Sư Việt Nam kêu gọi tụng kinh và tạo vaccine chống Covid

Trả lời một báo Việt Nam nhân dịp lễ hội chùa Hương năm nay không mở, vị trụ trì ở ngôi chùa nổi tiếng này kêu gọi cùng tụng kinh và tạo 'vũ khí chống Covid'.

Thượng tọa Thích Minh Hiền trong bài trả lời phỏng vấn hôm 17/02/2021 trên trang Soha.vn cho hay năm nay chùa Hương không khai hội nhưng thì nhà chùa vẫn khai Kinh, rồi tế khai Sơn.

“Cửa chùa vẫn mở chỉ có điều không thể cho người ngoài vào. Đúng nghĩa là nội bất xuất ngoại bất nhập,” theo nhà báo Thanh An nêu ra trong bài viết.

Du lịch tâm linh VN: có không ý thức vì môi trường?

Sư Thích Minh Hiền nói ông “mong muốn các Phật tử gần xa hãy nhất tâm cùng tụng kinh Dược sư, cầu an cho đất nước, nhân loại sớm đẩy lùi dịch Covid-19”.

“Thực tế nhà chùa đã phát cho các Phật tử bộ kinh Dược sư từ mấy năm nay rồi. Từ bộ kinh ấy, mọi người, mọi nhà có thể theo nghi thức tụng niệm của Phật giáo để tụng kinh và trì chú Dược sư nhằm đẩy lùi tật ách.”

Cùng lúc, nhà sư mong muốn Việt Nam và nhân loại “có vaccine chống virus càng sớm càng tốt.”

“Phòng bệnh - chúng ta làm nhiều rồi. Cả năm vừa qua loài người đã chuyển trạng thái từ chỗ bất ngờ, nghi ngờ đến phòng tránh bệnh dịch này nhiều rồi.”

Đây cũng là quan điểm ngày càng phổ biến ở Anh Quốc và nhiều nước châu Âu khi họ thúc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng đại trà thay cho việc cố hết sức để khoanh vùng, chặn các ổ dịch, điều ngày càng bất khả thi.

Sự lên tiếng của giới đạo giáo khuyến khích tiêm chủng chống Covid là điều được nhiều nước châu Âu khuyến khích.

Covid-19: Các biến thể mới có 'qua mặt' được vaccine?

Tại Anh, một số người dân gốc Hồi giáo và Ấn giáo từ chối tiêm vaccine với lý do họ cho là vaccine hoặc có chứa tế bào của động vật như heo, hoặc bò mà tôn giáo của họ ngăn cấm.

Điều này khiến chính phủ Anh phải mời các nhân vật tôn giáo hoặc quyền cao chức trọng từ hai cộng đồng đó lên tiếng kêu gọi, xóa đi nghi ngờ của dân.

Ở Việt Nam, sư Thích Minh Hiền nêu quan điểm:

“Cứ phòng mãi, cách ly mãi mà không có biện pháp hiệu quả hơn thì bà con đang lo lắng đây. Người dân ai cũng phải sống, phải học hành, phải làm việc, phải thực hiện tất cả các hoạt động xã hội bình thường. Chúng ta đâu thể trốn tránh, hay cách ly mãi được.”

Vaccine đã đến đâu?

Hiện chính phủ Việt Nam nói họ sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc nhập khẩu vaccine, có thể sẽ chỉ định thầu theo điều 26 Luật đấu thầu, theo lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu gần đây. Đồng thời, Việt Nam nói cũng sẽ chế tạo vaccine nhưng gần đây không thấy tiết lộ chi tiết về sự tiến triển của công tác này.

Theo Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho BBC biết thì vaccine Oxford/AstraZeneca đã được Bộ Y tế VN phê chuẩn để nhập về trong Quý I năm nay.

Truyền thông Việt Nam đưa tin lô vaccine Oxford/AstraZeneca đầu tiên gồm 204.000 liều sẽ về đến Việt Nam ngày 23/2 tới.

COVAX, một cơ chế toàn cầu đảm bảo các nước được tiếp cận vaccine công bằng, sẽ viện trợ cho Việt Nam giai đoạn đầu 4,8 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca. Việt Nam cũng đã đặt mua thêm 30 triệu liều vaccine này.

Giá vaccine trên thế giới hiện rất khác nhau.

Một bài trên BBC News tháng 11/2020 cho hay vaccine Oxford/AstraZeneca có giá chỉ 4 USD, rẻ hơn vaccine Pfizer (20 USD) hay Moderna (33 USD).

Vaccine Novavax sắp đưa vào sử dụng có giá khoảng 17 USD, còn Johnson&Johnson giá 10 USD.

Bảng giá này chỉ là giá chào hàng do các công ty bào chế nêu ra, còn giá tiêm tại chỗ có khi cao hơn, vì phải cộng chi phí phân phối, hoặc thấp hơn nếu chiến dịch tiêm chủng được tài trợ.

Ví dụ giá tiêm một liều vaccine Trung Cộng tại Bắc Kinh tháng 1 vừa qua là 60 USD nhưng vaccine Trung Cộng mà Indonesia nhập về sẽ chỉ còn giá 200 ngàn rupia (13,6 USD) cho dân địa phương, theo BBC News.

Previous
Previous

Vì sao Nguyễn Phú Trọng muốn loại Tướng Lương Cường bằng cách “vừa đấm vừa xoa”?

Next
Next

Nguyễn Phú Trọng lo bị “gãy“ giữa nhiệm kỳ?