Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao 'hạ cánh an toàn'?

Nhiều lãnh đạo cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, dường như được Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép "hạ cánh an toàn" bằng cách chủ động xin thôi chức khi mắc sai phạm. Từ khi có Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những thay đổi trong việc kỷ luật cán bộ cấp cao. Quy định 41 do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 3/11/2021.

Có một chi tiết đáng lưu ý: Ông Thưởng là người đã ký Quy định 41 (thay mặt Bộ Chính Trị) vào ngày 3/11/2021, thì 2 năm 5 tháng sau (ngày 20/3/2024), chính ông đã mất chức bởi quy định này.

Ngoài ông Thưởng, ba ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 cùng một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 13 đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị bởi Quy định 41.

Từ khi có Quy định 41, không ít Đảng viên cấp cao khi mắc sai phạm đã có đơn "xin thôi" và được "Đảng đồng ý".Đây là điểm thay đổi quan trọng trong cách thức xử lý các cán bộ, quan chức bị coi là đã "nhúng chàm".

Quy trình "xin thôi" hay còn gọi là "hạ cánh an toàn" này giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng và giúp các đảng viên cấp cao mắc sai phạm thoát khỏi khả năng bị truy tố hình sự.

Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Ông Phúc, ông Minh và ông Đam có lẽ là những lãnh đạo cấp cao đầu tiên được áp dụng quy trình “xin thôi”.

Từ trái qua: Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được coi là những lãnh đạo đầu tiên được Đảng cho "hạ cánh an toàn"

Đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh cũng phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính". Theo thông báo chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi".

Trường hợp mới nhất gây nên một trận "địa chấn chính trị" là việc ông Võ Văn Thưởng "xin thôi" các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Và bây giờ thêm Vương Đình Huệ. Như vậy, hiện Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 13 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.

Bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 được áp dụng quy trình "xin thôi" là Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh. Quy trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là "một điểm mới", với việc Đảng khuyến khích cán bộ, kể cả cấp cao, xin thôi chức: "Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

"Rút lui trong danh dự" ở đây có thể hiểu rằng các quan chức này vẫn được hưởng các quyền lợi theo cấp bậc của một cựu cán bộ lãnh đạo và quan trọng là không bị xử lý hình sự. Trước khi có Quy định 41 thì ba ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 đã chịu kỷ luật Đảng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Bình và ông Hoàng Trung Hải bị Đảng kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Nặng nhất là ông Đinh La Thăng, bị khai trừ khỏi Đảng. Ông Thăng sau đó trở thành đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bị truy tố hình sự và lãnh án 30 năm tù.

Previous
Previous

Tổng Trọng sắp hết thời, ngôi sao mới xuất hiện

Next
Next

Vì sao chúng tôi thành lập dự án Bảo tàng Di sản Việt Nam Cộng Hòa?