 38 sĩ quan cao cấp và cán bộ lão thành đã ký chung một tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam, phản đối việc tước quân hàm sĩ quan của trung tá Vũ Minh Trí và khai trừ ông khỏi hàng ngũ ĐCSVN hoá ra vẫn không cũ. Trung tá Vũ Minh Trí, từng là người đã tố cáo những sai phạm của Nguyễn Chí Vịnh, hồi bấy giờ mới chỉ là trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng với đồng bọn, trong nhiều năm đã làm mưa làm gió tại TC2. Những việc làm sai trái của Vịnh cũng bị chính đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh tố cáo từ lâu.
Trước thời gian ấy, ngày 10/6/2009, trong thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đại tướng cũng chỉ rõ: “Qua thư của đồng chí Vũ Minh Trí, tôi thấy đây là sự tố cáo của một cán bộ, một đảng viên có trình độ và có trách nhiệm cao, dũng cảm, dám tố cáo những hành động mà mình cho là sai trái đang gây nguy hại đến Đảng, đến Quân đội. Đây là sự tố cáo theo đúng điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước của một cán bộ, đảng viên đương chức, của người trong cuộc, không phải là một thư nặc danh, thư của người ngoài cuộc. Nếu đúng như đơn tố cáo thì đây là một tình hình cực kỳ nghiêm trọng”.
Kể cả muốn đánh bóng một đôi giày, thì ít ra, đôi giày ấy phải được đóng từ da tốt, đánh bằng xi tốt. Một đôi giày da tồi, xi rởm thì đánh mấy cũng thế thôi! Tướng Nguyễn Chí Vịnh có thể xây cả lăng tẩm lẫn viện bảo tàng cho cá nhân hay gia tộc, nếu muốn. (Nghe đồn ông đang thuê người quản lý trông coi tốn hàng mấy chục triệu một tháng). Nhưng ông chớ nên quên câu đồng giao khắp chốn cùng quê hiện nay: “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”.
Trong lịch sử, triều đại nào càng nhiều lăng tẩm, càng chóng lụi tàn. Đấy là bàn về chế độ, còn gia tộc ông chỉ là “muỗi” so với quốc gia – dân tộc này, thưa thượng tướng!
Trần Khát Chân