Vì sao chúng tôi thành lập dự án Bảo tàng Di sản Việt Nam Cộng Hòa?
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
“Khi nghĩ tới bảo tàng, mọi người thường nghĩ tới những tòa nhà rất lớn, những góc trưng bày cũng rất lớn có ánh sáng, có người hướng dẫn rất đầy đủ, chúng tôi hoàn toàn không có những thứ đó, nhưng lại có một thứ khác giúp khởi đầu,” một luật gia, nhà hoạt động và nhà báo, và đồng thời là nhà sưu tập di sản Việt Nam Cộng Hòa từ hải ngoại nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975 được đánh dấu và tưởng niệm.
“Dự án Bảo tàng di sản Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi không phải khởi đầu với một triệu Mỹ kim hay là với mười triệu Mỹ kim hay bởi một tòa nhà hoành tráng nào cả, mà nó khởi đầu chính bằng vài trăm cuốn sách thời Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi sưu tập được và nó khởi đầu chỉ bằng vài ngàn đô-la, mà một vài người bạn trong nhóm của Luật Khoa Tạp Chí của chúng tôi và một số Mạnh Thường Quân, cùng một số anh chị ở hải ngoại đóng góp, để chúng tôi có thể mua được những cuốn sách này, và đấy là khởi đầu của chúng tôi,” luật gia Trịnh Hữu Long, đồng Sáng lập viên, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí và người sáng lập một phông lưu trữ hay một thư viện sách thời Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại, nói với RFA Tiếng Việt hôm 27/4/2023.
“Thư viện sách Việt Nam Cộng Hòa này của chúng tôi đang đặt tại trụ sở của Luật Khoa Tạp Chí tại Đài Bắc, Đài Loan và thư viện này nằm trong khuôn viên của Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan, một trong những trường có thể nói là hàng đầu về chính trị học ở Đài Loan.”
Về dự án thành lập Bảo tàng di sản Việt Nam Cộng Hòa, mà khởi đầu bằng thư viện trên, ông Trịnh Hữu Long chia sẻ:
“Chúng tôi đã làm việc với Đại học này để họ có thể trợ giúp chúng tôi về kỹ thuật, về cơ sở hạ tầng, về cách bảo quản sách, về cách quản lý một thư viện, và đó là khởi đầu.”
Khi được hỏi dự án Bảo tàng sẽ quan tâm thu thập và trưng bày những hiện vật nào, ông Trịnh Hữu Long nói:
“Chúng tôi nhắm tới một số hiện vật, hiện nay chúng tôi ưu tiên những hiện vật có thể tái hiện nền chính trị và pháp lý của Việt Nam Cộng Hòa và một điều nữa là chúng tôi muốn thu thập những hiện vật về thuyền nhân Việt Nam.
Thuyền nhân Việt Nam là một chương sử gắn với Việt Nam Cộng Hòa và là một chương sử rất đau thương, chúng tôi muốn thu thập những hiện vật liên quan đến vấn đề này để giúp công chúng có thể nắm được một thảm kịch rất gần với chúng ta ngày nay.
Về Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi mong muốn thu thập và trưng bày một số hiện vật chẳng hạn như một số lá cờ, những đồng tiền, các hiện vật tái hiện khung cảnh, cũng như cách thức hoạt động của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, từ cơ quan lập pháp, tư pháp, cho đến hành pháp, trong đó có những hiện vật gì, hình ảnh gì, chúng tôi rất muốn thu thập được những thứ như thế.
Chúng tôi cũng mong muốn thu thập và trưng bày những hiện vật liên quan Chiến tranh Việt Nam, những ‘tàn tích’ mà có thể là một số loại vũ khí mà một số nơi vẫn còn lưu giữ được, tuy đó chưa phải là trọng tâm mà chúng tôi ưu tiên, so với điều mà chúng tôi đang mong muốn tìm hiểu là cách thức vận hành của nền chính trị và pháp lý của Việt Nam Cộng Hòa, và tất cả những gì có thể giúp chúng ta hình dung được về khung cảnh chính trị, về cách thức nền pháp lý vận hành, chúng tôi mong muốn có được những hiện vật đó.
Với những ai đang lưu trữ những hình ảnh, những tư liệu về thời kỳ đó, có thể liên lạc với chúng tôi, để chúng tôi tư vấn cách gửi cho chúng tôi tới văn phòng của chúng tôi ở Đài Bắc, mà địa chỉ chúng tôi cũng đã có để ở trên Website rồi, tuy nhiên với những ai muốn gửi cho chúng tôi những tư liệu, hiện vật đó, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cách gửi.
Nó sẽ tốn một ít thời gian, một ít kinh phí và với một số hiện vật dễ vỡ chẳng hạn, sẽ cần một số cách thức đóng gói, vận chuyển sao đó cho được cẩn thận, và đó là một số phương cách rất đơn giản mà chúng tôi hiện đang nghĩ tới.”